Trong
sinh hoạt 20 năm Văn học, Nghệ thuật miền Nam Việt Nam, nếu có một người từng giữ nhiều vai trò quan trọng, nhưng không bao giờ muốn bước ra “tiền trường;” thì đó là giáo sư, nhà văn, nhà báo Phạm Việt Tuyền (1)
Chúng ta được biết, ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn
học với nhiều tác phẩm đã được xuất bản. Điển hình như những cuốn “Trên
đường Phụng Sự,” (Kịch, Xb năm 1947;) “Nghệ Thuật Viết Văn,” (Biên khảo, Xb năm 1952;) “Phá Lao Lung,” (Thơ, Xb năm 1956;) “Quan Điểm Về mấy Vấn Đề Văn Hoá,” (Biên khảo, Xb năm 1953;) hay “Phương Pháp Nghị Luận, Phân Tích và Phê Bình Văn Chương,” (Biên khảo, Xb năm 1969) vân vân… .
Chúng ta cũng được biết ông là giáo sư dạy chứng chỉ dự bị ban Việt Hán, ở Đại học Văn Khoa, Saigòn; hay chứng chỉ Văn chương Việt Nam,
cho năm thứ nhất ở đại học Văn Khoa, Huế.
Về con người dạy học của họ Phạm, nhà báo Nguyễn Chí Khả, người từng học ông ở đại học Văn khoa Huế, kể rằng, ông là Giảng viên thỉnh giảng dạy về phương pháp phê bình văn chương cho chứng chỉ dự bị Văn Khoa 1963-1964. Cứ khoảng mỗi 2 tháng, ông lại ra Huế một lần. Ông dạy liên tục trong ít ngày, rồi về lại Saigòn. Vẫn theo nhà báo Nguyễn Chí Khả thì Phạm Việt Tuyền là người rất thương vợ. Mỗi lần ra Huế dạy học, dù chỉ ít ngày, ông thường đến Bưu điện Huế để đánh điện tín về cho vợ, bà Đặng Thị Phương Anh.
Nói về con người làm báo của Phạm Việt Tuyền, những người theo dõi sinh hoạt báo chí miền Nam Việt Nam hẳn chưa quên, nhật báo Tự Do là
một trong vài nhật báo uy tín, có số lượng phát hành rất cao thời Đệ nhất Cộng Hoà. Khởi đầu tờ báo này ngoài Phạm Việt Tuyền, còn có hai nhân vật quan trọng khác là Mặc Thu và Như Phong.
Với bút hiệu Lý Thắng, Như Phong nổi tiếng với trường thiên tiểu thuyết “Khói Sóng;” đăng tải hằng ngày; song song với tiểu thuyết trường
thiên “Tỵ Bái” của Nguyễn Hoạt, tức Hiếu Chân (người phụ trách mục “Nói
hay Đừng.”
Nhật báo Tự Do cũng nơi cho thấy mặt khác của tài hoa Đinh Hùng qua truyện dài dã sử “Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu” (ký bút hiệu Hoài Điệp Thứ Lang.) Thơ trào phúng của Thiết Bản Đạo Nhân (Trần Việt Hoài;) Hà Thượng
Nhân (Phạm Xuân Ninh.) Nhật báo Tự Do còn là cơ quan truyền thông đầu tiên, giới thiệu bút hiệu Toàn Phong của Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, qua những lá thư gửi cho nhân vật tên Phượng; sau này được in thành sách, nhan đề “Đời phi công”. Tuyệt nhiên, độc giả không gặp bất cứ một tác phẩm nào, mang tên Phạm Việt Tuyền, xuất hiện trên tờ báo.)
Bên cạnh đó, Cơ sở Xuất bản Tự Do cũng giới thiệu tới độc giả miền nam, những tác phẩm đầu tay của nhiều tài năng văn chương, nổi tiếng sau này. Thí dụ Nguyễn Đình Toàn, với “Chị Em Hải”.
Cơ sở này cũng là cơ sở đầu tiên tổ chức một thứ giống như “Chợ sách” ở miền Nam vào giữa thập niên 1960; một sinh hoạt tương đối mới mẻ
với Việt Nam, thời đó.
Nhưng, nói tới Phạm Việt Tuyền mà không kể tới những năm tháng ông giữ vai trò Tổng thư ký Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (TTVBVN,) tôi cho
là một thiếu sót không thể chấp nhận được.
Nhà báo kiêm nhà văn Lê Phương Chi, có lần nói với tôi rằng, nếu không có sự tận tuỵ, kiên nhẫn, quên mình của Phạm Việt Tuyền, thì, sinh
hoạt của TTVBVN thời đó, sẽ không có gì đáng nói. Ông cho biết, ngoài việc lo nhật tu sổ sách, giấy tờ, phát triển hội viên và, tổ chức những sinh hoạt có tính cách văn học cho Hội, hàng tháng, họ Phạm còn phải trách nhiệm sự sống còn của nguyệt san Tin Sách nữa.
