Ánh mắt, đôi khi, để lại nhiều điều hơn lời nói!
Tôi không quen với chú Du Tử Lê, theo nghĩa thông thường của từ quen. Từ đó chưa chính xác.
Càng không thể gọi là bạn, theo nghĩa thông thường của từ bạn. Từ này, quá phận.
Tôi rất ít gặp ông. Vài năm, chỉ vài lần. Ông chẳng bao giờ gọi điện thoại, tôi chẳng bao giờ gửi email, để hẹn gặp nhau.
Tôi và ông gặp nhau, luôn luôn tình cờ, ở quán... cà phê.
Phạm Phú Thiện Giao
Quán cà phê, với sự có mặt của ông, trở nên thơ mộng hơn. Tôi nghĩ vậy, vì ông là một nhà thơ. Song, tôi sẽ chẳng viết gì về thơ. Với thơ, tôi là kẻ ngoại đạo.
Tôi “biết” Du Tử Lê trước khi gặp ông. Tôi biết ông, qua thơ và qua những gì người ta nói với tôi, về ông và về thơ ông.
Tôi để những hiểu biết về ông, qua lời kể của người khác, sang một phía. Tôi muốn biết về ông bằng chính cảm nhận của tôi.
Ông thường khen những bài báo tôi viết.
Được một người như Du Tử Lê khen, tất nhiên là thích.
Tôi cũng thích được khen, như mọi người, nhưng tôi không dễ bị dẫn dắt bởi những lời khen xã giao, phù phiếm. Tôi thích những lời ông bình phẩm.
Chúng chân thực. Tôi biết chính xác điều này. Những bài viết được ông khen, cũng là những bài viết mà tôi tâm đắc.
Ông ít nói, lời khen chừng mực. Và tôi thích nhất cách ông “nói” với tôi, qua ánh mắt.
Nhẹ nhàng, thân thiện...
Cả đôi chút gởi gắm.
Tôi biết, những gởi gắm trong ánh mắt ấy khiến tôi phải thận trọng hơn, không được sơ suất. Sai sót, chủ quan, những ánh mắt như thế sẽ thay đổi; sẽ nặng hơn những lời bình phẩm.
Mỗi bài viết sẽ có hàng chục ngàn độc giả. Trong hàng chục ngàn độc giả ấy, có Du Tử Lê.
Ánh mắt của ông đặt trách nhiệm lên tôi.
Ông đã ảnh hưởng lên tôi như thế!
Thiện Giao