Thức Mình Dậy, Lúc Ngày Tàn Tháng Chín
Những ngây thơ không còn ở lại
Như mùa Hạ, đã dứt áo ra đi
Qua kẽ tay, xem lại, tôi còn chi?
Thức mình dậy, lúc ngày tàn tháng Chín (*)
.
Tôi dậy sớm, một ngày bất thường giữa tất cả những bình thường. Một năm có lẽ chỉ có vài ngày tôi dậy sớm như thế, lúc 7 giờ sáng. Bình minh của tôi thường vẫn là buổi trưa, và ngày của tôi thường hết khi sớm mai đã bắt đầu…
Cuộc hẹn công việc giấy tờ thủ tục khiến tôi dậy sớm, ra đường sớm bữa nay. Lâu lắm rồi, chắc cũng phải gần chục năm, tôi mới được nhìn gương mặt Sài Gòn lúc tinh tươm của buổi đầu ngày. Và tôi chợt nhận ra, những thói quen công việc, những cuộc chơi khiến nhịp sinh học của tôi lệch đi nhiều đã làm mất luôn của tôi một điều quá quý giá. Đó là những gương mặt, những gương mặt cuộc đời. Dậy trễ ban trưa, ra phố tôi chỉ được nhìn thấy những gương mặt mệt mỏi, căng thẳng của lúc cao điểm trong ngày làm việc. Còn dậy sớm, ra phố đầu hôm, tôi mới được thấy những gương mặt còn vẹn nguyên sức sống, còn dồi dào năng lượng dù cho có thể những gương mặt lướt ngang tôi ấy không đọng lại một thoáng cười. Và tôi, trên xe ra Quận Nhất, như một thói quen, rút điện thoại ra để xem giờ, để rồi nhận ra… hôm nay đã là tháng Chín…
Tháng Chín, hai tiếng ấy tự dưng chợt thấy bâng khuâng đến lạ lùng. Chắc sẽ có ai đó cười thầm và cho rằng tôi là kẻ dở hơi bởi tháng Chín hay tháng mấy cũng đâu có gì khác nhau. Nó chỉ là sự dịch chuyển của một con số trong dấu mốc chuyển dịch thời gian hàng năm mà thôi, có chi mà bâng khuâng đến lạ. Nhưng với tôi, tháng Chín luôn mang đến một điều gì đó rất khác. Không phải vì cảm thức như người đi xa Hà nội vẫn hay hỏi nhau “bây giờ đã mùa Thu chưa?” mà vì những lẽ rất riêng của cảm nhận tôi. Tháng Chín với tôi chưa bao giờ là tháng của mùa Thu ở Hà nội cả. Mùa Thu phải rõ rệt nhất vào tháng 10, nhiều khi là cuối tháng. Với tôi, tháng Chín là tháng của một giấc mơ ngủ triền miên như một người say mà đã nhiều năm nay, cứ bắt đầu tháng Chín, tôi lại để trên trang cá nhân của mình một dòng chữ “Thức mình dậy, lúc ngày tàn tháng Chín”…
Đó là một câu hát của những đứa trẻ tuổi đôi mươi, ở Mỹ, và nó được gán đến nhiều thứ; từ tình yêu đến chính trị nhưng tôi chỉ thấy ở đấy những tiếc nuối của một con người đã bắt đầu bước vào Tháng Chín của đời mình. Tháng Chín, qúy cuối cùng của năm, nó như người đã đi qua một nửa cuộc đời và đang sống ở nửa còn lại với cảm thức muốn quay lại. Tôi đã muốn quay lại rất nhiều lần; tuổi 16, tuổi đôi mươi… vì tôi muốn làm khác đi những gì tôi đã và vẫn đang làm với chính mình suốt mấy chục năm qua. Tháng Chín, là lúc mùa Hè đã dứt, là lúc những ngây thơ; hồn nhiên; trong vắt của tuổi thiếu niên đã đi qua. Lúc đó, người ta mới bàng hoàng nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ quá nhiều điều trong những lướt đi quá nhanh của sự hưng phấn kỳ ảo tuổi trẻ. Trong nuối tiếc tôi có cả những nỗi nhớ mơ màng mông lung về những tháng Chín xưa cũ; về tháng Chín mới qua và những hồi hộp đợi chờ những gì mình sẽ trải qua của một tháng Chín sắp tới…
