Trong vòng mười năm qua, sinh hoạt văn học hải ngoại đã hình thành một khuynh hướng văn chương khá đặc thù. Đặc thù từ ngôn ngữ, tới nội dung.
Ngôn ngữ đó là ngôn ngữ của những người dân sống dưới chế độ cộng sản miền Bắc. Nội dung đó là nội dung của những cảnh đời, cũng thuộc về miền Bắc, gồm luôn những cảnh đời trước và sau tháng 4-75.
Theo một số nhà phê bình văn học, khuynh hướng đó là khuynh hướng văn chương hiện thực xã hội. Một thứ văn chương hiện thực xã hội, khác.
Nó được hình thành bởi những nhà văn, ra đi từ Hà Nội như Thế Giang, Lê Minh Hà, Văn Thanh, Thế Dũng, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Chí Thiện, vân vân...
Phát biểu về cảm quan của mình trước vấn đề văn học, Nhà văn Văn Thanh, tác giả tập truyện "Gái Hà Nội Khóc Ai?" và bút ký "Chuyện Làng Văn Hà Nội" Văn Thanh-Lý Kiệt Luân viết:
"Tôi muốn được chia sẻ với những nhà văn yêu nước tha thiết, nhưng không có quyền lực trong tay, họ như người bị trói chặt, chỉ còn có cái mồm, và 'những giòng nước mát pha lẫn mầu của máu,' khi nhìn về tổ quốc đau thương. Hãy để cho cái Tình Người của chúng ta thể hiện mạnh hơn nữa trước một thực trạng chúng ta không có quyền lực trong tay, trọng trách của người cầm bút hơn bất cứ lúc nào, miêu tả trung thực, toàn vẹn bức tranh xã hội, thảm trạng xã hội là điều cần thiết.
Tai nghe tiếng khóc oe oe của đứa trẻ ra đời mồ côi mẹ, bạn đọc sẽ tự hình dung lấy cảm nghĩ của mình, họ tự biết phải làm gì, tôi không thích hướng dẫn độc giả bằng những hư từ sáo rỗng, ru ngủ con người trước những cơ cực nhơ nhớp có thực của cuộc đời, tâm hồn thơ yêu không nhất thiết đòi hỏi người viết né tránh sự nghèo đói thực tại chạy theo những ảo vọng quyến rũ mà cho đó là lãng mạn văn học - Thực ra tôi rất thích lãng mạn."
Quan điểm văn học hiện thực của Văn Thanh không hẳn là quản điểm hiện thực của tất cả các nhà văn từng sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, hiện đang định cư tại quê người. Nhưng, chí ít, nó cũng phản ánh quan niệm của chính ông.
Là một người cầm bút trong những năm sau cùng ở Hà Nội, trước khi biến cố 30 tháng 4-75 xẩy ra, đưa lại chiến thắng cho nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc, từ đó, có cơ hội tiếp cận nền văn học miền Nam. Nhà văn Văn Thanh, như những người bạn cầm bút khác cùng trang lứa với ông, chợt nhận ra ngoài cái thế giới bưng bít ông đang sống, còn có những thế giới khác, những thế giới hay những chân trời mà, nhà văn được phép nói ra những diều họ nghĩ, ghi lại những điều họ rung động, viết xuống những điều họ bất ưng, phản kháng những điều họ cho là triệt tiêu nhân phẩm.
Sự phát hiện choáng váng mà cũng ngây ngất này, khiến Văn Thanh lập chí, vượt biên. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng, ông thành công. Từ một trại tạm cư tại Hồng Kông, năm 1992, Văn Thanh, được định cư tại Hoa Kỳ. Ông chọn thành phố San Francisco, nơi có cửa biển dẫn về Thái Bình Dương, dẫn về vùng trờøi biển, nơi từ đó, ông đã ra đi.
Ở quê người, ngay những năm tháng đầu tiên, Văn Thanh đã cầm bút trở lại. Ông nói, ông viết say mê, viết đêm ngày. Ông nói, giống như người bệnh lâu năm, khi hồi phục, ăn giả bữa như thế nào, thì ông cũng "ăn giả bữa" với chữ nghĩa, với văn chương, như thế.
Từ bàn viết tại một căn nhà ngoại ô thành phố Frisco, tên tắt của người dân Cựu Kim Sơn, gọi một cách thân yêu, thành phố này, những truyện ngắn mang đầy tính hiện thực xã hội ra đời. Từ những truyện ngắn mà Văn Thanh đặt tên là Tam Bộ Khúc Dân Đen, với “Đêm Tối và Tình Yêu," "Những Cơn Gió Trở Chiều" "Nuốt Chửng Mười Con Bò," qua tới Tam Bộ Khúc Việt Kiều, với "Chiếc Áo Hoa Mầu Tím," Lưng Em Qua Làn Aùo Mỏng," "Tướng Cướp Bạch Hải Đường" và những truyện ngắn khác, như "Ánh Mắt Người Mẹ," "Nghề Đi Ở Mướn Thời Đổi Mới", hoặc "Anh Em Thời Luân Loạn, Nỗi Buồn Sau Lũy Tre Làng... người đọc hải ngoại vừa làm quen với thế giới ngôn ngữ sệt, quánh tính chất miền bắc xã hội chủ nghĩa, vừa ngơ ngác tới đau lòng tự hỏi, có thực chăng, một nửa dân tộc Việt Nam sống trong cảnh tình như vậy?
Như chính tác giả, chính Văn Thanh, khi nói về truyện ngắn "Đêm Tối và Tình Yêu" đã phát biểu rằng:
"Tôi được chứng kiến tại quê tôi, những cảnh đau khổ của người dân còn hơn cả những gì mà Goóc Ky đã viết. Tôi muốn hỏi những người đi theo Goóc Ky, họ sẽ nghĩ sao, khi người đàn bà Việt Nam không được như nhân vật của ông: tay ôm bụng nhăn hó kêu đau, khi bị trói cả chân lẫn tay, bị đẻ rơi và người bên cạnh lại không được như ông Goóc Ky dùng hai tay đỡ đẻ, mà phải dùng cái mồn của mình, vì tay chân đã bị bộ máy cai trị trói nghiến mất rồi! Nếu nói chế độ quân quyền Nga cần phải đạp đổ cho sự công bằng thì một chế độ tàn nhẫn hơn như thế đang diễn ra ở Việt Nam, các ông nghĩ sao?
Hình ảnh người đàn bà đẻ rơi trong truyện ngắn "Đêm Tối và Tình Yêu," được một người dùng răng để giúp đỡ sản phụ, như một phản ứng tự nhiên con người trước bất hạnh của kẻ khác, chỉ là một trong những hình ảnh gây cảm xúc thốn xót cho người đọc, rải rác trong các truyện ngắn của tác giả này.
Cũng như những cảnh tượng trong các truyện ngắn của một Nguyễn Huy Thiệp điển hình với "Tướng Hồi Hưu," Thế Giang với "Thằng Người Có Đuôi," nếu Văn Thanh không đem vào truyện của mình, người đọc, dù có óc tưởng tượng phong phú đến đâu, cũng không thể hình dung được.