Tới hôm nay, dù đã trên hai mươi năm, tôi vẫn nhớ người thanh niên có nụ cười hiền hậu mà, dáng vẻ xa cách. Mãi sau này, tôi mới biết, nghề nghiệp chuyên môn của anh, là một bác sĩ y khoa.
Nhớ Houston, đầu thập niên (19)90, khi phần nói chuyện của tôi kết thúc bằng câu hỏi trả lời cho bác sĩ Hồ Tấn Phước về bệnh thyroid của tôi - - Người điều khiến chương trình loan báo, phần thứ hai của cuộc họp mặt Tất Niên là phần trình diễn văn nghệ.
“Phần này sẽ do nhạc sĩ Nguyên Bích, đảm trách.”
Ở một khoảng cách vừa đủ để có thể quan sát mọi cử chỉ, lắng nghe từng lời nói của Nguyên Bích, một đồng môn chưa từng gặp, nhưng lại sớm gây trong tôi điều gì, giống như ấn tượng hai mặt: Có thể lại gần mà, cùng lúc lại ngập ngừng. Không nên.
Tôi quay hỏi bạn tôi, Trương Trọng Trác.
Trác bảo, đó là một bác sĩ y khoa, mở phòng mạch riêng ở một khu ít người Việt, gần nhà Trác. Hỏi về tương quan giữa hai người, Trác nói, không thân lắm, nhưng:
“Tên này chơi được!”
Là bạn học với Trác từ thời đầu trung học, tôi hiểu, Trác có thể nói nhiều, rất nhiều về những người Trác quý hoặc, thân thiết. Ngược lại, Trác thường kiệm lời khi nói tới những người “không thân lắm.” Hoặc những người Trác phải giữ xã giao với cụm từ “vòng ngoài,” đầy ẩn ý.
Hai chữ “chơi được” Trác dành cho Nguyên Bích không phải là chữ Trác thường dùng. Vì thế, tôi đã định tâm, sẽ gặp Nguyên Bích, khi chương trình buổi họp mặt chấm dứt. Tôi muốn nghe Bích nói về những sáng tác âm nhạc của anh.
Tôi nhớ, cuối cùng, tôi không nói chuyện được với Nguyên Bích vì, dường như tôi phải trả lời những câu hỏi thêm của bác sĩ Hồ Tấn Phước, về căn bệnh thyroid tôi mang đã nhiều năm. Lại nữa, Trác cũng muốn giữa tôi và bác sĩ Phước, một khuôn mặt của thành phố Houston mà, theo Trác, cũng là một thứ Trác không thân; nhưng “...tên này chơi được!”
(Tôi hoàn toàn đồng tính với Trác. Tôi không thấy một phân vân, ngập ngừng nào khi mà, mới vài tiếng trước, với sự chứng kiến của một số thầy và, nhiều đồng môn, bất ngờ, bác sĩ Phước cho biết sẽ chữa, hoặc trả mọi y phí trị bệnh thyroid cho tôi, nếu tôi chịu di chuyển từ nam Cali về Texas…)
Tôi nhớ giao tình giữa tôi và Nguyên Bích cũng không “tăng tốc” trong thời gian gần hai năm tôi về Houston chữa bệnh, dưới chiếc dù bảo bọc phần y phí của bác sĩ Phước. Riêng nơi ăn, chốn ở những ngày đầu của chúng tôi, do Trương Trọng Trác và Lê Văn Hào thu xếp. Đó cũng là thời gian tôi cùng Cao Đông Khánh, Phạm Thông, Đăng Khánh, Lê Văn Hào… (sau, có thêm Việt Nguyên, Nguyễn Trí Tuệ…) hợp tác làm tờ Văn Nghệ.
Qua nhiều gặp gỡ nhân những buổi sinh hoạt văn nghệ, hay họp mặt giới hạn ở nhà riêng của Phương Hoa / Đăng Khánh, tôi có nhiều cơ hội hơn, trò chuyện với Nguyên Bích. Nhưng lần nào, câu chuyện của chúng tôi cũng bị ngắt quãng hay, rẽ sang hướng khác, khi giữa chúng tôi có thêm các bạn khác. Dẫu vậy, tôi cũng được biết thêm ít nhiều về người thanh niên có nụ cười hiền hậu, khiêm tốn mà, dáng vẻ xa cách ấy.
Tôi không biết cái mặt thứ hai của ấn tượng hai mặt, là “ngập ngừng, không nên” ở tôi về Nguyên Bích, đã tan biến lúc nào!
Tôi chỉ nhớ mỗi gặp thêm tác giả ca khúc “Sao vội nhạt phai” tôi một cảm thấy gần gũi, tin cậy anh hơn. Như sự phó thác hay, tin cậy mặc nhiên của một tình bạn cho ta êm đềm và, an tâm.
Cũng từ “phó thác, tin cậy” kia, thỉnh thoảng, chúng tôi đã có với nhau những trao đổi ngắn về văn học, nghệ thuật. Đó là một thói quen không hề có chỗ đứng tốt trong tôi.
Tôi có thói quen xấu là, trong mọi giao tình, rất ít khi tôi nói về văn chương hoặc luận bàn một điều gì, liên quan gần xa tới vấn đề đó.
