Hình Khoa Vũ
Bút hiệu đầu tiên của Vũ Hữu Định là Hàn Phong Lệ, làm thơ vào những năm 60. Tôi đã thấy cái tên này trên những tờ báo không có "tầm cở" cho lắm. Những năm đó tại Quảng Nam Đà Nẵng có những cây viết xuất hiện trên những tạp chí "bề thế" của Sài gòn và gây ấn tượng ngay cho người đọc. Những Nguyễn Nho Sa Mạc, Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Phương Tấn, Hoàng Thị Bích Ni, Phan Duy Nhân, Hoàng Lộc, Nguyễn Nho Nhượn, Hà Nguyên Thạch,Đynh Hoàng Sa,Tần Hoài Dạ Vũ, Triều Hoa Đại, Chu Tân, Hạ Đình Thao, Hạ Quốc Huy..vv...cứ mỗi năm một đầy thêm, đã làm mờ lấp Hàn Phong Lệ và nhiều người làm thơ khác cùng thời. Tôi cũng là người làm thơ từ thuở ấy, nhưng chẳng hề giao du với ai. Có vài anh em do "trời đất xui khiến" mà gặp nhau. Trong số hiếm hoi đó có Vũ Hữu Định.
Hình như lần tương ngộ đầu tiên là một ngày mùa đông năm 67,68 gì đó. Tôi đang ở nhà mẹ tôi sau lưng thị trấn Vĩnh Điện thì có hai người, một mặc quân phục, một mặc đồ đen XDNT (xây dựng nông thôn), đẩy chiếc xe Gobel trên đường lầy lội vào nhà. Anh Nguyễn Tam Phù Sa giới thiệu tôi biết Vũ Hữu Định. Vũ Hữu Định đang đi giang hồ qua chỗ Phù Sa đóng quân thì hết xăng. Anh đâu định ghé nhà tôi mà rồi lại ghé. Tôi chưa biết anh là ai nhưng anh thì biết tất cả những người trong làng văn nghệ từ những nhà thơ, nhà văn, đến các nhạc sĩ, họa sĩ...kể cả những người không mấy tên tuổi. Anh biết gần hết những nơi có văn nghệ sĩ ở trên các tỉnh miền Nam. Anh nói chuyện có duyên và vui vẻ. Qua anh, tôi biết được những "cái tật" lạ thường của nhiều người tôi đã từng biết tên hoặc chưa biết. Anh thật sự hấp dẫn tôi về những "chuyện trên trời, dưới đất" nhưng vẫn chưa hấp dẫn tôi về thơ anh. Sau ngày đó thì anh mất biệt và tôi cũng chẳng còn nhớ anh.
Những năm tiếp theo, chiến tranh đã quá khốc liệt nơi tôi ở. Anh em văn nghệ đã tứ tán về nhiều hướng khác nhau. Hoàng Lộc là người gần gũi nhất với cũng nghỉ dạy học vào lính.Gần như còn mình tôi ở lại Quảng Nam. Tôi khủng hoảng trầm trọng và gần như bỏ viết. Tuy nhiên, ở đó, trong cái không khí, vẫn tiếp tục có những cây viết mới nổi lên và thỉnh thoảng họ tổ chức sinh hoạt đọc thơ hát nhạc với nhau, nhất là ở Đà Nẵng, ở Hội An. Có ba người vừa đi giang hồ vừa ca hát, đọc thơ hay tạt vào căn phòng rách nát bom đạn của tôi ở ngã tư Vĩnh Điện, đó là Vũ Hữu Định, Trần Quang Lộc và A khuê. Những nơi Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ...có văn nghệ, có thi ca là có Vũ Hữu Định, trừ phi gặp phải những ngày anh giang hồ quá xa. Lần giang hồ quan trọng nhất đời anh và cả Trần Quang Lộc (nhạc sĩ) có lẽ là chuyến vào Sài gòn mượn quán của ca sĩ Khánh Ly để giới thiệu thơ anh và nhạc Trần Quang Lộc. Tôi không còn nhớ năm nào, chỉ nhớ hôm đó Đoàn Huy Giao kể tôi nghe là hai anh đã mời tất cả báo chí và các nhạc sĩ tên tuổi đến dự. Các tạp chí có giá trị đang thơ Vũ Hữu Định nhiều hơn và Trần Quang Lộc cũng từ đó sống bằng nghề ca nhạc tại Sài gòn.
