
Vị trí và, ảnh hưởng thơ Nguyên Sa trong văn học Việt - Kỳ thứ 2.
Quan niệm về thơ Tự Do của tác giả “Thơ Nguyên Sa.”
Tôi viết “Nhóm Sáng Tạo khai triển và, phát động phong trào thơ Tự Do…” vì không phải đợi tới lúc tạp chí Sáng Tạo ra đời, thơ tự do mới được du nhập vào Việt Nam! Sự thực thơ Tự Do đã được các tác giả thời tiền chiến, cũng như kháng chiến sử dụng, như một phương tiện diễn đạt cảm xúc mới. Sau đó, thơ tự do còn được các tác giả như Phan Lạc Tuyên, và Mạc Ly Châu khai thác triệt để. Thậm chí, Mạc Ly Châu còn viết nguyên một tác phẩm bàn về nghệ thuật làm thơ tự do. Xa hơn, bắt đầu từ những năm (19)40, một số tác giả Việt du học tại Pháp đã làm quen và, thao tác với thể thơ này. Nhưng vì sự hạn chế của phương tiện truyền thông thời đó, khiến ít người trong nước được biết.
Dẫn đầu cuộc khai phá thể thơ Tự Do ở Pháp, những năm (19)40 có thể kể tới một số tên tuổi quen thuộc như Lê Trạch Lựu, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa v.v….
(Nhiều người chỉ biết Lê Trạch Lựu trong cương vị nhạc sĩ qua ca khúc nổi tiếng, bài “Em Tôi” mà, không hề biết rằng, ông còn là một nhà thơ chuyên làm thơ tự do nữa.)
Vì chủ trương đưa thể thơ tự do trở thành một hiện tượng hay, một cuộc lột xác mang tính dấu ấn cho giai đoạn của mình, nên những người chủ trương tạp chí Sáng Tạo đã chú trọng nhiều tới việc làm mới thi ca từ hình thức tới nội dung. Nhu cầu làm một cuộc cách mạng quyết liệt, để phân biệt giữa thơ tự do và thơ mới (có vần điệu,) đã đem lại cho độc giả nhiều bài thơ tự do khó hiểu. Xa lạ.
Người đọc ở vị trí giới hạn, khiêm tốn, chẳng những không thể lại gần thơ tự do mà, còn bị đẩy đi xa hơn vì thế. Sự xa cách đó làm cho những người không thể tiêu hóa nổi thơ tự do của nhóm Sáng Tạo, đã ở lại với thơ cũ một cách thoải mái. Tự nhiên. Những người này cảm thấy thơ mới vẫn là thơ dành cho họ!
Giữa lúc người đọc cảm thấy choáng váng, ngơ ngác với cảm giác bị xua đuổi khỏi lãnh địa thơ tự do của nhóm Sáng Tạo thì, cũng trên Sáng Tạo, một dòng thơ mới xuất hiện. Dòng thơ này, tuy cũng là thơ tự do, nhưng lại hàm chứa trong nó nhiều quyến rũ. Dòng thơ ấy, nhanh chóng thắp lên trong cảm nhận của nhiều độc giả niềm tin đối với thơ Tự Do.
Đó là sự xuất hiện của những bài thơ tự do mang tên Nguyên Sa. Thoạt tiên trên Sáng Tạo. Sau đấy, trên tạp chí Hiện Đại và, một vài diễn đàn khác.
Sự xuất hiện những bài thơ tự do, ký tên Nguyên Sa, vào những năm giữa thập niên (19)50, là một chấn động lớn. Chúng không chỉ gây choáng váng cho người đọc mà, còn là một kích động bất ngờ cho văn giới.
Tính thuyết phục của những bài thơ tự do ký tên Nguyên Sa, một mặt nào khác, cũng khiến cho một số những người làm thơ trẻ thời đó, tin tưởng và, ném mình vào cuộc thử thách với thơ tự do một cách say sưa, tin tưởng hơn.
