Tôi nghĩ, độc giả, luôn cả những người trong giới, nếu đọc kỹ, với con mắt có ít, nhiều hiểu biết về kỹ thuật làm thơ, cũng như về tu từ và, mỹ học, sẽ không khỏi ngạc nhiên khi rải rác trong thi phẩm “Viết trong bóng tối. Amen” của Lê Thánh Thư, còn có rất nhiều những con chữ bất ngờ, không thua gì “hai chữ cày xới” trong cụm từ “cày xới hoàng hôn.” Thí dụ:
“Em ạ
“Đường soi khuya khoắt đom đóm
“”Mộng lẩn vào đâu đi đâu
“Quẫn mái nghèo
“Lệch gió
“Rẻo vườn thất lộc
“Người đi.
“Đom đóm về
“Vẽ lửa sân hoang
“Đêm căng chỉ ngang nhà
“Em dập dềnh
“Rách lụa…”
( Trích “Em, lụa là,” vtbt.A, trang 92.)
Với hai khổ thơ, cộng chung chỉ có 12 câu, vậy mà đã có khá nhiều chữ sống động, ấn tượng như “quẫn” (mái nhà,) hay, “đêm ‘căng chỉ’ ngang nhà”…
Hoặc:
“Ngày lẻ
“Con chim đầu tiên chết khát
“Người nơi đâu về
“Bên đường rung rảy váy
“Khoe bầu vú hoa thuốc phiện
“Đêm dầm ướt hiểm…”
((Trích “Ngày lẻ,” vtbt.A, trang 74.)
Với cá nhân tôi, ảnh-dẫn / guilding image người đàn bà “rung rảy váy” đã lung linh biết bao…Nhưng khi mạch thơ đi tới kết luận mang tính biểu cảm cao là “Khoe bầu vú hoa thuốc phiện / Đêm dầm ớt hiểm” thì, đó không phải là những con chữ (hình ảnh) ta có nhiều cơ hội bắt gặp nơi những tác giả khác.
Tôi không biết, Lê Thánh Thư sau một thời gian tạm “quên” thi ca để vung cọ với những rung động, tìm kiếm mới mẻ, mở ra những chân trời khác, đã ảnh hưởng vào cõi giới thi ca họ Lê, khi ông trở về đầu nguồn, hay ngược lại?
“Đường phía núi
“Cỏ tàn khô vất vơ
“Em lùa bò đi để lại mùi da ngai ngái
“Dưới chân núi
“Về muộn
Gió thơm mùi thuốc rê tẩm mật
“Khói vẽ trời xanh
“Khói cuộn người mơ mòng
“Chiều cúi mặt mà đi
Da thịt người xông khói.
“Mùa quê bụi bặm
“Cây rạt rào gió
“Cỏ khô rống tiếng bò
“Đường im trường như rắn…”
(Trích “Mùi Quê,” vtbt.A. Trang 120)
Hoặc:
“Giữa thế giới đầy lông chó rụng
“Một người
“Bí mật mọc răng nanh
“Nhai rau ráu nhã nhạc
“Ếm giọng thất truyền.
“Giữa mùa định kỳ thay lông chim biếng hót
“Một người
“Công khai lột lưỡi
“Rống lên
“Khúc Caprice 24 của Paganini.
“Giữa bóng đen sổ nét mực tàu
“Bầy muỗi đói vẽ rồng bay ánh sáng
“Một người
“Mơ thành sâu bọ
“Đo mình trên đường ngũ cốc.
“Giữa giấc mơ hình sự
“Thấy đám tù nhân chỉ điểm từng khuôn mặt
“Một người
“À í a
“Requiem…Requiem…”
(“Viết trong bóng tối. Amen,” trang 84. Trọn bài.)
Tôi cũng không biết, khi họ Lê triệt để khai thác đặc tính của màu Acrylic là sự khô nhanh và, độ dầy của loại màu này, đã cho phép ông tạo thành chiều thứ ba nơi những bức tranh tưởng chừng như không có matière của ông?
Với số người không hiểu rõ kỹ thuật và, những đổi mới của hội họa hiện đại thì, tranh của Lê Thánh Thư là loại tranh phẳng, bẹt (flat.) Không có matière hiểu theo nghĩa không được tô, đắp nhiều lớp màu lót, trước khi chính thức tạo hình hoặc phân bố màu theo cảm xúc. Sự thực tranh của ông, kể cả những bức ông vẽ một cách cực kỳ đơn giản (nhưng khá khó khăn khi thể hiện) là hình ảnh những cây lau, sậy, những tơ trời, những giải khói vươn giữa khoảng trời bát ngát, nếu tinh ý, sẽ nhận ra độ dày, nổi cộm của chúng.
