14. Chu Minh Toàn
Tôi nhờ trang mạng gửi câu hỏi sau đến nhà văn Trần Vũ :
"Chào tác giả Trần Vũ. Đọc một số tác phẩm của ông tôi thường thấy ông lấy cảm hứng từ các sự kiện, nhân vật lịch sử, tôn giáo... Tác giả có nghĩ mối quan hệ giữa tôn giáo (Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hoà Hảo...) với nhau và với nhà nước có thể gợi hứng cho tác giả sáng tác không? Vì tôi thấy vấn đề này đã và đang là vấn đề thời sự không chỉ của riêng Việt Nam mà còn cả của Pháp (vấn đề nhà nước thế tục - la laïcité) nơi ông đang sống. Và một câu hỏi nhỏ là tác giả là người vô thần hay hữu thần hay nói nôm na là tác giả có tin vào Thượng đế hay không? Xin chào và cảm ơn."
Nhà văn Trần Vũ trả lời
Chào anh Chu Minh Toàn.
Thứ ba tuần này, chúng ta đã nói chuyện “hữu thần” hay “vô thần”, hôm nay còn lại câu hỏi khó của anh là “mối quan hệ giữa tôn giáo với nhau và với nhà nước có thể gợi hứng cho tác giả sáng tác?”
Trước nhất, tôi có thể trả lời ngay là tôi sẽ làm anh thất vọng, vì tôi ít quan tâm đến lịch sử phát triển của những xã hội dân sự. Tôi quan tâm duy nhất đến chiến tranh. Hôm thứ ba, khi chúng ta trò truyện về “hữu thần” và “vô thần”, là lễ thánh Léa, nhưng với tôi chữ Léa gợi lên tức thì cuộc hành quân Léa năm 1947 của tướng Salan khi tái chiếm khu Việt Bắc và các trục đường Bắc Cạn, Cao Bằng... Ngoài chiến tranh, tôi ít tìm hiểu những lĩnh vực khác. Tuy vậy, tôi sẽ cố gắng "tản mạn".
Hôm nay, chúng ta gặp nhau lần nữa, là thứ sáu lễ Annonciation, kỷ niệm ngày thiên thần Gabriel loan báo cho Maria hay biết, là tuy đồng trinh, Maria sắp làm mẹ thiên chúa. Đúng 9 tháng nữa là Jésus chào đời. 25 tháng 3 còn là ngày chết của Adam, người đàn ông đầu tiên. Trong ngày lễ thánh, bàn chuyện “thế tục” đã là phạm thánh. Dường như, trong câu chuyện của chúng ta đã tiềm ẩn một ước muốn "thế tục" ?
Như anh Toàn biết, tại Pháp nhà nước thế tục ( Laïque/ Secular ) cấm mọi biểu hiện tôn giáo nơi công sở, trường học và chốn công cộng. Nếu làm một tín đồ, chúng ta sẽ bàn về tính đúng sai của hiến pháp không cho phép quốc giáo. Làm một công dân chúng ta sẽ bảo vệ sự bình đẳng giữa các tôn giáo và để giữ sự bình đẳng này, không trưng bày các dấu hiệu tôn giáo chốn công cộng là cần thiết.
Chúng ta cũng có thể đi sâu vào những chi tiết kỳ lạ như chính phủ Pháp áp đặt nhà nước thế tục, mà quân đội Pháp lại không thế tục. Trong mỗi tiểu đoàn Nhảy dù, Lê dương, Thủy binh đều có một cha tuyên úy làm phép xức dầu khi binh sĩ tử thương, nhưng không hề có cha tuyên úy Hồi giáo như Quân đội Việt Nam Cộng hòa từng có tuyên úy Phật giáo. Các tiểu đoàn Tabor, Spahis, Tirailleurs Bắc Phi thuần lính Ả Rập thời kỳ tham chiến tại Việt Nam đã không có tuyên úy Imam đạo Hồi lo việc linh hồn cho họ.
Ngay chính trên đất nước Cộng hòa này, nơi thiết lập công xã đầu tiên và đã tách rời giáo hội ra khỏi chính quyền từ nhiều thế kỷ, thời gian lại không thế tục. Thời gian vẫn mang niên lịch của Jésus. Khi tôi đang viết những dòng này, dưới mái hiên của nền Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp, đang là 2011 năm và 2 tháng 25 ngày 23 giờ 14 phút từ khi Jésus sinh ra...
Thời gian của người, như một tựa tiểu thuyết của Nguyễn Khải, như thế, là những thời quán tôn giáo.
Ngay cả những chính ủy Sô Viết trung kiên, những giáo chủ Hồi giáo quá khích hoặc các rabbin Do Thái giáo không tin vào thiên chúa ngôi hai vẫn sống và thở với Jésus từng giờ, từng phút, mỗi khi họ đưa tay xem giờ. "Chúa hiện diện quanh ta", câu này đúng vô cùng ― trong thời gian của người.
Con người không có thời gian thật của mình, vì không tự xác định được vị trí của mình. Vì thiếu điểm chuẩn, vì điểm chuẩn này thay đổi tùy theo đức tin: với dân Hồi giáo đang là thế kỷ 15 trong kinh Coran và trong kinh Coran một năm chỉ có 352 ngày... Cùng bị xem là Ả Rập, cùng theo đạo Hồi, nhưng với dân Berbères của Algérie thì đang là năm 2961, tức là đã gần hết thiên niên kỷ thứ 3... Với Phật tử, lịch Phật cũng khác. Tựa tiểu thuyết Trong một tháng, trong một năm của Sagan chỉ đúng với các nhân vật Công giáo. Với các Phật tử hay musulmans trong một tháng, trong một năm nữa sẽ rơi vào thời điểm khác.
Cảm hứng từ tôn giáo trong trung thiên truyện Giáo Sĩ tôi viết, đến một cách tự nhiên vì tôi sống trong thời quán tôn giáo. Chúa hiện diện chung quanh từng giờ phút, vậy Jésus hiện diện trong Giáo Sĩ trên từng trang giấy, là một bình thường, như đời sống... Còn đi sâu hơn nữa?
Anh Toàn đã hỏi: "quan hệ giữa tôn giáo (Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hoà Hảo...) với nhau và với nhà nước có thể gợi hứng cho tác giả sáng tác không?" Tôi hiểu trong câu hỏi này, anh Toàn muốn hỏi chủ ý viết về đề tài này mà không « tự nhiên » như tôi vừa trình bày.
Rất khó trả lời, ngay cả khi đã nghiên cứu sâu và kỹ tôn giáo. Vì sáng tác là một sự bất định khó dự báo. Cốt truyện thường đến bất chợt trong đầu người viết rồi "lặn" đi, tan mất để rồi từ từ mọc ra trở lại dưới một dạng thức khác như mạch ngầm của một mạch nước. Định trước đôi khi không thành, không định trước nhiều khi lại bật ra từ một chi tiết kéo theo toàn truyện. Bên cạnh, còn vấn đề gai góc của đề tài. Tất cả chúng ta cùng biết: Chính quyền – Tôn giáo – Chính trị luôn đồng nghĩa với Xà lim – Hầm chông – Mã tấu. Những đề tài lịch sử tầm cỡ cần suy nghiệm và cần một tâm thức sẵn sàng tuyệt đối. Cá nhân tôi chưa sẵn sàng.
Thư từ, ý kiến, câu hỏi xin gửi về dutule@dutule.com