Dù quen biết anh đã khá lâu, giữa anh và tôi luôn có một khoảng cách vô hình
khó hiểu. Tôi đổ tội cho bản tính bảo thủ, khô khan của mình đã không chấp
nhận được cách phục sức táo bạo của anh. Và cũng chính sự cố chấp, độc
đoán, tôi đã đánh mất cả một thời gian quá dài để có cơ hội biết được một con
người, một đời sống đầy thanh âm, sắc màu.
Anh sinh ra trong gia đình nghệ sĩ. Bố anh là một họa sĩ nổi tiếng (Họa sĩ Trịnh Cung). Tuy nhiên,
ông không muốn cho con mình nối nghiệp hội họa, ông sợ Ông Trời sẽ không bao dung
cho cả hai thế hệ cùng một lúc. Bố Luân Vũ muốn anh phải tìm cho mình một
chỗ đứng trong nghệ thuật, bất cứ lãnh vực nào.
Bố Mẹ Luân Vũ
Khi anh vừa chào đời, trên con đường từ bệnh viện về nhà, ôm đứa con trai
chờ mong vào lòng, ông hân hoan, hớn hở… Một điệu luân vũ nhảy múa trong
ông. Và, anh đã được mang tên Luân Vũ khởi đi từ thanh âm rộn rã, vòng
quay nối nhau, bước chân mở hội, đón chào đứa con khởi từ tình yêu của một tài
hoa Trịnh Cung và một người đàn bà yêu mê âm nhạc, là Mẹ anh. Khi anh và người
chị (nữ nhạc sĩ Vương Hương) vừa tập tễnh bước vào trường học, cũng là lúc họ
đã được làm quen với những nốt nhạc đầu tiên. Bố anh đã có công mở cánh cửa
tinh khôi dắt tay anh bước vào thế giới âm nhạc, nhưng người đã giúp anh sống
trong thế giới đó thật thủy chung, chính là Mẹ anh.
Mẹ Luân Vũ-Vương Hương
"Em biết không, Việt Nam muỗi quá nhiều nên mỗi lần anh tập đàn, Mẹ anh đã
ngồi bên cạnh để quạt cho anh". Hình ảnh đó đã đi theo anh suốt 30
năm. Luân Vũ kể lại thời thơ ấu của mình. Khác với những đứa trẻ khác,
thời thơ ấu của anh không có trò chơi trẻ thơ, không có tiếng cười đùa nghịch
ngợm. Luân Vũ rất thích đá banh, anh kể, khi còn bé, mỗi lần bạn anh đứng ngoài
cửa rủ đi chơi, thì lập tức trong nhà vang lên tiếng nài nỉ: "Tụi con đi
chỗ khác chơi, bác xin tụi con, tụi con để yên cho thằng Bờm tập
đàn!".
Điểm đáng ngạc nhiên là khi kể lại những chuyện này, Luân Vũ không hề tỏ vẻ
tiếc nuối một tuổi thơ, Bờm có vẻ rất hài lòng, hãnh diện với những lời
rầy la của Mẹ.
Tiếng đàn ò e ò e mỗi sáng, là nỗi phiền hà của lối xóm. Mẹ anh phải tìm cách
làm dịu sự bực tức của láng giềng. Phần anh, lúc ấy còn rất bé, nhưng cũng ý
thức, và nhiều nhất là lòng thương Mẹ, phải áy náy với những người chung quanh.
Cái đứa bé 7 tuổi kia đã nghĩ ra được một cách. Anh nói, “Em biết không, anh đã
tìm được một chỗ thích hợp cho việc tập đàn. Trong phòng tắm! anh vào phòng
tắm, đóng kín cửa lại, nhúng chân vào xô nước, để trừ việc bị muỗi cắn, mà
tiếng đàn lại càng hay hơn vì có tiếng echo". Anh kể lại giọng bình thản,
trong khi tôi nghe như có muối xát vào lòng. Anh làm tôi thương cảm, tội
nghiệp. Tôi chỉ mong anh nhỏ lại, còn tôi thì già đi, để có thể ôm anh vào
lòng, thương mến, chở che. Cái sáng kiến vào phòng tắm tập đàn, chẳng giúp được
anh dài lâu, anh cũng chỉ được an ổn trong một thời gian ngắn, cho đến một hôm,
anh chưa kịp tập đàn thì ngoài cửa nhà anh, có ai đó treo một tờ giấy, “Bờm,
nếu mày còn đàn lớn, tụi tao sẽ đánh cho mày chết luôn.”
