Về phương diện văn chương, có người cho rằng Tuấn Huy / Nguyễn Năng Toàn là nhà văn viết dễ dàng…. Theo tôi, kết luận này không phải là câu trả lời thỏa đáng cho sự thành công của họ Nguyễn, căn cứ trên những tiểu thuyết ông đã cho xuất bản.
Đọc kỹ truyện của Tuấn Huy, người đọc sẽ nhận ra rằng, chẳng phải khi không mà những người trẻ miền Nam một thời, rất ưa thích truyện của ông.
Nhà văn Tuấn Huy (Hình Nguyễn Viết Đĩnh)
Nếu cần phải tìm cho ra một sự xuyên suốt những sáng tác của Tuấn Huy, hoặc chỉ danh ngọn hải đăng nào(?) soi, rọi dọc lộ trình nội dung tiểu thuyết Tuấn Huy - - Từ “Nỗi buồn tuổi trẻ”, qua tới những tác phẩm kế tiếp như “Ngày vui qua mau”, “Yêu trong bóng tối”, “Hương cỏ may”… Theo tôi, có dễ đó là tính hoài nghi, cô đơn, mất định hướng của tuổi trẻ trong chiến tranh.
Tuổi trẻ miền Nam một thời, từng là nạn nhân và cũng là con tin tuyệt vọng, trực tiếp của cuộc chiến. Họ lớn lên, sống với hoài nghi và những câu hỏi không lời giải đáp, trong một thời thế đốn mạt. Một thời thế xâm thực mọi niềm tin! Tuổi trẻ không tìm thấy tia sáng hy vọng nào, ngoài chán nản, bất mãn…
Thác lời nhân vật Vĩnh, trong tiểu thuyết “Yêu trong bóng tối”, Tuấn Huy viết:
…“Vĩnh im lặng. Trong ký ức của anh thốt nhiên sống dậy những hình ảnh đen tối thê thảm. Anh nghĩ đến cuộc chiến tranh mà anh đã tham dự. Nghĩ đến những thân thể gầy còm vì thiếu cơm thiếu gạo. Nghĩ đến những ông già, những đứa trẻ, những người đàn bà; và ngay cả lớp thanh niên nam nữ cùng trang lứa với mình, đã phải sống một cuộc đời không đáng gọi là đời người nữa. Họ quằn quại, rên xiết dưới đủ mọi hình thức đàn áp, của cả bên kia lẫn bên này. Họ kéo dài những ngày tháng bi đát giữa hai mũi dùi,và nai lưng đón nhận những oán thù chồng chất…” (Tuấn Huy, “Yêu Trong Bóng Tối”, trang 181.) (4)
Ở tư cách nhà văn, qua tiểu thuyết, Tuấn Huy còn ghi nhận tuổi trẻ thế hệ của ông bi thảm hơn nữa! Khi họ không chỉ bơ vơ, lạc lõng giữa cuồng lưu đời sống mà, họ cũng cô đơn, thất lạc ngay trong tổ ấm, nơi được gọi là gia đình của họ.
Qua nhân vật nữ, tên Kim, Tuấn Huy viết:
“…Nhưng chưa bao giờ em cảm thấy em khổ sở hơn. Má em cũng chẳng khi nào hiểu em nổi. Bà tưởng rằng em đã hư hỏng. Và những điều em nói với bà toàn là bịa đặt…” (5)
Vẫn theo ghi nhận của họ Nguyễn thì, sự hoài nghi không chỉ là những ngọn lửa thường trực bập bùng cháy phỏng thần trí những người trẻ, vốn không có được cho họ một điểm tựa tinh thần vững chắc. Mà, ngay cả nhân vật chính trong tiểu thuyết “Hương cỏ may”, được tác giả giới thiệu là một Sư Huynh, cũng ngơ ngác, hoang mang không kém.
