Thừa hưởng huyết thống văn chương tài hoa của thân phụ, nhà văn Thạch Lam/Nguyễn Tường Lân, theo tôi nếu Nguyễn Tường Giang không viết văn, không làm thơ, mới là điều đáng ngạc nhiên. Và, đáng tiếc!
Bước vào thế giới thơ, văn từ những năm còn là sinh viên Đại Học Y Khoa Saigon đầu thập niên (19)60, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tường Giang từng cộng tác với các nhóm văn hóa như Thái Độ, Đất Nước. Ông cũng là một trong những thành viên chủ trương tạp chí Văn Chương, thành lập nhà xuất bản Thạch Ngữ. Ở hải ngoại, Nguyễn Tường Giang đi tiếp con đường chữ, nghĩa thừa hưởng từ thân phụ, qua những sáng tác đăng tải trên các tạp chí như Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21... Nhưng, mãi tới hôm nay, họ Nguyễn mới cho ấn hành tuyển tập thơ, văn đầu tiên “Khói Hồ Bay” ở quê người.
Với gần 400 trang sách khổ lớn, mẫu bìa trang nhã tới mức khiến người đọc bỗng cảm thấy muốn nâng niu, phải gượng nhẹ. Tựa nếu không, hương khói văn chương họ Nguyễn, có thể bất bình mà, bay mất!
Trong lời tựa, trước khi mở vào tác phẩm, nhà văn Phạm Phú Minh ghi nhận một giai đoạn thơ của Nguyễn Tường Giang như sau:
“Nỗi buồn (trong thơ Nguyễn Tường Giang) tồn tại như một phẩm hạnh của tâm hồn nhà thơ, nó xác nhận một cái gì bất biến nơi ông, trước những biến đổi cực kỳ lớn cho đời ông cũng như cho đất nước Việt Nam. Dù phải hoàn toàn làm lại cuộc đời nơi xứ lạ, phong tục tập quán và văn hóa cuộc sống chung quanh đều thay đổi, nhưng trong thâm tâm ông đã kết tinh một viên ngọc của yêu thương lẫn đau thương, một loại trái tim Trương Chi không bao giờ tan biến. Đó là chỗ đáng yêu và đáng phục nhất của của tâm hồn Nguyễn Tường Giang, nằm ẩn một cách sâu xa và kín đáo trong tâm sự thi ca của ông...”
Cũng vậy, trước khi bước vào phần văn xuôi Nguyễn Tường Giang, nhà văn Nguyễn Tường Thiết viết về người em có chung một huyết thống với mình như sau:
“Khi chú Sáu của tôi (nhà văn Thạch Lam) qua đời năm 1942, tuổi của Giang lúc ấy vỏn vẹn ba ngày. Khi bác Tam (Nhất Linh) của Giang mất năm 1963, tuổi tôi hai mươi ba.
“Với Giang, Thạch Lam là cái bóng trong tâm tưởng. Với tôi, Nhất Linh là cái hình trong hồi ức.
“Giang mở đầu một bài hồi ký về cha mình bằng một cái chết:
“‘Chết là giải thoát một đời. Chết là đầu bên kia của sợi dây ngày tháng. Một sớm kia, một tối nào. Tôi hay anh, cũng thế. Bên kia cái chết là nội cỏ ngàn cây hoa mộng hay bên kia cái chết là thảng thốt khổ đau. Tôi đã nhìn thấy nhiều cái chết, nhiều khuôn mặt chết. Quá nhiều. Nhưng không bao giờ, mãi mãi, tôi có thể hình dung được một cái chết, một khuôn mặt chết thân yêu nhất và buồn bã nhất của đời tôi. Cái chết của cha tôi, Thạch Lam.’” (Khói Hồ Bay - Thạch Lam, cha tôi trong trí tưởng).