Tôi biết Vũ Hữu Định là biết vậy nhưng phải chờ đến khi nghe Thái Thanh hát "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" do Phạm Duy phổ nhạc, tôi mới để ý về anh hơn. Anh cầm cái băng cassette do chính nhạc sĩ Phạm Duy ký tặng vào nhà tôi như một cơn gió mạnh. Tôi mở nghe. Một mặt băng là những bài thơ của nhiều tác giả mới được phổ, mặt kia là 10 bài tục ca do chính Phạm Duy hát. Lại một phen ồn ào rôm rã. Rôm rã vì ở chung với tôi còn có một đám học sinh rất yêu thơ, nhạc và sính chuyện làng văn. Mấy em học sinh tha hồ mượn để sang và để hát theo. Vũ Hữu Định cũng biết đánh đàn Guitar và hát rất tốt. Hình như thời gian này là thời gian anh có việc làm ở Đà Nẵng nên anh năng ghé tôi nhiều hơn. Mỗi lần anh đến là một chương trình "thế giới đó đây" được mở ra với chúng tôi. Anh luôn sôi động, luôn có cái mới để nói, để kể. Chính anh đã ít nhiều nhen nhóm lại trong tôi một chút lửa văn nghệ để tôi tham gia một vài buổi thơ nhạc tại Hội An, Tam Kỳ, Huế...và viết lại khá nhiều trong những năm 73 đến 75 để rồi chẳng còn gì sau ngày 30-4-75.
Bây giờ ở Sài gòn, cũng như các tỉnh, cả nước, có rất nhiều nhà thơ. Họ được gọi nhà thơ tương đối khá dễ dàng, chỉ cần có dăm bài đăng báo (mà báo ở đây thì nhiều vô kể), hoặc sinh hoạt ở các câu lạc bộ thơ văn (quận, huyện nào cũng có), và một ít giao du... Thế là họ được đi vào các tuyển tập, tự nhiên đứng ngang hàng với những bậc tiền bối. Họ có thể sánh vai cùng Nguyễn Du, Tản Đà đến Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Xuân Diệu, Huy Cận, Bùi Giáng, Nguyên Sa...và cả các thi hào thế giới để nói chuyện gái, chuyện rượu.. Các báo và các nhà xuất bản công nhận họ một cách tự nhiên hơn là vì sự rộng rãi. Không như thời của Vũ Hữu Định phải vất vả gần mười năm với bao lần thay đổi bút hiệu, bút pháp.. Nghĩ mà thương anh và thán phục anh. Quả là lòng đam mê của anh quá lớn! Quả là trời sinh anh để bắt anh làm thơ, đeo đẳng nghiệp thơ! Ấy vậy mà nỗi khao khát in một tập thơ trình làng đến chết vẫn chưa thực hiện được! Tôi muốn mở một dấu ngoặc ở đây để đề cao nhiệt tình hiếm có của Trần Từ Duy, một người bạn nhỏ của Vũ Hữu Định hiện nay đang viết báo Cười, đã in được tập thơ "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" cho Vũ Hữu Định trong năm 96 vừa qua. Không những xuất bản mà anh còn vận động bán được một số tiền khá lớn để xây lại mộ cho Vũ Hữu Định. Thật đáng qúi ! đáng qúi ! Tiếc rằng thơ Định còn nhiều bài hay đã thiếu vắng trong tập nói trên. Theo tôi biết thì Vũ Hữu Định làm thơ tương đối dễ dàng nên thơ anh có số lượng khá lớn.
Trước khi mất độ bốn, năm tháng gì đó, anh ghé nhà tôi với một nhà văn, nhà báo tên là Cao Trần. Hai anh đã mua sẵn mồi, rượu từ đâu xách tới. Ở nhà chỉ có mẹ tôi mắt đã mờ nhưng vẫn nhận ra tiếng Định. Tôi đang làm ruộng cho hợp tác xã để ăn "công điểm" trên cánh đồng cách nhà chừng vài cây số. Hai anh đã lặn lội đến tận nơi để xin phép đội trưởng cho tôi về. Dĩ nhiên tôi đã mất "công điểm". Từ sau 75 cho đến lúc đó (mùa đông năm 1980) tôi chưa hề uống giọt rượu nào.
