Uyên Nguyên
Thưa nhà văn Hoàng Chính, bác sĩ và nhà văn thuộc hai lãnh vực hoàn toàn trái nhau. Không biết khi sáng tác có khi nào nhà văn cầm dao, và khi mổ nhà văn cầm viết?
Hoàng Chính:
Chiếc áo blouse mầu trắng. Trên túi ngực trái, họ và tên được thêu bằng chỉ đỏ bên dưới những ngôi sao. Bắt đầu bằng một ngôi sao lúc vào năm thứ nhất. Mỗi năm thêm một sao. Mỗi lần lên lớp lại một lần đem áo đi nhờ một dễ thương nào đó thêu giùm thêm một ngôi sao, dù ở nhà những cô em gái may vá thêu thùa không thua ai. Một trong những thoáng hạnh phúc nhỏ nhoi của việc thi đậu vào trường Y thuở trước của (ít ra là bọn con trai chúng) tôi là như thế.
Buổi chiều mùa hạ nào đó trong một khu chung cư ở Gia Định, tôi ngồi chờ người ta thêu giùm ngôi sao thứ ba ở ngực áo. Người con gái đang cắm cúi những mũi kim thì ông anh lớn từ trên gác đi xuống. Vậy mà nhờ nó khâu giùm cái nút áo nó bảo không biết khâu! Ông anh vừa nói vừa lắc đầu ra chiều ngao ngán. Tại vì, tại vì… Cô gái đỏ mặt chối quanh. Những đóa cười tở mở. Chẳng tại gì hết. Tôi muốn nói một lời – tương tự như thế - biện hộ cho “người ta” của mình nhưng ngôn từ đi vắng; như vẫn thường đi vắng những lúc cần ít nhất vài ba chữ để đong đưa. Bà mẹ từ bếp đi lên, mỉm cười khoan dung.
Ấy là một trong những buổi chiều đã ghi vào ký ức.
Dạo trên túi áo còn lạc lõng một ngôi sao, trong kỳ thi Cơ Thể Học, một trong những câu hỏi của đề thi mà ông thầy chúng tôi ra cho sinh viên chỉ có vỏn vẹn ba chữ: “Nhân Mơ Hồ”. Các anh chị Y Khoa Sài gòn chắc ai cũng nhớ câu hỏi ấy. Không thể nào “mơ hồ” hơn được. Ấy là một trung tâm thần kinh trong não bộ có nhiệm vụ… gì đấy, tôi quên mất rồi. Câu trả lời có thể viết từ hai chữ tới hai chục chữ. Bạn Uyên Nguyên ơi, câu hỏi của bạn coi vậy chứ cũng mờ mờ tỏ tỏ không thua gì câu hỏi của ông thầy tôi ngày trước.
Nhà văn cầm dao, bác sĩ cầm bút. Trong một góc nhìn đơn giản, tôi nghĩ chắc chắn có những bác sĩ vừa bỏ dao mổ xuống, tháo găng tay ra, chưa kịp rửa những vết máu dính đã ghi vội một câu thơ vào mảnh giấy. Cầm dao, cầm bút là hai việc làm tách biệt. Người vừa là bác sĩ vừa là nhà văn có khi nào lẫn lộn giữa hai công việc; thứ việc làm đòi hỏi sự chú tâm tuyệt đối. Công việc của bác sĩ liên quan đến sinh mạng của người bệnh nên không ai dám lẫn lộn. Bị kiện malpractice dễ làm bác sĩ mất bằng hành nghề. Hơn nữa, những lầm lẫn gây thiệt hại đến bệnh nhân sẽ ám ảnh người thầy thuốc mãi mãi. Vì vậy những người sống với từng chồng sách vở, hàng trăm triệu chứng, từng đống bệnh phẩm, từng lô thuốc men… dần dần sẽ chẳng còn thời gian để nhận ra mầu sắc một đám mây giăng ngang khung trời trên lối đến trường vào buổi sáng. Thực tại giết dần những mộng mơ. Thoáng mộng mơ nào còn sống sót, sẽ phải biến dạng, phải thích ứng với không gian mới. Thế nên dù màu đỏ của máu muôn thuở chói chang, dù mùi của thuốc sát trùng thường xuyên cay nồng khứu giác, người ta vẫn có thể ngây ngất trước cái đẹp của màu da bệnh nhân khi chứng thiếu máu đã được điều trị, trước tiếng bập bẹ đầu tiên của người bệnh mới phục hồi chức năng não bộ sau cơn tai biến mạch máu não, trước tiếng khóc vỡ oà của hài nhi lúc vừa lọt lòng mẹ… tất cả sẽ là thơ, nếu mình còn nhìn ra được chúng. Nhìn qua góc hẹp ấy, sẽ thấy được rằng toa thuốc bác sĩ ghi cho bệnh nhân chính là trang bản thảo của một bài thơ (ơi, tôi thèm được viết lại những trang bản thảo như thế biết chừng nào!)
