cảm ơn em yêu dấu!
những ngày sống bên nhau.
em dịu hiền con suối,
theo tôi vào đời sau,
đêm nao rừng tóc, thơ,
bảo dưỡng tôi thuở đó.
cảm ơn em yêu dấu!
những ngày sống bên nhau,
em, vui phần khánh kiệt.
những mùa mưa xanh xao,
ta không một mái nhà,
vòng tay em vẫn, biếc.
cảm ơn em yêu dấu!
những ngày sống bên nhau,
em, từ tâm. tội nghiệp!
biển. gập ghềnh. vực sâu.
hải đăng. người chói lọi,
soi tìm tôi mỗi khuya.
(môi mím chặt buồn. đau.
miệng vẫn cười. thao thiết!)
hôm nay tôi thả tôi
chìm. sâu. trong mắt ấy.
hôm nay tôi bảo tôi
cách gì rồi cũng hết!
hãy cảm ơn cuộc đời:
- em và tôi, đã một.
yêu dấu, ngay phút này,
tôi ngỏ lời ơn em
trước khi thành quá muộn!
Du Tử Lê
(Calif. Jan. 1st - 2013.)
*Trước Khi Thành Quá Muộn - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Tịnh Hiếu
Lúc này, nhóm chúng tôi đã vào thăm trang nhà thường xuyên hơn, do đa số các đề mục mà trong đó các bài viết, thơ, văn… đều có các tranh vẽ, hình ảnh, âm nhạc minh họa một cách sinh động khiến cho việc Đọc, Nghe, Nhìn bớt đi sự nhàm chán hơn.
1.
Bài nhạc phổ “Trước Khi Thành Quá Muộn” có cấu trúc (AA’-B-AA’-Coda)
Sau điệp khúc (B), đoạn (A) kế tiếp thay vì phải đặt lời mới, các em đã chọn lặp lại lời đoạn (A) của phần đầu cho an toàn.
Các em cẩn thận như vậy là tốt, hơn nữa việc mô phỏng hay khắc họa lại là điều rất cần thiết cho bên nhạc.
(Nhưng giả sử đặt lời mới mà hay thì cũng chưa chắc đã đúng với ý tác gỉa, còn vụng về thì lại làm hỏng cả bài thơ, và càng lộ ra mặt yếu kém về chữ nghĩa của mình nữa.)
Tuy chữ “cám” không sâu đậm bằng chữ “cảm” nhưng nó giúp làm nhẹ bớt đi những nốt khởi đầu của mỗi đoạn nhạc (vì trong bài thơ cũng đã chứa khá nhiều các chữ có dấu Hỏi và Ngã cần phải luyến láy) nên có thể tạm chấp nhận được.
(A) cám ơn em yêu dấu những ngày sống bên nhau em dịu hiền con suối theo tôi vào đời sau đêm nao rừng tóc thơ bảo dưỡng tôi thuở đó
(A’) cám ơn em yêu dấu những ngày sống bên nhau em vui phần khánh kiệt những mùa mưa xanh xao ta không một mái nhà vẫn biếc vòng tay em
(B) cám ơn em yêu dấu những ngày sống bên nhau em từ tâm tội nghiệp biển gập ghềnh vực sâu hải đăng người chói lọi soi tìm tôi mỗi khuya
(A) cám ơn em yêu dấu những ngày sống bên nhau em dịu hiền con suối theo tôi vào đời sau đêm nao rừng tóc thơ bảo dưỡng tôi thuở đó (lặp lại)
(A’) cám ơn em yêu dấu những ngày sống bên nhau hôm nay tôi bảo tôi cách gì rồi cũng hết hãy cảm ơn cuộc đời em và tôi đã một
(Coda) yêu dấu ngay phút này tôi ngỏ lời ơn em trước khi thành quá muộn.
2.
Viết tới đây chúng tôi lại đang nghĩ tới bài thơ “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” của thi sĩ DuTử Lê, do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc.
Có lẽ do muốn giữ nguyên vẹn bài thơ nên nghe nói nhạc sĩ PĐC đã phải vật vã cả nửa năm để hoàn thành nó, và đây cũng là một trong số những trường hợp hiếm hoi mà ông đã không dùng đến “dao kéo” nhiều.
Trong chương trình ra mắt CD Serenade của ca sĩ Lê Hồng Quang, gồm những ca khúc của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như Bach, Schubert, Schumann, Chopin…Tuyệt phẩm “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” được anh sắp xếp trang trọng nhất ở thời khắc bịn rịn chia tay, như thầm nhắc nhở là chúng ta vẫn còn đang lưu lạc ở đất khách quê người.
Sáu bảy năm trước, giọng của ca sĩ Lê Hồng Quang tuy chưa vang khoẻ nhưng người ta lại dễ nhận ra âm sắc rất riêng của anh. Còn bây giờ giọng hát đã đủ nội lực, kỹ thuật, kinh nghiệm đã gìa dặn hơn nhiều, nhưng nếu chỉ nghe mà không nhìn thì ta đã khó nhận ra được đó là chất giọng riêng của LHQ.
3.
Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn còn được nhiều ca sĩ khác trình bày như Lệ Thu, Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Vũ Khanh, Trần Thái Hòa...Cá nhân chúng tôi lại thích nghe Quỳnh Giao nhất, giọng của cô trong bài này nghe có vẻ hắt hiu, xa vắng, hoài niệm…
Một chi tiết rất nhỏ trong tuyệt phẩm “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” mà khi có dịp, nhóm chúng tôi vẫn còn hay nhắc tới là:
đêm về theo vết xe, lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên, vàng
………………………………………………………..
Chữ ‘theo” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương đổi lại chữ “trên” cũng ở vần bằng .
Có thể nhạc sĩ PĐC đã có trao đổi với nhà thơ Du Tử Lê về sự thay đổi kể trên mà chúng tôi chưa được biết?
Nhưng nếu được phép chọn thì chúng tôi vẫn thích giữ nguyên chữ “theo” hơn, vì nghĩ rằng chữ “theo” nó có sự chuyển động nhiều hơn là chữ “trên”. (Đằng Phi)