
“Lão Tom này, tôi không biết lão tìm gì trên đường?”
“Chắc mày có nghe Không gì làm đứa trẻ hiểu về cuộc đời hơn con đường? Tao vẫn ngờ ngợ về câu ấy. Tuổi già, tao hay nhìn những con đường chỉ để hy vọng tìm ra những con người bị thất lạc.”
“Thế lão tìm thấy chứ?
“Đôi khi tao thấy khác hơn những điều tao muốn tìm. Tao thấy lại những cánh đồng cỏ mênh mông. Những tên cao bồi đốt lửa trong một hẻm núi. Những người nô lệ đen trên những cánh đồng trồng bông vải… Nhiều khi tao nghe tiếng trống bộ lạc từ một lục địa rất xa xôi…
Như mọi bận, lão Tom sẽ xài 3 cái máy giặt nhỏ đầu rack 4. Vận hành máy xong lão sẽ bước rề rà mấy bước sang tiệm tạp hoá kế bên mua một ly cà phê. Hình như chẳng có điều gì trên đời thúc lão phải vội cả. Trở lại, lão lại sẽ ngồi ở chiếc ghế sát cạnh tủ bán bánh kẹo. Lão sẽ hỏi nghe lại một dĩa nhạc lão đã nghe hàng trăm lần. Em đưa bàn tay cho tôi nắm/ Chỉ để thốt lời chia biệt/ Không, không thể nào tôi hình dung được/ Một thế giới vắng em. Lạ lùng, có những người không thể bỏ được thói quen. Và họ chỉ cảm thấy an tâm trong một thế giới của những đồ vật và con người quen thuộc. Một chút thay đổi với họ giống như một sự tan vỡ nghiêm trọng. Bên cạnh họ, ta bị thất lạc thời gian. Nhưng, thỉnh thoảng lẫn lộn giữa cái hôm nọ với hôm nay, chuyện cũng chả có chi đáng phàn nàn.
“Chuyện bao đời rồi! Thế hệ lão chắc đã mịt mù tiếng gọi từ nguồn thẳm hoang sơ ấy rồi chứ? Khác hẳn bọn tôi. Nhiều bè bạn tôi muốn trở lại đất cũ, cuối đời. Tại sao không? Người ta có thể chết ở nơi mình không thể sống lắm chứ? Đất mở ra cho tất cả mọi người…”
… Rồi lão sẽ lại dùng hai cái máy sấy cuối cùng, hàng trên, bên phải, cho coi! Một lần, một trong hai cái máy trục trặc, phải xài cái khác, lão chầm vằm cho đến lúc ra về. Có nhiều người lạ lùng thật đấy!
*
“Mai, Lễ Độc Lập, vẫn mở cửa chứ?
“365 ngày một năm, Enrique! Nếu tao sẽ phải nghỉ một ngày nào đó trong năm thì đó sẽ không phải là ngày 4/7. Nói chung, tao muốn quên hết những vấn đề thuộc về lịch sử.”
“Lạ nhỉ! Không cuối tuần, không vacation, chăm chỉ làm việc suốt, ông cho vậy là một cuộc đời đáng sống?”
“Tuỳ lúc! Nhưng tao có một thế giới khác để sống. Từng phút. Từng giờ.”
“Có gì trong thế giới đó?”
“Nhiều lắm. Có biển! Nhiều đêm tao mơ màng nghe tiếng sóng.”
“Ông nói chuyện trên mây! Biển chỉ đẹp nhờ những bộ đồ tắm!”
*
“Chào ông buổi sáng”
“Chào, bà vẫn khoẻ chứ?”
“Nhờ ơn Chúa! Ông có tin vào sự sống đời sau không?”
Một câu hỏi đầy thách thức đúng vào lúc không ai chờ đợi. Trời còn sớm lắm và oi bức.
“Thưa bà, tôi vẫn thường tự hỏi mình như thế trong những buổi chiều vắng lặng. Nếu bà không phiền thì tôi khuyên bà nên để những tạp chí truyền giáo ấy đằng góc kia. Vâng, ngay trên kệ dành cho sách báo ấy. Bà biết không, bà cứ vất bừa trên bàn xếp quần áo thế kia như những lần trước, khi khách hàng cần bàn, họ lại vất đi nơi khác, phí lắm!’
