Nhà xuất bản Giấy Vụn, Saigon, trong những ngày qua, đã ấn hành thi phẩm “Viết Trong Bóng Tối. Amen” của nhà thơ và, cũng là họa sĩ nổi tiếng Lê Thánh Thư.
Có thể nhiều người quên rằng trước khi trở thành họa sĩ nổi tiếng, có tranh được trưng bày tại nhiều bảo tàng viện quốc tế, họ Lê vốn là một nhà thơ. Chính thi ca là một bệ phóng cao vời huy hoắc, để tác giả “Viết Trong Bóng Tối. Amen” ném mình vào thế giới hình tượng và, màu sắc.
Từ nền tảng thi ca giàu có của mình, họ Lê đã có được cho tranh của ông những dung lượng thơ mộng, lãng mạn và, luôn cả độ trầm sâu của những game màu, đưa ông tới được những quảng trường hội họa thế giới.
Trong cảm nhận của tôi, sự tương tác giữa Thi ca và Hội họa nơi tài năng Lê Thánh Thư, là một tương tác hữu cơ máu, thịt. Như sự tương tác bất khả phân giữa nắng, gió đất trời, giữa tài năng và những xúc chạm siêu hình, hư ảo.
Cũng nhờ tương tác có tính máu, thịt kể trên mà, tài hoa Lê Thánh Thư, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, như một thân mộc lớn, xuôi thuận thời gian, trổ thêm nhiều cành, nhánh sáng tạo sum suê hoa, trái…
Ngay nhan đề “Viết Trong Bóng Tối. Amen” của họ Lê, tôi cho rằng, nó cũng đã là một thực chứng cho những tựu thành, những kết tủa đẹp đẽ, ý nghĩa nằm trong nỗ lực không ngừng đi tới, của tác giả này.
Viết hay vẽ trong “bóng tối” là gì? Nếu không phải là một chỉ rõ, một xác nhận những dòng thơ (hay những sắc màu, đường nét, hình tượng) vốn đi ra từ vô thức hoặc tiềm thức? Tâm lý học nhập môn từng giải thích đại để sinh hoạt ý thức của con người có hai phần. Phần hiện ra rõ trên mặt nước của một dòng sông, là phần ý thức. Phần chìm khuất dưới mặt nước là vô thức hoặc tiềm thức. Nói cách khác, tiềm thức là một thứ “tàng kinh các,” một kho chứa những cảm nghiệm, những thành/ bại, buồn / vui, khổ đau hay hoan lạc của con người.
Là người có đôi chút kinh nghiệm trong lãnh vực chữ, nghĩa, tôi thấy có dễ cũng nên đề cập tới sự hiện ra bất ngờ của những con chữ nơi trang viết. Bất ngờ hiểu theo nghĩa không một chút dự báo, những con chữ ở cõi thinh không nào đó, thình lình hiện ra, rớt xuống và, ở lại trong một câu, một khổ thơ. Chúng nằm ngoài chủ tâm kiếm tìm, kiến tạo của tác giả.
Đó là những con chữ vẫn theo tôi, như được một bàn tay bí nhiệm nào, cầm lấy những ngón tay thi sĩ, để sai khiển thi sĩ viết xuống. Dù cường điệu tới đâu, trước những con chữ bất ngờ, “đắc địa,” mang ánh sáng chói lòa về cho nguyên cả một khổ hay một bài thơ, tôi nghĩ, tác giả cũng không thể xác quyết rằng ông ta đã có ý thức, chủ tâm từ trước rằng, tới câu thơ kia, con chữ đó sẽ xuất hiện ở vị trí ấy!!!
Ở một cấp độ khác, thi ca còn mang lại cho tác giả, cho người đọc những con chữ tuy không mang tính tương thông huyền bí giữa thinh không và con người; nhưng nếu nó có được tính dữ dội thì, những con chữ đó, cũng có khả năng nâng cấp bài thơ. Chúng cũng chứng tỏ được phần nào, mức độ tài hoa của tác giả.
Sự có mặt của những con chữ như thế, (cũng như sự có mặt của một tảng mầu, một đường nét, một hình tượng trong một họa phẩm), thường tạo những cơn địa chân nhỏ về phương diện mỹ học hoặc tu từ học.