Cũng may bản án của lũ trẻ trong xóm đã không được thực hiện. Năm 1982 Luân Vũ
và chị Vương Hương, thi đậu vào Nhạc Viện với số điểm khá cao. Tuy nhiên, đến năm 1989 khi
bước vào bậc trung cấp, dù đạt điểm rất cao, anh vẫn không được vào bảng A, lý
do đơn giản, theo đúng chữ của họ, anh là con Mỹ Ngụy. Và, đó cũng chính là
ngày buồn bã nhất trong cuộc đời của anh. Luân Vũ được tin mẹ anh mang bịnh ung
thư. Hai tình yêu lớn nhất trong đời anh, âm nhạc và Mẹ, vụt khỏi tầm tay.
Dù gì thì anh vẫn không bỏ cuộc. "Mẹ anh đã quá khó nhọc để cho anh học
đàn, anh đâu thể bỏ được!" Luân Vũ nhấn mạnh với tôi. "Như vậy, phải
chăng anh yêu đàn, vì anh quá yêu Mẹ?" Tôi hỏi. Anh cười.
Người Việt Nam thường nhắc đến những đứa trẻ chào đời trong thời chinh chiến,
lớn lên trong một xã hội đổ nát nghèo nàn, ít nhiều, chúng cũng bị ảnh hưởng
cuộc sống mà chúng không hề lựa chọn. Tuy nhiên, theo tôi, Luân Vũ là một người
may mắn. Dù Luân Vũ đã sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đó, nhưng anh lại tìm
được cho mình một nơi ẩn trú, rất riêng, trong âm nhạc. "Lúc vui
cũng như khi buồn, cây đàn luôn bên cạnh anh. Cây đàn đã chia xẻ với anh biết
bao nhiêu kỉ niệm trong cuộc sống!" Cây đàn của Luân Vũ, một
vật, mà không ít người, trong thời điểm sau chiến tranh, cho đó là
món xa xỉ phẩm. Món hàng xa xỉ phẩm đã là người tình, thật thủy chung, đối với
Luân Vũ trong suốt ba mươi năm.
Luân Vũ kể, "Bố mẹ anh đã khó nhọc
tiết kiệm từng đồng để mua cho anh cây đàn, hỏi sao anh không quý cho
được." Được hỏi về kỷ niệm với cây đàn, Luân Vũ kể, “Hồi anh 7 tuổi, một
hôm ra sân xem đá banh, đến khi quay lại không thấy cây đàn đâu cả. Anh nghĩ
chỉ có cách bỏ nhà đi mà thôi, anh không dám quay về nhà. Thế rồi anh lang
thang, và thật là kỳ diệu, lúc đi ngang hàng bán đồ cũ, anh thấy một người đàn
ông đang lau chùi cây đàn của mình. Anh đến xin lại nhưng ông kia đòi một cây
vàng, trong khi gia đình anh lúc bấy giờ cơm không có ăn. Bố anh gom góp đồ
trong nhà giá trị chỉ một chỉ vàng để chuộc lại cho con. Nhà coi như bó tay thì
may quá, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói để ông can thiệp. Vậy là anh có lại cây
đàn, và điều quan trọng nhất là anh không phải bỏ nhà ra đi, không phải xa Mẹ.
Anh mang ơn người nhạc sĩ tài hoa.
