Sách về đời ca sĩ Khánh Ly phát hành tại Nhật
TOKYO (NV) - Một trong 4 cuốn sách viết về đời Khánh Ly, ấn bản mới, vừa được phát hành tại Tokyo, đúng vào dịp ghi dấu 50 năm sân khấu của ca sĩ này.
Tin từ nhà xuất bản NHK cho biết, cuốn “Khanh Ly: Most Famous Singer from Saigon” của tác giả Heido Kato, đã phổ biến khắp nước Nhật, cũng như, cộng đồng người Nhật trên toàn cầu. Sách dầy 270 trang, kèm theo 20 trang hình màu, bìa cứng in bằng loại giấy đặt biệt, giá 1,700 Yen (tương đương 14 Mỹ kim).
Qua lời bàn, Heido Kato (tốt nghiệp văn chương, đạo diễn phim ảnh Đại Học Paris) viết, ông dành 6 tháng ròng rã để hoàn tất cuốn sách với các tài liệu thâu thập từ Washington DC, Corneil, Paris, Seoul, London, Tokyo, Saigon... và các bài báo của Asia Week, Le Monde, Paris Match, Sydney Morning, New York Times, Register, Manichi, v.v... chưa kể thời gian phỏng vấn rất nhiều nhân vật trong, ngoài nước Việt Nam.
Kato cũng tâm sự rằng, ông ngưỡng mộ tiếng hát Khánh Ly từ hồi sinh viên, khi tham dự buổi trình diễn của cô ở rạp Maubert (Quận 3) Paris, rồi có ý định viết sách, hoặc làm phim tài liệu về cô sau này. “Khanh Ly: Most Famous Singer from Saigon” gồm 9 chương ghi lại cuộc đời Khánh Ly qua các giai đoạn: Ở Việt Nam, Gặp Trịnh Công Sơn, Di Tản Định Cư Nước Ngoài, và thành quả đạt được từ những quốc gia, trong đó, dĩ nhiên có Nhật. Ngoài những nét chính về sự nghiệp ca hát, tác giả Heido Kato, qua cuốn sách, tiết lộ rất nhiều chi tiết lý thú ông sưu tầm được như, vì quá mê hát bị người bố dượng đánh đập không cho, Khánh Ly liều lĩnh lấy chồng khi mới 16 tuổi; thoát ly gia đình, từ Sài Gòn xin theo một chuyến xe chở rau lên hát tại vũ trường Night Club Đà Lạt với những bản nhạc tiền chiến như Chiều Vàng, Giọt Mưa Thu, Lá Thư, Tà Áo Xanh hoặc Crazy Love, Only You, Les Feuilles Morte, Non Negrette Rien nổi tiếng của Mỹ và Pháp. Như chuyện, lúc tới Dancing Đại Nam, đưa bài Ngậm Ngùi Y Vân mới sáng tác, cho nhạc sĩ Lê Văn Thiện, ông chê là nhạc... sến, không thèm đàn.
Cũng như chuyện hát giùm nữ ca sĩ Minh Hiếu, bị ông Cường, chủ nhân nhà hàng Tự Do, nói như tạt nước vào mặt, “Nhà hàng tôi không cần người như cô, thiếu ca sĩ thì ban nhạc chơi hòa tấu.” Trớ trêu thay, chỉ mấy năm sau, cũng chính ông này (nay ở Pháp) đã khẩn khoản mời cô về hát cho phòng trà của ông, với thù lao rất cao. Heido Kato nhắc nhở nhiều về thân phụ của Khánh Ly vì theo cảm nhận của ông, qua người thân phụ cô đã biết hát và mê hát. Thân sinh Khánh Ly đẹp trai, con nhà giàu (gia đình có mỏ phốt-phát tại Hòn Gai), nổi tiếng Hà Nội, bạn thân nhạc sĩ Phạm Duy, từng du học Hongkong, thông thạo tiếng Anh, Pháp, Nhật. Ông dạy cô hát bài Chiều Vàng lúc 4 tuổi vào mỗi buổi chiều ủ cô trong chiếc áo bông thời tản cư kháng chiến. Ông qua đời lúc mới 32 tuổi. Xác được các bạn vùi bên một bờ suối ở Thanh Hóa, ngày nay không còn tìm ra dấu tích nào.
Cái chết đau thương của thân phụ ảnh hưởng sâu sắc suốt cuộc đời Khánh Ly. Cô luôn tin là được linh hồn ông phù hộ (qua mọi hoàn cảnh) cho tới bây giờ. “Khanh Ly: Most Famous Singer from Saion” tình tiết như chuyện phim dài, phóng viên Người Việt không thể tóm lại trong một bài viết.
Nếu độc giả hiếu kỳ muốn đọc, xin chờ Tiến Sĩ Hoàng Thụy An (giáo sư ngôn ngữ Đại Học George Mason) đang liên lạc với ông Heido Kato để xin phép dịch sách này sang tiếng Việt.
Muốn mua sách nguyên tác tiếng Nhật xin vào Amazon.co.jp hoặc điện thoại 03-3780- 3339.
(Từ Đức Tuấn/Người Việt)