Điển hình, cụ thể hơn, tôi được xem một bức tranh Lê Thánh Thư, với trọng điểm là con mắt cách điệu. Ông đã dùng dao khoét một đường cong, dài sâu giữa mí mắt và, con mắt, khi Acrylic còn ướt. Sau đấy, ông phết một lớp Oil painting màu xanh xám, để người xem tranh, chỉ cần một chút tinh ý thôi, cũng sẽ nhận ra độ sâu của con mắt hay, chiều thứ ba mà, bức tranh của ông muốn biểu hiện.
Ghi lại một trong những nỗ lực làm mới hội họa của Lê Thánh Thư, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Tính khai phá, nỗ lực mở đường của họ Lê, là một phần bản chất bẩm sinh của ông(?) Từ đó, tôi cho rằng, với khởi nguồn là thi ca, Lê Thánh Thư đã rất sớm, có cho riêng mình tiêu chí: Cách tân. (*)
Nhưng, vẫn theo tôi, dù ở lãnh vực hội họa hay thi ca (nhất là thi ca) họ Lê không chỉ có một trăn trở duy nhất là, làm mới. Tâm hồn Lê Thánh Thư (qua thi ca) còn cho thấy rất rõ những đau đáu của ông về đời thường. Về thân phận hèn mọn của con người trong cuồng nộ giông, bão thời thế:
“Mày tự khai
“Hay mày không
“Mày phản động
“Hay mày không
“Mày muốn sống
“Hay mày không
“Mày tự do
“Hay mày không…
(Trích “Bài khảo cung (vấn & đáp)” vtbt.A., Trang 85.)
Hay:
“Có những điều nên nói lại thôi
“Mỗi người
“Một mòn mỏi
“Mỗi người
“Một nanh sói
“Mỗi người
“Một giấc mơ
còi…”
(Trích “Ba
bài tự khai”,
vtbt.A. Trang 89.)
Hoặc nữa:
“Sợ hãi đã ngấm vào máu
“Sợ hãi đã ăn tận xương
“Xứ sở này
“Người sợ tiếng động
“Người sợ đám đông
“Người sợ tường lửa
“Người sợ gõ cửa
“Người sợ chó sủa
“Người sợ mèo kêu
“Người sợ chim hót
“Người sợ nhòm ngó
“Người sợ tiếng chuông
“Người sợ nhịp chân
“Người sợ tin nhắn
“Người sợ giấy mời
“Người sợ lời cuối
“Người sợ thăm hỏi…
(Trích “Về nỗi sợ hãi,” vtbt.A. Trang 112.)
Hiển nhiên, trong cảm nhận của tôi, Lê Thánh Thư là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa, với nhiều biến khúc huê dạng.
Tuy nhiên, nếu có dịp, tôi sẽ hỏi ông, chỉ với bài thơ “Về nỗi sợ hãi,” nếu phải chuyển thể qua đường nét và, sắc mầu, ông sẽ vẽ thành bao nhiêu bức tranh?
Và, ông có tin đó là những chuyển thể trung thực?
Du Tử Lê,
(Calf. June 10-2012.)
Chú thích:
(*) Lê Thánh Thư sinh năm 1956 tại Quy Nhơn, từng có thời gian là Tu sĩ Thiên Chúa Giáo. Kể từ năm 1996, ông liên tiếp nhận được những giải thưởng lớn về hội họa của nhiều quốc gia khác nhau. Thơ ông phổ biến trên các tạp chí Thơ, Hợp Lưu, Tiền Vệ, Da Màu, Litviet, Văn Chương Việt… Cùng với gia đình, ông hiện sống và, làm việc tại Saigon.
thăm mộ người thân giữa ngày lành
chân bước in hằn bao cỏ xanh
xôn xao lũ trẻ tươi màu áo
bảo với nhau rằng Tết qua nhanh
thắp nén hương đầy tưởng nhớ ai
mấy xuân quá khứ thoáng vui vầy
xuân nay đã mấy xuân biền biệt
lệ nhỏ chưa dày lá cỏ non
nhàn nhạt làn hương nẻo ấy còn
chút phận rày đây lại tha phương
xa xa một dải đồng xanh ngát
lúa lúa hòa chen mộ thon von