Như ghi nhận của riêng tôi thì, mỗi truyện ngắn trong tập truyện “Thần tháp rùa” của Vũ Khắc Khoan là một “tuyên ngôn”của tác giả, về những vấn đề thiết thân nhất của đất nước, thời thế và, vai trò của người trí thức trong hoàn cảnh lao lung, ngặt nghèo của dân tộc.
Chính vì thế, qua nhân vật Đỗ, họ Vũ cũng đã đặc biết nhấn mạnh tới những vấn đề mà giới trí thức, không thể không ưu tư. Thí dụ như quyền quyết định vận mạng của mình trước đường lối áp đặt của độc tài tập thể. Sự chọn lựa giữa hai quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh hay, nghệ thuật vị nghệ thuật v.v…
Tôi nghĩ, dường không một nhà văn nào, cùng thời với họ Vũ, có nhiều băn khoăn đau đáu như ông.
Bởi thế, một mặt họ Vũ mô tả nhân của mình là một người trẻ tuổi quen sống lặng lẽ, xa lánh chúng bạn, đám đông… Nhưng mặt khác lại là:
“…trong câu chuyện, nếu có ai đả động đến thời cuộc, so sánh lý thuyết nọ với lý thuyết kia, là lập tức sám nắm bước vào thảo luận, nói hàng giờ không biết mỏi. Hoặc nêu thuyết nhà Phật mà bác bỏ định đề Cơ Đốc. Hoặc đề cao tư tưởng của văn sĩ Pascal mà đánh đổ lý luận vô thần. Hoặc chủ trương giai cấp đấu tranh mà công kích những mưu mô tư bản. Hoặc lập luận tự do cá nhân để chống đối độc tài đoàn thể. Có ai rụt rè nói đến giá trị nội tại của nghệ thuật ắt Đỗ phải lớn tiếng thích nghĩa nhân sinh. Nhưng nếu có người muốn hạ văn chương xuống ngang hàng một ‘đồ thực dụng’ thời Đỗ chép miệng thở dài nhắc đến quan niệm nghệ thuật của Kant. Giọng Đỗ trầm bổng như tiếng trúc tiếng tơ, khi mau khi chậm, khi thoảng nhẹ tựa cơn gió mùa hạ, khi thiết tha như tiếng đục chạm của người dũa ngọc. Bạn bè ai cũng thấy thích tai, cho là lạ, phục Đỗ đọc rộng, biết nhiều…”
Dẫu vậy, điều đó vẫn không khu trừ được thuộc tính của một số trí thức có chung căn bệnh hiểu nhiều, biết rộng, giỏi lý thuyết, có tài lập ngôn… Nhưng ngại khổ, sợ phiêu lưu, không dứt khoát…Họ thường để rơi mình trong tình trạng thụ động, bất mãn, “trùm chăn,” sống bên lề biến động xã hội. Thiểu số khác, chờ được triệu, vời làm công bộc cho quyền lực.
Nhân vật Đỗ của Vũ Khắc Khoan hơn thế, còn bị vây khổn giữa những khác biệt căn để của hai tôn giáo lớn của nhân loại là Ky Tô và Phật Giáo. Đỗ cũng bị treo tâm trước bản chất thụ động khi thời thế nhá nhem! Không chủ động chọn thái độ tích cực trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước. Nói cách khác là không nhập cuộc. Chỉ lớn tiếng phê bình những biến động xã hội.
Trước tình cảnh “trên đe dưới búa” như tác giả mô tả, nhân vật Đỗ đứng giữa. Bi kịch của Đỗ ở chỗ tiến hay thối đều lưỡng nan như nhau! Cho tới thời điểm:
“Ngày nguyên tiêu (2) năm Mão, có mở Chợ Hoa. Thiên hạ tạm quên lo nghĩ, mặc áo mới, đổ ra đường nam, phụ, lão, ấu lũ lượt kéo tới ven hồ Hoàn Kiếm.
“Muốn thêm vui, viên thị trưởng họ Thẩm ra lệnh kéo lưới bắt Rùa ở hồ để người Kẻ Chợ có dịp nhìn tận mặt con vật tương truyền giật kiếm cứu quốc của vua Lê. Người hiếu kỳ xem Rùa có tới hàng vạn. Không khí tưng bừng, đây đó đèn treo hoa kết…”
Nhân dịp này, người chủ nhà trọ của Đỗ mới thúc dục Đỗ bước ra khỏi nhà cho khuây khỏa. Nể tình, Đỗ nghe theo. Nhưng không nhờ thế mà Đỗ vơi bớt ưu tư, sầu muộn về thế sự, đất nước. Gần khuya, Đỗ về lại nhà trọ sau khi đã mềm môi, quá chén. Lúc tình cờ ngang qua nơi giam giữ Rùa Thần, Đỗ nhìn Rùa và Rùa cũng nhìn lại Đỗ. Dưới ánh trăng rằm, Đỗ thấy mắt rùa như mờ lệ.
“Nhân còn say, Đỗ hỏi:
“Cũng biết thùy lệ ư?
