
1.
mưa ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.
mưa hỏi tôi: - liệu có nhớ ai không?
tôi vội đáp: - nhớ tháng, ngày quê, cũ.
khi mẹ tôi góa bụa sớm vô cùng!
2.
nắng ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.
nắng hỏi tôi liệu có nhớ ra ai?
tôi hỏi lá. lá cười tôi ngu, ngốc!
cuộc tình nào không khứng, nhận chia phôi?
3.
đêm ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.
đêm hỏi tôi: trăng sáng ở trong lòng?
tôi im lặng nghe nỗi buồn vô hạn!
giữa hư không: huyền thoại đã chôn xong.
4.
biển ngồi dậy. vươn vai và bước tới.
biển hỏi tôi: - nước rút tự bao giờ?
tôi sửa giọng, bảo thủy thần đã đến.
những đường cong viền lửa nấu, nung thơ.
5.
núi nghiêm mặt. vươn vai và, bước tới.
núi hỏi tôi: - hồn, vía ở nơi nào?
tôi những muốn hỏi người đi suốt kiếp?
nhưng, con đường lại chỉ những vì sao!
6.
đời ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.
đời hỏi tôi được bao phút an, vui?
tôi ngoảnh lại. thấy người còn đứng đó!
ngọn nến / tôi / cháy hết vẫn ngậm ngùi.
7.
đất ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.
đất hỏi tôi: - nguồn gốc những ân tình?
tôi hỏi mắt. mắt nhìn tay bươi cỏ,
tìm chỗ nằm chung một cõi: tôi / em.
Du Tử Lê
(Calf. Nov. 2012.)
Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Khoa Nguyễn - Tiếng Hát: Tịnh Hiếu
Chỉ khi đọc lời bàn của vị độc gỉa tên Mai Lien (tiếc là bằng tiếng Anh nên tôi chưa hiểu rõ hoàn toàn lắm). Vì vậy, tôi mới tò mò mở xem bản nhạc phổ như thế nào. Vài lần chỉ nhắm mắt nghe phần nhạc, vài lần vừa nhìn vào bài thơ vừa nghe nét nhạc, tôi thấy các chữ trong bài thơ cứ tuần tự được xướng theo thật tự nhiên không có vẻ gì là gượng ép. Tôi có cảm giác là bình thường như mình, hay một vị nào khác có muốn phổ thì cũng sẽ chỉ như vậy thôi?
Tôi đặc biệt thích hai nhạc sỹ Đăng Khánh và Trần Duy Đức:
Nhạc sỹ Đăng Khánh thì tôi phải mượn những lời bình đã đọc được trên các trang mạng như: Nét nhạc trong các ca khúc của ông đều thật đẹp, óng mượt, chải chuốt, lịch lãm, sang cả, còn phần hòa âm thì thật lộng lẫy, huy hoàng, tráng lệ, cung đình. Vì vậy, tôi không lạ khi thấy các chương trình “Tình ca muôn thuở” của ông đều được chuẩn bị cẩn thận, quy mô, tầm vóc, có trách nhiệm, với sự tham gia cũng như sự hiện diện của nhiều vị khách nước ngoài.
Công chúng biết tên tuổi của nhạc sỹ Trần Duy Đức qua bài “Rộn ràng một nỗi đau” thơ của Ngô Tịnh Yên. Tôi thì thích tất cả các bài do ông phổ nhạc từ thơ của Du Tử Lê, nhưng đặc biệt là ca khúc “Dòng suối trăm năm”.
-Giai điệu thật thiết tha, thấm đẫm hồn dân tộc, nó thuộc loại triết nhạc nên chứa đựng những cung quãng thật thâm trầm, u uẩn, chuyển tải được ý nghĩa thật sâu thẳm của bài thơ.
Còn tên tuổi của người phổ bài thơ, và người hát bài ” Ngọn nến/tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi!” hoàn toàn xa lạ với mọi người, tôi chắc tuổi chưa quá 40?
-Nhưng bước đầu mà bài nhạc phổ, nghe đã thuận tai và rất Việt Nam như vậy thì thật đáng khuyến khích. Các em đã đi đúng hướng rồi đấy.
Nét nhạc của các em tuy đơn giản nhưng lại rất gần với dòng nhạc của nhạc sỹ Trần Duy Đức. Tôi chỉ có lời khuyên là, các em hãy tìm đọc và nghe đi nghe lại các ca khúc của ông, cũng như của các nhạc sỹ bậc cha chú khác như Phan Huỳnh Điểu,Trần Kiết Tường, Phan Nhân …để trau dồi, học hỏi, hầu nâng cao thêm kỹ năng viết hơn thôi.
Chúc các em mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn. (KT/giáo viên nhạc)
( Nhờ bạn trẻ nào khá Anh Văn dịch dùm ra tiếng Việt lời bình của vị độc gỉa tên Mai Lien cho những người lớn tuổi như tụi tôi hiểu với được hôn?).
Thành thật cảm ơn.
to the silky voice who sings like crying beautifully in the whole song along with
every gentle stoke of the melody on the ivory board like poking/highlighing on
the enduring pains of the poem.
Well done !!!