Em Và, Mẹ Và, Tôi Là Một Nhé

06 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 5550)
Em Và, Mẹ Và, Tôi Là Một Nhé


Khi tấm màn dầy được xô, vét về một phía, bầu trời ngầu đục, là là ngang ngọn cây lá bạc. Gió nghìn tay, táy máy, lật qua, lật lại những phiến lá tròn, nhác trông như những chiếc quạt giấy (hay những cánh bướm) xanh, nõn. Mưa nẩy mình trên mái bằng ngổn ngang gỗ / sắt vụn / ống khói / thùng máy lạnh; và, những mái nhà thấp hơn, nhấp nhô, đằng xa. Gió dành những bàn tay dư thừa, búng hàng loạt bụi mưa vào cửa sổ, tựa móng vuốt dịu dàng của bầy mèo hoang, cào miết khung kính. Lần đầu, tôi nhận ra căn phòng như chiếc hộp lớn treo lơ lửng giữa không trung. Từ chỗ nằm, tôi có thể nhìn thấy một phần thành phố, rỉ, cũ.

emvame-content

(*Tranh: "Em Và, Mẹ Và, Tôi Là, Một Nhé". Colection của Đặng Sĩ Phương)

Gió toa rập mưa, tọng ngược tiếng ồn ào thường trực, vào cuống họng quán, xá. Những thanh âm bị chẹn lại, kêu bục bục như tiếng kêu tắc nghẹn của người bị bóp cổ. Hơi mưa tựa mảnh bè thả tôi bềnh bềnh trong cảm giác nổi, trôi vô định. Tôi không thể, dù cố nhớ, xem chuyện gì đã xảy ra, trước đây. Mang thần trí một người hôn mê, bị gói trong chiếc võng vải, đong đưa giữa hai đầu cột hiện tại / quá khứ, tôi lay T.:

“Dậy. Dậy thôi. Voi. Mưa đó.”

T. bịn rịn giấc ngủ thiếp, ngắn xế trưa (hay nàng còn quyến luyến giấc mơ, ủ dấu dưới chăn mỏng) mà, chứng tích là những giọt lệ chưa khô, trên mặt da nhầu, nát hạnh phúc cùng tuyệt vọng.

T. dụi mặt, tóc nàng vào ngực tôi. Nàng nói gì đó. Thanh âm cũng bục bục, như bị chặn ngang, hoặc giữ lại trong cuống họng. Tôi nhoài người, lăn trên thân thể T. ấm, ấm, tìm gói thuốc lá trên chiếc night stand. Một mùi hương quen thuộc phả lên, dường như tự hai lồng ngực trần áp sát. Thực ra, (tôi nghĩ), mùi hương nồng tươm từ mỗi tấc thịt, da hai đứa. Từ những giọt mồ hôi / chân và đầu, những sợi tóc / tấm drap / sớ vải / đống quần áo dồn cục cuối giường.

Thực ra, (tôi nghĩ,) mùi hương nồng tươm từ những năm tháng mất nhau / đợi chờ / kiếm tìm / kỷ niệm. Phải rồi. Kỷ niệm có cho riêng nó, một mùi hương. Cũng như kỷ niệm, luôn có cho riêng nó, một nhan sắc.

Kỷ niệm, với T. những ngày mưa Phú Bài. Vỉ sắt phi trường nghìn mắt trũng sâu, buổi chiều, khi chiếc C.130, lái bởi Âu Râu, thả tôi xuống cửa trước, của giáp mặt Thần Kinh, lần thứ nhất. Mùi xe lam / mùi tóc thề / mùi áo trắng / mùi tay run / mùi hổ ngươi / mùi thư mới / mùi hoa khế / ... Kỷ niệm, với Huế, nơi tôi, trong mọi gặp gỡ, sau đó, bao giờ cũng là mùi chợ Mai / mùi khoai nướng / mùi bắp rang / mùi ngực thơm / mùi môi dấu / mùi ngõ sau / mùi sân trước / mùi hoa cau...

Kỷ niệm, phải rồi! Kỷ niệm có cho riêng nó, một mùi hương. Cũng như luôn có cho riêng nó, một nhan sắc.