Nơi những dòng chữ đầu tiên của truyện, nhân vật này cũng đã cất tiếng hỏi, cũng đã tự tra vấn mình, vì những hoài nghi ngày một lớn cao, gập ghềnh trong cảm nhận sâu thẳm:
“… ‘Kính mừng Maria đầy ơn phước, đức Chúa Trời ở cùng Bà…’ Đọc xong mười kinh kính mừng, người sư huynh vẫn quỳ. Anh cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, xin Chúa giúp đỡ, để con vững tâm noi theo mãi mãi con đường thánh thiện của Người. Từ ít lâu nay, tâm hồn con đã bị xao động. Con không còn đủ bình tĩnh và sáng suốt như trước. Xin Chúa cho con chọn sự lành và lánh xa sự dữ. Con tin cậy kính mến Chúa trên hết mọi sự ở đời’…” (Tuấn Huy, “Hương cỏ may”. Trang 9). (5)
Ở một đoạn khác, nhân vật Sư Huynh của Tuấn Huy thú nhận:
“…Anh băn khoăn về cuộc chiến đấu âm ỉ nhưng dữ dội – sự đối kháng của tuổi trẻ trước cuộc đời - Hốt nhiên, anh nghẹn ngào một cảm giác cô đơn. Trước mặt là vùng biển lạnh. Trời đen tối không cùng. Và hôm nay chắc biển động nên chẳng có chiếc thuyền đánh cá nào ra khơi… ‘Trong mọi vẻ đẹp trần gian, con như đều thấy rõ Chúa. Vậy mà, lạy Chúa, đôi lúc con yêu Chúa ít hơn. Có lẽ tại bao nhiêu tội trọng đã xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn con rồi’ “. (6)
Dù cố tình chọn nhân vật chính cho tiểu thuyết của mình là “Sư Huynh”, hiểu theo nghĩa nhân vật thuộc về một thành phần ít oi trong xã hội. Thành phần được huân tập, xây dựng, trưởng thành trong ánh sáng chói lòa của Ơn-Thiên-Triệu. Nhưng cách gì, theo tác giả, nhân vật kia cũng vẫn là một con người. Con người hiểu theo nghĩa bản năng. Yếu đuối. Nói cách khác, vị Sư Huynh nọ đã bị những trận bão cám dỗ cuốn đi! Hoặc bị quỷ Satan bắt hồn dẫn về địa ngục:
“…’Chắc Tư bây giờ cũng đang chờ đợi tôi. Nàng đứng ở khung cửa đó, những ngón tay mềm vuốt ve quanh vòng cổ trắng ngần. Nhưng Tư ơi, tôi không thể quay lại nữa. Không có một sức mạnh tinh thần nào trói buộc được tôi cả... Tôi sẽ bỏ đi. Tôi lại lao đầu vào những ngày lang thang vô tận. Những ngày nghèo khó, ăn mày bám víu bạn bè; những ngày không định hướng, không mục đích; những ngày đốt thuốc hoang phí tuổi trẻ; những ngày say mềm ngủ vùi trên ghế đá công viên… Tuy có lúc, tôi đã nghĩ rằng, tôi sẽ ở lại đây, mà sống bên Tư cho đến chết. Thời gian ngắn ngủi thần tiên vừa qua, tôi đã tìm được một chút - chỉ một chút thôi - quân bình trí não nơi thành phố nhỏ bé này, trong căn nhà ấm cúng của Tư. Nhưng bây giờ tôi lại muốn lao vào những cơn điên say cuồng loạn. Tôi muốn chạy, muốn nhẩy, và hét lên một tiếng thật to, để rồi phóng mình xuống hỏa diệm sơn thăm thẳm…” (7)
Đó là một phần tâm cảnh vị sư huynh, trong truyện Tuấn Huy
Qua nhân vật nêu trên, tôi nghĩ, phần nào giải thích được sự yêu thích truyện Tuấn Huy của lớp độc giả trẻ tuổi của miền Nam trước đây.
Nếu nhân vật này không hiện ra như một lời “tự-biện-hộ” cho cuộc sống mất phương hướng, tuyệt vọng, chán nản, buông trôi của giới trẻ thì, Sư Huynh trong tác phẩm của họ Nguyễn, với những cuộc tình bão táp, những thành phố đi qua, sống với…, chí ít cũng đáp ứng mơ ước hoặc khát khao thầm kín của đa số độc giả đó vậy.
Du Tử Lê
(Kỳ sau: “Bối cảnh và dữ kiện trong tiểu thuyết Tuấn Huy”.)
……………………………………………………………….
Chú Thích:
(4) Nhà Xuân Thu chụp lại bản in ở Saigon trước tháng 4-1975, phát hành tại Hoa Kỳ. Không ghi nơi chốn, năm tháng xuất bản.
(5) Vẫn do Nhà Xuân Thu chụp lại bản in ở Saigon trước tháng 4-1975, phát hành tại Hoa Kỳ. Không ghi nơi chốn, năm tháng xuất bản.
(6) Sđd. Trang 163.
(7) Sđd. Trang 179.