“Cám ơn!”
Ừ, Thượng đế đã sắp đặt mọi sự đúng ngay cái thời điểm và nơi chốn của chúng, phải không lão Tom? Con người phải làm sao nhận ra cái thời điểm và nơi chốn ấy chứ! Đáng lẽ thì… Ba tiếng ấy buồn quá há lão Tom?
*
Một mùa blue-bonnet nữa xa. Những vỉa hè Dallas, những bờ cỏ dại Garland, những lũng thấp dốc cao con đường 35 về Oklahoma cuối tuần đã biến mất màu xanh phớt tím đằm đằm thương nhớ. Một mùa xuân nữa xa. Mùa hè bắt đầu với một ngày dài nhất năm. Mặt đất chừng tàn tạ, héo úa, quắt queo, nằm chờ những cơn mưa vội đến, chợt đi. Nhưng sự sống bốn mùa vẫn sinh sôi bất tận. Bên dưới lớp cỏ khô rụm ấy là thiêm thiếp hạt mầm đang chờ tỉnh giấc. Dấy động lên, cơn bão sấm chiều nay!
Và mùa hè sẽ rực rỡ phô những bông hoa ngả về hướng mặt trời. Những vạt cỏ lãng quên, những bìa rừng hoang quạnh còn sót lại trong thành phố đang thay da đổi thịt hàng ngày, sẽ rưng rưng một màu vàng cháy mắt. Hướng dương. Dã quỳ. Màu vàng ngùn ngụt bốc lửa trong nhũng bức tranh Sunflowers của Van Gogh. Màu vàng bạo liệt trên nền xanh vời vợi tạo nên những ấn tượng kỳ vĩ dị thường.
Vậy mà 114 năm rồi đấy! Từ ngày ông mất. Cuối tháng có ngày giỗ của một thiên tài. chợt nhớ chuyến tàu trưa xuyên Âu mùa này năm ngoái, con tàu rền rĩ nghiến bánh sắt qua những ruộng hướng dương chờ mùa gặt. Màu vàng Van Gogh cháy tim. Và trên cao, bầu trời Địa trung hải xanh lơ lồng lộng…
Nhưng ở đây, giữa thành phố Galand mới lớn này, nơi những vạt rừng bé mọn còn sót lại sau những cuộc xâm lăng tàn bạo, vẫn có những hạt mầm ngủ muộn đợi mùa. Dã quỳ ơi, thức dậy...
*
“Thật may cho bà, Cat ạ: hôm nay không có trận banh nào cả! Một ngày không có tiếng cãi nhau, hò hét, bà bằng lòng chứ?”
“Ơn trời!”
Hình như có điều gì bất ổn trong con người Catherine. Bà đến tiệm giặt sớm, bỏ ra nửa tiếng để lau chùi hai máy giặt mà bà nói vui là của tôi. Mùi nước tẩy chung quanh bà có thể làm một con voi bất tỉnh, thế mà bà vẫn tỉnh queo. Rất thong thả, bà giặt từng hai cối, xong lại mang ra xe, không sấy, mang vào hai cối khác. Và cứ thế, bà ở lại tiệm giặt có khi cho đến quá giờ đóng cửa!
“Trông chừng quần áo hộ 5 phút nhé! Tôi qua thằng José mang về tí thức ăn nhanh Mexican. Úi chào, tôi khoái thức ăn tiệm nó. Nói chung, tôi khoái mục ăn uống. Kể cho đầy đủ thì tôi yêu mỹ thuật và ăn uống.”
“Bà muốn nói đến… nghệ thuật nấu nướng?”
“Không, đó là niềm đam mê độc quyền của ông xã tôi. Đó cũng là yếu tố kết dính chúng tôi bao nhiêu năm nay. Tôi là người biết thưởng thức những tác phẩm của ông ấy! Đi làm, dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng, đó là tất cả hạnh phúc của ông ấy! Suốt thời gian của hai cuộc hôn nhân trước, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng trên đời lại có một người đàn ông tuyệt vời như vậy!”
