Sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam,
20 năm có nhiều hiện tượng khá đặc thù. Bên cạnh hiện tượng có những nhà thơ được nhiều người biết tới, nhờ những bài thơ phổ nhạc là, hiện tượng có một số nhà thơ làm thơ rất ít. Tên tuổi họ không phổ cập đám đông, nhưng lại được văn giới chú ý.
Điển hình cho trường này là nhà thơ Mai Trung Tĩnh. (1)
Khác hơn những người làm thơ cùng trường hợp với mình, nhà thơ Mai Trung Tĩnh được trao giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn thơ rất sớm. Năm 1961. Nhưng không vì thế mà tên tuổi quen thuộc với quần chúng.
Về giải thưởng văn chương toàn quốc ở thời điểm vừa kể,
nhà thơ Thanh Tâm Tuyền được mời vào ban giám khảo, đại diện cho khuynh
hướng thơ tự do bắt đầu bước vào giai đoạn nở rộ, cho biết: Ở thời điểm
ấy, số lượng thi phẩm xuất bản khá ít ỏi. Hầu hết là những thi phẩm sáng tác theo khuynh hướng thơ vần điệu. Và, năm đó, cũng không có một thi phẩm nào được ban giám khảo đánh giá là nổi bật. Tác giả “Tôi không còn cô độc” nhân dịp này, đã đề nghị ban giám khảo trao giải thưởng thi ca hạng nhì (không có hạng nhất,) cho nhà thơ Mai Trung Tỉnh - Người có những bài thơ xuôi đầu tiên, đăng trên tạp chí Sáng Tạo.
Ngặt nỗi khi ấy, nhà thơ Mai Trung Tĩnh chưa có một thi phẩm riêng nào xuất bản, ngoài tập “Bốn mươi bài thơ” - Gồm 20 bài thơ xuôi của Mai Trung Tĩnh và, 20 bài thơ vần điệu của nhà thơ Vương Đức Lệ (2). Cuối cùng, ban giám khảo cũng đồng ý đề nghị trao giải nhì cho thi phẩm ấy.
Sau này, nhà văn Mai Thảo, ở hải ngoại, đôi lần trong những buổi họp mặt văn nghệ, khi đề cập tới Mai Trung Tĩnh, ông cũng kể lại sự việc, cùng một nội dung, như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Căn bản, như đã nói, nhà thơ Mai Trung Tĩnh làm thơ rất ít. Chẳng những ông đã ít giao du với anh em trong văn giới mà, ông cũng ít liên hệ với những người đứng đầu các tạp chí thuần túy văn học, nghệ thuật.
Vì thế, sau khi tạp chí Sáng Tạo bộ mới đình bản, văn giới không còn cơ hội đọc thơ ông. Phải tới cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, những người yêu thơ ông, thỉnh thoảng mới được đọc thơ Mai Trung Tĩnh, trên tạp chí Văn, ở Saigon.
Trong buổi giới thiệu thi phẩm “Thơ Mai Trung Tĩnh” do nhà Tiếng Quê Hương xuất bản tại Hoa Kỳ, 2001, trong bài nói chuyện của mình về thơ Mai Trung Tĩnh, nhà báo Phạm Trần cho biết, Mai Trung Tĩnh làm thơ từ năm 15 tuổi và, có thơ đăng báo từ năm 1953.
Sau giai đoạn dạy tại trường trung học Kỹ Thuật Saigon, là giai đoạn Mai Trung Tĩnh, tên thật Nguyễn Thiệu Hùng (3), bị động viên vào trường Bộ Binh Thủ Đức, khóa 16. Ra trường, ông được chọn về Cục Tâm Lý Chiến, phục vụ tại đài phát thanh Quân Đội.
Tại nơi làm việc lâu dài này, Mai Trung Tĩnh viết lời cho một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh; ca khúc “Lâu Đài Tình Ái.”
Dẫu chỉ là người đặt lời, căn bản không phải là bài thơ, nhưng với những ca từ như:
“Anh sẽ vì em làm thơ tình ái.Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài. Đợi chờ một đêm trăng nào tới, đợi chiều vàng hôn lên làn tóc, đợi một lần không gian đổi mới, đón hai đứa chúng ta mà thôi...
“Tinh tú trời cao thành vương miện sáng.
"Khai lễ đăng quang vũ trụ chong đèn. Hoàng hậu về cao sang quyền quý, đẹp nụ cười quân vương vừa ý, và lâu đài mang tên Tình Ái đón hai đứa chúng ta mà thôi...”
Đủ khiến một vài anh em đùa rằng, đó là “con tư sinh” hay, “đứa con ngoài hôn thú” thi ca của ông.
Với cá nhân tôi, tôi cho rằng Mai Trung Tĩnh thực sự tìm đến thi ca khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, như đi tìm những hồi chuông gióng giả tử sinh, song hành cùng những hồi chuông tình yêu, tuổi trẻ.
Nhưng giữa bầu khí hun khói buồn nôn giả tạo, phô trương những cật vấn Thượng đế, làm dáng, lềnh bềnh trong dòng sinh hoạt văn chương Saigon thuở ấy, thì Mai Trung Tĩnh là một trong những người đã tách, thoát khỏi biển sóng ngầu đục thời thượng ấy.
