Cho tới ngày hôm nay, nhìn lại sinh hoạt của miền Nam Việt Nam, giai đoạn 1954-1975, không ít người cho rằng, cuộc di cư của hơn 1 triệu đồng bào miền Bắc chạy trốn cộng sản, vào miền Nam, đã xới tung nếp sinh hoạt êm đềm, của người dân vùng đất trù phú, hiền hòa này!
Vẫn theo ghi nhận của số người đó thì, có thể do bản năng sinh tồn mạnh mẽ, sau khi đã chấp nhận bỏ lại sau lưng toàn bộ gia sản, sự nghiệp, mồ mả cha ông… những người miền Bắc di cư vào Nam với hai bàn tay trắng đã trở thành những người bằng mọi giá, quyết liệt làm lại cuộc đời nơi phần đất mới…
Quyết tâm làm lại cuộc đời từ con số không, của lớp người Bắc vừa kể, đã vẽ nên một bức tranh đầy những game mầu nóng hổi, chói gắt trên tất cả mọi lãnh vực. Từ xã hội, chính trị, thương mại tới văn hóa, giáo dục… Cụ thể và, rõ nhất là lãnh vực văn học, nghệ thuật.
Cho tới nay, không ai biết chính xác có bao nhiều văn nghệ nằm trong con số trên một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Chỉ biết, ở lãnh vực nào thì đó cũng là những con số không nhỏ. Từ những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng từ thời tiền chiến, đến những văn, nghệ sĩ mới nổi tiếng trước cũng như điểm mốc lịch sử 1954 một vài năm…Họ xuất hiện ở miền Nam, tưng bừng, đông đảo như những đợt sóng mới mẻ, quyến rũ nhất.
Chính sự ồn ào, khoa trương và, sự công kênh nhau, đôi khi quá đáng, của lớp văn nghệ sĩ này, đã khiến một số người nghĩ rằng, trước khi có người Bắc di cư, miền Nam chỉ có một nền văn học, nghệ thuật èo uột, thiếu máu. Sự thực, không phải thế. Sự thực ngược lại.
Nếu không kể bộ môn Cải Lương là nét đặc thù, độc đáo của sinh hoạt văn nghệ miền Nam, thì trong lặng lẽ, an bình như bản chất người dân, như cảnh thổ êm đềm của hai giòng sông Tiền, sông Hậu, sinh hoạt văn học nghệ thuật Nam Bộ (ta có thể dùng cụm từ này cho dễ phân biệt,) vốn đã vô cùng phong phú.
Không cần phải lùi lại thời của các nhà văn miền Nam nổi tiếng như Hồ Biểu Chánh, Phi Long… chỉ cần tính từ điểm mốc lịch sử 1954, trước cũng như sau cuộc di cư của đồng bào miền Bắc, sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam đã ghi đậm tên tuổi, tài năng của những Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Phi Vân, Trang Thế Hy, Tô Nguyệt Đình, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Trọng Nguyên, Dương Hà, Ngọc Linh, Sĩ Trung, Hà Liên Tử, Lê Vĩnh Hòa v.v… Sau lớp nhà văn nhà thơ vừa kể, là lớp những người cầm bút Nam Bộ, sinh trước hoặc sau thập niên (19)40 vài năm. Trong số này, có nhiều tên tuổi còn vang danh tới bây giờ, như Dương Trữ La, Tường Linh, Hoài Điệp Tử, Trương Đạm Thủy, Anh Việt Thu, Thiên Hà, Phương Triều, Lý Thụy Ý… Tôi gọi những cây bút Nam Bộ này là “Thế hệ 1960” hay những định hình nền móng của dòng văn chương mạch ngầm, hai mươi năm miền Nam.
Khi dùng cụm từ “dòng văn chương mạch ngầm,” ý tôi muốn đề cập tới hai dòng chảy song song của văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm. Một dòng chảy ồn ào, sôi nổi trên bề mặt là sinh hoạt văn chương, báo chí, trình diễn…có ảnh hưởng giới hạn! Nó chỉ phổ cập trong tầng lớp thị thành. Đó là giới văn nghệ sĩ di cư từ miền Bắc.
Cùng lúc đó, miền Nam còn có một dòng chảy đã bám rễ, ăn sâu trong sinh hoạt tinh thần của đại đa số quần chúng, nhất là lớp người sống với đồng ruộng, nông thôn, xa thị thành. Đó là dòng chảy văn học Nam Bộ.