Tôi lại đang còn bị quản chế nên lo ngại vô kể, nhưng từ chối anh thì không được, mọi việc đã bị anh cho vào thế rồi. Mẹ tôi sợ và rầu lắm nhưng bà cũng biết tính Định nên chỉ dặn dò nhẹ nhàng...Định thì rất giỏi vỗ về, nịnh nọt các bà mẹ nên cuối cùng tôi "chết tại chỗ"hôm đó. Khi tỉnh dậy đã là sáng hôm sau. Hai ông đã bỏ di trước tối đó vì mẹ tôi sợ phải đi khai báo phiền phức. Anh bỏ lại tại nhà tôi một tập thơ chép tay do anh đóng bằng giấy trắng khá dày, có tựa là "Năm Năm". Tôi đọc trong đó có nhiều bài hay, nhiều tâm sự hơn những bài thơ anh đã đăng báo trước kia. Anh qua đời khá lâu tôi mới biết và tôi đã mang tập thơ ra gởi lại cho Lê Quang Tấn, em ruột của anh. Tấn và các anh Ba, anh Tô Như Châu...ở An Hải chỉ cho tôi xem chiếc giường sắtnhỏ trong nhà Tấn mà anh đã ngủ đêm cuốo cùng của đời thơ và chẳng bao giờ trở dậy nữa. Có thể anh chám cuộc đời công nhân điện nhưng chắc chắn anh không thể chán đời làm thơ.
Bữa nhậu ở nhà tôi kể trên anh còn khuyên nhủ tôi viết lại. Anh kể về sinh hoạt viết lách tại Đà Nẵng với tất cả nhiệt tình thuở nào. Tôi đã nói với anh : "Tôi chẳng bao giờ viết nữa. Chiếu đó chẳng có tôi đâu" và tôi đã nân ly cùng anh hát vang một câu thơ Hoàng Lộc :
"Đời chẳng còn ai quý kẻ làm thơ
Ta mới bỏ văn chương, tìm quán rượu !"
Anh đã chửi Hoàng Lộc xong rồi chửi tôi. Anh la oai oải. Anh thề rằng sẽ có ngày tôi gọi anh để đọc thơ hát nhạc cho anh nghe. Tôi bảo chẳng bao giờ. Thế mà nay tôi viết. Tôi muốn Định đọc xiết bao.
Tôi chưa lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vụ Hữu Định chẳng làm gì được cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang phiêu bạt. Nghe nói chị Vân vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã "lẫn" và tật bênh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận...Hai mươi năm nay tôi lại giống anh lúc trước ! tôi mới hiểu đưọc và thương anh. Khi tôi hiểu được thì không còn Định nữa để mời một chén rượu cảm thông. Tôi không nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn các bạn tôi rằng anh là người say đắm thơ, rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối đời anh không nhờ thơ, rượu thì không biết con người anh sẽ ra sao ! Và cuối cùng thơ rượu đã cứu rỗi anh.
"....Cũng có khi nào anh trở lại. Mai đây, mốt nọ biết đâu chừng và có một lời anh sẽ nói giữ giùm nhau một chút hồn chung..."
Anh đã mất mười bảy năm tròn. Nhưng anh cũng vừa trở lại với chúng ta bằng tập thơ "Còn Một Chút Gì Để Nhớ". Trong thơ anh, tôi đã nhìn thấy rõ anh hơn những ngày tháng giang hồ lãng bạt. Tôi thấy anh quằn quại khổ đau. Tôi thấy cả tấm lòng anh đầy ắp thương yêu gia đình, vợ con, bè bạn, quê hương, nhân loại...Thơ anh nhân ái, cao cả mà hồn anh thì ray rức ngậm ngùi. Tôi nói với tôi : "Thơ Vũ Hữu Định không thường đâu, tôi ạ!" Mong rằng những tập thơ của anh còn được chị Vân, anh Tấn hoạc bằng hữu của anh cất giữ đầy đủ. Cũng mong rằng Trần Từ Duy hoặc một Trần Từ Duy khác sẽ xuất bản được cho anh thêm vài tập nữa.
Đynh Trầm Ca