Sự kiện này, làm nhiều người nhớ lại rằng, khi phong trào Thơ Mới, ra đời vào những năm đầu thập niên (19)30.
Cũng giống như phong trào thơ tự do, khởi đầu Thơ Mới không gây được niềm tin đáng kể nơi người đọc. Bên cạnh đó, sự khích bác, mỉa mai của những tên tuổi chọn thủy chung với thể thơ Đường luật, cũng gây tổn thương, làm chậm đường bay của loại thơ này.
Phải đợi tới lúc những tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư rồi Huy Cận v.v…tập trung quanh ngọn cờ Phong Hóa - Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hợp cùng những thi sĩ ở ngoài nhóm, như Vũ Hoàng Chương, Hồ Dzếnh, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, v.v…Thơ Mới lần hồi mới có được cho nó một chỗ đứng xứng đáng.
Nói cách khác, theo một số nhà phân tích văn học thì, ở thời điểm vừa kể, nếu không có những kiện tướng như Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Huy Cận… nhiều người e rằng, không biết tới khi nào, phong trào Thơ Mới, mới có được địa vị vững vàng, kéo dài tới ngày hôm nay(?)
Từ thành kiến thơ tự do do nhóm Sáng Tạo cổ võ mà, một số người quá khích, cực đoan, đã dán nhãn cho thể thơ này là “bí hiểm,” “hũ nút!” Hoặc đó là một cuộc “xóc chữ, xin xâm” - - Thì, thơ Tự Do của Nguyên Sa và, những bằng hữu của ông, như Thái Thủy, Hoàng Anh Tuấn, Trần Dạ Từ, Nhã Ca,…đã mở ra những chân trời khác. Những chân trời tươi rói nhiều lượng máu canh tân, luân lưu trong cơ thể thi ca Việt Nam trì trệ mấy chục năm.
Điểm đầu tiên, nổi bật trong cõi giới thơ Nguyên Sa, về phương diện hình thức là không câu nệ, không trói buộc mình vào một số chữ cố định cho một bài thơ. Một câu thơ có thể chỉ vài chữ, đi liền với những câu thơ hằng chục chữ. Nhưng, cùng lúc, Nguyên Sa cũng không triệt tiêu hoàn toàn phần âm vận, để toàn bộ bài thơ không chỉ như một khung nhà thiếu mái che, chẳng tường vách. Hay, một thân thể không máu, thịt.
Thí dụ bài “Nga,” (một trong những thờ thơ rất nổi tiếng của Nguyên Sa) sáng tác tháng 12 năm 1954 ở Áo, in lại sau đó, để “Thay giấy báo hỷ, in tại Paris ngày 10 tháng 12 năm 1955” trước khi tác giả về nước, 1956.
Về bài thơ vừa kể, sinh thời, nhà văn Mai Thảo viết:
“… Đó là bài thơ Nga với tiểu đề “Thay cho thiệp báo hỷ”, cũng là bài thơ đầu tiên Nguyên Sa làm từ Paris mang về và trao cho chúng tôi. Báo hỷ thiệt. Báo hỷ không chỉ về sắp sống chung hòa bình với một vị hôn thê mà thơ ngộ nghĩnh tả lúc như “một con chó ốm” lúc như “một con mèo ngái ngủ.” Mà còn báo hỷ cho thơ. Rằng thơ vừa có tin vui. Rằng trời thơ Việt vừa có một vì sao mới. Bài thơ Nga, tôi nhớ Thanh Tâm Tuyền rất thích. Đăng ngay trên tờ Người Việt, tiền thân của tờ Sáng Tạo và là diễn đàn của bọn chúng tôi lúc bấy giờ, với mấy lời giới thiệu trang trọng chào mừng tài thơ Nguyên Sa từ Pháp mới về, bởi vì “một dòng máu không chảy ngoài huyết quản.” (Mai Thảo, Màu lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa, ‘Nguyên Sa, Tác Giả và Tác Phẩm,’ trang 58, 59. Đời, California, XB năm 1991.
