Chị Nhã,
Dường như, người ta chỉ nghĩ nhiều đến nhau, muốn nói nhiều điều với nhau, khi người ta đã gần như vĩnh viễn xa nhau, gần như tuyệt vọng trong mơ ước gặp lại mặt nhau. Điều đó, có thể sai với nhiều người, nhưng với tôi thì quả thật là như thế.
Như thế đó, chị Nhã. Năm năm trời xa nhau. Năm năm trời chị em không thấy mặt nhau. Chị biết không, tôi thấy, tôi đã nghĩ rất nhiều về chị. Nghĩ về chị, như nghĩ, nhớ về mẹ già. Về những đứa con mồ côi mẹ của tôi còn ở lại. Nghĩ và nhớ về chị Uyển, về anh Dương, về bác Trưởng, về dì Giám, dì Khiêm, chị Công, thằng Chương, cái Gái…
Năm năm trời, ở bên này đại dương, như ở một tinh cầu khác. Một đời sống khác. Tôi chỉ còn là tôi, ở những phút nhớ về. Ở những giây tưởng lại đó.
Năm năm trời, chị Nhã, tôi nhớ mọi thứ. Tôi nhớ đủ điều. Ở tất cả mọi nơi. Trong tất cả mọi thời tiết. Nhớ và nghĩ đến những điều cỏn con, những thứ vụn vặt. Nhớ, nghĩ và thương yêu cả những người mà trước đây tôi vốn ghét. Nhưng sau hết, nhiều hơn cả, vẫn là nhớ và nghĩ đến chị. Có lẽ tại chị có cùng tôi, bên tôi trong suốt tuổi thơ lủi thủi của chúng ta. Cái tuổi thơ đầy nắng cháy, vàng ứa trên hai chiếc sân phơi thóc mênh mông…Cái tuổi thơ rét ngọt ủ những nắm ngô hay lạc rang nóng hổi trong túi, chơi trò trốn tìm quanh những vựa lúa, vựa ô mai ở dãy nhà ngang.
Tôi nhớ và nghĩ đến chị nhiều, nhiều nữa, trong những trò chơi, mà tôi sung sướng được tham dự - Những trò chơi con gái – Những sợi dây vút qua, vút lại, dưới những bàn chân trần da non, đỏ ửng – Hay những viên sỏi tung lên – trong khi những ngón tay nhỏ xíu chụp vội những viên khác. Chúng ta luôn vội vàng, hấp tấp như thế. Chúng ta chụp lấy những viên sỏi óng trong, trên nền gạch đỏ, như chụp vội những hạt hạnh phúc, những hạt ước mơ thơ dại – Và vì chúng ta vội quá hay chúng ta tham quá, cho nên chúng ta đã chụp hụt, chúng ta đã chạm, đã làm rơi, rơi khỏi kẽ tay chúng ta, những hạt mơ ước ấy…
Nhưng chị Nhã, tôi nghĩ còn nhớ nhiều đến chị, nhiều nhất, nhiều hơn cả (mà chắc chị chẳng tài nào đoán được) – đó là những ngày giáp tết. Những ngày giáp tết của Sài Gòn cũ, của thành phố xưa. Những giáp tết của Sài Gòn, Sài Gòn chứ không Hà Nội – Vì Sài Gòn, Sài Gòn mới thật sự ắp đầy trong ghi nhận của chúng ta. Hà Nội, cái tên quen thuộc nhưng mơ hồ đó, đã nhạt nhòa, thực sự đã nhạt nhòa, nếu không muốn kể như đã chết – thực sự đã chết. Kể từ ngày chúng ta đặt những bước chân đầu tiên lên thang của chiếc máy bay khổng lồ, rời Hà Nội.
Thực sự, thực sự, chính Sài Gòn, đường phố Sài Gòn, thời tiết Sài Gòn, mới là chiếc nôi lớn, mảnh vườn xanh nuôi dưỡng chúng ta lớn. Lớn lên, như ngày nay, như tết này, chị bước vào tuổi bốn hai và tôi vừa hay bốn mươi. Sài Gòn với mấy chục mùa xuân đi qua. Những mùa xuân đi qua trên Sài Gòn, đi qua trên chúng ta. Những mùa xuân đi qua từ những tuổi mười một, mười hai. Đi qua từ những tuổi mười ba, mười bốn, thì chị Nhã, thử hỏi làm sao quên. Làm sao xóa – Làm sao nhòa nhạt – Càng không thể nhòa nhạt trong tuổi già đang đến. Càng không thể nhòa nhạt trong trí nhớ đóng khung – kỷ niệm thu gọn (bởi đời còn đã hết).
