Tôi nghĩ, những người yêu mến thơ Phan Vũ, đa số biết rằng, lãnh vực hay sở trường của họ Phan là điện ảnh. Ở vị trí hàng đầu trong lãnh vực nghệ thuật thứ bảy từ những năm cuối thập niên (19)40 (thời phôi thai nền điện ảnh Việt Nam) Phan Vũ là bằng hữu thân thiết của nhiều tên tuổi lẫy lừng thời đó. Như Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Phùng Quán... lãnh vực văn chương; Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... lãnh vực hội họa.
Nhắc tới một số tên tuổi nhà văn đã đi vào văn học sử, qua vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, ý tôi muốn nhấn mạnh, khởi từ giao tình vừa kể, họ Phan đã tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, diễn ra tại miền Bắc, những năm giữa thập niên (19)50.
Ông kể, nếu Nhân Văn số 6 (12), ra đời, với bài thơ nhan đề “Bình vỡ” của ông đăng tải trong số báo ấy, thì ông không biết những miểng vỡ của chiếc bình kia sẽ ghim vào thân thế ông ở mức độ nào?!
Đề cập tới hai tên tuổi lớn của hội họa là Bùi Xuân Phái và, Nguyễn Sáng, ý tôi muốn nhắc tới câu trả lời của nhà thơ Phan Vũ, dành cho một nhà báo ở Việt Nam, đại ý: Trước tài năng chói lọi của họ, tác giả “Hà-Nội-Phố” không dám cầm cọ. Mãi tới khi bước vào tuổi 70, ông mới vẽ. Và, dư luận ghi nhận, cũng như với thi ca, hội họa đã mở rộng cánh cửa chào đón ông. Tựa chào đón một họa sĩ thực sự có tài.
Như thắc mắc của một số người, tôi không biết ngôn ngữ điện ảnh ảnh hưởng tới ngôn ngữ thi ca của họ Phan? Hay ngược lại?
Theo tôi, hai bộ môn nghệ thuật, văn học này, ít nhất cũng có chung nhau một mẫu số. Mẫu số hình ảnh. Nhưng tôi vẫn nghĩ, hình ảnh trong điện ảnh là những liên-ảnh. Nói cách khác, ngôn ngữ điện ảnh là ngôn-ngữ-mở. Hiểu theo nghĩa, căn bản hình ảnh này khơi mở, mời gọi hình ảnh khác.
Thí dụ, khung cửa sổ mở vào một khoảng trời u ám, vần vũ mây đen, báo trước cho người xem hiểu rằng, hình ảnh sau đó, nhiều phần sẽ là một trận mưa. Hay nhân vật trong phim sẽ hồi tưởng tới một quá khứ ảm đạm, buồn bã... Chiếc cầu nối giữa hai hình ảnh hay tâm trạng, trong trường hợp này, là khoảng trời u ám, vần vũ mây đen...
Tôi muốn gọi đó là ngôn-ngữ-mở. Trong khi ngôn ngữ của thi ca, vẫn theo tôi, là ngôn-ngữ-khép. Hiểu theo nghĩa kiệm lời. Ít chữ.
Thi ca cho phép người làm thơ “nhẩy cóc” từ hình ảnh, trạng thái này qua hình ảnh, trạng thái khác. Không nhất thiết phải có một chiếc cầu liên kết đôi bờ. Chiếc cầu, nếu cần thiết phải có, sẽ do chính độc giả (tùy trình độ, cảm quan) thiết lập. Đó cũng là những khoảng trắng, mang tính liên tưởng văn học mà, thi ca để dành cho người đọc.
Tỷ như một trong những câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều người, ở trường khúc “Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ là:
“Ta còn em tiếng dương cầm
“Trong căn nhà đổ...”