Do đấy, tôi không biết điều gì nơi Nguyên Bích, khiến tôi vượt qua được thói quen vốn đã thành nếp của mình?
Tôi nhớ, cách đây vài năm, nhân dịp trở lại Houston, vì thời gian ở lại quá ngắn, không thể gặp gỡ nhiều bằng hữu, hai bạn tôi Phương Hoa / Đăng Khánh đã tổ chức cho tôi cuộc họp mặt, trong vòng thân mật, tại một nhà hàng ở tầng lầu nhất, nằm trên đường Bellair. Trong lúc chờ Phương Hoa “bật đèn xanh” bắt đầu chương trình, khi nắng chiều còn quyến luyến, bịn rịn những mái nhà thấp bên kia lộ, trả lời một câu hỏi của Nguyên Bích về một đoạn thơ, tôi đã nói với Bích một cách thoải mái về một vài kỹ thuật của đoạn thơ ấy.
Tôi nhớ, bên cạnh Bích lúc đó, có nhà thơ Mùi Quý Bồng, một bạn học rất thân của tác giả “Hãy bảo tôi.” (Tôi biết Mùi Quý Bồng từ những ngày họ Mùi còn hành nghề y khoa ở New Orleans, trước khi được biết, Bồng là giai tế của nhạc sĩ Đan Thọ, một người tôi rất quý.)
Tôi nhớ, dường như quá lâu tôi mới lại có dịp nói chuyện về vai trò của hình ảnh trong thơ. Vị trí và kỹ thuật liên tưởng gián cách - - Từ hình ảnh này, nhẩy cóc qua một hình ảnh khác… giống thế võ “cách sơn đả ngưu” trong truyện chưởng Kim Dung…
Tôi nhớ, nếu Phương Hoa không nhắc nhở tôi…“đèn xanh đã bật” thì, tôi cũng không biết cuộc nói chuyện, sẽ lôi kéo chúng tôi tới chân trời nào?
Tôi có cảm tưởng, sau buổi chiều ấy, những khoảng cách cuối cùng giữa tôi và người nhạc sĩ luôn giữ cho mình “một xa cách vừa đủ” đã được san bằng, một cách “êm đềm và, an tâm!”
Tôi cũng nhớ, đâu khoảng một năm trước khi Trác bất ngờ, theo chân Hồ Tấn Phước “đi xa,” chúng tôi có một ăn trưa ở một nhà hàng…“giữa rừng.” Nơi Vera Ching phải điện thoại đặt bàn, giữ chỗ. Trong khung cảnh riêng tư, Trác đề cập tới những ngày cuối cùng của bác sĩ Hồ Tấn Phước, ân nhân của tôi…
Tôi hỏi, phải Phước được hỏa thiêu?
Trác đáp, không nhớ rõ. Rồi thêm:
“Hình như những tên chơi được thường đi sớm…cậu ạ!”
Hai chữ “đi sớm” của Trác như một tia chớp, cháy đỏ giai điệu ngậm ngùi của ca khúc “Xin rửa tội tôi,” một sáng tác của Nguyên Bích, qua tiếng hát Tuấn Ngọc, trong thần trí tôi, hỗn độn hình ảnh:
“Ta, bia mộ lãng quên
“Níu gì thời đã mất
“Mở tung ta gió ngất lưng trời
“Cho cháy rực nỗi đìu hiu.
.
“Ta đi trên đường gai
“Dù Chúa không hề trải
“Cảnh đời thôi cũng xế tàn
“Nào ai không trở về?
.
“Ta ngồi mòn ghế cũ
“Nghe mưa trên từng ngọn cây
“Muộn phiền còn bủa vây quanh
“Sau lưng ta lá bày.
.
“Xin rửa tội tôi
“Xin rửa tội tôi… bằng lửa!
“Cho kẻ chết là ta
“Đến một ngày mai
“Đến một ngày mai…sống lại
“Trong tay người mãi xa!” (4)
Khi âm vọng ca khúc vừa kể, chưa tắt hẳn trong tôi, tôi bảo Trác:
“Tớ thấy vẫn còn đấy chứ cậu!”
Trác ngơ ngác! Tôi nói:
“Thí dụ, Nguyên Bích!”
Trác lập lại, gần như nguyên văn câu nói của Trác hai chục năm trước:
“…Ừ, tên đó chơi được!”
Tôi buột miệng hỏi Trác một câu, không liên quan gì tới câu chuyện:
“Cậu có tin tớ đang muốn được… ‘rửa tội bằng lửa?’’”
Lần này thì Trác không chỉ ngơ ngác mà, trong mắt Trác, tôi đọc được âu lo:
“Cậu có sao không vậy?”
Tôi im lặng, coi như tai điếc, quay nhìn hồ nước. Những con thiên nga như làm bằng giấy láng, được gió đẩy trôi, tựa những linh hồn trắng muốt, đang mở rộng vòng tay, múa, hát bài ca vô thường không tên gọi, trên sóng gợn.
Tôi tiếc, nếu có Nguyên Bích, tôi sẽ trả lời Trác. Trả lời Trác nhưng chính là để Bích nghe, rằng:
“Không. Tớ không sao cả! Tớ chỉ đang nghĩ tới những điều ngoài tầm tay chúng ta…”
(April. 20-2012.)