Thành công rất sớm trong lãnh vực giảng dạy ở bậc đại học, Tiến sĩ Trần Văn Thành (bút hiệu Trần Thu Miên) cũng rất sớm trở thành giáo sư thực thụ.
Với tư cách giáo sư thực thụ, họ Trần hiện giảng dạy Phân Khoa Nhân Xã Vụ Học (Graduate School of Social Work) của đại học Công Giáo - - Dòng Tên ở Boston, Massachusetts.
Ông cũng được hàng ngũ giáo sư đại học Hoa Kỳ đánh giá cao, với những bài viết về lãnh vực chuyên môn của mình, đăng tải nơi những tạp chí chuyên ngành.
Theo một giáo sư hiện giảng dạy đại học UCLA và CSU Fullerton, miền nam California thì, để một bài nghiên cứu hay tham luận được chọn đăng trong các tạp chí chuyên môn là điều rất khó. Vì tác giả phải đương đầu với rất nhiều học giả khác. Đồng thời bài viết phải lọt qua nhiều vòng lượng giá của các Editors phụ trách các tạp chí ấy.
Tuy nhiên, những thành tựu vừa kể, vẫn không đủ sức đem Trần Thu Miên ra khỏi ngôi đền văn chương Việt. Cánh cửa văn học nghệ thuật kia, đã mở ra rất sớm cho họ Trần, ngay từ khi ông còn là học sinh. Đấy cũng là thuở ông được học nhạc lý căn bản với các tu sĩ khổ tu Châu Sơn.
Khi được hỏi về sự gắn bó kể như một đời với văn-học Việt, một cách khiêm tốn, họ Trần cho biết, ông sáng tác thơ, văn và viết ca khúc để:
“Được sống trong cõi riêng, rất riêng của mình từ thuở sinh viên. Viết ca khúc rồi hát cho bạn bè và chính mình…”
Dù ông nhấn mạnh tới tính cách riêng tư trong những sáng tác của mình, nhưng qua hai ca khúc tiêu biểu là “Tình ca cho cô sinh viên,” họ Trần sáng tác cho sinh viên Việt Nam tại University of Texas at Arlington cuối thập niên (19)70 và, “Nước mắt tha hương,” (*) viết năm 2012 để tâm sự với Uyên Sa, người bạn đời từ hơn 20 năm qua của ông - - Thì, người nghe vẫn thấy được một mẫu số chung cho mọi sáng tác của Trần Thu Miên. Đó là tình yêu quê hương, đất nước và, nỗi đau đáu khôn khuây của ông về một Việt Nam bên kia biển. Đó là những nốt nhạc, những ca từ chao chát nắng, mưa, đi ra một trái tim Việt Nam, trầm thống.
Nghe phần ca từ của ca khúc “Tình ca cho cô sinh viên” người nghe không khỏi thấm thía với những câu như:
“Em đi qua đây, vạt nắng sân trường / rơi trên hai vai mềm suối tóc bay / em đi qua đây như làn nắng mới / sưởi ấm sân trường tha hương / Em mang trong tim dòng máu da vàng / quê hương xa xôi, đời chia nhánh sông / đôi khi em mơ về đời dĩ vãng / rưng rưng trên mi lệ sầu rơi nhanh…”
Hoặc:
“Ta thấy trong mắt em / bóng dòng sông quê nhà / và trong giọng nói em / còn chút tình ca dao ngọt ngào // Em biết không có khi / nắng chiều rơi ven đồi / chợt nghe lòng xót xa / nỗi nhớ nhà / trong ta còn đầy // Ta đã khóc / ướt cơn mưa đầu đời tha hương / những cơn mưa phùn bay cuối đường / và quê hương chỉ còn trong trí nhớ…” (Trích “Nước mắt tha hương”).
Viết về Trần Thu Miên, với tôi, không bởi vì họ Trần là một trí thức thành công ở nhiều giảng đường đại học xứ người mà, vì trong ông (qua thơ, văn), vẫn thủy chung một tình yêu con người, tình yêu đất nước. Dù cho chúng có là những nốt nhạc, những ca từ chao chát nắng, mưa, đi ra một trái tim Việt Nam, trầm thống.
Du Tử Lê
(Calif. Dec. 09-2012).
(*) Bạn đọc, thân hữu có thể nghe được hai ca khúc này qua hai đường links sau đây: http://www.youtube.com/watch?v=x3VGqJFCOhw (và) http://www.youtube.com/watch?v=XSwffdBwyoA&feature=relmfu