Nếu hình ảnh, âm thanh này xuất hiện trong một cuốn phim thì, đạo diễn (Phan Vũ) trước (hoặc sau), phải có đoạn phim ghi lại hình ảnh ngôi nhà thời nguyên vẹn. Hình ảnh người nữ, dương cầm thủ (dù chỉ dáng ngồi,) cùng cây đàn, tiếng đàn... Nhưng ở cương vị thi sĩ, tác giả chỉ cần dùng tính từ “còn” người đọc sẽ liên tưởng tới những hình ảnh, âm thanh, chiếc đàn, người chơi đàn đã... vắng. Mất.
Nói cách khác, “Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ, theo tôi, là một cuốn phim vĩ đại, đánh dấu một giai đoạn, một thời kỳ Hà Nội. Nó cho Hà Nội, 1972 một linh hồn giữa khi cảnh vật, con người đã tiêu trầm hồn, tính.
Bài thơ của họ Phan còn cho thấy tương tác máu, thịt giữa hai loại hình nghệ thuật. Một liên-ảnh, một hợp hôn không thể tốt đẹp hơn, rực rỡ hơn giữa nghệ thuật và, văn học.
Định mệnh của “Hà-Nội-Phố,” do đấy, tôi nghĩ, là định mệnh bất phân ly một phần lịch sử Hà Nội.
Hơn một lần tôi nói với T. về ước ao, một trưa nào, không cần Đoàn Thạch Hãn giới thiệu mà, chính chúng tôi sẽ là người mời Hãn, mời Hà Quang Minh, Ngô Kinh Luân... trở lại với thành phố phồng, rộp những cơn nắng châm chích trên từng tấc thịt, da, tuồng đã bị nấu nhừ, nung chín...
Chúng tôi sẽ cùng mở cửa bước vào ngôi quán xưa. Ngôi quán âm âm, chia khu và, những chiếc ghế bành đợi khách...
Bằng cách riêng của mỗi người, lần này, tôi tin, chúng tôi sẽ được chiêm ngưỡng những bức phù điêu “Hà-Nội-Phố” của Phan Vũ, cùng khắp tất cả các bờ tường. Và, ắp đầy không gian âm âm kia, sẽ là âm giai lộng-lẫy-ngậm-ngùi của ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố,” Phú Quang.
Tôi nghĩ, có thể nhiều phần, T. sẽ thay mặt chúng tôi, ngỏ lời cám ơn Phan Vũ. Cảm ơn Phú Quang.
Tôi cũng nghĩ, có thể nhiều phần, T. sẽ không quên cảm ơn cả những vắng mặt trong Tháng Chạp, Hà Nội, 1972 của Phan Vũ, nữa.
Du Tử Lê
(Tháng 4, 2012)
________
Chú thích:
(12) Theo trang mạng Wikipedia, Bách Khoa Toàn Thư Mở thì, Nhân Văn là một tờ báo văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội, do nhà văn Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy thư ký tòa soạn. Bán nguyệt san Nhân Văn, số 1, ra mắt ngày 20 tháng 9 năm 1956, phản kháng chế độ, tranh đấu cho quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Ngày 15 tháng 12 năm 1956, Ủy Ban Hành Chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Số 6 không được in.
Riêng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, số 1, ấn hành tháng 3 năm 1956, do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương; về sau bị tịch thu vì bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần - Miêu tả hoàn cảnh đời sống miền Bắc những ngày đầu đất nước chia cắt. Tác giả bài thơ bị qui kết chống phá, “bôi đen” chế độ, với những câu thơ đanh thép như: “Tôi bước đi / không thấy phố / không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa / trên màu cờ đỏ...” Tạp chí Giai Phẩm ra được 4 số, trước khi bị đình bản.
Sau đó, hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm bị đưa đi học tập cải tạo. Một số bị treo bút thời gian dài như Lê Đạt, Trần Dần... Số khác không thể tiếp tục con đường văn chương. Có người còn bị giam giữ nhiều năm và, tiếp tục bị giám sát sau khi đã mãn tù. Trường hợp Nguyễn Hữu Đang. Dư luận chung gọi là “Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm.”