Ba ngày nay gặp lại chú Du Tử Lê. Ngày thứ 1, cùng chị Giang đón chú ở sân bay, đưa về café Starbuck, sau đó đi ăn cơm chiều ở quán Nha Trang. Ngày thứ 2, cùng đi với chú đến UC Berkeley để chú nói chuyện với 3 lớp tiếng Việt của anh Trần Hoài Bắc. Buổi tối thì trò chuyện về thơ và nhạc. Sáng hôm nay đưa chú ra sân bay về lại
Lần gặp ngắn ngủi với chú dưới Orange County tháng trước đem lại cho mình một thiện cảm về một nhà thơ nổi tiếng: có 51 tập thơ, văn xuôi được in, những bài thơ phổ nhạc khá nổi tiếng như Trên ngọn tình sầu, Khúc Thuỵ Du, …; có những bài thơ được dịch ra tiếng Anh và được giảng dạy trong chương trình phổ thông, đại học, cao học văn học tại Mỹ; được các báo Mỹ Los Angeles Time, New York Time phỏng vấn… tất cả những thông tin này mãi sau này khi về, ngồi đọc trên máy mình mới biết. Còn lúc gặp chú, mình chỉ biết chú qua vài bài thơ lúc ở nhà mình đọc, chỉ cảm nhận đây là một nhà thơ nói chuyện có duyên, nhẹ nhàng, cởi mở, có cái nhìn hướng về đất nước.
Lần này, 3 ngày gặp chú cho mình một cái nhìn toàn diện hơn. Hai chú cháu nói nhiều chuyện, từ chuyện văn nghệ hải ngoại, chuyện đối nhân xử thế, chuyện đau đáu về đất nước, về những người bạn văn nghệ, về những trăn trở của mình trong nghề giáo, về những ưu tư của mình khi bắt tay vào đề tài này… Chú như một người thân, nói thẳng nói thật cho mình biết những suy nghĩ của chú (là điều mình cực kỳ trân trọng sau gần hai tháng sống trên đất Mỹ, tiếp xúc với những người làm văn nghệ, cái mình cảm nhận ở một người, trước hết là nhân cách, là cư xử sau mới đến tài năng văn chương), chỉ vẽ mình cách làm việc, khuyến khích mình nên làm gì… cái tỉ mỉ của chú cũng làm chị Giang, chị Hạnh, mình xúc động, hỏi ăn món này có được không? Có mệt không?
Qua đây lần này, ngoài việc được gặp những nhà văn mà mình đã đọc và yêu thích như chú Du Tử Lê, chú Nguyễn Xuân Hoàng, chú Nguyễn Mộng Giác, cô Trùng Dương, mình còn hiểu thêm về tâm tư của họ, hiểu thêm về những khát khao rất chính trực và tử tế của họ, tấm lòng hướng về đất nước, nỗi đau riêng tư giờ chìm xuống cho lòng tận tuỵ muốn cống hiến cho đất nước mà cứ bị nghi kỵ, bị hiểu lầm, ở họ không có sự phân biệt chính trị, thể chế (mình có làm một phép thử khi giới thiệu chị Hạnh với chú, người từng học 10 năm ở Nga, chú không hề có chút băn khoăn hay ngập ngừng, chú hỏi : thế à, chú cũng ao ước 1 lần đến Moscow, và chú giới thiệu chị với lớp học tiếng Việt là Hạnh Moscow), chỉ là khao khát được công nhận, được trở về đàng hoàng, được ngồi lại với lớp trẻ trong nước và cùng đàm đạo văn chương.
Mình có đôi chút day dứt, đôi chút ngậm ngùi khi nhìn chú trên bục giảng, nói chuyện với lớp tiếng Việt cấp độ 1 và 2 của anh Bắc (“giết gà mà dùng đến gươm vàng”). Người như chú, lẽ ra phải nói chuyện với sinh viên, học viên cao học trong nước, thì mới khai thác hết những gì mà chú mong mỏi truyền đạt cho người sau. Đằng này, bài soạn của chú rất công phu, nhưng chắc chắn là SV lớp tiếng Việt không thể hiểu hết. Dẫu sao, những nỗ lực của chú cũng có ý nghĩa: đó là khơi gợi lòng yêu tiếng Việt, yêu văn chương Việt cho những thế hệ 2, 3 ở Mỹ. Trong cái nước Mỹ mà tiếng Mỹ là “dòng chính”, để có được 3 lớp tiếng Việt mỗi lớp 28 em là một nỗ lực không nhỏ, vì theo nhận xét của nhiều người, có lẽ Berkeley là trường có các lớp tiếng Việt đông nhất, so với UC Fulleton chỉ có 10-15 SV, so với Harvard chỉ có dăm SV… Mình hiểu nỗi lòng của chú, hiểu cố gắng của chú, nên buổi nói chuyện hôm qua có 2 lần chú nói là khá mệt, mình vẫn thấy chú nhiệt tình, đọc thơ, nói chuyện…Mình đang tự hứa với lòng, khi trở về, đúng dịp chú về VN, phải bằng mọi cách tạo cho chú cơ hội nói chuyện với Khoa, với SV trong trường, về thơ ca, về văn học hải ngoại. Mình chỉ mới gợi ý thôi, mà thấy chú đã vui lắm rồi.
Trưa nay tiễn chú trở về. Ôm đôi vai gầy và nhìn dáng chú đi, tự nhiên mắt mình cay cay. Ở cái đất nước mênh mông này, nhiều khi chỉ 1 tiếng máy bay nhưng có khi vài ba năm mới gặp lại, vì công việc, vì bận bịu… Một cuộc gặp gỡ tuỳ duyên bất chợt thì được nhưng có hẹn hò thì có khi lại không thành. Vì lẽ đó mà chị Giang, người chẳng có chút công việc gì liên quan đến chú cả, nhưng vẫn dành thời giờ đưa đón chú, vì chị nghĩ rằng, với những người tốt và tử tế như chú, làm được gì thì làm, biết bao giờ mới gặp lại?
Chào chú, chúc chú an lạc. Và tiếp tục vui trên con đường truyền giảng lòng yêu thơ ca.
Giờ đây, trên hành trang tài sản của chuyến đi này của mình, có thêm 1 người bạn lớn: nhà thơ Du Tử Lê.