Tuy ngọn hải đăng soi, rọi dọc lộ trình nội dung hầu hết những tiểu thuyết của Tuấn Huy là tính hoài nghi, cô đơn, mất định hướng của tuổi trẻ trong chiến tranh. Tuổi trẻ, một thành phần của xã hội miềm Nam những năm (19)60 và (19)70 từng là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến và, cũng là con tin tuyệt vọng của tương lai… Nhưng đọc truyện Tuấn Huy/ Nguyễn Năng Toàn, thản hoặc người đọc vẫn bắt gặp những đoạn văn chứa đựng ít, nhiều chất thơ. Trước những so sánh hay liên tưởng này của họ Nguyễn, tôi muốn ví chúng như những que diêm bất ngờ; bật lên những ngọn lửa xanh , chấp chới giữa trùng trùng bóng tối.
Trong tiểu thuyết “Hương Cỏ May”, qua nhân vật chính Tên Đông, Tuấn Huy viết:
“…‘ Lá cây còn xanh và tôi đang sống. Một ngày kia lá cây vàng và sẽ rụng. Rồi tôi sẽ chết khi thời gian vụt qua. Nhưng có hề gì. Nếu một ngày kia tôi chết, khi tôi đã được một lần xanh như cây lá…’ “ (Sđd. Trang 27).
Hoặc:
“Thở dài. Đông đứng dậy, tiếp tục bước. Một mùi hương đêm - xa lạ - thoáng gặp trong không gian. Những tiếng tây-ban-cầm dồn dập và trong sáng. Niềm hoan lạc điên dại đã phai tàn. Tất cả những háo hức trào lên như một lớp bọt. Rồi lớp bọt đó sẽ vỡ ra và tan đi… Có tiếng còi tàu thủy hú lên ở đâu đó. Phải chăng có một con tàu vừa nhổ neo rời xa đất liền?...” (Sđd. Trang 182).
Nếu hai trích đoạn trên là những dợn mây hẫng nhẹ, trôi giữa bầu trời tiểu thuyết Tuấn Huy, thì bối cảnh tiểu thuyết của ông, lại luôn được xác định một cách minh bạch. Chúng không hề là một thành phố (tưởng tượng) nào đó…! Chúng cũng không là một thị trấn (nào đó), hiện ra như một thách đố khả năng phỏng đoán của người đọc!
Thực vậy. Những ai từng sống ở Nha Trang, Đà Lạt, đọc “Hương Cỏ May” của họ Nguyễn, tôi nghĩ sẽ rất vui khi gặp lại những con đường, những địa danh làm thành nhan sắc riêng những nơi chốn mình đã ở.
Đây là Nha Trang, nơi nhân vật Đông (cũng như tác giả?) từng một thời gắn bó:
“Cúi gầm mặt xuống, anh đi thật nhanh như một người muốn lẩn trốn. Con đường Yersin với những cây muồng. Bãi biển ở cuối con đường ấy (… ) Anh đứng lại. Biển cả mở ra bao la một màu xanh. Phía tay mặt anh, những công viên với những hàng cây cắt xén đều đặn. Xa nữa là mạn Cầu Đá và Hải Học Viện…” (Sđd. Trang 17).
Còn đây là Đà Lạt theo ghi nhận của Tuấn Huy:
“Đông nhìn những căn nhà mái tôn ở dưới mạn cư xá. Trên kia – qua con đường Quang Trung – những biệt thự sang trọng quét vôi, sáng sủa (…) Một chiếc xe ca từ miệt Mê Linh xuống chợ. Đông giơ tay ngoắt lại. Hết khu địa dư. Qua một chiếc cầu. Sân vận động. Hồ Xuân Hương. Nhà Thủy Tạ… Gió lùa vào lạnh căm. Đông thấy Đà Lạt vẫn buồn và đẹp như một người em gái họ xa – bị lao phổi – ngồi bên cửa sổ, trong vùng êm đềm kỷ niệm…” (Sđd. Trang 207).
Và bối cảnh Hà Nội trong tiểu thuyết “Yêu trong bóng tối”, nơi tác giả đã sống trọn thời niên thiếu của mình:
“…Người anh lớn của Vĩnh đi theo kháng chiến từ cuối 1946. Ở nhà, chị Hạnh phải đi làm phụ rửa chai dưới nhà máy rượu. Và Vĩnh phải bỏ học để đi làm thợ sắp chữ trong một nhà in… (…) Mỗi ngày từ ngăn hầm tòa-án, Vĩnh đi dọc con đường Hàng Bông Thợ Ruộm, lên tận cuối phố hàng Đẫy để làm việc (…) Hết giờ làm việc, Vĩnh đi lang thang giữa những phố đông người. Ra ngồi ở bờ sông, hoặc ngồi bên Hồ Gươm…” (Sđd. Trang 30).