“Nhưng này, Cat, bà đừng để ông ấy mê chuyện như vậy!’ Thằng Ronnie Cắt cỏ ngắt ngang.” Hãy vào thu xếp bãi chiến trường restroom đi cha nội!’
“Hê, sao mấy tuần rồi mới trở lại Ronnie? Mày thấy, một ngày tao lượn tới lượn lui, chỉ việc để đóng hai cánh cửa restroom cũng đã đủ khờ người. Kìa, còn hai cánh cửa chính nữa kìa! Trong thì điều hoà không khí mà cửa nẻo toang hoác như thế! Dã man thật chứ!”
“Không, chỉ là vô tâm thôi! Nhưng thế giới này hãy còn may mắn lắm! Vì người ta chỉ vô tâm ở những nơi công cộng. Về đến nhà thì họ trở nên có ý tứ ngay thôi mà!”
*
Em yêu,
Người ta có thể khuấy đảo thế giới bằng sự ồn ào nhưng chỉ có thể thống trị được thế giới bằng sự tĩnh lặng. Trẻ con không biết điều đó. Thường thì cha mẹ chúng cũng không biết điều đó để dạy chúng. Nên chúng thích gây tiếng động.
Mùa hè ở đây thật khủng khiếp. Trẻ con không phải đi học, chúng ở nhà và thường được cha mẹ dắt vào tiệm giặt. Hình như niềm vui thích duy nhất của chúng là gây ra thật nhiều tiếng động. Và, từ đó, anh nghĩ người lớn chưa thật sự là người lớn nếu còn cố tạo ra sự ồn ào! Nhân loại quả chưa trưởng thành!
Thế giới ngập tràn tiếng động và khẩu hiệu. Chúng ta không cần những thứ ấy. Anh cần sự tĩnh lặng. Anh cần một đêm, như đêm Tây Bắc bên chén rượu với Hà Huyền Chi dưới cội quỳnh. Một chiều, như buổi chiều chúng ta mở nắp chai vang Luxemburg với Đồng Vọng trong một khách sạn yên tĩnh giữa lòng phố Paris. Một đêm, như đêm chúng ta ngồi bên ngọn hồng lạp trong một lữ quán ở Victoria. Một trưa hè êm ả ngồi tựa lưng thành đá Mayan… Người thủy thủ ra khơi. Hiền giả hướng về bóng núi. Người thủy thủ hăm hở căng buồm chinh phục đại dương. Hiền giả tịnh trầm khám phá vũ trụ.
Em yêu. Bóng núi. Trăng soi chếch. Tiếng sóng lô xô là ký ức rất mơ hồ… Rồi thế giới này cũng sẽ trôi vào tịch lặng…
*
“Lạ thật! Rất nhiều lần tôi thấy ông không bắt điện thoại! Nghe tiếng chuông mà nôn cả ruột”
“Số điện thoại thương mại, lắp cho có lệ ấy mà!”
“Biết đâu…”
“Người ta chỉ gọi số này khi họ cần một thứ gì đó, chả thèm biết tôi có hứng thú không. Tôi ghét cái kiểu tiếp thị này. Tôi biết mình cần gì và tìm nó ở đâu chứ! Nhưng… có chuyện gì mà ông hớt ha hớt hãi vậy Roy?”
Hỏi là thừa: Lần nào gã cũng có một câu chuyện làm quà. Và chuyện nào cũng nghiêm trọng cả. Lần trước là chuyện cái cần cẩu trong xưởng máy của gã ngã làm một nữ đồng nghiệp gã bị thương ở bẹn!
“Hê, tôi muốn kể ông nghe một kinh nghiệm đau thương! Để ông đừng vướng vào những chuyện ngu xuẩn như tôi ấy mà”
“Kể tự nhiên đi cha nội!”