Cách gì, nhìn từ góc độ nào thì, với tôi, cõi-giới văn chương của họ Nguyễn, vẫn tựa như kẻ ngậm ngùi tự lật những viên gạch một nền nhà xưa cũ, để tìm kiếm kho tàng quá khứ! Với hy vọng dò thấy mạch nguồn dĩ vãng. Một dĩ vãng đau đáu những mơ hồ của tâm cảnh nghiệt ngã hay, bản-án-không-văn-bản. Liên quan tới cái chết của người cha mà, ông gọi là “bản án sát nhân trong tâm hồn”:
“Sự ra đời của tôi, một đứa con trai, là tai họa cho ông. Một người đoán tử vi nào đó, năm 1942, khi mẹ tôi đang mang thai, đã nói nếu sinh con trai người cha sẽ chết. Khi mẹ tôi đi sinh, cha tôi đang đau nặng.Ông đau bệnh gì: bệnh lao vì làm việc và suy nghĩ nhiều. Ý chí muốn dứt bỏ cái thú phù dung, hay tại số. Tôi không thể định rõ được. Lúc người nhà về báo với ông đứa trẻ mới sinh ra là con trai, ông không nói gì, lặng lẽ coi tiếp tờ báo đang xem dở. Ba ngày sau, ngày 27 tháng 6, 1942, Thạch Lam mất. Sinh ra đời, buồn thay, nhiều khi đã mang bản án sát nhân trong tâm hồn.” (“Khói Hồ Bay,” trang 298)
Đó là một trong rất nhiều đoản văn như những chiếc máy khoan đất đá, có khả năng dò tìm đáy tầng dĩ vãng. Nói cách khác, tôi nghĩ, họ Nguyễn đã tìm được kho-tàng-nguồn-cội, khi ông cắt ruột, xẻ gan lật những viên gạch nền nhà quá khứ của tâm cảnh ông.
Những tìm và thấy của Nguyễn Tường Giang (qua văn chương,) với tôi là những mạch ngầm định mệnh một đời người. Chúng ở đó. Vĩnh viễn. Chúng không hề là những sợi khói, để hy vọng tan biến, một ngày nào. Nỗi buồn như những thương tích thân tâm của họ Nguyễn cũng chấp chới ở nhiều độ sâu khác nhau. Mỗi độ sâu trong tâm cảnh đào xới, họ Nguyễn lại tìm và thấy những trầm tích khác nhau.
Bắt gặp kia, khi là trầm tích của nỗi buồn thiếu mẹ:
“Mẹ hiền giờ đã khuất
ngàn dậm thân lưu đầy
nhớ nhà đôi dòng lệ
biết nói cùng ai đây?” (1)
Lúc khác, lại là trầm tích của tình bằng hữu - Một thứ tình cảm trải dài lênh đênh, cùng khắp, không chỉ trong văn xuôi mà, còn nồng nàn trong thơ cũ cũng như mới của ông nữa:
“Lâu ngày không gặp bạn
được tin bạn đi rồi
hàng phong như lửa đỏ
sáng rực một góc trời
“Tần ngần về đường cũ
nhặt một lá phong rơi
hàng phong thiếu một lá
cũng buồn như ta thôi.” (2)
Nhưng, nếu những trang thơ của Nguyễn Tường Giang là những cật vấn trực tiếp với cuộc đời, nhân thế thì, những trang văn của họ Nguyễn lại là những nhát cuốc đào sâu, xới tơi cả một quá khứ lao lung, phủ kín ngậm ngùi. Tôi gọi đó là loại quá khứ bập bềnh những oan khiên. Trập trùng những mất mát. Nhức nhối những chia tan.
Chúng ta đọc thơ Nguyễn Tường Giang để về gần với những câu hỏi căn bản như con người từ đâu đến? Sống để làm gì? Chết sẽ đi về đâu? Trong khi văn xuôi của Nguyễn Tường Giang lại cho ta về gần (rất gần) kỷ niệm. Kỷ niệm riêng mà chung! Vì chúng là những nấm mộ. Những nấm mộ không chỉ trong ký ức. Trong hồi tưởng. Mà, những nấm mộ, hiểu theo một nghĩa nào, cũng chính là nơi chúng ta sẽ tìm về, nằm lại. Vĩnh viễn. Như một lần chúng ta tình cờ bị/được định mệnh dắt tay bước qua ngưỡng cửa đời sống, để có mặt trong cuộc đời này. Dù chỉ khoảnh khắc.
Nhưng, khoảnh khắc một đời người, theo tôi, không hề là vạch phấn giới hạn sức sống của văn chương Nguyễn Tường Giang. Tôi nghĩ, nhiều phần, ngược lại.
Tôi tin, văn chương họ Nguyễn sẽ vượt khỏi vạch vấn khoảnh khắc. Bởi tự thân, nó vốn có cho riêng nó một định mệnh.
Định mệnh của những trầm tích khác.
Du Tử Lê
(Calif. 9 tháng 12, 2012)
-------------------
Chú thích:
(1): Sđd. Trang 57.
(2): Sđd. Trang 56.