10. Hồng Hạnh:
Có người cho rằng thi sĩ thì không nên kiêm thêm là nhà văn, vì thường họ làm thơ hay, không có nghĩa họ viết văn sẽ hay và ngược lại. Ông nghĩ gì về quan điểm này.
Nhà văn Trần Vũ trả lời:
Chào Hồng Hạnh. Nếu chúng ta đặt câu hỏi này cho Tagore, Aristote, Thalès và Léonard de Vinci?
Tagore, Aristote, Thalès và Léonard de Vinci vừa là nhà toán học, vật lý gia, thi sĩ, triết gia, họa sĩ và không bộ môn nào họ kém.
Thanh Tâm Tuyền viết Liên đêm Mặt trời Tìm thấy và các tiểu thuyết Bếp Lửa, Một Chủ nhật khác.
Nhã Ca vừa thắt Giải Khăn sô cho Huế, vừa làm thơ Nhã Ca Mới, cả hai tác phẩm này đều xuất sắc.
Chateaubriand là gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn, những thi phẩm Buổi chiều trên bãi biển, Buổi chiều trong thung lũng của Chateaubriand nổi tiếng ngang với Ký ức ngoài mộ…
Vậy "thi sĩ thì không nên kiêm thêm là nhà văn" hay là nên?
Từ vị trí cầm bút, dường như Võ Phiến đã trả lời câu hỏi này. Vào đầu Văn học miền Nam Tổng quan, Võ Phiến nêu lên niềm tin của mình: ‘‘Sách, hễ thích thì viết; từ hồi nào tới giờ tôi vẫn yên trí thế nên thấy không việc gì phải phân trần tại sao viết cuốn này tại sao viết bài nọ.’’ Với Võ Phiến, như vậy là tùy hứng.
Với cá nhân tôi, không khác. Đi sâu hơn nữa, đằng sau cảm hứng: Viết, trước hết là khai phá tâm hồn mình. Hay nói như Trầm Hương trong Mưa qua Sân thượng: "Viết là một hành động thao thức. Viết thành truyện là mang trả cho đời sống những gì đời sống đem đến: sự khắc khoải của chính mình."
Có nghĩa, là một nhu cầu và nhu cầu này vượt lên trên nỗi băn khoăn thể loại: Thơ hay truyện ngắn? Thơ hay văn xuôi? Và ngay trong thơ: Thơ tự do hay thất ngôn? Còn trong văn xuôi: Truyện ngắn hay tùy bút? Tự truyện hay Ký? Thể loại luôn đến sau — sau khi cảm xúc và tâm trí người viết đã hòa quyện lại thành một khối — cần "trục" ra giấy.
Có thể nhìn một cách khác: chính những tư ẩn trong đầu người viết làm nên thể loại. Vì "hắn", thi sĩ hay văn gia, không thể tháo ráp khung sườn xe Honda gắn qua xe lam ba bánh. "Hắn" suy nghĩ xe máy, sống với xe máy trong đầu, nên khi "hắn" viết ra sẽ thành xe máy, mà không thể thành hình xe ba gác hay xe lôi, xe lam, xe hỏa, v.v.. Tất cả định hình trong đầu "hắn" từ những chữ đầu tiên mọc ra từ thao tác của tiềm thức. Hắn nhuần những chữ này lại bằng lý lẽ, cho chúng một dáng dấp lô gích và một văn phạm mạch lạc, thực chất chúng đã thành hình trong lòng hắn, hắn chỉ sắp xếp lại chút ít. "Hắn" đến với thể loại ấy, vì chính "hắn" bị quyến rũ phải ăn nằm với thể loại này mà không phải do "hắn" chọn hàng, như cách Đài Loan, Đại Hàn chọn thiếu nữ Việt Nam. Thi sĩ không chọn Thơ, chính Thơ chọn thi sĩ.
Điều này vẫn đúng cho những người viết văn xuôi.
Tôi luôn nhận ra ở những người bạn cùng sáng tác của mình, là họ mang linh hồn của một người viết truyện. Thiếu linh hồn này, họ không cấu thành nhân vật và cốt truyện được. Đây cũng là điểm khác biệt căn bản với thi sĩ. Thi sĩ không mang linh hồn của người viết truyện. Thi sĩ mang vũ trụ trong lòng và phô diễn cái tôi thân xác cùng cái tôi trí tuệ của thi sĩ, nhưng rất ít nhân vật, trong lúc truyện — đồng nghĩa nhân vật — và nhân vật không nhất thiết là tác giả.
Người viết truyện không đi tìm trung tâm của vũ trụ mà tìm những chi tiết trong một thế giới đông đúc con người mà mỗi con người là một trung tâm ràng buộc và nối kết với những trung tâm khác. Khác biệt, nên khi phóng từ bộ môn này sang bộ môn khác, là một thách thức đối với từng người viết. Có thành công và có những thất bại.
Hồng Hạnh sẽ hỏi thêm một lần nữa: Vậy "nên" hay không "nên"?
Sống với đam mê xảy đến và không từ chối đời sống, tôi muốn trả lời như vậy. Tuy tôi muốn thêm: Một người viết, nếu bị hấp lực của một thể loại khác trong một khoảnh khắc, người viết ấy vẫn sẽ thủy chung với thể loại đã chọn mình từ đầu.
Nếu Hồng Hạnh hỏi thêm là: Còn những Tagore, Thalès, Aristote, Léonard de Vinci thì sao? Họ ăn nằm với thể loại nào?
— Đời sống có những bất ngờ và những thiên tài.
Thư từ, ý kiến, câu hỏi xin gửi về dutule@dutule.com