Kỷ niệm, với T., bờ sông Hương. Đêm, dòng sông nến. Những ngọn lửa sáp bập bùng trong những đài sen, mùa xá tội. Những búp sen ngùi ngùi nến ngọn, thượng nguồn Hương Giang, mang mùi đêm tháng bảy, chảy xuôi về Thuận An, cửa biển. Kỷ niệm, với sông Hương, nơi tôi, là mùi tóc nghiêng / mùi vai sát / mùi liễu non / mùi khuynh diệp / mùi xiết ghì... không cần thệ lập thề nguyền, mà, mặc nhiên đã, trăm năm. Kỷ niệm, với tôi, như thế đó, không chỉ mùi hương, còn có dòng sông nến Tiếng sóng. Ngôi đền vô hình - - Chứng giám những thề bồi không tiếng nói.

Kỷ niệm, phải rồi! Kỷ niệm có cho riêng nó, một mùi hương. Cũng như luôn có riêng cho nó, một nhan sắc.

Kỷ niệm, với T., với V. Hoàng, với K. Tuấn, với J., Đà Nẵng, Kontum; ở tôi, là mùi nước mắt tức tưởi / mùi gió núi / mùi thông khô/ mùi bản thượng / mùi chia ly tưởng kề / mùi vĩnh biệt tưởng cận / mùi ngước lên / mùi cúi xuống lòng nhau / đời nhau, ngập dấu. Kỷ niệm, ở tôi, với T., là chiếc ghế bố trong ngôi nhà An Cựu - có T.T. Trình, nửa đêm, hé mắt. Có cánh cửa ăn thông hai phòng, trên cao, giữa trưa V. Hoàng lén nhìn. Có chiếc giường gỗ trong ngôi nhà trọ, ẩn sâu ngôi chợ Nhỏ, Pleiku. Có T. ké né nằm cùng Thanh, một giường khác. Tôi nghe được mùi hoa quỳ / mùi lũng thấp / mùi hàng dương / mùi hoa keo / mùi trằn trọc / mùi trở mình (không chỉ T., không chỉ tô; mà, cả Thanh nữa!)

Kỷ niệm. Phải rồi! Kỷ niệm có cho riêng nó, một mùi hương. Cũng như luôn có riêng cho nó, một nhan sắc.

Kỷ niệm, với T., ở tôi, là Sàigòn, tháng Tư. Mùi tóc khét / mùi mồ hôi / mùi bụi đỏ / mùi bát nháo / mùi thất lạc / mùi kinh hoàng / mùi tháo chạy / mùi bơ vơ / mùi thấy nhau, muốn khóc / mùi ôm nhau trong tay, ngỡ ngàng chẳng thật (?) Kỷ niệm, với T., ở tôi, là căn phòng có số, làm bộ lạnh lùng, nép bên, ra tuồng xa cách một hàng lang nhỏ, hẹp. Mùi ẩm thấp / mùi mốc meo của những tấm nệm lâu ngày không đổi / mùi rêu trắng những gờ tường âm u / mùi khát thèm / mùi chiếm đoạt / mùi nằn nì / mùi dỗ dành / mùi giận dữ / mùi sợ hãi / mùi phủ dụ / mùi thịt da chưa quen / mùi tay chân co quắp... mùi / mùi / mùi / mùi / mùi / ...

Kỷ niệm, thế đó, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, đã tự có cho nó, một dung nhan.

Kỷ niệm, như thế đó, mỗi nơi chốn, mỗi thời khắc, đã tự có cho nó, một mùi hương.

Bây giờ, tôi nằm đây. T. nằm đây. Như con ngài thập thò sau khi tự mở lấy cho mình, một cánh cửa, ở một chỗ nào đó, nơi chiếc kén. Con ngài còn bịn rịn, một mùi hương (?) con ngài còn quyến luyến, một hang, ổ (?)