“Hôm nọ trên đường về tôi gặp một con bé bị chết máy xe dọc đường. Con bé cũng kha khá! Tôi tấp vào giúp nó, khám bệnh cho cái xe. Sư nó, tôi biết chó gì về máy móc đâu! Nhưng không lẽ thấy người hoạn nạn giữa đường làm ngơ? Tôi phán rằng bình ác quy hỏng, đoạn chở nó đến Auto Zone mua bình khác. Nó than không tiền sẵn, tôi lấy thẻ của mình ra chà. Tôi hì hục thay bình xong, cái xe khốn kiếp vẫn nín thở. Vốn hào hiệp, tôi chở nó về căn apartment của tôi cho nó nghỉ tí rồi đưa nó về nhà. Ngày hôm sau nó gọi điện thoại đến bảo tôi làm hỏng cái chó gì trong xe nó không biết rồi bắt tôi đền cho nó trăm bạc!”
“Nhưng ông với nó làm gì trong nhà ông?”
“Thì cũng… chẳng có gì nhiều!"
“Lại còn cho số điện thoại nữa đấy! Nhưng rồi ông giải quyết ra sao?’
“Thí cho nó trăm bạc chứ còn gì nữa! Ông thừa nhận cách giải quyết của tôi là… khôn ngoan chứ.”
“Ông thì nhất rồi, lúc nào cũng có một giải pháp khôn ngoan sau khi đã làm một chuyện chẳng khôn ngoan tí nào. Này, tôi bảo đảm là trong căn hộ ông đếch có món gì quý giá chứ nếu ông có cả một trang trại với lâu đài như Michael Jackson thì ông có mà thân bại danh liệt!”
“Bài học ở đây là chỉ nên lo cho thân mình thôi. Phải biết giả điếc giả đui trước mọi chuyện bất bằng!”
“Xưa như trái đất! Xứ này nó vậy! Dù sao thì cũng cám ơn ông đã nhắc! Nhưng ông nên cho nước mùi vào máy giặt kẻo muộn đấy!”
*
Thì tự hồi nào xứ này vẫn vậy, phải không Sergio? Mày không len lỏi qua đây để tìm một cuộc sống an nhàn chứ? Ê, mai mày đừng ra đứng lóng ngóng ngoài chợ người nhá! Tao có thằng bạn cần dọn nhà, mai sáng mày cứ đến đây. Có việc cho mày ít nhất hai ngày đấy! Thì cứ hoãn ngày về thăm nhà của mày vài bữa, có sao! Không ai sướng như mày, cứ leo xe bus ngủ 8 tiếng, qua khỏi cổng biên giới là về tới nhà. Không như tụi tao… Bà Gema phụ việc tao vài tháng vẫn thường đi một tuần như vậy. Mẹ, tao thèm… Đất này vẫn còn là mảnh đất của cơ hội. Nhưng đó không là cơ hội cho sự nghỉ ngơi.
… Mà đất nào không hòa trộn máu và nước mắt hả lão Tom? Không, quả tình tôi không hiểu lão hưởng được gì từ đau khổ của tổ tiên lão… nhưng những người chung quanh đây không ai chịu trách nhiệm về những chuyện ấy đâu. Tôi không chịu trách nhiệm về sự suy tàn của dân tộc Chiêm Thành chứ? Quên, lão có để ý quái chi đến đất nước tôi đâu! Không, tôi không chịu nổi lối suy nghĩ của thằng cha giáo sư Ward Churchill! Không ai chung quanh đây chịu trách nhiệm về sự lụi tàn của những bộ tộc Da Đỏ cả. Dân tộc Đức hay Nhật ngày nay không thể chịu trách nhiệm về cuộc Thế chiến vừa rồi. Ừ thì tôi nói lăng nhăng thật đấy bởi vì trong giải Bóng đá Thế giới kỳ này tôi chỉ ủng hộ đội banh nào đấu với đội Iran.
Hếâ lô… Trời đất, ông bà lại sắp xếp về Việt Nam nữa à! Vậy là tom góp mỗi năm cho vừa đủ một chuyến đi chứ gì. Ừ, thì thôi, cứ nghĩ rằng an dưỡng! Ừ, thấy lại nghĩa là an dưỡng…. Ông kể làm tôi nhớ đến chú bé và con vụ tới trường, băng ngang qua vuờn Lục Xâm Bảo… Và lá rụng trên vai những pho tượng trắng trong vườn… Thôi, chúc thật bình an…!
Nguyên Nhi
LP