Tôi mới được tham dự đám cưới một người bạn. Một đám cưới, tôi tin, nếu nhóm thực hiện cuốn sách "Những kỷ lục thế giới" biết được, nhiều phần họ sẽ xin phép để ghi lại.
Tính kỷ lục hay, kỳ cục của đám cưới này, không phải vì sự chênh lệch quá xa vể tuổi tác, giữa cô dâu, chú rể. Nó cũng không nằm nơi sự tốn kém, chiếc bánh cưới, to, cao, nhất thế giới. Không. Tất cả những gì mọi người có thể nghĩ tới, để trở thành kỷ lục, dù là kỷ lục...kỳ cục, đều không nằm trong trường hợp đám cưới bạn tôi.
Tính kỷ lục hay kỳ cục của đám cưới Nguyễn Quang Minh, hỗn danh "Minh Dê," bạn tôi, nằm nơi những người bạn của anh. Những người bạn thời niên thiếu. Những người bạn của Minh từ các mái trường Chu Văn An, Trần Lục, (và,) Nguyễn Trãi, Saigòn, giữa thập niên 50. Những người bạn hầu hết, tóc hoa râm. Có người đầu bạc trắng. Những người bạn, hầu hết đã thành danh. Có người đang là ông nội, ông ngoại. Có người là chức sắc đáng nể của những tôn giáo lớn. Có người giữ tiền viện trợ cho những quốc gia nghèo khó (trong số đó, có cả Việt Nam.) Có người đang nắm giữ vai trò chủ nhiệm, chủ bút của những tờ báo Việt ngữ, với tầm ảnh hưởng ra khỏi nước Mỹ. Có người đến từ Úc châu. Có người mới về từ Bắc Kinh, sau nhiều tháng nghiên cứu thị trường tại xứ sở nổi tiếng vì đông dân nhất thế giới. Có người là nhạc sĩ, tiếng tăm trải dài nhiều thế hệ...
Nhưng, điều đáng nói, trên tất cả mọi danh tánh, hình tướng, chức vụ, địa vị, theo tôi, ở chỗ, họ là những người đã có với nhau một tình bạn, gần năm mươi năm. Một nửa thế kỷ.
Nhưng, điều đáng nói, trên tất cả, nằm nơi, chú rể Nguyễn Quang Minh, một người hùng của binh chủng Thiết Giáp, kẻ được báo chí Saigòn, 1972, tước phong là "Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội" trên chiến trường sông, nước miền Trung; cũng nhìn đám cưới của mình, như một cái cớ, cho những người bạn thuở niên thiếu, tìm về, nhận nhau. Và, cũng rất đáng nói, khi cô dâu Kim Liên, đã chia xẻ ngày vui một đời của mình, cho những người bạn chồng, đã xế chiều, tóc trắng. Và, cũng đáng nói, khi những nàng dâu Chu Văn An, Trần Lục, Nguyễn Trãi, những hương sắc một thời, những vàng son một thuở, cùng chia xẻ với chồng, với nhau, niềm hãnh diện (ngậm ngùi?); nỗi hân hoan (thất lạc,) trong "giờ ra chơi cuối cùng" của chồng mình.
Với một phần ba tổng số bàn, được dành cho đám bạn thời niên thiếu của chú rể, (và,) những nàng dâu thảo của các mái trường cũ, nhiều lúc, tôi bỡ ngỡ, như lọt giữa một sân trường trung học, giờ ra chơi, hay, một góc sân vận động, giờ thể thao.
Khắp nhà hàng vang, dội tiếng "mày, tao." Khắp nhà hàng, vang, dội tiếng gọi nhau, tiếng cười ầm ấm, hô hố của những người được sống lại niên thiếu, hồn nhiên, cảm động, tới rưng rưng.
Tôi thấy đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, gương mặt Nguyễn Quang Minh, rạng rỡ. Cái rạng rỡ ngời ngợi, của những cậu học trò...giờ ra chơi. Giờ ra chơi cuối cùng.
Đâu đó, tôi thấy Ngọc Hoài Phương, chủ biên Hồn Việt, tạp chí đầu tiên (và,) lâu đời nhất của Việt tỵ nạn. Vẫn phong cách tay chơi hào hoa, ký giả trẻ tuổi nhất của làng báo Saigòn, những năm cuối thập niên 50, tác giả "Cõi Tạm" bắt tay người này, chụp ảnh với người kia. Ngọc Hoài Phương nhắc nhở kỷ niệm với Tài "Con," về từ Saint Louis. Ttài "Con" khuôn mặt du đãng thời học sinh, có hạng, nhưng khi về tới nhà, thì Tài "Con" lại là một cậu bé bụ...sữa, non choẹt...
Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người lao xao, tôi thấy một Nguyễn Hữu Hiệu, dịch giả "Bác Sĩ Zhivago," đang nghiêng đầu nói chuyện với Phương Dung, người bạn đời của Ngọc Hoài Phương, về hiện tượng mới nhất của nhân loại: chữa bệnh bằng tâm linh. Chữa bệnh bằng con đường truy tầm tiền kiếp, soi dấu trăm năm. Tôi không biết tác giả "Sự Tái Sinh Của Những Lạt Ma Tây Tạng"- Phương Dung, nói gì với họ Nguyễn. Chỉ biết họ Nguyễn rất hăng hái trình bày kiến thức, hiểu biết mới của anh với các bạn cũ, chung quanh.
Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, tôi thấy Phạm Duy Ánh, người cựu sĩ quan cấp tá, Lực Lượng Đặc Biệt, người tù binh, được thả về sau hơn 10 năm tù đầy, từ nam chí bắc, với đôi hàm răng...trống trơn, với một chiếc chân trở thành tật nguyền, (coi như cái giá phải trả của kẻ thua trận,) rất trẻ thơ khi nắm tay Hùng "World Bank."về từ Hoa Thịnh Đốn, cùng người bạn đời N.T. của anh. Lần đầu tiên, tôi thấy Hùng "World Bank" trút bỏ được cái cung cách chững chạc, đạo mạo của một chuyên viên Ngân Hàng Thế Giới thâm niên, hồn nhiên đùa vui với Dinh "Kèn," tức Trần Trung Ginh. Bằng vào tài năng trời cho, Ginh đã kiếm ra tiền từ thời còn đi học bằng tiếng kèn đồng của mình, tại các vũ trường. Bây giờ, Ginh bỏ kèn, làm công việc: Sưu tầm tin tức, địa chỉ của những anh em thời niên thiếu. Ginh trở thành "Ginh "Ông Trùm," với vết sẹo cắt ngang môi, như một tay hảo hán thời hậu...Chiến Quốc.
Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, tôi thấy một Vũ Gi Mưu, Thợ Nhổ Răng, đang thảo luận một cách "gay go" với Định "Mục Sư," với Nguyễn Huy Yên "Đỡ Đẻ." Yên về từ Fresno, vẫn với nụ cười, giọng nói, điệu bộ...rụt rè, của một cậu học sinh ngoan từ mấy chục năm trước. Định "Mục Sư," đến từ Nam Ca Li, là một Định từ tốn, đạo mạo, như giờ phút nào cũng là giờ phút Thánh Lễ.
Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, tôi thấy dáng ngồi võng xuống, với chiếc mũ nồi che hết phần trán mênh mông bác học, của Vũ Thành An. Tôi được nghe lại tiếng hát của Vũ, qua một số tình khúc của anh. Những tình khúc, được họ Vũ viết khi còn ngồi trên ghế, trung học đệ nhất cấp. Tác gỉa "Những Bài Không Tên" ân cần nắm tay Vũ Văn Năm, tức Năm Đen, Nguyễn Ngọc Chấn, tức Chân "Cậu Trời," hay Chân "Mã Tấu," ngày xưa. (Ngày xưa) khi Chân bước vào giang hồ ở năm thứ ba trung học, Chân đã nổi tiếng là Chân "Mã tấu" khi Chân cùng với một đám giang hồ thứ thiệt, vác một chiếc mã tấu từ Saigòn, ra tận Nha Trang "tầm thù." Tôi thấy An "Thầy Sáu" cười rất tươi với Phạm Tuấn Bách, còn được gọi là "Bách Trưởng Tộc," khi Bách, Thuần tự "Thuần Mật Khu," Định "Đầu Bạc," Kiệm "Luật Sắt" đại diện "nhà trai," đi hỏi vợ cho Minh...Dê.
Tôi nghĩ Bách "Trưởng Tộc" là nickname mà, các bạn Bách mới đặt cho anh, sau khi anh "de đọa" họ nhà gái bằng một màn "trịnh trọng" đối đầu với nhà gái. Nếu nhà gái biết Phạm Tuấn Bách, đẹp trai, học giỏi nổi tiếng, đứng trước mặt họ, trong quá khứ, cũng là một tay du đãng lừng danh, (thì,) chắc họ sẽ không dám...nhận sính lễ của Bách mang tới. Ngày xưa Bách Công Tử nổi tiếng...ít nói. Bởi vì, Bách Công Tử có một cách nói...khác. Tiếng "nói" khác của Bách là những trái đấm, những "lưỡi dao" ngọt ngào... Chính vì chọn nói chuyện với cuộc đời bằng một tiếng...nói khác, cho nên Bách "tái hồi" trường Y Khoa Saigòn, cũng tới ba hồi, bốn bận...