Chị Nhã, dường như tôi đã không nói được điều tôi muốn nói. Dường như nãy giờ, tôi chỉ nói quanh. Nói quanh một điều nào lẽ ra phải nói. Dường như tôi sửa soạn để nói đến điều đó. Nhưng như đã bảo với chị là, tôi có quá nhiều điều để nói, nên càng sửa soạn, càng rào đón, tôi càng đi xa hơn ý định. Điều buồn cười, điều đáng tội nghiệp cho những kẻ không có khả năng diễn tả ý mình ở chỗ đó. Đã lúng túng, y càng lúng túng hơn. Đã khó nói, càng nói nhiều, y càng khó quay lại – Tôi là kẻ suốt đời cứ lúng túng loanh quanh như vậy đó, chị Nhã ạ. Cũng như mấy chục năm, sống gần nhau, tuy cùng một thành phố, chỉ cách vài con đường mà, cả năm chị em chỉ gặp nhau dăm ba lần, trong những dịp giỗ chạp hoặc tết nhất. Ngay ở những lần hiếm hoi kia, hình như chúng ta cũng chẳng bao giờ có được một lời dịu dàng dành cho nhau. Dù không thể chối cãi rằng, giòng máu trong chúng ta, đã khiến nỗi đau đớn của tôi cũng như là của chị. Niềm lo lắng của chị không nói ra, cũng là của tôi. Chúng ta chia xẻ cho nhau tất cả mọi điều. Nhưng hoàn toàn trong âm thầm. Trong kín lặng. Trong xó góc riêng tư của chị. Trong nơi ăn, chốn ở kín bưng của tôi.
Dường như, chị Nhã, tuổi tác đã đẩy anh chị em chúng ta xa nhau hơn. Xa tới lạnh lẽo. Xa tới quên lãng – Mặc dù sự thực anh Dương, chị Quý chiếm ngự và, chĩu nặng đời sống của chị và tôi – cũng ngược lại, tôi và chị, đã khuấy động thường xuyên, lòng họ. Tôi vẫn cho, cái không hay, cái không tốt lớn lao nhất trong gia đình chúng ta là, sự im lặng. Sự dấu đi. Sự đè xuống cảm tình của người này, trước mặt người kia.
Cung cách đó, thời gian đã thành thói quen, tập quán. Đến đỗi, chúng ta chỉ còn gặp nhau, đủ mặt vào ngày mồng một Tết, hoặc ngày mồng ba (ngày giỗ anh Uyển, và cũng là ngày hóa vàng.) Ở ngày đó, chúng ta cũng chỉ có thể nói với nhau, một đôi câu bâng quơ. Hỏi thăm nhau, dăm chuyện lạt lẽo. Lạt lẽo và dửng dưng. Như thể chúng ta chỉ mới vừa biết nhau tức thì, chứ không phải chúng ta đã có chung với nhau một cội rễ.