Khả năng gây mê người đọc (người xem tranh) của loại con chữ vừa kể, theo tôi là một tương tác mang tính siêu hình. Tôi nghĩ, khó ai có thể lý giải một cách tường tận, rốt ráo. Cũng như người ta không thể thuật lại một cách minh bạch sự tương quan giữa thần linh và những trang thơ, bức tranh, bản nhạc… của nhiều tác giả nổi danh trong lãnh văn học và nghệ thuật.
.
Thay vì theo thứ tự, đi từ bài thơ đầu tiên của thi phẩm “Viết Trong Bóng Tối. Amen,” tôi mở đọc bài cuối. Bài thơ nhan đề “Mọi Ngày, Ghi…” của Lê Thánh Thư:
“Ngày cả gió
“em về
“nụ cười phủ bóng đèn
“đỏ cái nhìn trai tân
“phồn hoa
“bần thần
“kẻ mộng
“ngậm bùa ăn ngải
“đêm mê
“giấc đàn bà…”
(Viết Trong Bóng Tối. Amen, trang 128.)
Tôi hiểu, hai chữ “bóng đèn” dẫn tác giả tới tĩnh từ “đỏ” (màu sắc hay cường độ dòng điện.) Tĩnh từ “đỏ” lại gọi, mời tác giả đi qua phần thị lực là “cái nhìn.” Nhưng hai chữ “trai tân,” định danh cho một người thanh niên còn ngây thơ, trong trắng trong vấn đề nữ giới, thì tôi không nghĩ nó đã được chuẩn bị từ trước. Tôi cho nó có mặt tình cờ. Nó bật ra, ở lại cuối câu thơ, như một thú nhận vội-vàng-hân-hoan của một cảm xúc đột biến. Nó nâng, đẩy cả khổ thơ vào không gian bất ngờ, mới mẻ.
Cũng thế, ở bài thơ thứ ba (vẫn tính từ cuối sách, tính ngược lên,) nhan đề “Blue Trên Cánh Đồng”:
“Người đàn ông trở về đứng trên thành cầu
“nghe tiếng tù và tan trên cánh đồng nắng hạn
“đôi mắt màu tro
“ứa ra những hồi niệm nhiều năm mê sảng.
“Tiếng tù và loang kín mặt sông con
“người đàn ông ném đốm lửa chưa tàn
“cánh đồng rạn vỡ chân chim
“nơi này
“cỏ không thể xanh.
“Nơi đây người thức bên kia sông
“bao dáng hình củi mục tưởng trọn đời không thể sống
“vẫn hom hem nụ cười góa bụa
“vẫn hồn quê thanh khiết sáng cả sân nhà
“vẫn thân cò lặn lội qua sông
“bàn chân cắm xuống mặt đất nhếch nhác mùa màng
“người mắt màu tro
“lặng lẽ
“tẩm mình trong nhang khói.”
(Viết Trong Bóng Tối. Amen, trang 125).
Đó là ba khổ thơ đầu của bài “Blue Trên Cánh Đồng.” Cả ba khổ thơ đều mang tính mô tả cảm nhận, hành động của người đàn ông có “đôi mắt màu tro,” “đứng hát trên cầu,” “nghe tiếng tù và” - - Cùng những con đường mà, tiếng tù và vẽ ra, dẫn người đàn ông tới những cảnh vật (thiên nhiên,) tới những phần số bấp bênh, bèo bọt (con người)…
Đó là những bức tranh mà, chúng ta có thể đặt kề bên nhau, thành những “bộ tam,” “bộ tứ” có cùng một tông màu xám, hợp.
Qua gần 20 chục câu thơ, cá nhân tôi, không cảm nhận được một con chữ nào mang tính bất ngờ hiện ra, rớt xuống dọc trên lộ trình vận hành chữ nghĩa của bài thơ. Phải đợi tới khổ thơ thứ tư, khổ thơ chót:
“Tiếng tù và cày xới hoàng hôn
“trên cánh đồng tràn ngập mộ chí
“đâu đây vẳng tiếng kêu
“phải tiếng linh hồn gọi nhau từ làng dưới ngược lên
“níu ngày chậm lại
“chậm lại tàn hương.”
(Viết Trong Bóng Tối. Amen, trang 126.)
Khi họ Lê dùng động từ “cày xới,” tuy là một dạng của kỹ thuật nhân cách hóa và, độ nóng của hai chữ “cày xới” chưa tới mức như hai hòn than hồng, có thể làm “phỏng” mắt người đọc - - Nhưng, với tôi, tự thân, nó cũng đã có được cho nó, tính dữ dội của con chữ! Khi đi theo ngay sau nó là hai chữ “hoàng hôn.”