Ngược lại, khi nhà văn ngồi phân tích tâm lý nhân vật cũng chính là lúc ông /bà ta dùng dao mổ, để tách ra, để cắt bỏ những phần tăng trưởng bất thường của mô cơ thể trong tình tiết cốt truyện, trong hình ảnh một câu thơ; tỉa những phần không cần thiết cho sự phục hồi hay phát triển của cơ quan, cho tiến trình câu chuyện; để những gì còn lại là trọn vẹn một cơ thể tràn đầy sức sống, một truyện ngắn đầy thuyết phục, một bài thơ ăm ắp những điều gửi gấm.
Trong góc nhìn ấy, bác sĩ cầm bút và nhà văn cầm dao là chuyện tự nhiên. Như nắng, như mưa.
Trong cuốn báo xuân (khoảng 1970, 1971) của một trường nữ trung học tôi không còn nhớ là Gia Long, Lê Văn Duyệt hay Trưng Vương, có một truyện ngắn tôi quên tựa và cũng không nhớ tên tác giả. Nhân vật trong truyện là một ông thầy thuốc già (kính trắng, vóc hạc, lưng còng), một chàng thanh niên và một cô gái. Khung cảnh thành phố biển với cát trắng, sóng bạc và biển xanh. Tình yêu giữa người thanh niên và cô gái mơ hồ như sương sa. Người thanh niên mắc bệnh lao phổi nhưng rất lơ là việc chữa trị. Anh ta đang bị mê hoặc bởi tình yêu. Trong truyện, một lần ông bác sĩ phải lặn lội ra tận bãi biển tìm người bệnh, bắt anh ta uống thuốc. Tôi nhớ câu nói của ông bác sĩ già - với người bệnh xanh xao, hốc hác - trong cơn giận dỗi. Cậu muốn chết thì mặc kệ cậu nhưng những con vi trùng bệnh lao phải chết trước cậu!
Ông bác sĩ trong truyện ngắn tuyệt vời ấy theo tôi tới tận hôm nay, và chắc còn theo tới cuối đời. Tôi yêu hình ảnh người thầy thuốc ấy. Và tác giả nữ kia là ai, chị có còn viết không. Tôi thèm được đọc những truyện ngắn, truyện dài của chị biết bao nhiêu. Tôi nhớ hoài câu nói của người thầy thuốc ấy. Sau này, thuở sinh viên cũng như những năm tháng hành nghề ngắn ngủi, mỗi lần phải nạy hàm răng cắn chặt của một bệnh nhân không còn ham sống để nhét vào những viên thuốc đắng, trong đầu tôi lại vang lên câu nói ấy.
Ông bác sĩ ấy yêu nghề đến độ cực đoan. Trong mắt nhìn của tôi, ông là một thi sĩ. Trên thế gian có nhiều người thơ; thơ tới mức không cần thiết phải viết ra những ngôn từ.
Bạn Uyên Nguyên thân mến. Câu hỏi của bạn thật ngắn, thật gọn nhưng đã dẫn tôi trở về với những khoảnh khắc tuyệt vời của một thời đã mất. Để cám ơn bạn, tôi xin kể cho bạn một bí mật (của riêng tôi, dĩ nhiên).
Thuở sinh viên, mỗi lần được thầy cho phép cầm dao phụ mổ, tôi vẫn thường đọc thầm hai câu trong bài thơ của Hoàng Anh Tuấn, khi gỡ những mối chỉ rối ở mép vết mổ còn tươm máu:
Đừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
lấy gì đây khâu vá lại tình xưa.
Hai câu thơ quá là dễ thương! Dễ thương tới mức thỉnh thoảng tôi vẫn thì thầm cho cái-người-đang-chia-sẻ đời mình cùng nghe, dù tình yêu cùng ấp ủ hôm nay không cần đến đường kim, mũi chỉ và bàn tay khâu vá nào; dẫu là sợi chỉ của ước mơ và bàn tay của một nhà phẫu thuật.
Thân mến.
* Thư từ câu hỏi xin gửi về dutule@dutule.com