Theo một số bằng hữu thân thiết với nhà văn Tuấn Huy / Nguyễn Năng Toàn thì, họ Nguyễn không chỉ nêu đích danh nơi chốn được dùng làm bối cảnh cho mọi diễn biến truyện mà, những nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông, cũng được mô phỏng, hoặc tiểu thuyết hóa từ đời thực của bằng hữu quanh ông. Hoặc đó là chính ông, đã cải dạng phần nào.
Hơn một người bạn thân của Tuấn Huy cho biết, nhân vật Đông “Hương Cỏ May” của họ Nguyễn, là hình ảnh và đời thực của cố thi sĩ, giáo sư Phạm Công Thiện.
Những người biết rõ cuộc đời Phạm Công Thiện từ những ngày còn trẻ, cũng xác nhận, họ Phạm từng có một thời gian khá dài, sống ở thành phố Nha Trang. Trước khi cải đạo, ông vốn là một Ky-Tô - Hữu. Công việc chính, gần như suốt đời ông, là dạy học(giống nhân vật Đông trong truyện).
Những cá tính mạnh mẽ của Phạm Công Thiện, như uống rượu, hút thuốc liền tay; như không ngần ngại ném mình vào những đam mê dữ dội…Hoặc thường trực nổi loạn; thường trực đập tan, xóa bỏ chính mình… để phiêu lưu, để tựu thành một “tôi” khác… cũng được Tuấn Huy mô tả chi tiết, đầy đủ.
Nhưng điểm dễ nhận diện về con người Phạm Công Thiện nhất, là khả năng ngoại ngữ. Sự uyên bác của ông về phương diện văn học và triết học (nhất là văn học và triết học Tây phương.) Ở điểm này, qua nhân vật Đông, tác gỉa “Hương cỏ may” viết:
“…Anh nhặt ba bốn que tăm, loay hoay xếp thành những chữ M, rồi T, rồi L, rồi K…
“Khánh hỏi:
“- Sao dạo này thầy Đông không viết sách nữa. Ở trên này, ngày trước học sinh, sinh viên đều thích đọc sách của thầy. Cuốn nhận định về Metamorphose của Kafka, thầy viết rất hay…
“Đông xóa bỏ những que tăm đi. ‘Tài năng của tôi ngày trước còn hay không? Hoặc chính tôi đã phá hủy nó rồi’:
“- Vâng. Có lẽ dịp này tôi sẽ viết lại. Nhưng tâm hồn tôi đã chuyển sang một chân trời khác. Những cái tôi sắp viết, sẽ không còn giống những cái ngày trước. Có thể tôi sẽ nhìn cuộc đời bằng một nhãn quan mới – nhãn quan của người đã nhìn rõ được mình….” (Sđd.Trang 241, 242).
Hoặc:
“…Tiếng máy chạy dồn dập giữa những tiếng cười vui. Đông nghĩ đến những mảnh đời cần mẫn và an phận. ‘Họ hạnh phúc hay tôi hạnh phúc? Có lẽ phải đập vỡ cái đầu này ra rồi sống thế kia lại sung sướng hơn. Heidegger – Kafka – Henry Miller – Nietzsche – Faulkner – William Saroyan… Tất cả, tôi đã tìm đến và tôi đã chán ngán. Tôi phải có một nơi bình yên để lui về nghỉ ngơi khi đã qúa mệt mỏi và buồn khổ’...” (Sđd. Trang 296).
Lại nữa, thành phố Mỹ Tho, nơi sinh của Phạm Công Thiện, cũng được Tuấn Huy nhắc tới, tựa thêm một ngón tay nữa, chỉ nhân vật Đông, cũng là Phạm Công Thiện, bạn ông vậy.
.
“Ngày Vui Qua Mau” như cuộc đời của tác giả …“qua mau” - - Những nụ cười thân ái của định mệnh dành cho họ Nguyễn, cũng đã tắt - - Nhưng tiểu thuyết Tuấn Huy không hề …“qua mau” - - Nếu không muốn nói chúng có đời riêng, nghịch chiều với đấng sinh thành ra chúng.
Du Tử Lê,
(Mar. 12-2013)