Sự kiện nhân vật Đỗ của họ Vũ gặp, rồi ra tay cứu Rùa Thần, theo tôi chỉ là cái cớ (như một mồi lửa), để tác giả dẫn đến những biến động (chọn lựa) sau đấy. Nhưng trước khi tìm ra sinh lộ cho vai trò trí thức tiểu tư sản của mình, Đỗ (hay chính họ Vũ) vẫn còn loay hoay trong chiếc kén như bản chất thụ động, ngại phiêu lưu của đa phần trí thức:
“Đêm đó, Đỗ trằn trọc, không nhắm mắt. Định đọc sách, thì tâm thần phiêu diêu bất định, chữ múa trước mắt, nghĩa sách thoảng xuôi như cơn gió mùa xuân.
“Đỗ
bèn vùng dậy, mở toang cửa sổ. Trăng tỏa đầy gác học. Trăng soi sáng bốn bề ngập
sách. Sách ở bàn, ở tủ, từng chồng, từng tập, ở cả đầu giường. Quyển mở xem vội
vài trang, quyển khép kín im lìm một xó tường. Mã Khắc Tư ôm ấp Lão Tử. Sartre
nằm cạnh tập kinh Tân ước. Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu cố gắng, bấy nhiêu cây
mốc cắm dọc con đường tư tưởng tự nẻo xa xôi, rắn vườn Eden chưa từng bò sát
cho đến bây giờ… Tựu trung, chân lý vẫn chập chờn như đom đóm lập lòe giữa bãi
tha ma. Sách lặng lẽ lên bụi. Bụi sách
lung linh ánh trăng nguyên tiêu…”
Giữa lúc Đỗ như con vụ quay mòng trong cơn lốc thế cuộc, không tìm ra vị trí, thế đứng cho thân phận trí thức của mình, đến độ phải buộc miệng tự than, “Thế ra ta chỉ một mình?” Thì cửa hẹp bỗng mở:
“Tại sao một mình, còn em?
“Đỗ bàng hoàng quay lại, nheo mắt không tin. Vì đúng là có một người đứng trước mặt Đỗ: một thiếu phụ, thướt tha, mặt trắng, mắt trong, da mịn, tóc mun chảy như suối xuống vai, áo màu rêu mát lạnh.
“Nàng là ai?
“Câu
hỏi đã tắt ngấm trong hơi thở ấm ran. Hai vòng tay thơm ngát đã vòng quanh cổ Đỗ.
Trăng sáng, môi ướt mọng chín mùi, gió xuân lọt căn gác học. Đỗ rợn người mà mê
đi…”
Vầng trăng ấy, vòng tay kia, nơi gác học nọ, đã ở với Đỗ nguyên một mùa xuân. Nhưng suốt một mùa xuân, Đỗ vẫn không biết được lai lịch mỹ nhân. Mãi tới lúc duyên kỳ ngộ phải chấm dứt, Đỗ mới biết, nàng là Rùa Thần hóa thân - - Không chỉ từ thời trao kiếm cho anh hùng áo vải Lê Lợi mà, từ thời Cổ Loa với huyền truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy…!
Tới hôm nay, vẫn có không ít người so sánh tính hư ảo trong truyện (tùy bút) của Nguyễn Tuân (1910-1987), với những truyện ngắn trong tập “Thần tháp rùa” của Vũ Khắc Khoan.
Nếu y cứ trên văn bản, ta sẽ thấy, văn xuôi của Nguyễn Tuân là những game màu đặm đặc tính hoài-cổ. Người đọc cũng thấy đặc tính này trong “Lửa Thiêng” của Huy Cận (1919-2005). Và, rõ ràng hơn, trong bài thơ “Ông đồ già” của Vũ Đình Liên (1913-1987).
Theo tôi, hoài-cổ là một trong những nét đặc thù của dòng văn chương tiền chiến. Nó nối tiếp con đường thơ Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) đã mở ra từ đầu thế kỷ thứ 19. Chưa kể, Nguyễn Tuân, giống như một số tác giả cùng thời, cùng khuynh hướng với ông, dường không quan tâm lắm tới những thủ pháp văn chương như liên tưởng, nhân cách hóa, ẩn dụ hay chủ tâm chuyên chở một thông điệp thời thế nào, khác hơn tinh thần hoài-cổ.
Trong khi Vũ Khắc Khoan thì khác. Dù vẫn chọn thể cách văn chương biền ngẫu; nhưng tập truyện “Thần tháp rùa” của họ Vũ lại là sự hòa quyện giữa huyễn tưởng và thời sự. Họ Vũ cũng cho thấy chủ tâm khai thác những thủ pháp văn chương ông thủ đắc. Khác biệt lớn và rõ ràng nhất là quan điểm chính trị hay, ưu tư về vị trí của giới trí thức tiểu tư sản (như ông), trước hoàn cảnh nhiễu nhương của những biến động thời cuộc.
Du Tử Lê
Chú thích:
(2) “Nguyên tiêu” là ngày rằm tháng giêng Âm lịch .