Hình như đối với anh, đàn không những là cầu nối cho anh đến với âm nhạc, mà nó
như một hình tượng thiêng liêng đưa anh đến gần với “Đạo”. Cách anh nói khiến
tôi hiểu âm nhạc là Đạo. Nói chuyện với anh, quanh co gì thì anh cũng quay câu
chuyện về âm nhạc, Đàn và Mẹ. Đôi khi chuyện anh kể đầy huyền bí, khó
tin…"Em biết không, có lần trên đường đi học về, trong lúc đạp xe, dây đeo
đàn của anh bị đứt. Anh hoảng quá, sợ đàn rơi, anh buông tay xe, chụp lấy đàn,
anh mất thăng bằng té xuống. Một chiếc xe sà tới, xém chút xíu nữa là đâm thẳng
vào người anh. Ông lái xe chửi anh như tát nước. Một người đi đường thấy vậy
cũng năn nỉ dùm anh, "thôi anh tha cho thằng nhỏ đi, nó té mà không lo
thân chỉ lo chụp cây đàn, như vậy là biết nó nghệ sĩ đến mức nào rồi."
Luân Vũ như sợ tôi không nhận ra phép lạ trong câu chuyện của anh. Anh giải
thích thêm: "Em thấy không, nhờ cây đàn mà ổng tha cho anh, rõ ràng cây
đàn cứu anh!"
Tôi bật cười vì câu giải thích của anh. Tôi tiếp nhận câu chuyện hoàn toàn khác
hẳn lời anh. Theo tôi, cây đàn không hề cứu anh, cũng chính vì cây đàn mà
anh xém toi mạng. Và, cũng chính ý nghĩ này làm tôi vừa hổ thẹn, vừa tội nghiệp
chính mình. Tôi đã không có được một tình yêu âm nhạc mãnh liệt như anh.
Anh quá hồn nhiên, trong sáng, và nhân hậu biết bao! Tình yêu của anh dành cho
cây đàn, dành cho âm nhạc biến anh thành một người cuồng tín. Phải vậy không?
Trong ý nghĩ của tôi, hay là tôi quá thực tế, quá cằn cỗi. Đối với anh,
cây đàn là phép lạ, nó có khả năng biến tất cả tai ương trong đời anh thành ân
phúc.
Bằng giọng nói đều, rất bình thản, như là nói về một chuyện cổ tích nào đó. Anh
kể, có người con gái, thân thiết lắm! xinh đẹp vô cùng và anh cũng yêu thương
vô cùng. Cô muốn có một cuộc sống vững chắc, cô muốn có một gia đình
bình an… Sự bình an, theo cô không đi cùng đường với âm nhạc. Đêm tưởng niệm một
nhạc sĩ vừa mới qua đời. Người nhạc sĩ anh ngưỡng mộ và yêu mến. Cô gái khóc
lóc, nài nỉ xin anh đừng đi. Cô ra tối hậu thư, nếu anh bước ra khỏi nhà với
cây đàn, là anh đã lựa chọn!
Và, anh đã chọn. Anh, với chỉ cây đàn trên tay, cắm cúi đi. Đêm đó anh đi bộ từ
Garden Grove đến tận nơi trình diễn. "Hôm đó trong lúc đàn, anh đã khóc.
Anh đã khóc cho người nhạc sĩ tài ba mà anh yêu mến vừa qua đời. Anh khóc tình
yêu dành cho âm nhạc của anh bị tổn thương. Điều anh biết rất rõ, rất rõ là
anh không hề khóc cho mối tình vừa chấm dứt."
Cuối cùng, tôi cũng hiểu được rằng, anh đã “lựa” rất nhiều, nhưng anh chỉ
“chọn” một: Âm nhạc - Cây đàn, mà anh đã theo nó suốt cuộc đời anh. Thế đó, ai
dám nói "Đàn ông không thủy chung?!"
Khi chợt nghĩ tới số 60, tôi nhắm mắt uống thêm 3 hớp cafe một lúc. Trôi xuống cổ tôi là cái nóng cháy và đắng ngắt của ly cafe vừa sôi, không đường, sữa.
Bước ngang qua phòng Hạnh, chúng tôi ghé mắt nhìn vào. Bức hình treo trên đầu giường biến mất. Ông Chung, mắt ngấn lệ, tay nắm chặt tay tôi, miệng thì thầm: ''Cám ơn Hạnh!''
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-260-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Khi gặp Bùi Xuân Phái, thấy nhau, chúng tôi cùng bùi ngùi. Chúng tôi không nói được với nhau một lời nào!.! chỉ nhìn nhau. Mặc cho những giọt mắt già nua, hiếm hoi, lặng lẽ chảy…
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.