Vẫn theo ông Lê Phương Chi, Thư ký toà soạn lâu đời và, cuối cùng của nguyệt san Tin Sách thì, trên nguyên tắc, chủ nhiệm Tin Sách là Chủ tịch đương nhiệm; và chủ bút là Tổng thư ký của hội. Nói cách khác, nhà văn Phạm Việt Tuyền là “xếp” trực tiếp của ông. Nhưng:
“Trong suốt bao nhiêu năm tôi làm thư ký tòa soạn, chủ bút Phạm Việt Tuyền tin cậy tôi hoàn toàn. Ông không đòi hỏi hay đề nghị tôi nên giới thiệu tác phẩm này, hoặc tác giả kia. Ông cũng cho tôi toàn quyền mời người điểm những cuốn sách mà tôi dự định giới thiệu…”
Tác giả truyện dã sử “Đào mả Tần Thuỷ Hoàng” cũng không quên nói thêm:
“Mặc dù cá nhân ông Phạm Việt Tuyền thỉnh thoảng cũng có tác phẩm
xuất bản, nhưng mỗi khi tôi đề cập tới việc giới thiệu trên Tin Sách, ông đều gạt đi. Ông bảo, ông không nên. Sợ mang tiếng!”
Về đức tính khiêm tốn, luôn chọn cho mình vị trí đằng sau sân khấu, bên trong cánh gà của Tổng thư ký TTVBVN, tôi nhớ, giữa thập niên 1960, để tạo sinh hoạt đều đặn cho Hội, họ Phạm đưa ra sáng kiến, mỗi tháng, mời một hội viên thuyết trình về một đề tài văn học hay nghệ thuật, do hội viên đó, tự chọn. Nơi chốn (luôn luôn là Thính đường trường Quốc Gia Âm Nhạc, ở đường Nguyễn Du,) cùng những nhu cầu khác như người phụ diễn, trợ huấn cụ, quảng bá tin tức, mời khách tham dự…đều do ông đích thân liên lạc, cung ứng. Diễn giả chỉ cần cho biết đề tài bài nói chuyện mà, không phải
đưa ông duyệt trước…
Tháng 10 năm 1965, cá nhân tôi được mời. (2) Trước khi nhận lời, tôi hỏi ông, tại sao, một người tên tuổi, uy tín như ông lại không phải là một trong những người đầu tiên thực hiện kế hoạch? Ông đáp:
“Thì các anh, các chị cứ chịu khó nói trước đi. Khi không còn ai khác, lúc đó, tới phiên tôi cũng đâu có muộn màng gì…”
Tôi hiểu, ông trung thành với chủ trương “tránh mang tiếng!”
Nói tới sự mang tiếng, tôi nghĩ, một số người có thể vẫn còn nhớ,
nhật báo Tự Do, trong số Xuân Canh Tý, 1960, in bức tranh vẽ 5 con chuột, đục khoét một quả dưa hấu của hoạ sĩ Phạm Tăng. Bức tranh được những người chống đối chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm cắt, treo trong nhà. Họ cho rằng tác giả bức tranh ám chỉ 5 nhân vật trong gia đình họ Ngô. Khi sự việc đến tai những nhân vật hữu trách, hoạ sĩ Phạm Tăng cũng như nhà văn Phạm Việt Tuyền bị gọi, hỏi. Không một ai bị bắt. Nhưng, vốn là người quan tâm tới đời sống của các cộng tác viên, với tư cách chủ nhiệm nhật báo Tự Do, Phạm Việt Tuyền đã đứng ra, xin bác sĩ Trần Kim Tuyến cho hoạ sĩ Phạm Tăng xuất ngoại…(3)
Tôi vẫn nghĩ: Bất cứ một tổ chức, một cơ quan uy tín nào, cũng thường có một, vài người ở vai trò trách nhiệm; nhưng lại chọn cho mình cái vị trí hậu trường. Chỗ đứng phía sau sân khấu. Họ nhường tiền trường
với hào quang, tiếng vỗ tay, cùng những vòng nguyệt quế…cho kẻ khác…
Mặc dù, nếu không có họ, thì cũng sẽ không có tiền trường. Không có hào quang. Không tiếng vỗ tay và, luôn cả những vòng nguyệt quế (dù khiêm tốn.)
Với tôi, nhà văn, giáo sư, người Tổng thư ký TTVBVN thuộc 20 năm Văn Học miền Nam, Phạm Việt Tuyền, chính là một trong những người, một đời, duy trì cho mình, cái vị trí “vắng mặt”, cao quý đó.
Du Tử Lê,
(Sept. 16 - 09.)
---------------------------------------
Chú thích:
(1)Theo tài liệu của một số trang web thì, nhà văn Phạm Việt Tuyền, bút hiệu Thanh Tuyền, sinh ngày 15 tháng 7 năm Bính Dần (giấy tờ ghi ngày 15 tháng 8 năm 1926.) Đầu thập niên 1980, ông chọn định cư tại thành phố Strasbourg, Pháp. Ông mất ngày 16 tháng 2 năm 2009.
(2) Cần chi tiết, xin đọc Tin Sách, số đề tháng 12 năm 1965, Saigòn. Tr. 2.
(3) Theo ông Phạm Hải Nam (hiện cư ngụ tại miền nam Cali,) thân nhân của hoạ sĩ Phạm Tăng thì, ngay trong năm 1960, hoạ sĩ Phạm Tăng được 1 học bổng về hội hoạ ở Ý. Ông từng được trao nhiều giải thưởng hội
hoạ rất cao quý. Trong số đó, có một Gỉai củaToà Thánh La Mã. Các phiên
bản tranh Phạm Tăng hiện nay, cũng được bán với giá rất cao, ở Âu châu.