Khi nhấn mạnh tính từ “còn” như một từ-chìa-khóa mở vào mọi đền đài trong toàn cảnh không gian Hà Nội, 72 của Phan Vũ, tôi muốn nói tới phần bên kia, mặt tiêu trầm, khuất lấp. Mặt làm thành linh hồn bài thơ.
Dọc lộ trình trường khúc “Hà-Nội-Phố,” 443 câu của họ Phan, người ta thấy ắp đầy hình ảnh. Âm thanh. Như tiếng giầy, bước chân. Tiếng chuông nhà thờ. Tiếng họp chợ sớm, khuya. Tiếng mõ giấu mình đâu đó trong trong ngõ. Tiếng đàn guitar. Tiếng hát Trương Chi. Hình ảnh những chuyến tầu đêm vào ga. Tiếng rao hàng. Tiếng cười, khóc. Tiếng tầu điện lanh canh chở buồn, vui Hà Nội qua 36 phố, tới 5 cửa ô… Hình ảnh cô hàng hoa. Tiếng đọc truyện Kiều của bà bán quán. Tiếng lá rơi. Tiếng thang gỗ cũ vặn mình. Tiếng cánh cửa sắt cọt kẹt mở vào ngôi nhà không người ở. Hình ảnh những người yêu nhau, tìm nhau, hò hẹn / chia tay. Những thầm thì thương yêu, như những hạt mầm tốt tươi ươm cho Hà Nội đời kế. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh, như một phần của toàn cảnh Thăng Long ngày, tháng cũ…
Nhưng tất cả chỉ là hồi tưởng. Chúng là những ngọn nến cầu siêu, gọi hồn Hà Nội. Những ngọn nến làm sáng thêm, lung linh hơn, tan tác.
“Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ biến tâm hồn tôi thành chiếc nêm tội nghiệp - - Chêm giữa mất / còn. Hay tôi là con tin của hồ nghi, nhiều câu hỏi? Lúc tiếng hát Thanh Lam(?) qua ca khúc của Phú Quang, vọng về:
“Ta còn em một màu xanh thời gian
“Một chiều phai tóc em bay
“Chợt nhòa, chợt hiện
“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
“Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…”
Tôi không biết người không nhớ phố hay, phố đã quên người?
Tôi cũng không biết hình ảnh, âm thanh nhớ người hay, người tương tư âm thanh, hình ảnh? Đó là xâu chuỗi hình ảnh, tiếng động mà, sự vắng mặt tương tác nhau. Như chiếc lá rơi tạo thanh âm trên mặt phố. Từ đó, phố, người đón nhận những âm vang quá khứ. Hoặc ta vốn có sẵn hình ảnh, tâm tưởng về chiếc lá; nên ký ức mở cửa đón chào?...
Trường hợp nào, với tôi, toàn cảnh Hà-Nội, 72 của Phan Vũ vẫn là những khoảng lặng mênh mông, nối những khoảng lặng tê điếng. Toàn cảnh Hà-Nội, 72, là sự vắng mặt của chính Hà Nội. Tựa những thước phim, không tiếng.
Vắng mặt đầu tiên, trong trường khúc Hà Nội, 72, của họ Phan, trong ghi nhận của tôi, là sự sống, sắc mầu. Chúng đã bị / được người Hà Nội mang theo khi sơ tán. ..
Một thành phố không còn thị dân, là thành phố hoang. Thành phố chết. Người Hà Nội, 72, bỏ Hà Nội mà đi, không chỉ đem theo sự vắng mặt của mình. Họ còn để lại sau lưng, còn khêu thức nhiều vắng mặt khác!
Tôi muốn nói tới những vắng mặt của chim muông. Những tiêu sơ thiên nhiên, cảnh, vật mà, con người trong đó, thấy như thất lạc chính mình:
“Em ơi! Hà-Nội-Phố!
“Ta còn em ráng đỏ chiều hôm
“Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
“Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá…”(7)
Hoặc:
“…Chiếc lá rụng.
