
Mỹ Dung:
Thưa ông tôi chỉ một câu hỏi trong lá thư ngắn này. Đó là điều tôi thấy hình như các nhà văn, nhà thơ Việt Nam mình, khi lớn tuổi rồi thì không còn làm thơ được nữa? Hoặc giả họ vẫn còn làm thơ nhưng họ thấy không ưng ý nên không cho phổ biến? Nếu đúng vậy thì theo ông nguyên nhân sâu xa của nó nằm ở đâu? Trong khi tôi thấy các nhà văn nhà thơ tây phương, lớn tuổi họ vẫn sáng tác được mà có khi còn hay hơn cả thời gian còn trẻ nữa.
Nhà thơ Trần Dạ Từ trả lời:
Nhiều người khi lớn tuổi không làm thơ nữa... Đây là điều thường thấy ở bất cứ đâu. Ví dụ, thi sĩ Pháp Athur Rimbaud chỉ làm thơ trước tuổi 20 rồi ngưng. Riêng tại Việt Nam, thời nào nơi nào cũng có những thi sĩ vẫn tiếp tục làm thơ dù lớn tuổi, làm thơ ngay cả trước khi chết, và đây thường là những bài thơ bậc nhất, đặc biệt nhất của chính họ. Xin mời coi lại và sẽ thấy yên tâm:
- Ca trù/ hát nói của Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê: “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu” và “Hồng Hồng Tuyết Tuyết.”
- Thơ Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê, “Tuổi già hạt lệ như sương.”
- Tại miền Nam VN, Vũ Hoàng Chương có “Thơ xuân Năm Thìn.” Đây là bài thơ có chữ nghĩa xúc tích, tối tân và hào hùng nhất của thi sĩ, trước khi ông bị cộng sản bắt đi tù và bị giết vào tuổi sáu mươi.
- Tại miền Bắc VN, hai nhà thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi trước khi từ trần đã làm thơ để lại như những di cảo lên án chủ nghĩa bánh vẽ và chế độ chuyên chế của cộng sản. Đây là những bài thơ xúc động mới lạ nhất của họ.
- Tại hải ngoại, rất dễ thấy ‘thơ hay hơn bao giờ’ của các nhà thơ tuổi sáu bó, bẩy bó: Nguyên Sa, Mai Thảo, Du Tử Lê, Phạm Công Thiện, Đỗ Quí Toàn... Đặc biệt trong phạm vi người Mỹ gốc Việt, ta thường thấy số người lớn tuổi làm thơ đông hơn là lớp người trẻ tuổi.
Gửi ý kiến của bạn