Trả Lời
Về bài thơ và, ca khúc “Về từ vô vọng.” (*)
Bài thơ “Về từ vô vọng,” tôi viết vào tháng 4 năm 1972, cách đây gần 40 năm (Tôi bị ung thư ruột cách nay 5 năm). Trước khi chọn in lại trong tập “Thơ Du Tử Lê 1967-1972,” tạp chí Văn, xuất bản tại Saigon đã đăng, khoảng tháng 5-1972.
Bài thơ đi ra từ một cuộc tình bế tắc kéo dài từ quá khứ, tới thời điểm đó của tôi.
“Trở về,” hay “tìm về” của nhân vật trong bài thơ, là một người nữ. Nói cách khác, đó là kỹ thuật cụ thể hóa hay, hiện hình hóa để nhân vật bước ra, đi tới từ ký ức.
Tôi vẫn quan niệm, ký ức không chỉ là kỷ niệm hay hình ảnh thuộc về một quá khứ gần hoặc xa. Mà, ký ức còn là nơi “ẩn cư” của những nhân vật, con người vẫn sống trong tiềm thức. Họ ở đấy, sẵn sàng bước ra, trở lại với ta, đôi khi ngoài ý muốn!
Vì thế, mọi “tìm về” hoặc “trở về,” dù chỉ dấy động một lần nữa, phần tro, than, với tôi đều mang ý nghĩa nào đó. Do đấy, dù “trở về” kia là một trở về từ cõi vô vọng, tôi vẫn tỏ bày lòng biết ơn của mình.
Bài thơ năm chữ của tôi, chỉ có 4 đoạn. Nếu được phép nói thêm một điều gì về nội dung thì, tôi xin nhắc bạn đọc, thân hữu, để ý hai câu cuối cùng của bài thơ. Đó là:
“ngực
ngậm lời trăm năm / hồn đìu hiu rũ bóng.”
Nếu đỉnh điểm của văn chương (để từ đó đưa tới sự hình thành văn học) là “cách nói” (cách viết,) thì, thay vì nói (viết):
“Tim giữ (níu, ôm, nuôi…) tình trăm năm,” tôi đã cố tình không dùng từ “tim” (trái tim), mà tôi chọn dùng chữ “ngực.” Khi chọn dùng từ này, tôi được phép dùng động từ “ngậm” thay vì “giữ, níu, ôm, nuôi…)
Tôi cũng không dùng bổ túc từ theo sau động từ “ngậm” là “tình trăm năm!” Tôi thay bằng chữ “lời,” để có: “Ngực ngậm lời trăm năm.”
Tôi chọn chữ “lời” vì nó cho người đọc liên tưởng ngay tới “lời thề bồi, lời cam kết, lời xác quyết, lời tâm huyết…”
Thêm nữa, trong ngữ cảnh của câu thơ, từ “lời” là một từ sinh động. Nó là một từ “sống,” chứ không bất động, không “chết” như chữ “tình.” Và, tình cảm bất biến kia ở nơi tôi, được ký thác bằng “lời.” Dù cho tâm hồn tôi, như chiếc bóng, hiển nhiên ở phía đối nghịch. Phía tuyệt vọng.
Tôi không rõ ở thời điểm nào, bài thơ nhỏ đó, được không dưới bốn nhạc sĩ tìm vào và, soạn thành ca khúc. Hai nhạc sĩ trong nước. Nhiều hơn hai nhạc sĩ, ở hải ngoại. Một trong số họ, là nhạc sĩ Phạm Anh Dũng mà, trang nhà dutule.com đã post nhạc của ông trong mục “Thơ phổ nhạc”.
Hai nhạc sĩ ở quê nhà, phổ nhạc “Về từ vô vọng” là Hoàng Song Nhi và, Ngọc Tiến. Chúng tôi không hề quen biết nhau, trước đấy.
Tôi nhớ khoảng cuối thập niên (19)90, đầu thập niên (20)00 qua anh Hoàng Công Khanh ở quận hạt Orange Coutny, tôi được biết thân phụ anh, nhạc sĩ Hoàng Song Nhi đã phổ nhạc bài thơ “Về Từ Vô Vọng” của tôi. Anh gửi tôi 1 bản nhạc, như một lời xin phép. Bản nhạc sau đó, được thu âm bởi nữ ca sĩ Mai Khanh, ở Florida.
Version của nhạc sĩ Hoàng Song Nhi có hai chữ sai, khác nguyên bản.
Câu thứ nhất, nguyên bản, tôi viết: “Về tự một dòng sông / em nồng nàn như biển.”
Câu thứ hai, nguyên bản: “Cây khẳng khiu đợi chờ / lá một đời héo úa.”
Nhưng, trong bản nhạc của Hoàng Song Nhi, chữ “như” thành chữ “nhớ” và, chữ “lá” thành chữ “là.”
Tôi có chỉ cho Hoàng Công Khanh thấy hai chữ không đúng nguyên bản ấy.
Năm 2001, bạn tôi, anh Vũ Trọng Khải, ở Sydney, tổ chức cho tôi hai buổi “Úc châu / Đêm Thơ / nhạc Du Tử Lê” một ở Sydney, một Melbourne; bất ngờ, trong số khách tham dự đêm đầu tiên, có nhạc sĩ Hoàng Song Nhi (mới từ Việt Nam qua.) Ban tổ chức thông báo và hỏi ý kiến, tôi đề nghị mời họ Hoàng lên sân khấu.
Trên sân khấu, ông kể, thời gian sau 1975, ở Saigon, ông mở lớp dậy nhạc. Trong số học viên, có một cô đi học thường mang theo một cuốn sổ chép những bài thơ cô thích. Họ Hoàng đọc được bài “Về từ vô vọng” trong trường hợp này. Ông soạn thành ca khúc và, giữ nguyên văn. Ông nói, ông không có nguyên bản, chỉ căn cứ theo bản chép tay của cô học trò, nên có hai chữ sai mà ông không biết.
Riêng Ngọc Tiến, người thứ hai, phổ nhạc bài “Về từ vô vọng” là một người rất trẻ. Tôi
nghĩ, khi biến cố 30 tháng 4-1975 xẩy tới, anh còn là học sinh trung học. Ngọc
Tiến đọc được bài thơ nhỏ của tôi, trong trường hợp nào, tôi không hỏi. Nhưng
version của Ngọc Tiến, thì may mắn, đúng theo nguyên bản thơ của tôi.
Du Tử Lê,
(Calif. Mar. 26 2011.)
Về Từ Vô Vọng
về tự một dòng sông
em nồng nàn như biển
gió cuốn muôn nghìn năm
lấp chôn tình vô vọng
về tự một mùa đông
em rầu rầu sương cỏ
hồn mưng mưng mây mù
mắt bơ phờ cõi nhớ
về tự một ngày mưa
em não nùng oan khổ
cây khẳng khiu đợi chờ
lá một đời héo úa
về tự một tình đau
môi ứ tràn máu mặn
ngực ngậm lời trăm năm
hồn đìu hiu rũ bóng.
(4-72)