Tôi nghĩ, độc giả, luôn cả những người trong giới, nếu đọc kỹ, với con mắt có ít, nhiều hiểu biết về kỹ thuật làm thơ, cũng như về tu từ và, mỹ học, sẽ không khỏi ngạc nhiên khi rải rác trong thi phẩm “Viết Trong Bóng Tối. Amen” của Lê Thánh Thư, còn có rất nhiều những con chữ bất ngờ, không thua gì “hai chữ cày xới” trong cụm từ “cày xới hoàng hôn.” Thí dụ:
“Em ạ
“Đường soi khuya khoắt đom đóm
“”Mộng lẩn vào đâu đi đâu
“Quẫn mái nghèo
“Lệch gió
“Rẻo vườn thất lộc
“Người đi.
“Đom đóm về
“Vẽ lửa sân hoang
“Đêm căng chỉ ngang nhà
“Em dập dềnh
“Rách lụa…”
( Trích “Em, Lụa là,” Viết Trong Bóng Tối. Amen, trang 92.)
Với hai khổ thơ, cộng chung chỉ có 12 câu, vậy mà đã có khá nhiều chữ sống động, ấn tượng như “quẫn” (mái nhà,) hay, “đêm ‘căng chỉ’ ngang nhà”…
Hoặc:
“Ngày lẻ
“Con chim đầu tiên chết khát
“Người nơi đâu về
“Bên đường rung rảy váy
“Khoe bầu vú hoa thuốc phiện
“Đêm dầm ướt hiểm…”
((Trích “Ngày Lẻ,” Viết Trong Bóng Tối. Amen, trang 74.)
Với cá nhân tôi, ảnh-dẫn/ guilding image người đàn bà “rung rảy váy” đã lung linh biết bao… Nhưng khi mạch thơ đi tới kết luận mang tính biểu cảm cao là “Khoe bầu vú hoa thuốc phiện/ Đêm dầm ớt hiểm” thì, đó không phải là những con chữ (hình ảnh) ta có nhiều cơ hội bắt gặp nơi những tác giả khác.
Tôi không biết, Lê Thánh Thư sau một thời gian tạm “quên” thi ca để vung cọ với những rung động, tìm kiếm mới mẻ, mở ra những chân trời khác, đã ảnh hưởng vào cõi giới thi ca họ Lê, khi ông trở về đầu nguồn, hay ngược lại?
“Đường phía núi
“Cỏ tàn khô vất vơ
“Em lùa bò đi để lại mùi da ngai ngái
“Dưới chân núi
“Về muộn
"Gió thơm mùi thuốc rê tẩm mật
“Khói vẽ trời xanh
“Khói cuộn người mơ mòng
“Chiều cúi mặt mà đi
"Da thịt người xông khói.
“Mùa quê bụi bặm
“Cây rạt rào gió
“Cỏ khô rống tiếng bò
“Đường im trường như rắn…”
(Trích “Mùi Quê,” Viết Trong Bóng Tối. Amen, Trang 120)
Hoặc:
“Giữa thế giới đầy lông chó rụng
“Một người
“Bí mật mọc răng nanh
“Nhai rau ráu nhã nhạc
“Ếm giọng thất truyền.
“Giữa mùa định kỳ thay lông chim biếng hót
“Một người
“Công khai lột lưỡi
“Rống lên
“Khúc Caprice 24 của Paganini.
“Giữa bóng đen sổ nét mực tàu
“Bầy muỗi đói vẽ rồng bay ánh sáng
“Một người
“Mơ thành sâu bọ
“Đo mình trên đường ngũ cốc.
“Giữa giấc mơ hình sự
“Thấy đám tù nhân chỉ điểm từng khuôn mặt
“Một người
“À í a
“Requiem… Requiem…”
(“Viết Trong Bóng Tối. Amen,” trang 84. Trọn bài.)
Tôi cũng không biết, khi họ Lê triệt để khai thác đặc tính của màu Acrylic là sự khô nhanh và, độ dầy của loại màu này, đã cho phép ông tạo thành chiều thứ ba nơi những bức tranh tưởng chừng như không có matière của ông?