Mưa, tiếp tục cào, gọi trên khung kính, bằng những móng vuốt êm ái của bầy mèo hoang, một cách gấp gáp. Gió, nghìn tay, táy máy (một cách sốt ruột, giận dữ) lật qua, lật lại những chiếc lá bạc / chiếc quạt giấy / những cánh bướm (xanh, nõn.) Tôi thở hơi thuốc đầu tiên lên mảng bè chòng chành, chiếc võng vải, đung đưa. Thần trí tôi, dịu lại. Giông bão bất ngờ, rút lui. Trả núi rừng lại cho những vách đá, những vực nghiêng, soi mình trong tấm gương suối, mạch, thần trí tôi phục hồi. Giông bão bất ngờ, im phắc. Trả sông, biển cho những vạt mây chải tóc, tự lưng chừng. Như con ngài vừa chui ra khỏi kén, T. rụt rè ngo ngoe, ủi ủi môi nàng, bò dần lên cổ, mặt tôi. Những ngón tay T., tựa ngón tay hài nhi mò tìm vú mẹ. Tôi không biết những ngón tay T. kiếm tìm điều gì (?) Tôi cũng không rõ, những ngón tay T. đã chạm, gặp được điều gì (?) Hay mùi hương nào đã thức dậy trong hồi ức T. ? Hay cánh cửa nào đã mở ra (trở lại?) trong thần trí mịt mùng hơi nước, của T. (?) Tôi chỉ biết, chỉ ý thức thật rõ: sự ngọ nguậy của T. và, những ngón tay, làm xao động bầu khí thơm tho (rất lạ) của căn phòng; cùng lúc thân thể tôi nóng rộp.

Thực ra (tôi nghĩ,) có lẽ phải nói, không biết sự hấp nóng râm ran của thân thể tôi, làm bầu khí thơm tho (rất lạ) của căn phòng, xao động; hay sự ngọ nguậy của T., làm xao xuyến mùi hương... Điều quan trọng, không phải là chất hay,vật xúc tác. Điều quan trọng là, mùi hương. Chỉ có sự hiện hữu của mùi hương, mới đáng kể. Và, mưa nữa, ở bên ngoài, mới đáng kể.

Thực ra (tôi nghĩ,) thật hồ đồ, bậy bạ vô cùng, nếu bảo đó là một mùi hương thuần kiết, duy nhất. Tôi vẫn nghĩ, chẳng có một mùi hương nào, được gọi là mùi hương thuần khiết cả. Tôi nhớ, đêm hè, ngồi với T. và, Ánh, hiên trước, ngôi nhà của Đẻ, ở chợ Mai. Buồng hoa cau trên cao, bé xíu, chi chít những hạt cúc trắng đính trên tấm áo em bé, tỏa hương bát ngát, không gian. Nhưng cùng lúc, những bông hoa chanh, bưởi, khế, ngâu, xác pháo, cúc, mai tứ mùa, đinh hương..., dưới thấp cũng tiết lậu vào không khí, vị, mùi riêng của chúng. Chẳng qua, ta bị khứu giác phỉnh lừa mà, không biết đấy thôi.

Thực ra (tôi nghĩ,) mình thật không phải, thật bạc bẽo, nếu gạt bỏ khỏi mùi hương, đang thở no nê, một ngực lúc này; mùi tóc T. / mùi T. / mùi những ngón tay tôi (cuồng điên) trên thân thể T. (và ngược lại), một tiếng trước.

Thực ra (tôi nghĩ,) mình thật không phải, thật đáng bị nguyền rủa, nếu gạt bỏ khỏi mùi hương, đang thở no nê, một ngực, lúc này; mùi T. và, môi tôi / mùi da / mùi thịt / mùi hơi thở gấp / mùi nín nhịn tiếng kêu..., mỗi lúc tôi cúi xuống, tham lam, cùng khắp thân thể T. một tiếng trước.

Thực ra (tôi nghĩ,) mình thật không phải, thật vô loại, thật cầm thú, nếu gạt bỏ khỏi mùi hương, đang no nê, một ngực, lúc này, mùi hai mươi mốt năm cũ / mùi chợ Mai / mùi sông Hương / mùi Huế-Đà Nẵng / mùi Pleiku-Kontum / mùi Sàigòn-Hàng Xanh / mùi Thị Nghè-Bình Thạnh / mùi mồ hôi tươm ra trong mỗi lần dướn lên, nhận đón / mùi răng in / mùi nghẹn thở / mùi rên xiết / mùi nhập chung thành một / mùi căn phòng trôi đi / mùi quần áo đâu mất / mùi ái ân / mùi mơ ước, khát khao đứa con / mùi / mùi / mùi... một tiếng trước.