Tôi nhớ những ngày nhập trường của tháng Chín hồn nhiên, những ngày đầu tiên trở lại với nhịp sống cắp sách đến trường sau một mùa Hè ngơi nghỉ. Ngày chúng tôi còn nhỏ, mùa Hè trọn vẹn quá. Trẻ con không phải học quá nhiều ở mùa Hè ấy mà được xả hơi thật sự. Để rồi những ngày cuối tháng Tám, đầu tháng Chín, tất cả lại ngỡ ngàng vì phải quay lại một nhịp sống cũ. Nỗi tiếc mùa Hạ vẫn còn và những xao động của ngày tựu trường cũng dập dồn đến. Tháng Chín ấy trở nên mới tinh dù có thể bạn bè vẫn là những người cũ đó, thầy cô vẫn là những người cũ đó nhưng vẫn có gì rất lạ mỗi khi vở mới sách mới trong những ngày đầu tiên của năm học mới. Một cảm thức khó hiểu của những đứa ham chơi nhưng vẫn hiểu trách nhiệm của mình là phải học. Và con đường đến trường buổi sớm, Hà nội tinh sương, nắng vội mới lên sau một đêm mưa dài ẩm ướt. Tất cả những hương vị của buổi sáng ấy cuốn theo bàn chân đi, mái trường không quá xa nhưng con đường ngần ngại thành ra cảm giác đôi phần xa ngái. Tôi nhớ nhất là tháng Chín tựu trường cấp III đầu tiên. Suốt 2 năm cấp I và cấp II đã học quen theo một lớp, bạn bè quá cũ, quá thân, quá gần nên ngày tựu trường không có nhiều điều mới lạ. Nhưng bước chân vào cấp III, những bạn bè xưa tản mát hết cả, nhập trường mới, lớp mới và bạn mới với những nghĩ suy rằng cách học cũng sẽ mới. Hồi ấy, tôi vào trường Hoàn Kiếm (Albert Sarraut cũ) và bắt đầu được quen bạn học trên khu phố cổ nhiều hơn. Thế nên, gặp những tác phong sống mới của những bạn mới cũng cho tôi thấy thêm nhiều điều khác lạ. Cảm thức tựu trường tháng Chín hơn 20 năm về trước như vẫn còn nguyên đây. Thằng Bảo, thằng Long, thằng Sơn, thằng Hưng… những đứa bạn mới với nhiều phong cách khác hẳn so với bạn bè thời cấp II đã cuốn hút tôi lạ kỳ. Và hơn nữa, bước chân vào cấp III, tự nhiên thấy mình là người lớn nên cũng hãnh diện và sỹ diện lắm. Rồi tập tành nhiều thứ, hay có hư có đủ cả. Tháng Chín ấy, làm sao tôi quên…
Hôm qua, đưa cô chủ nhiệm cũ thời cấp II đi ăn cơm tối nhân dịp cô vào Sài Gòn chơi, tự nhiên càng thấy thổn thức với Tháng Chín sắp tới hơn. Ước gì tôi có thể quay lại với tháng Chín cũ ấy một ngày thôi bởi một tuần thì tham quá và một thời thì mơ mộng quá. Lũ trẻ bây giờ không còn tháng Chín như chúng tôi ngày xưa nữa. Phần vì chúng học suốt ngày, học cả mùa Hè và nhập trường cũng không vào độ tháng