Với số người không hiểu rõ kỹ thuật và, những đổi mới của hội họa hiện đại thì, tranh của Lê Thánh Thư là loại tranh phẳng, bẹt (flat.) Không có matière hiểu theo nghĩa không được tô, đắp nhiều lớp màu lót, trước khi chính thức tạo hình hoặc phân bố màu theo cảm xúc. Sự thực tranh của ông, kể cả những bức ông vẽ một cách cực kỳ đơn giản (nhưng khá khó khăn khi thể hiện) là hình ảnh những cây lau, sậy, những tơ trời, những giải khói vươn giữa khoảng trời bát ngát, nếu tinh ý, sẽ nhận ra độ dày, nổi cộm của chúng.
Điển hình, cụ thể hơn, tôi được xem một bức tranh Lê Thánh Thư, với trọng điểm là con mắt cách điệu. Ông đã dùng dao khoét một đường cong, dài sâu giữa mí mắt và, con mắt, khi Acrylic còn ướt. Sau đấy, ông phết một lớp Oil painting màu xanh xám, để người xem tranh, chỉ cần một chút tinh ý thôi, cũng sẽ nhận ra độ sâu của con mắt hay, chiều thứ ba mà, bức tranh của ông muốn biểu hiện.
Ghi lại một trong những nỗ lực làm mới hội họa của Lê Thánh Thư, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Tính khai phá, nỗ lực mở đường của họ Lê, là một phần bản chất bẩm sinh của ông(?) Từ đó, tôi cho rằng, với khởi nguồn là thi ca, Lê Thánh Thư đã rất sớm, có cho riêng mình tiêu chí: Cách tân. (*)
Nhưng, vẫn theo tôi, dù ở lãnh vực hội họa hay thi ca (nhất là thi ca) họ Lê không chỉ có một trăn trở duy nhất là, làm mới. Tâm hồn Lê Thánh Thư (qua thi ca) còn cho thấy rất rõ những đau đáu của ông về đời thường. Về thân phận hèn mọn của con người trong cuồng nộ giông, bão thời thế:
“Mày tự khai
“Hay mày không
“Mày phản động
“Hay mày không
“Mày muốn sống
“Hay mày không
“Mày tự do
“Hay mày không…
(Trích “Bài Khảo Cung (vấn & đáp)” Viết Trong Bóng Tối. Amen, Trang 85.)
Hay:
“Có những điều nên nói lại thôi
“Mỗi người
“Một mòn mỏi
“Mỗi người
“Một nanh sói
“Mỗi người
“Một giấc mơ còi…”
(Trích “Ba Bài Tự Khai”, Viết Trong Bóng Tối. Amen, Trang 89.)
Hoặc nữa:
“Sợ hãi đã ngấm vào máu
“Sợ hãi đã ăn tận xương
“Xứ sở này
“Người sợ tiếng động
“Người sợ đám đông
“Người sợ tường lửa
“Người sợ gõ cửa
“Người sợ chó sủa
“Người sợ mèo kêu
“Người sợ chim hót
“Người sợ nhòm ngó
“Người sợ tiếng chuông
“Người sợ nhịp chân
“Người sợ tin nhắn
“Người sợ giấy mời
“Người sợ lời cuối
“Người sợ thăm hỏi…
(Trích “Về Nỗi Sợ Hãi,” Viết Trong Bóng Tối. Amen, Trang 112.)
Hiển nhiên, trong cảm nhận của tôi, Lê Thánh Thư là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa, với nhiều biến khúc huê dạng.
Tuy nhiên, nếu có dịp, tôi sẽ hỏi ông, chỉ với bài thơ “Về Nỗi Sợ Hãi,” nếu phải chuyển thể qua đường nét và, sắc mầu, ông sẽ vẽ thành bao nhiêu bức tranh?
Và, ông có tin đó là những chuyển thể trung thực?
Du Tử Lê,
(Calf. June 10-2012.)
__________
Chú thích:
(*) Lê Thánh Thư sinh năm 1956 tại Quy Nhơn, từng có thời gian là Tu sĩ Thiên Chúa Giáo. Kể từ năm 1996, ông liên tiếp nhận được những giải thưởng lớn về hội họa của nhiều quốc gia khác nhau. Thơ ông phổ biến trên các tạp chí Thơ, Hợp Lưu, Tiền Vệ, Da Màu, Litviet, Văn Chương Việt… Cùng với gia đình, ông hiện sống và, làm việc tại Saigon.