“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
“Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
“Đôi mắt cá ươn sắp sửa se mình
“Để anh giận sao chả là nước biển!...
(…)
“Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
“nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
“Anh sẽ hôn đền em
“Và anh sẽ bảo em soi gương
“Nhìn vết môi anh trên má
“Môi anh tròn lắm cơ
“Tròn hơn cả chữ O
“Tròn hơn cả chiếc nhẫn
“Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!...
(…)
“Em sẽ cười phải không em
“Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!...
“Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
“Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
“Với chữ N
“Với chữ G
“Với chữ A
“Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
“Người ta có thể không thích
“(thì người ta không thích một mình)
“Nhưng người ta không thể cấm được anh yêu bài thơ của anh…”
(Nga, “Thơ Nguyên Sa Toàn Tập,” tr. 63, 64, 66, 67. Đời, California, XB năm 2000.)
Tác giả “Nga” cũng có một quan niệm rất minh bạch về Thơ Xuôi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho ba nhà báo là Thượng Sỹ, Phan Kim Thịnh và Vũ Bằng,vào những năm đầu thập niên (19)60, nhà thơ Nguyên Sa nói:
“… Thơ Tự Do cũng như Thơ Văn Xuôi, không bó buộc vần và khác hẳn Thơ Mới, số lượng câu gieo vần trắc quan trọng bằng vần bằng, mà Thơ Mới thì nghiêng về vần bằng nhiều hơn. Số chữ của Thơ Tự Do hay Thơ Văn Xuôi không cố định, tám chữ, mười hai, hai mươi bốn chữ hay một chữ hai chữ tùy hứng của nhà thơ.
“Thí dụ Thơ Văn Xuôi câu nhiều chữ:
“Suốt cả đời người anh đã chờ đợi tin yêu: lửa đến từ những cửa ngỏ cuộc đời đã đốt cháy mười đầu ngón tay bằng những khối nhựa đường nóng bỏng.”
“Về vần, không bó buộc, có khi gần nhau:
“Còn nếu như em không đến? Em không đến, tôi cũng chẳng dám giận hờn em. Em hãy ở lại nhà. Đóng chặt cửa sổ kẻo mưa hiu hắt. Kéo chăn chùm kín cổ kẻo gió lùa về lạnh như những giấc mơ êm.”
“Hoặc (vần) xa nhau rất nhiều:
“Tôi cũng không phải hỏi rừng để rừng bảo hỏi cây. Cây khuyên hỏi lá. Lá bảo hỏi chim muông. Tôi nhìn quanh tôi những cánh quạ đen cười riễu cợt...” (Sđd. Tr. 49, 50.)
Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, trả lời một câu hỏi khác của nhà báo Thượng Sỹ, về “thực chất” và “ưu điểm” của thơ tự do,” Tác giả “Thơ Nguyên Sa” cho biết:
“Không có loại thơ nào ưu điểm hơn loại thơ nào; thơ lục bát không ưu điểm hơn thơ Đường, thơ Đường không ưu điểm hơn Thơ Mới, Thơ Mới không ưu điểm hơn Thơ Tự Do. Riêng tôi, tới khi nào tôi cảm hứng và thích loại thơ nào thì tôi làm loại thơ đó. Thí dụ cuốn thơ của tôi vừa tái bản (Thơ Nguyên Sa, tập 1,) tôi chia làm ba loại: thơ mới, thơ tự do, thơ văn xuôi. Tôi nhắc lại rằng theo tôi, nếu ấn định phải làm thơ theo một số đề tài, hình thức nào tức là mình giáo điều, do đó chính mình làm cho mình tê liệt xúc động. (Sđd. Tr. 51)
Phát biểu này của thi sĩ Nguyên Sa, khiến những người chủ trương “tính độc tôn” của thơ tự do, thuở đó, khó chịu!
Du Tử Lê