Chị Nhã, mỗi lần họp mặt anh chị em đông đủ, vui vẻ đó, chị không để ý đâu, câu đầu tiên bao giờ cũng là câu chị hỏi tôi – “Này cậu, chậu cúc kia tôi mua đấy. Cậu thấy có đẹp không?” – Chị nói và chỉ vào góc nhà. Mặc dù những chậu hoa ở phòng khách năm nào cũng chỉ có một mình chị mua! Và tết nào, thì hai chậu cúc vàng cũng chiếm chỗ tốt nhất, cạnh hai chiếc ghế sa-lông, sát tường, bên tay trái, khi đẩy cửa bước vào. Trong khi đối diện với nó, là hai chậu quất, trái đỏ chi chít. Nhiều đến tưởng như đó chỉ là những chùm trái giả, làm bằng plastic. Và bao giờ thì chị cũng không kịp đợi tôi trả lời (dù câu trả lời của tôi mấy chục năm, cũng chưa bao giờ đổi khác) chị đã tiếp ngay:
“Mà này, cậu biết không, gớm, tôi mua được giá rẻ lắm. Tôi phải trả giá, phải đi tới, đi lui, làm bộ chê bai lắm, mới được giá đó đấy. Chứ mà gặp tay…mơ (chị cứ làm như chị là tay…nhà nghề không bằng) là nó nói thách rồi. Mua hớ cả trăm bạc, chứ không chơi đâu…
Anh Dương ngồi quanh quẩn đâu đó, mặc đồ lính (quanh năm đồ lính – kể cả ngày tết), đang đùa với mấy đứa nhỏ, con anh Quí, hoặc đang lơ mơ đôi mắt đục lờ sau cặp kính trắng, lại khựng lại, hay bật người lên, nói trỏng:
“Khéo vẽ…gặp mấy con mẹ chợ hoa, nó tán cho vài câu, nở mũi, nhắm mắt vào mua, chứ…”
Có thể anh muốn nói “chứ hay hớm gì mà khoe,” hoặc “chứ quí báu gì” – Nhưng tôi luôn kịp thời khỏa lấp quả trùy cuối cùng nặng cả ngàn cân đó của anh Dương, bằng cách nói theo chị rằng:
“Vâng! Hoa thế kia mà mua được giá đó là giỏi lắm đấy!”
Hoặc để chị vui lòng hơn:
“Ôi giời ơi, hoa cỏ ở giữa cái rừng hoa đường Nguyễn Huệ như vậy, mà chị nhặt đúng cái chậu đẹp như thế, là cả một kỳ công rồi. Không dễ gì ai cũng làm được đâu!”
Và sau câu trả lời của tôi, chúng ta thường rơi hẫng vào im lặng. Cái im lặng khó hiểu. Cái im lặng kỳ cục! Không biết vì câu nói đâm ngang bửa củi của anh Dương? Hay vì sau đó, mỗi chúng ta, đã có ngay trong đầu một hình ảnh, một ý tưởng riêng, để theo đuổi, để gậm nhấm...
Chị Nhã, chẳng bao giờ chị biết được riêng lòng tôi, những lúc ấy, là cả một cõi mênh mông tẻ lạnh.
Riêng lòng tôi lúc ấy, là nỗi chua xót, ngậm ngùi. Cái chua xót, ngậm ngùi của một kẻ bất lực, nhìn thấy tận mắt sự suy sụp, vẻ tàn phai của một hình tượng gần gũi nhất, êm đềm nhất. Tôi muốn nói, bóng tối trong mắt chị. Tôi muốn nói, những nếp nhăn nhiều hơn trên mặt chị.Tôi muốn nói, những sợi tóc cằn khô hơn, ròn vụn hơn trên đầu chị. (Dù cho đó là một mái tóc mới uốn chải để ăn tết!)
Chị Nhã, chị không biết đâu, tôi thấy rõ sự tương phản của những bông cúc vàng trong chậu, và tuổi già trên đôi vai chị nhô cao. Mỗi năm, những chậu cúc chị mua về một đẹp hơn. Hoa to hơn, rực rỡ hơn vì sự tiến bộ của phân bón, của ngành trồng tỉa. Nhưng mỗi năm, chúng ta một già hơn. Tàn tạ hơn. Xa cách nhau hơn. Vì chúng ta không phải là cây cỏ. Chúng ta là người. Chúng ta cần nhiều thứ. Những thứ khác hơn phân bón. Và nhất là với chị, một phụ nữ, đã đi qua tuổi ba mươi, đã bước quá sâu vào cảnh đời héo khô con gái.
Anh Lê Đính Uyển (đã mất) và Du Tử Lê, 6 tuổi, ở Hà Nam.