Tôi nghĩ Thuần "Mật Khu" là tên mà, Ngọc Hoài Phương đặt cho Thuần mới đây, sau khi biết chuyện Nha sĩ Nguyễn Đức Thuần, ở bệnh viện Biên Hòa, vì mê gái vào "cục R." Nửa chừng, phải nhờ đồng bào dẫn trốn ra, và, nhờ cơ quan an ninh bảo vệ để thoát khỏi cảnh bị "xử" vì tội bỏ... "Rờ."
Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, tôi thấy Trương Trọng Trác, tức nhiếp ảnh gia Tr3, tức Trọng Kim, chủ bút bán nguyệt san Ngày Nay, Houston, ôm vai Bùi Vĩnh Hưng, H.O., tác giả của những bài thơ tình nhẹ nhàng, trên Hồn Việt. Điều trớ trêu, ở chỗ, Hưng bị chính những "đồng hương" bên vợ Hưng giam nhốt, hành hạ Hưng, một cách tận tình. Vì, vợ Hưng là dân...Củ Chi "Thành Đồng Đất Thép." Cho nên Hưng được gọi là Hưng...Củ Chi (đôi khi hai chữ sau, còn được đọc ngược lại một cách rất thân yêu...)
Khi được biết nickname mới của Hưng, Trương Trọng Trác thích lắm, bảo:
"Như vậy tớ có bỏ ngang chuyến đi nghiên cứu thị trường ở Bắc Kinh cho tụi Mẽo, để về đây dự đám cưới thằng Minh, cũng không có chi ân hận..."
"Ân hận cái...củ chi ấy," Hưng "Củ Chi" nhăn nhó.
"Nếu mày không có mặt ở đây hôm nay, mày đâu có gặp được thằng Chi...Bán Nước.
Chi đây là Vũ Chi, nguyên giáo sư tốt nghiệp Lý Hóa ở Saigòn. Qua Mỹ từ năm 1975, "mất dậy," (chữ của Chi,) trải qua nhiều nghề, cuối cùng, Chi chọn nghề bán...nước. Nhưng Chi không chịu cái nickname "bán nước" mà Hưng đặt cho. Chi tự nhận mình là "Chi Bán Nước...Mỹ."
Giữa lúc Thầy Chi ung dung, tự tại với cái "nickname" "Chi Bán...Nước...Mỹ," trong giờ ra chơi cuối cùng," có lại lần đầu tiên, sau hơn bốn chục năm, của những người đàn ông từng giữ những vai trò, những chức vụ trong quân đội, trong chính quyền miền Nam Việt Nam..., không biết tôi có lầm chăng, khi cảm tưởng, cái "đinh" trong đêm San Jose kia, là ông...già trán hói, răng rụng, di chuyển khó khăn (mà lại thích di chuyển) giữa sân cỏ niên thiếu này. Tôi muốn nhắc một lần nữa, Phạm Duy Ánh. Một lần nữa, người cựu TrungTá Lực Lượng Đặc Biệt, về từ Sydney.
Tôi nghĩ, có dễ Ánh, chính Ánh mới là "tâm bão" của "giờ ra chơi cuối cùng" đó. Không mặc cảm (tự tôn cũng như tự ti,) không "show off," không chứng tỏ, không lấy điểm với bất cứ người nào, Ánh mới chính là kẻ thực sự hưởng được tới lớp cặn lạt sạt của "ly chè đậu đen hạnh ngộ."
Tôi nghĩ, có dễ, Ánh mới chính là kẻ "enjoy" từng giây từng phút "giờ ra chơi của những cậu học trò 60 tuổi." Ánh hân hoan móm mén với hàm răng "vắng vẻ" (mặc dù thời CVA, Ánh đã nổi tiếng là Ánh Vẩu, vì quá nhiều...răng.)
Ánh "vẩu" cười văng... "coca" khi B.S. Văn Sơn Trường lên sân khấu, kể một câu chuyện liên quan tới tật bẩm sinh của cô dâu, chú rể, bằng vào thẩm quyền nghề nghiệp y khoa của họ Văn.
Ánh "Vẩu" cười rung....một bụng...phở, khi ôm Trần Quốc Bá, một trong những hạm trưởng của Hải Quân VNCH, cũ.
Ánh "Vẩu" cười trơ...lợi, khi chọc Trung "Thượng cổ" tức nhiếp ảnh gia Huy Trung: Một tên "ngụy cực kỳ ngoan cố." Nhưng sau 75, những "chủ nhân mới" của Saigòn, vẫn phải trao những giải thưởng nhiếp ảnh cao quý nhất cho Huy Trung, chỉ vì không thể phủ nhận tài chụp ảnh của Trung; nhất là những bức ảnh mang đầy tính chuyển động. Ảnh thao trường.
