THIÊN NHẤT PHƯƠNG - Hương Từ Mẫu Trong Thơ Du Tử Lê

09 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 12862)
THIÊN NHẤT PHƯƠNG - Hương Từ Mẫu Trong Thơ Du Tử Lê

 

Lòng mẹ bao la thương yêu con cái đã được đề cao,nhắc nhở rất nhiều qua văn chương, ca dao, tục ngữ, và thi ca trong kho tàng văn chương Việt Nam từ ngàn xưa cho tới nay. Ai trong chúng ta không thuộc lòng mấy câu ca dao bình dị sau đây:

  Công cha như núi Thái sơn
 Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Những bài hát ca tụng tình mẫu tử như "Lòng Mẹ" của Y Vân, bài "Mẹ Tôi" của Nhị Hà, mỗi lần rung lên trong cung đàn điệu nhạc lại gợi lên trong lòng mỗi chúng ta những tình cảm sâu đậm của tình mẫu tử.

me-dtl_1985-content-content

Nhân mùa Vu lan, chúng ta hãy cùng đọc, cùng tìm hiểu tình mẫu tử, hay đúng hơn, hương từ mẫu trong thơ văn Du Tử Lê. Hương từ mẫu bàng bạc thể hiện trong thơ văn Du Tử Lê, khi đậm niềm từ ái bao dung, khi nặng nỗi hy sinh của người hiền mẫu nuôi con trong cơn binh lửa lao đao, khi ai oán tha thiết như sự bất lực của con người trước lẽ tử sinh .

Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài này, tôi xin trình bày sự hiện hữu cũng như ảnh hưởng của hương từ mẫu, thứ nhất, trong văn chương Du Tử Lê, và, thứ hai, trong triết lý nhân sinh tiềm ẩn, bàng bạc trong các tập tùy bút và thi ca của tác giả họ Lê.

Trong văn chương Du Tử Lê, tôi muốn đề cập tới hai thành phần quan trọng: thơ và tùy bút. Tuy hai phần được thể hiện tách rời, nhưng cũng lại hòa nhập với nhau kết thành tính cách nhất thể của con người Du Tử Lê. Hai phần thơ và tùy bút quấn quít, trộn lẫn, hỗ tương nhau để diễn tả một cách tuyệt vời hương từ mẫu trong cõi văn chương Du Tử Lê.

Nói về thơ, thì trong "Trường Khúc Mẹ Về Biển Đông", chúng ta đã thấy 85 năm tình mẫu tử miệt mài trải khắp những địa danh Hà Nội, Phủ Lý, Hải Phòng, Đà Nẵng... nơi họ Lê đã sinh sống từ thưở ấu thơ đến khi trưởng thành; những nỗi lầm than, u ám của tuổi thơ chạy giặc; những bước chân ngược xuôi, bịn rịn của bà mẹ trong cuộc mưu sinh vất vả nuôi đàn con dại:

  mẹ tôi bưng mặt
 khấn nguyện vong linh thầy tôi
 phù hộ cho bà sống
 để trở về
 nuôi lấy những đứa con côi cút
 những đứa con không cha
 những đứa con mất anh, mất chị.

Trong Khúc Thứ Hai của trường khúc này đã kết thúc bằng những tiếng khóc câm nín trong tim:

  tôi mím môi me ơi,
 tôi mím môi me. me. me. me. me.

Cái chết của từ mẫu cũng chính là biểu tượng cho những cái chết Việt Nam, là tiếng kêu ai oán của những thân xác ly hương nằm trong:

 ...

  những ngôi mộ ở bên ngoài đất nước
 ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam
 không ai gọi, không ai còn nhắc nữa
 dúm xương xưa tanh lợm biết đâu nguồn.

 ...

Cái chết đã nung nấu ám ảnh Du Tử Lê, ngay từ khi rời khỏi đất nước để bắt đầu cuộc sống tha hương vô định. Trong bài thơ rất nổi tiếng "Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển", Du Tử Lê đã mong thực hiện giấc mơ hồi hương sau khi cánh cửa nhân sinh khép lại:

 ...

  khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển
 nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
 bên kia biển là quê hương tôi đó
 rặng tre xưa muôn thưở vẫn xanh rì.

Cái chết của từ mẫu đã tạo nên một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng cho Du Tử Lê. Khi chiếc nôi ấu thơ đã mất, cửa về nguồn khép kín vì chính trị thời cuộc, hiện tại thì như tê liệt, còn tương lai mịt mù như bóng tối, sự hiện hữu của thánh nữ cũng như bồ tát đã lấp đầy phần nào khoảng trống trong tim để giúp Du Tử Lê tìm lại được thế quân bình trong cuộc sống. Bởi thánh nữ chính là hiện thân của từ mẫu, là nguồn an ủi vô biên :

  ôi thánh nữ đi bên lề nắng, gió
 đã chẳng cùng thôi, hỏi tới nhau chi
 ta đọa lạc ngay phút vừa mở mắt

  em có là từ mẫu của riêng ta?