Thơ ông, là một nhánh sông khác. Biệt lập. Tự nó, ngân nga những xác tín đi ra từ tâm thức. Tự nó, chấp chới nắng, mưa đời thường, ghi nhận từ một góc độ riêng. Góc độ Mai Trung Tĩnh:
“Buổi sáng anh trở dậy ra lan can
nhìn xuống đường
anh nhìn cuộc đời dưới ấy
không khí trong lành đất trời cỏ cây
chim chóc
và tiếng nói của người vào châu thành
tâm hồn anh đã ngủ giữa đám đông ồn ào
con ngựa khỏe lành gõ móng nhịp đều - buổi mai
người thợ rảo chân trong gió sớm
mỗi ngã tư như hội học trò
chào! tương lai như gần gũi
buổi sáng anh trở dậy ra lan can
nhìn xuống đường
để quên mình úp mặt khóc đêm qua.”
(Trích “Buổi sáng”)
Mình ên, như định mệnh. Thơ Mai Trung Tĩnh mang theo những hồi chuông gióng giả, về một chân trời khác. Thơ Mai Trung Tĩnh, như thế, hiểu theo một nghĩa nào đó, đã là những nhát rìu, nhát cuốc, cật lực khẩn hoang cánh rừng sự sống bị văn chương đương thời, soán, lấn:
“Tôi khoác áo ra đi
tay với đầu tiên vào mộng ngọc
gió rười rượi mát long lanh
nhẹ bồng tênh chân bước vào mệt nhọc
mồ hôi ướt vừa khô trong chốc lát
đây vạn thuở xây thành?
tôi chào thế giới vừa lên xanh
buồn tim ngàn lối ngỏ
suối đời cuộn sóng trôi nhanh
huyết mạch chảy trong người ngoài phố
bây giờ mới thỏa gặp các anh
tay giao chưa, đã gặp lòng
cười vơi chưa mời đã tiếp
áo cơm bao quản
đàn nào phải giục lên cung
vạn cửa mở toang mừng cuộc sống”...
(Trích “Mộng ngọc”)
Và:
“Cuộc đời đâu phải chỉ là một chuỗi đòn hành hạ tự mình.
Người ta không thể tự phá phách căn nhà tâm hồn rồi ném tội lên đầu kẻ khác đã tiêu hủy mình.”
(Trích “Dựng”)
Như đã nói, dù lên đường về với thi ca, như một lên đường kiếm tìm cho mình một định mệnh khác. Một định mệnh (cũng) gióng giả những hồi chuông tin yêu sự sống, song sinh cùng hồi chuông tình yêu đôi lứa, thanh niên. Nhưng, không gian khoẻ mạnh nhát rìu xác tín đầu nguồn của đất trời thơ Mai Trung Tĩnh, muốn hay không, cuối cùng, cũng đã bị tai ương chập trùng, phút cuối:
“Bỗng dưng vẳng tiếng não lòng
tai nghe tàu gọi mà không thấy tàu”...
(Trích “Trong trại cải tạo nghe tiếng còi tàu hỏa”)
Mặc dù, sâu kín, một nơi chốn nào đó, trong tâm thức thi sĩ, sau dập dồn vùi dập, Mai Trung Tĩnh vẫn thủy chung với niềm xác tín ban đầu của mình, rằng:
“Vẫn mây trời như thế
nắng vẫn như thế
gió và mưa như thế”...
(Trích “Như thế”)
Ông vẫn mình ên. Như định mệnh. Như hồi chuông khác. Gióng giả thi ca.
Có dễ, chính sự tách, thoát để làm thành một lên đường riêng, lẻ, nên tiếng thơ Mai Trung Tĩnh / Nguyễn Thiệu Hùng trên lộ trình khai khẩn thi ca miền Nam, hai mươi năm, đã là tiếng thơ cô, tịch. Mọi đồng vọng, từ tiếng thơ họ Nguyễn này, nếu có, chỉ là những vọng âm tự thân, như chiếc bóng của cõi thơ cô, tịch kia.
Và, do đó, theo tôi, mức độ lớn lao của thơ Mai Trung Tĩnh/Nguyễn Thiệu Hùng, đã / lại nằm nơi cốt lõi của chính niềm cô, tịch ấy.
(Tháng 4, 2010)
Chú thích:
(1) Nhà thơ Mai Trung Tĩnh / Nguyễn Thiệu Hùng, sinh năm 1937 tại Hà Nội; cựu học sinh trường trung học Chu Văn An. Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Triết Tây, và cử nhân Văn Chương, tại Đại Học Văn Khoa Saigon. Sau nhiều năm tù cải tạo, ông và gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, tháng 6 năm 1995. Ông từ trần ngày 20 tháng 2, năm 2002, tại Virginia, để lại 4 thi phẩm đã được ấn hành.
(2) Nhà thơ Vương Đức Lệ tên thật Lê Đức Vượng, sinh năm 1937 tại Hà Đông. Ông có 8 thi phẩm được xuất bản trong và ngoài Việt Nam. Họ Lê từ trần ngày 20 tháng 1, năm 2008, tại Virginia.
(3) Nhà thơ Mai Trung Tĩnh từng bày tỏ sự khó chịu, mỗi khi ông bị ai đó hiểu lầm ông là con của Giáo Sư Nguyễn Thiệu Lâu - Một giáo sư dạy Sử bậc trung học, nổi tiếng. Giáo Sư Nguyễn Thiệu Lâu cũng nổi tiếng qua những giai thoại chống đối chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa...