Thanh Tịnh sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911, tại làng Dương Nỗ, ngoại ô Huế.
Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán đến năm 11 tuổi, theo học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học Đông Ba và trung học, trường Pellerin Huế.
Ông đỗ bằng Thành Chung, năm 1933, đi làm ở các sở tư rồi sau đó theo nghề giáo. Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa...Sáng tác đầu tay của ông là truyện "Cha làm trâu, con làm ngựa" đăng trên Thần kinh tạp chí (1934).
Năm 1936, Thanh Tịnh cho xuất bản tập thơ Hận chiến trường.
Năm 1941, ông và hai bài thơ của ông ("Mòn mỏi" và "Tơ trời với tơ lòng") được Hoài Thanh- Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (1942).
Thơ Thanh Tịnh mang phong cách lãng mạn đậm nét. Trong những bài tiêu biểu như “Tơ trời với tơ lòng”, “Vì đàn câm tiếng”, “Muôn bến”, “Rồi một hôm”...đều mượt mà, tinh tế, hàm súc nhưng hơi buồn và in rõ dấu ấn bâng khuâng, thơ mộng của truyền thống văn hóa, tinh thần xứ Huế.
(Nguồn Wikipedia)
Mòn Mỏi
- Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.
- Xa nhìn trong cõi trời mây
Chị ơi, em thấy một cây liễu buồn.
- Bên rừng em hãy lặng nhìn theo
Có phải chăng em ngựa xuống đèo ?
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi
Trên mình ngựa hí, lạc vang reo.
- Bên rừng ngọn gíó rung cây
Chị ơi, con nhạn lạc bầy kêu sương.
- Tên chị ai gieo giữa gió chiều
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu
Trên giòng sông lặng em nhìn thử
Có phải chăng người của chị yêu ?
- Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan
Chị ơi, con sáo gọi ngàn bên sông
Ôi kìa bên cõi trời Đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa.
- Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in
Nhẹ nhàng em sẻ buông rèm xuống
Chị sợ bên sông bóng ngựa chìm.
- Ngựa hồng đã đến bên hiên
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên .... vắng người.
Thanh Tịnh