 (Tác Giả và TP 3, tr.118)

Thánh nữ còn được tôn vinh là em vô nhiễm, là nguồn ân sủng Thiên Chúa, là nguồn sữa ngọc giúp kẻ trở lại đạo Du Tử Lê tìm lại được nguồn an ủi trong bóng mẹ hiền, như đã được cực tả trong bài thơ, "Hồn ẩn mật đã gửi người trước đó," và linh mục Nguyễn Huy Tưởng đã phổ thành nhạc bài thơ này, được đăng trong TGTP, tập 3)

 ....

  em vô nhiễm, phù sa bồi cát lạnh
 xót đau nhau sau từng phút chia, lìa
 tôi tìm về nôi mẹ, ấu thơ kia
 trong ngàn dậm vẫn mùi khăn áo, cũ...

Hình ảnh từ mẫu còn được gợi lên qua bóng dáng của người nữ mang tên tượng trưng Bồ tát - phó bản của từ mẫu - mà những khi buồn khổ nhà thơ thường quay về để ru hồn trong câm nín khóc than :

 ...

  nửa đêm nhớ mẹ tôi thường khóc
 xin tụng dùm nhau kinh vãn sinh

 ...

  thương người chưa dứt vòng oan nghiệt
 nửa kiếp luân hồi đã mấy phen!

 (Trích trong bài Sơn Tự Thi, TGTP, trang 280)

Nếu ta có thể cảm thấy hương từ mẫu được Du Tử Lê diễn tả trong thơ xúc tích bao nhiêu, thì nơi tùy bút được nới lỏng, cuồn cuộn cuốn đi, chảy băng băng, tựa như những cơn mưa lũ trên cái mênh mông của sông Đáy, sông Hồng ôm trọn tuổi thơ của tác giả. Ngay cả khi ân ái với một người nữ, sự tiếp xúc cơ thể cũng làm nhà thơ nghĩ tới từ mẫu:

"...Mùi hơi quen thuộc, làn da mịn , hâm hấp nóng. Tôi nhớ mẹ tôi. Tôi nhớ bà cụ. Nhớ ấu thơ, xưa. Nhím nghịch những sợi tóc tôi. Những ngón tay rất từ mẫu. Nhím mắng, "Hư lắm. Cu con."

(Em Và, Mẹ Và, Tôi Là Một Nhé, tr. 57.)

Trong bài "Ai Di Truyền Gene Nhớ Ấy Cho Ta" họ Lê đã đắm mình trong mùi hương của Phấn để gặp lại đôi mắt hiền từ bao dung che chở của mẹ, đôi mắt lấp lánh niềm vui bên những muộn phiền:

"Tôi thấy tôi đuối dần.....Ở ngôi nhà này, tôi gặp lại đôi mắt hiền từ /bao dung /che chở của mẹ tôi (đôi mắt lấp lánh bao niềm vui,) cùng lúc, (cũng biết bao) muộn phiền. Những muộn phiền tiêu trầm kinh ngạc, gập ghềnh xót xa..."

Dù đã trưởng thành, nhưng những bảo bọc ấu thơ vẫn là nguồn an ủi cho một Du Tử Lê đam mê, xơ xác giữa cuộc đời: họ Lê nhớ đến những lúc được xà vào lòng mẹ thân yêu, được bà âu yếm vuốt ve , được nâng giấc khi ốm đau, được an ủi khi buồn khổ:

"Tôi thấy tôi a vào lòng bà. Đôi tay bà mở rộng (luôn luôn đôi tay bà mở rộng,) chờ đón tôi. Tuồng chẳng bao giờ bà biết quay lưng xua đuổi.

"Tôi cảm được vòng tay thương yêu của mẹ tôi, đang bao phủ, gìn giữ, che chở tôi trong hương vị ngọt ngào của rất nhiều trái chín.

"Tôi cảm được hơi ấm của những dòng nước biển tắm gội tôi, rửa sạch tôi: những giọt lệ nóng, lăn đi từ đôi mắt mẹ tôi, trên cao. Tôi cảm được tiếng thở ra rất nhẹ: tiếng thở dài bị nén xuống. Lời ca cẩm bị giữ lại hay, đã nuốt đi của bà. Tôi cảm được những ngón tay thương yêu của mẹ tôi, đặt lên trán tôi. Hơi mát từ những ngón tay ướt, tươm tình mẫu tử."