Bởi vì, kỷ niệm có riêng cho nó, một mùi hương. Cũng như có riêng cho nó, một nhan sắc. Bây giờ, tôi nằm đây. T. cũng nằm đây (như con sâu) ngọ nguậy trong chiếc kén dệt bằng những sợi tơ, kỷ niệm, bện bằng nước rãi, mùi hương.

Bây giờ, tất cả những thành tố làm nên mùi hương, gồm luôn quê nhà / mất dấu / chia lìa / dối gian / phản bội / hèn mạt / cao thượng / thú vật, thiên thần..., đang cùng mưa, nghìn tay, táy máy lật qua, lật lại, những chiếc lá bạc. Bây giờ, tất cả những thành tố làm nên mùi hương, gồm luôn nắng, gió / dòng sông nến / Phú Bài / vỉ sắt / hành lang / căn phòng đánh số / nơi chốn / năm tháng... và gió vung tay vãi những móng vuốt êm dịu của bầy mèo hoang, cào mãi khung kính... cùng thốc tháo đứng dậy, cuồng điên gõ cửa (mở lại,) trong tôi, mùi hương. Những ngón tay tôi, những ngón tay T., đứng lên, kêu đòi mở cửa / mở cửa / mở cửa cho mùi hương / mở cửa cho kỷ niệm. Từng tấc thịt da, từng mụn tế bào, đứng lên, kêu đòi mở cửa / mở cửa / mở cửa cho mùi hương / mở cửa cho kỷ niệm, phút sau / tương lai sẽ tới. Mở cửa cho hiện tại (?) (Làm gì có hiện tại!) Hiện tại là quá khứ đang qua, kỷ niệm mầm, nhú. Mở cửa / mở cửa / mở cửa... dù chúng tôi cùng biết, ngày mai, là chia lìa. Chuyến bay đang đợi. Tấm thẻ lên tàu, đã sẵn, trong tay. Mở cửa / mở cửa / mở cửa cho mùi hương / cho lá bạc, còn lấp lánh, như những miếng kim loại, óng ánh chao, liếc giữa không gian.

Mở cửa. Tôi dập tắt mồi thuốc. Con sâu phá bỏ chiếc kén cũ, để tự nguyện chui vào kén mới. Chiếc kén làm thành bởi những sợi tơ mùi hương; đan bện bởi những ngọn triều cảm giác.

Mở cửa. Mùi hương thức dậy trên môi tôi. Mở cửa. Mùi hương dính bệt trên những ngón tay T., khát, khát.

Mở cửa. Mùi hương tươm từ chăn gối / từ vách tường / từ Huế-Sàigòn / từ Kontum-Đà Nẵng / từ Pleiku-Hàng Xanh / từ phần thân thể, để dành / từ góc trái, ngực khuya, vẫn thức.

Mở cửa. Mở cửa. Mở cửa. Mưa từ nàng, mưa xuống. Mưa từ tôi, mưa đi. Mở cửa. Mở cửa. Mở cửa. Thôi mẹ! Thôi cha! Mở cửa. Mở cửa. Thôi đời! Thôi kiếp. Chúng tôi là một. Ô không. Ngay một, cũng không.

Chiếc kén lồng trong chiếc kén. Mùi hương chồng lên mùi hương. Chúng ta là. Là. Là. Là, là. Số không bất tận. 

Tôi tỉnh dậy giữa bầu sữa bóng tối sệt đặc. T. nghiêng mặt, vào trong, mỉm cười. Nụ cười nàng bị khung kính cách ngăn với mưa đêm và, tiếng gió. Mùi thức ăn / mùi đói khát / mùi cồn cào / mùi ân ái / mùi chồng vợ / gối chăn... lẩn quất đâu đó. Đâu đó, bàn tay tô. Đâu đó, ngón chân tôi. Đâu đó, thân thể tôi. Đâu đó mùi hương cùng nhan sắc mang tên kỷ niệm. Mang tên dòng sông. Mang tên ly biệt.