Tuy cùng một mẫu số chung là cung ứng món ăn tinh thần cho đám đông; đồng thời xiển dương tính nhân bản như một nền tảng giá trị của văn học, nghệ thuật - - Nhưng đặc tính của sinh hoạt văn nghệ Nam Bộ, không có thói quen, tập quán ca tụng nhau trên các diễn đàn công cộng. Lớp cầm bút đàn anh, đi trước, lặng lẽ theo dõi, quan sát lớp đàn em đi sau. Một khi nhận ra tương lai hoặc khả năng tiềm tàng nơi những cây bút mới, lớp đàn anh này bày tỏ sự nhìn nhận, bằng cách quan tâm tới sinh kế, đời sống vật chất hàng ngày của những tiềm năng trẻ đó.
Theo tôi, có dễ vì bản chất người người miền Nam là “trọng nghĩa khinh tài,” - - Là tinh thần của những anh hùng Lương sơn bạc, sống quên mình cho kẻ khác. Không bo bo lo cho bản bản thân. Không chăm chắm thu vén tiền tài, danh vọng cho cá nhân mình. Nên, trong êm ả, thầm lặng, giới cầm bút Nam Bộ là một khối keo sơn, đoàn kết trong tinh thần tương trợ mặc nhiên, giữa những người cùng ngành nghề.
Cũng vì thế, trong suốt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, người ta chỉ ghi nhận được một vài cuộc bút chiến nẩy lửa, do bất đồng quan điểm văn chương hoặc triết học, từ giới văn nghệ sĩ miền Bắc di cư mà, tuyệt nhiên, không một tai tiếng tương tự nào, xẩy ra trong sinh hoạt của giới cầm bút Nam Bộ.
Nói về tinh thần “Hảo hớn, Lương sơn bạc” trong giới nhà văn gốc miền Nam, nhà thơ Thiên Hà (tên thật Dương Cao Thâm) cho biết, nếu ông không nhận được sự chú ý đặc biệt của nhà văn lớp đàn anh là Ngọc Linh thì, không biết ông có thể trải qua những năm đầu khi mới bước chân lên đại học, năm 1962 không? Đó cũng là thời gian ông và một vài bạn văn khác, được trao giải thưởng truyện ngắn hàng năm của báo Tiếng Chuông. Sự kiện tưởng chừng không đáng kể ấy, đã lọt vào tầm quan sát của nhà văn Ngọc Linh. Khi biết Thiên Hà / Dương Cao Thâm đang gặp nhiều khó khăn trong việc mưu sinh, tác giả “Đôi mắt người xưa” đã lặng lẽ yêu cầu nhà văn Tô Nguyệt Đình, bạn ông, nhận họ Dương vào làm tờ Nhân Loại...
Thiên Hà nhấn mạnh:
“Không chỉ riêng tôi mà, rất nhiều anh em thuộc thế hệ tôi, đã nhận được những nâng dỡ, dẫn dắt cụ thể như thế.”
Họ Dương cũng kể, có một trường hợp biệt lệ là năm 1963, nhà văn trẻ Tâm Đạm được trao giải thưởng truyện ngắn Tiếng Chuông và, ngay sau đó, ông đã được nhà văn lão thành Bình Nguyên Lộc mời viết chung feuilleton (loại tiểu thuyết viết từng ngày cho nhật báo.) Tiểu thuyết nhan đề “Lòng ngỡ quên mà nhớ rất xa,” đăng tải từng kỳ trên nhật báo Buổi Sáng do ký giả Tam Mộc làm chủ nhiệm. Từ lúc này, theo đề nghị của nhà văn Bình Nguyên Lộc, Tâm Đạm có bút hiệu mới, Dương Trữ La.
Bút hiệu ấy được nhà văn Tâm Đạm sử dụng cho tới khi từ trần.(1)
Du Tử Lê,
---------------------------
Chú thích:
-
Nhà văn Tâm Đạm / Dương Trữ La tên thật Dương Ngọc Lạc, sinh ngày 16 tháng 3 – 1937, tại Gò Vấp, Gia Định. Ông đã xuất bản 3 thi phẩm và 15 tập văn xuôi, gồm truyện ngắn và truyện dài. Tâm Đạm / Dương Trữ La mất ngày 20 tháng 7 năm 2000, tại Saigon.