Và những bát cháo hoa, miến gà đơn sơ nhưng nung nấu tình mẫu tử:

"Tôi nghe được từ đâu đó, (tiếng vọng của quá khứ?) tiếng chân mẹ tôi xuống bếp. Có dễ bà muốn chuẩn bị cho tôi một bát cháo hoa hay một bát miến gà, (như thói quen mấy chục năm trời, mỗi khi bà cảm tưởng đứa con trai thương yêu của bà bị cảm sốt.)"

Hình ảnh từ mẫu mà Du Tử Lê ghi nhận suốt từ thuở ấu thơ đã trở thành nguồn ký ức sôi động nhất, phong phú nhất trong cuộc đời Du Tử Lê. Hình ảnh này là nỗi bám, nỗi nhớ không rời, suốt từ khi họ Lê có ý thức về người nữ cho đến khi chung sống với những người nữ sau này. Đặc biệt là những mùa mưa, những con sông, những mùi hương kỷ niệm, trộn lẫn nhau tạo thành những đam mê cuồng nộ, chảy dồn xiết trong tâm thể, trong những khi giao thể của hai kẻ yêu nhau, như những dòng sông lúc nào cũng cần nước lớn để có đủ sức trở về nguồn:

Trong tùy bút "Đường ngôi không tiếng gọi", (Chỗ Một Đời Em Vẫn Để, Dành) Du Tử Lê cho chúng ta thấy hình ảnh người nữ đầu tiên:

"Phải, suốt một thơ ấu hiu quạnh, hình ảnh mẹ tôi mỗi sớm mai, đứng trên thềm, với chiếc lược sừng, chải mái tóc dài (hơn chiều cao của bà) xuống bậc tam cấp, như vuốt ve (sắp xếp) một dòng suối, một hàng mưa, là ghi nhận (phân biệt) đầu tiên tôi có được về người nữ......" trang 108.

Trong tùy bút "Những ngày mưa của mẹ" (trong tập Em Và, Mẹ Và, Tôi Là Một Nhé,) Du Tử Lê cho ta thấy ảnh hưởng của mưa đối với ký ức của tác giả, lúc cuối đời:

"Ở đâu, mưa cũng khuấy động ký ức tôi. Những khuấy động nhọn, sâu vùng tàn tro, tưởng vĩnh viễn chôn vùi, chừng hằng hằng, im ắng. Ở đâu, mưa cũng thức dậy nơi tôi, những hình ảnh ngỡ có thể sờ mó / ôm ấp, ghì xiết. Hình ảnh mẹ tôi. Hình ảnh khởi nguồn ký ức tôi. Nơi tôi, cuối đời, bên hình ảnh mẹ, là em..." trang 72

Trong tùy bút "Tôi/ Vó Câu Buồn/Sâu/Sớm Mai" cho ta thấy họ Lê của hiện tại đã thành Du Tử Lê quá khứ, thấy mình được mẹ quấn lên đầu những mảnh khăn tang bố, khăn tang anh; cho ta thấy Du Tử Lê đã trở về những sớm mai không có bình minh, không tiếng chim chào đón ánh sáng chan hòa, mà chỉ có những nỗi sợ hãi trẻ thơ trước những biến cố kinh hoàng, hốt hoảng, cô đơn:

 em đi để lại hồn thơ dại
 tôi/ vó câu buồn /sâu/ sớm mai

Thơ và tùy bút của Du Tử Lê, nói tóm lại, hai thể cách của văn chương, đã quấn quít, nhào trộn, hỗ trợ cho nhau để tạo ra những hình ảnh trìu mến, những xúc động xâu xa về từ mẫu.

Cái chết của từ mẫu đã là một cơ hội khiến Du Tử Lê bùi ngùi suy ngẫm về lẽ tử sinh.

Họ Lê đã tự hỏi không hiểu những nhân vật trong chuyện chưởng Kim Dung có sẽ chết không như mẹ ông đã chết:

  "tôi tự hỏi, cuối cùng liệu họ có chết?
 "như mẹ tôi, dù gần một thế kỷ
 "cuối cùng, cũng chết
 "chưa bao giờ tôi thấy, tại sao kiếp người lại có thể vô nghĩa đến như thế!"