Ánh "Vẩu" cười rung...những miểng đạn, mìn còn nằm sâu trong ngực, vai, chân, bụng, lưng, khi ôm Vũ Đắc Ánh... Khi Vũ Đắc Ánh đỏ mặt, nổi khùng, (nhiều lần, tôi những tưởng khó tránh một màn đánh nhau ngay giữa tiệc cưới,) chỉ vì Ngọc Hoài Phương và, Trương Trọng Trác khăng khăng, đề quyết Vũ Đắc Ánh là Ánh "Nhỏ," mặc cho họ Vũ khô nước miếng "đính chính":
"Ánh Nhỏ là thằng Nguyễn Ánh, không phải tao. Thằng Ánh...Nhỏ không có mặt đêm nay ở đây."
(Chỉ một người có thẩm quyền xác định Ánh Vũ hay Ánh Nguyễn là Ánh...Nhỏ. Tiếc thay, người đó, tấu xảo làm sao, cũng không có mặt, là "Thầy cãi" Nguyễn Thế Toàn, một nhân vật "danh trấn giang hồ" trong vòng mười năm qua, với hỗn danh Toàn...Bò. Nghe đâu ông Thầy cãi này, kể từ ngày tỵ nạn tới Hoa Kỳ, để tỏ lòng nhớ nước non, ông ta chỉ...bò, chứ không...đi, cũng không...lết!)
Nhưng trên tất cả, trong ghi nhận của tôi, lặng lẽ từ một góc phòng ở cái "giờ ra chơi cuối cùng," của thế hệ Chu Văn An, Trần Lục, Nguyễn Trãi 1955-1961, là những giọt lệ long lanh, được giữ lại, được dấu đi một cách kín đáo, nơi đôi mắt Vũ Thành An, Phạm Tuấn Bách, Bùi Vĩnh Hưng, Nguyễn Đình Hùng, Huy Trung, Nguyễn Đức Thuần, Trương Trọng Trác, Nguyễn Ngọc Chấn, Ngọc Hoài Phương, vân vân...Và, nhất là trong đôi mắt đục, lầm năm tháng đìu hiu của Phạm Duy Ánh, cu li, bỏ báo dạo, trên đường phố Sydney, Úc châu, nắng, gió...
Từ ghi nhận này, tôi chợt nghĩ tới những người nữ đang là những người bạn đời (cuối đời) của các bạn tôi, (những người có hay, vắng mặt trong "giờ ra chơi cuối cùng" của những cậu học trò sáu mươi tuổi!)
Từ ghi nhận này, tôi chợt nhớ tới những người nữ đã ra khỏi cuộc đời của các bạn tôi, (những người nữ chẳng những không có mặt; cũng không hề biết tới "giờ ra chơi" của những người đàn ông (mà,) họ từng có một thời yêu thương, một thời chung sống...) Tôi muốn nói với họ, đúng hơn, tôi muốn xin họ, (nếu tình cờ đọc được những giòng chữ này,) hãy thông cảm, hãy tha thứ cho các bạn thời niên thiếu của tôi. Thông cảm và, tha thứ cho họ những lỗi lầm, những hư hỏng, những tan hoang, những đổ vỡ, những máu xương bất hạnh (mà) họ (cũng như tôi,) đã từng giáng, trút xuống phần đời thiếu nữ, phần đời thanh, xuân, một lần, của quý vị.
Tôi tin, quý vị sẽ thông cảm, sẽ tha thứ cho những người bạn thời niên thiếu tôi, (luôn cả tôi,) nếu quý vị biết rằng, hôm nay, khi tất cả sắp hay, đã bước vào tuổi 60, nhưng họ vẫn còn là những những cậu học sinh trung học trong "giờ ra chơi cuối cùng" kỳ diệu.
Sâu, xa trong họ, theo ghi nhận của tôi, vẫn là bản chất hồn nhiên, vô tư, trẻ thơ tới tội nghiệp.
Sâu, xa trong họ, theo ghi nhận của tôi, thủy chung, họ vẫn chỉ là những đứa trẻ con. Những "đứa trẻ con" kia, sẽ theo họ tới phút cuối, đời họ. Tôi biết chắc, điều đó!
Bởi vì, trước khi chia tay, họ còn hân hoan, vô tư đến đau lòng, khi hò hẹn:
"Sẽ gặp lại nhau, 44 năm nữa...!"
(Calf. 12-1998)