Chín mà đã sớm hơn rất nhiều. Có thể, mai này, khi tôi đã già, sẽ đọc được đâu đó, của ai đó, một cảm thức khác, về một tháng Tám chứ không phải tháng Chín như tôi. Thế nên, mới hiểu, tháng Chín với tôi thương và gần biết bao nhiêu. Tháng Chín mùa xưa, tôi đã bỏ thói quen ăn bữa sáng do chính mẹ nấu mà chỉ muốn mẹ cho tiền ăn quà sáng để sáng sáng ăn ở cổng trường với chúng bạn và sẽ “ngắt” lại mấy trăm mua thuốc lá mà tập tọe. Bây giờ thì không còn sỹ diện hão như thế nữa, chỉ muốn được một bữa sáng mẹ nấu cho ăn, một bữa sáng của tháng Chín thời cấp I, cấp II, của những ngày ba mẹ tôi cũng như muôn người khác tảo tần, cứ 5 giờ sáng là dậy để lo chuyện bếp núc cho con ăn sáng vào trường. Những ngày khổ, thật ra lại là những ngày đẹp nhất. Bây giờ tiện lợi rồi, cái gì cũng mua, cái gì cũng nhanh, cái gì cũng vội và cuối cùng là cái gì sẽ đọng lại đây…
Tháng Chín mùa qua, tôi về Hà nội công tác. Hai cha con tôi ngồi uống beer chiều trước khi tôi về cơ quan trực tin tối. Tiễn ba về ở góc vườn hoa Hàng Đậu trong một chiều muộn tháng Chín mà tôi nước mắt thành dòng. Tôi vẫn luôn ám thị mình mới chỉ đôi mươi nhưng nhìn ba thì tôi biết mình thực ra đã muộn tuổi. Cái dáng lưng bắt đầu còng đi bộ xuyên ngã tư bốt nước Hàng Đậu, đi một cách kiên quyết, đi mà đầu vẫn ngẩng cao để con trai mình không bận lòng của ba làm tôi thắt ruột. Qua những câu chuyện ba kể, về thời đôi mươi của ba, tôi biết góc vườn hoa Hàng Đậu đó là nơi ngày trai trẻ ba và những bạn bè hay tụ tập cùng nhau. Các chú, các bác ấy có người đã xanh cỏ rồi, có người cũng gần đến lúc tạ từ lời tử biệt… Than ôi, một thời trai tráng của ba tôi còn đâu. Cũng góc ngã tư ấy một tháng Chín nào năm xưa, con người đi xuyên ngã tư kia cũng ngẩng cao đầu kiêu hãnh nhưng dáng đi có xiên xiên nắng quái, có còng còng tấm lưng như hôm nay đâu? Thời gian quả thật bạc như vôi, bạc như từng tháng Chín đi qua ba, qua tôi và sau này còn qua cả ai nữa…
Thôi, cho tôi trọn giấc mơ mộng viển vông trong tháng Chín này, như tôi vẫn từng của bao nhiêu tháng Chín trước. Để được nhớ, được mơ, được nghĩ về những tháng Chín tôi đã từng đi qua trong cuộc đời mình. Tuổi trẻ không ở lại được lâu nên đôi khi nằm mơ lại tuổi trẻ cũng là điều nên lắm. Cho tôi mơ lại, mỗi dịp tháng Chín thế này, một cơn mơ triền miên 30 ngày như một sự trở lại, như tôi đang ngồi hình dung ra đây, thằng bé má bầu bĩnh, tóc ngắn rẽ ngôi, băng trên con đường sớm tinh khôi với bước chân thật vội. Con đường ấy, mai này, ai có nhớ rằng họ cũng đã từng đi qua…
Để tôi mơ, đừng lay tôi. Để tôi mơ, rồi sẽ một ngày, tự tôi, thức dậy, lúc ngày tàn tháng Chín…
Hà Quang Minh.
(*) Phỏng dịch theo lời mở đầu ca khúc Wake me up when September ends…