Họ Lê băn khoăn, giận hờn trước nỗi bất lực của văn chương thơ phú, của con người không có khả năng lựa chọn sự sống cũng như cái chết của mình:

  "chửi thề tôi: sống mãi như cỏ cây
 "chửi thề tôi: văn chương bất lực
 "(văn chương chỉ có thể làm chảy nước mắt người sống
 "văn chương chẳng bao giờ thức dậy nổi người chết.) "

Du Tử Lê loay hoay với những câu hỏi, những câu hỏi về "tương lai" của những người chết, về sự hiện hữu của linh hồn sau khi rời khỏi xác thân phàm tục. Bên kia cửa tử, liệu mẹ chàng sẽ xuống âm ti chờ Diêm Vương luận tội hay sẽ lên Niết Bàn:

  "cháu tôi bảo cách gì mẹ tôi cũng phải xuống âm ti
 "cho Diêm Vương luận tội
 "một người đàn bà suốt đời chỉ thờ chồng, nuôi con
 "miếng ngon không ăn
 "vải đẹp không mặc
 "mà vẫn phải xuống âm ti cho quỷ thần tra khảo (?)"

Du Tử Lê suy luận về cái không gian ngoài cõi sống: Liệu mẹ có bay về Việt Nam để gặp cha, gặp anh của Du Tử Lê hoặc những linh hồn từ VN có qua tới Mỹ để đón bà:

 "Tôi tự hỏi anh Uyển, chị Trang hay Thầy tôi ở Việt Nam có qua đón lấy linh hồn bà?"

Du Tử Lê thương mẹ phải chịu cô đơn không những trong suốt đời góa bụa mà ngay trong cả lúc lìa đời:

  "Tội nghiệp mẹ tôi, tới lúc chết vẫn còn phải nằm lại một mình
 "vĩnh viễn một mình!"

Ngoài sự băn khoăn về lẽ tử sinh, văn chương họ Lê còn đề cập đến đạo giáo tiềm ẩn trong hương từ mẫu.

Tính cách thánh thiện của bà từ mẫu đã ảnh hưởng đến những cuộc tình đã qua trong đời Du Tử Lê.

Hai mối tình rất "đạo" như Lê Vương Ngọc đã nói trong bài "Đời Tình Du Tử Lê", (trang 242, Tác Giả và Tác Phẩm, tập II,) được ướp hương từ mẫu, được khai triển và đánh dấu những đam mê của chàng trai đa tình họ Lê.

Hai người nữ, hai bộ mặt của hai tôn giáo lớn, đã trở thành nguồn cứu rỗi, giải thóat cho một Du Tử Lê đam mê. Một người nữ nghệ sĩ, mà chàng gọi là Bồ Tát, đã có đủ uy lực khơi lên trong chàng sự tìm tòi khám phá lẽ đạo nhiệm mầu của nhà Phật:

  "Cảm ơn huệ nhãn em khai mở
 "Tiền kiếp xưa mình đã có nhau"

Hoặc: 

  "Bồ Tát! Lòng khuya lá gọi cây
 "con đường trí nhớ đầy heo may
 "cánh chim nghi hoặc rừng oan khổ
 "tôi sẽ trường trai nhận lạy này."

 (trang 246 TGTP,tập 2)

Ngoài đạo Phật, một đối cực khác cũng giằng co đức tin của Du Tử Lê. Du Tử Lê đã bấu víu, đã đam mê một người nữ khác, một thánh nữ rất tinh khiết, rất ngây thơ, có hai chữ đầu của tên là TN, theo Lê Vương Ngọc, như đã dẫn.

Tiếc thay, căn bệnh nan y đã khiến cuộc tình bị chia tan:

  "mưa gió đã vùi chôn hồn thánh nữ
 "có điều gì như thể sắp chia tan."

Những dập vùi đau đớn mà Thánh Nữ của chàng phải chịu, sự giày vò dai dẳng trong tình yêu đã đưa họ Lê tiến sâu vào cõi đạo của Thiên Chúa Giáo:

  "chiều rửa tội trong mắt người cứu rỗi
 "nhận hay xua? tôi cũng đã tân tòng."

Chàng đã van xin Chúa cho chàng chia xẻ chén đắng của nhân thế với người yêu:

  "tôi xin nhận lãnh từ tay Chúa
 "chén đắng trần gian hộ một người."

Tựu chung, dù đắm chìm trong cuộc tình nào, cái hương từ mẫu vẫn quẩn quanh, thôi thúc và hướng dẫn Du Tử Lê:

  "buổi sáng thở cùng tôi hơi hướm mẹ
 "thở cùng tôi mùi áo cũ xa xôi.
 "em và, mẹ và, tôi là...một nhé...

Ngay cả trong cuộc gặp gỡ với Trạc ở vùng An Cựu, khi ngắm nhìn Trạc chải mái tóc 21, 22 , hình ảnh bà mẹ hiền cũng thấp thoáng đâu đây như họ Lê đã viết trong bài tùy bút "Đường ngôi không tiếng gọi" (Sđd, trang 115):

"Phải, suốt một thời ấu thơ hiu quạnh, hình ảnh mẹ tôi đứng trên bậc thềm, với chiếc lược sừng, chải mái tóc dài (hơn chiều cao của bà,)xuống bậc tam ấp, như vuốt ve, (sắp xếp,) một con suối, một hàng mưa, là ghi nhận (phân biệt) đầu tiên tôi có được về người nữ; nên, tôi yêu / thích biết bao, ngắm nhìn Trạc chải tóc?"

Ký ức về mẹ và em đã lẫn lộn, cái chia lìa của người này chính là cái trở lại của người kia:

  "những đôi nhiễm thể trong tâm mẹ
 "tìm thấy nơi em: tượng rất buồn."

 (Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, trang 134.)

Hay câu sau đây:

 "rừng tôi kín rợp em: bồ tát
 "nẻ mộ tôi ra: mẹ trở vào."

 (Sđd, trang 132.)

Du Tử Lê đã tìm tình yêu nhân thế trong tình mẫu tử, và ngược lại, đã khám phá được hương từ mẫu trong những mối tình tạm bợ hay chung thủy với những người nữ chàng đã gặp:

  "sông đôi lúc gọi tôi về ấm áp
 "dòng tóc nào chung thủy một mùi hương
 "thuở bé dại ghim mối tình gởi me
 "ngắm nhìn cha như một vết thương."

 (Sđd, trang 109.)

Hương từ mẫu đã bàng bạc, đã thấp thoáng rất nhiệm màu trong nhiều tác phẩm của Du Tử Lê. Ngoài bài khóc mẹ với 4 khúc dằn vặt, thương tiếc não lòng, hương từ mẫu còn vấn vương trong các bài thơ, bài viết khác.

Nói tóm lại, hương từ mẫu trong văn chương Du Tử Lê là tình yêu trai gái, là tình yêu nhân thế, là nỗi nhớ quê hương, là bước luân hồi, là thánh nữ, là tông đồ khổ nạn, là triết lý nhân sinh, và, hơn hết cả, chính là Du Tử Lê như thi sĩ đã suốt đời mơ ước:

" Em và, mẹ và, tôi là một nhé"!

Du Tử Lê ngày nay không còn là Du Tử Lê của những thập niên 60, 70, 80 và 90 nữa. Thơ văn họ Lê đã chuyển hóa, đã thăng hoa để trả lời cho nỗi khát vọng của người Việt hải ngoại, đang mong có những tác phẩm giá trị để dùng vào việc diễn giảng trong các đại học đường ở Mỹ. Tác phẩm của Du Tử Lê đã được giới thiệu với văn đàn Á Châu (cuốn Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi) đã được trình bày hồi tháng năm / 98 trong tháng Di Sản Văn Hóa Á Châu. Và, trong năm 1998, người ta đã vinh danh Du Tử Lê với bài thơ đăng trong cuốn "Anthology Of Verse From Antiquity To Our Time" do nhà W. W. Norton xuất bản tháng 1/1998. Trong thập kỷ tới, hy vọng Du Tử Lê sẽ tiếp tục sáng tác những tuyệt phẩm để muôn đời bông hồng cho mẹ sẽ vẫn tỏa kỳ hương trong vườn thơ văn Việt Nam.

Thiên Nhất Phương

(Bài nói chuyện ngày 9 tháng 7, 1998 Nhân mùa Vu Lan tại Vancouver BC/ Canada.) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Sáu 20241:40 CH(Xem: 4722)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
31 Tháng Mười Hai 202310:10 SA(Xem: 1486)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
07 Tháng Mười Một 20233:47 CH(Xem: 2007)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
19 Tháng Mười 20231:33 CH(Xem: 1912)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
05 Tháng Mười 202312:00 SA(Xem: 23251)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
02 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 14740)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
23 Tháng Sáu 202310:46 SA(Xem: 1913)
Luận văn Thạc Sĩ/ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam của Vũ Thị Lê Duyên
04 Tháng Sáu 20232:03 CH(Xem: 2222)
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ.
30 Tháng Năm 20235:35 SA(Xem: 7717)
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ.
10 Tháng Năm 20239:33 SA(Xem: 7444)
Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20347)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15320)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17163)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9837)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18231)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4722)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1486)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2007)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1912)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23251)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19807)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8599)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9606)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9070)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11933)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31486)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21383)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26288)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23716)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22501)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20599)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18765)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19908)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17520)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16650)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25487)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32851)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35452)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,