T. nói:

“Chúng ta chỉ còn vài tiếng.”

Tôi lập lại, như một máy thâu trung thực:

“Chỉ còn vài tiếng.”

“Giờ này, ngày mai, anh đã ở một nơi nào khác. Một nơi chốn, em không thể hình dung.”

Tôi bảo, T. nói đúng. Đúng vậy. Thảm kịch của chia lìa, không ở nơi ta, khó hình dung nơi chốn. Ngay đứa này, đã khó, hình dung đứa kia.

“Và ta cứ sống?”

T. nói, trầm hẳn. Tôi không muốn nhớ đã nghe nhiều lần, điệp khúc này. Tiếng thở ta này. Gặp gỡ nào của chúng tôi, cũng kết thúc bằng câu nói đại ý, như vậy. Hai mươi mốt năm, cho một cuộc tình - thời gian dài hơn một phần ba kiếp người, vẫn chưa cho phép chúng tôi, được nói với nhau, trước chia tay, một lời nói khác. Tôi hiểu nỗi buồn rầu, sự bất lực của mỗi đứa. Tôi hiểu mùi hương của kỷ niệm, những chiếc kén bọc lấy những chiếc kén, có ngày, sẽ chỉ còn là những lớp tơ, rất dầy, rất dai, nhưng khi ai đó, mở ra, thì con sâu đã chết. Chưa bao giờ, chiếc kén là con ngài. Nên, càng không bao giờ, bướm kia, lại là hóa thân của một con ngài, chết đi, từ giữa kén.

Tôi nói yếu ớt (bởi chính tôi cũng chẳng tin tưởng gì lắm, nơi lời nói của mình):

“Nếu lòng ta thành, tâm ta thực, anh tin, có ngày, tình ta lay động trước trời đất. Hãy tin thượng đế cũng có một trái tim như ta.”

T. thở dài, lắc đầu:

“Em cũng muốn tin như vậy. Chỉ sợ...”

“...?”

“Tim em, do máu thịt làm nên, kỷ niệm nuôi lớn. Trong khi tim thượng đế, là một hư vô!”

Ta không thể thuyết phục được ai, một khi chính mình cũng đang tuyệt vọng.

“Thế còn... mùi hương?”

Tôi hiểu, khi T. buồn bã, chính là lúc nàng sáng suốt hơn bao giờ. (Như con thú na vết thương về hang, động, T. có thói quen nghiền ngẫm nỗi bất hạnh của nàng).

Tôi hiểu, không phải lúc mang những suy nghĩ mơ hồ, những lý luận viễn vông trấn an T. lúc này, bằng vào thực tế, bằng vào tình nghĩa, họa may mới có thể vực T. được.

“Em hiểu, mùi hương. Em hiểu anh nói gì,” T. đáp.

“Chính em cũng muốn nói với anh về hương thơm của kỷ niệm. Một lạ lẫm, mới mẻ vô cùng, với em. Nhưng, anh, có bao giờ anh nghĩ, chính mùi hương, chính kỷ niệm là sợi dây thòng lọng xiết cổ em. Giết em nhậm lẹ hơn không?”

T. trở mình. Nàng nằm thẳng, nhìn lên trần nhà. (Tôi không nghĩ T. không muốn theo dõi phản ứng qua những biến chuyển trên mặt tôi.) Tôi nghĩ, T. muốn giữ cho bình lệ của nàng thôi nghiêng, khó chảy.

T., tiếp, giọng xa vắng, tựa tiếng nói ai. Một kẻ nào trong nàng, cất lên:

“Anh đâu biết bao lần mùi hương, giữa kỷ niệm, em chỉ muốn được chết ngay. Chết giữa mùi hương. Chết giữa khi kỷ niệm chưa kịp ra ràng. Kỷ niệm mới chỉ là mầm, nhú.”

Tôi quơ tay vỗ vỗ lên tóc T. (như dỗ dành đứa con gái nhỏ).