“Khởi đầu ngọn gió.
“Lao xao sóng biếc Tây Hồ.
“Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?..
(……)
“Em ơi! Hà-Nội-Phố!
“Ta còn em con đê lộng gió.
Dòng sông chảy mang hình phố.
“Cô gái dựa lưng bên gốc me già.
“Ngọn đèn đường lặng thinh
“Soi bờ đá…” (8)
Vắng mặt kia, là những tấm bảng chỉ đường. Tất cả đều chỉ về một phía. Phía của tiêu trầm nhân sinh. Phía của hoang vu cảnh, vật. Côi cút lên rêu:
“Em ơi! Hà-Nội-Phố!
“Ta còn em lô xô màu ngói cũ
“Hiu quạnh
“Một ngôi nhà.
(……)
“Ta còn em con đường đá
“Lát bao kỷ niệm?
“Cây si kia trồng tự năm nào?
(……)
“Ta còn em đống than tro,
“Một ngày gió nổi,
“Mớ giấy tiền,
“Phù du của nả.
“Hai cõi âm dương,
“Mịt mù bụi phố!” (9)
Nhưng, vẫn theo tôi, có một vắng mặt hiện ra, tự thân lại mang trong nó một vắng mặt khác. Tôi muốn gọi đó là vắng mặt mang tính vấn nạn. Câu hỏi lớn.
Vắng mặt ấy xuất hiện nhiều lần, qua nhiều câu thơ, dọc lộ trường khúc:
Đó là vắng-mặt-câu-hỏi về người con gái và, “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”? Về hình ảnh
“cô gái áo đỏ venice / xa Hà Nội.” Và:
“Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy
“Đêm lộng lẫy!
“Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
“Nước mắt lã chã trên áo đỏ…” (10)
Trả lời câu hỏi về vắng mặt như một bệt màu chói gắt trong nền tranh rêu xám này, tác giả cho biết:
- Đó là dương cầm thủ Trịnh Thị Nhàn, rất nổi tiếng tại Âu Châu từ nhiều chục năm qua. Một người bạn hàng xóm, thân với ông từ thuở nhỏ. Trịnh Thị Nhàn ở phố Quán Thánh. Cùng với Đặng Thái Sơn, cô là học trò cưng của bà Thái Thị Liên.
Năm 1945, Hà Nội tiêu thổ kháng chiến. Ở vùng kháng chiến, không có piano, có thời gian bạn ông đã phải học bằng cách vẽ lại hình dạng, các phím dương cầm trên tấm phản gỗ… Thời gian trước sơ tán, ở Hà Nội, buổi tối, nhất là những đêm mưa, ông thường qua thăm, thả tâm hồn mình trôi trong tiếng dương cầm của bạn…
Ông kể:
“Cô bạn tôi sau đó, được sang Nga học piano. Rồi định cư tại Pháp. Cô được mời trình diễn khắp Âu châu. Nhắc tới tên cô, những người hâm mộ dương cầm ở Âu châu, hầu như chẳng mấy ai không biết. Tuy nhiên, đời sống tình cảm của cô ấy thì lại quá bi đát. Cô bạn tôi không may mắn, sớm bị thất vọng, đổ vỡ ngay từ cuộc hôn nhân ngắn ngủi thứ nhất…”
Họ Phan cũng cho biết thêm, đoạn thơ:
“…Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
“Lão Mozard hàng xóm
“Bảy nốt cù cưa.
“Từng đêm quên giấc ngủ…” (11)
Cũng đi ra từ tiếng dương cầm lộng lẫy của Trịnh Thị Nhàn. Kỷ niệm thời niên thiếu, hai người.
Là một trong những vắng-mặt-câu-hỏi của bức phù điêu, Hà Nội, 72, của Phan Vũ vậy.
Du Tử Lê
(Tuần tới, kỳ chót: “Phan Vũ, từ điện ảnh tới thi ca .” )
__________
Chú thích:
- (7), (8), (9), (10), (11): Theo bản chung quyết, do chính tác giả cung cấp.