Và sau hết, mỗi năm, mỗi lần tết đến, tôi lại nhớ một chuyện đã cũ. Một chuyện nhỏ nhặt. Cực kỳ nhỏ nhặt. Nhỏ nhặt đến độ chẳng còn ai nhớ tới, kể cả chị. Đó là giữa cái tết thứ hai của chúng ta ở Sài Gòn – Khi chị làm đổ chậu cúc đặt trên chiếc ghế đẩu, rơi xuống sàn đá hoa, vỡ tan nát , anh Quí tát chị một cái, giữa ngày mồng một. Mẹ lui cui đi dọn, cằn nhằn anh. Lời qua tiếng lại – trở thành to tiếng. Mẹ vào buồng trong, ngồi trên đi-văng, bưng mặt khóc. Chị xuống bếp... Tôi không nhớ chị có khóc? Chỉ biết chị không ăn bữa trưa, mồng một tết đó. Lúc chuyện xảy ra, tôi mới mặc xong chiếc quần tây bằng vải ka ki (chiếc quần mới duy nhất mỗi năm) và, một chiếc áo sơ mi cũ, vừa ra giữa cửa. Cảnh tượng diễn ra rất nhanh. Thật nhanh. Như tôi nhớ, chỉ một nháy mắt. Tôi đứng sững giữa ngưỡng cửa của hai căn phòng. Thấy sự giận dữ cực điểm nơi mặt anh Quí. Thấy mẹ già ngồi dựa lưng vào tường, hai đầu gối co sát ngực. Thấp thoáng, nơi chiếc cửa sổ lớn, sân sau, mái tóc thề của chị, rung trên chiếc áo cánh trắng, tay phồng…Tôi đã tự hứa. Tôi đã thề với chính tôi – lớn lên – đi làm, có tiền mỗi lần tết đến – Tôi sẽ mua, mua rất nhiều hoa cúc. Tôi sẽ bày cúc la liệt từ ngoài cửa vào tận trong bếp. Tôi sẽ để ngang dọc – cho ai muốn đá, muốn đụng sao cũng được! Và một chậu lớn nhất, đẹp nhất sẽ dành riêng cho chị. Để nhớ những ngày chúng ta còn bé...
Nhưng rồi năm năm, mười năm, hai mười năm…mấy chục cái tết đi qua, tôi đã vào đời. Tôi đã kiếm ra tiền (đôi khi tôi cũng kiếm được nhiều tiền), nhưng chưa lần nào, tôi đem về nhà, dù chỉ một chậu cúc nhỏ. Cho riêng chị!
Bây giờ, cách một đại dương, sau năm năm, một tết khác sắp đến. Chị bước vào tuổi bốn mươi, với một đời chồng nửa đường đứt gánh (một đời chồng mà lửa hương chưa quá một năm!) Một mẹ già, mẹ đã quá già, như ngọn đèn dầu trước gió. Một bầy cháu côi cút, không mẹ. Không cha...Tôi nghĩ chắc bóng tối ở bất cứ xó xỉnh nào, trong ngôi nhà cũ kia, cũng không thể tối bằng bóng tối trong mắt chị. Bóng tối trong một đôi mắt còn đời, nhưng kể như đã hết!
Bây giờ, cách một đại dương, sau năm năm, một tết khác sắp đến, tôi biết không một bông cúc nào, còn có thể nở được, dù chỉ le lói, riêng trong tâm hồn chị.
Trong khi đó, bây giờ, ở đây, sau năm năm, mỗi khi mùa lạnh tới, cúc nở đầy đường. Cúc ngập vàng mọi lối. Không cần mua. Không có tiền tôi cũng có thể hái trộm cho chị. Không phải chỉ một bông, mà cả bó, cả giỏ... Nhưng cách nào, cách nào, chị Nhã, tôi có thể gửi về chị! Gửi về giữa lòng Sài Gòn đã bị chôn sống. Cách nào, chị Nhã, để chúng ta còn có thể có được, dù chỉ một chậu cúc vỡ, hay một cành cúc gẫy? Khi chúng ta đã cùng quá già. Và mỗi kẻ đã cải danh, đổi lốt ở một đầu trái đất.
Chẳng cách nào! Chẳng còn mùa xuân nào dành cho chúng ta, một khi chính cõi lòng chúng ta cũng đà héo úa.
Cách nào? Chẳng còn cách nào đâu! Chị Nhã. Khi chính ta, cũng phải tự thú rằng, ta đã không còn là ta, những ngày cũ nữa.
Mỗi chúng ta chỉ sót lại, cái tên gọi! Như danh từ chỉ đồ vật. Như đất đá. Những cái tên gọi trơn tru. Không âm vang! Ngoài tiếng khua vụn tan của chính tên gọi đó. Như Nhã ! Nhã! Như Tưởng, Nam! Như Mai- Tú! Như Du-Tử-Lê...Nhạt hơn cỏ. Nhầy hơn giun. ngu ngơ hơn dế chũi!…
California, 1979
(Trích trong tập Tan Theo Ngày Nắng Vội, XB 1985)