“Đừng hư chứ. Voi! Ta không chỉ có trách nhiệm với đời mình. Ta còn phải trách nhiệm với kỷ niệm, với điều ta nhận được từ đời sống. Chẳng con đường nào cụt. Chẳng ngõ nào không thông, vấn đề là chính ta. Chính ta bít đường. Chính ta ngăn ngõ. Vấn đề là...”

Càng nói, tuồng tôi càng thêm tin tưởng nơi giọng nói của mình.) - “là... ta đã dọn mình đủ chưa, để đón chờ ngày vàng sẽ tới (?) vấn đề là, ta đã thực sự thấy chưa lòng ta... (?)

Càng nói, tôi càng thấy tôi xa dần ý hướng vực nâng T. dậy. Càng nói, tôi càng muốn nghe giọng tôi... Làm như, ở mặt bên kia giọng tôi, đang có một mùi hương nào khác, thức dậy. Tôi nói, nói, nói. Tới lúc trở mình, nghiêng qua T., tôi mới hay, dù đã nằm thật thẳng, những giọt lệ tủi hờn vẫn chảy, lăn khỏi đôi mắt nàng, kín, khép.

Sự khép kín của đôi mắt T., trong bóng tối nhợ nhợ, thấy như một đường thẳng xuyên suốt qua tôi / khung kính / đêm / mưa / những cành cây lá bạc.

Riêng những chiếc quạt giấy, hay, những cánh bướm lấp lánh, chao qua, chao lại, thì không cách gì thấy được.

9-94

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 7207)
Hôm nay, cách nửa vòng trái đất, dù không hứa với ai, nhưng tôi biết, tôi sẽ nhớ (mãi nhớ) một phần đời chúng tôi, đã tháp nơi cây xà cừ “trấn môn” ngôi nhà 39 Lý Quốc Sư.
19 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 4431)
Cùng với những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010,
22 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 8281)
Vấn đề là khi sống, chúng ta có dám tách khỏi nguồn, thoát khỏi dòng, chọn lấy cho mình, đường bay độc lập?
18 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 16768)
Nhưng điều gì đã xẩy ra giữa Nguyên Sa và Sáng Tạo, khiến nhà văn Mai Thảo không che dấu bùi ngùi trước sự kiện tác giả “Thơ Nguyên Sa” chấm dứt cộng tác với Sáng Tạo.
07 Tháng Mười Hai 202212:00 SA(Xem: 5964)
Khi tôi tỉnh dậy, nắng đã òa, vỡ. Tôi không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực cảm, đã lâu, dường rất lâu, tôi mới lại có một buổi sáng dậy muộn
07 Tháng Chín 20229:13 SA(Xem: 2361)
Hôm mới về đây, tôi thù ghét Túy vô cùng. Tôi nhớ mãi ánh mắt ra điều kẻ cả, đàn anh của hắn, nhất là giọng nói kênh kiệu.
20 Tháng Bảy 202212:00 SA(Xem: 5753)
Thưa chị Kim Huệ, chị hãy hãnh diện, có một người chồng, như Nguyễn Hữu Khang.
22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 7673)
Bạn tôi nói, bạn tôi muốn thay hai chữ “đời sau” bằng “làm thơ”. Bạn tôi giải thích với hai chữ này, bạn tôi tự nhủ, bạn tôi cũng đã vừa…“làm thơ” trong hoàn cảnh đang mê mê với công việc của mình!!!
22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 8113)
Pleiku, với tôi, chính là thành phố tự thân, có được cho riêng nó, cái nhan sắc đằm thắm. Kín đáo ấy. Mặc dù dư luận hay thành kiến, từng ghi nhận đó là nơi lưu đầy của những người kém may mắn.
05 Tháng Chín 20211:09 CH(Xem: 2570)
Một lần nữa, Chí Phèo, cho tôi được chúc: “Em đi bình an. May mắn”!!!
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17078)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12287)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19018)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9196)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8362)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1187)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22483)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14025)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19192)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7911)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8826)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8509)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11074)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30727)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20823)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25522)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22918)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21742)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19802)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18064)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19262)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16928)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16120)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24520)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31964)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34939)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,