Cuối năm, người lúc nào cũng thấy chộn rộn, không thể gắn một cách chính xác vào một việc gì hay một khoảng thời gian nhất định. Đang làm cái này lại nghĩ tới một điều khác hình như đáng làm hơn. Rồi như xẹt ngang đầu, mình quên cái chi chăng. Tất cả mơ hồ bềnh bồng. Ngó ra ngoài trời, ban mai xám đục, mưa rỗ hoa mặt kính cửa sổ, đến trưa thì lay phay chút nắng trên những cánh lá datura (hương của những đóa“kèn của thiên thần” này có thể gây ảo giác), trời đất còn lưỡng lự nắng mưa hỏi sao lòng người không chùng chình buồn vui. Những lúc như vầy thì thích hợp nhất là ngồi gõ trên trang giấy ảo này. Vừa rồi bạn bảo viết chút gì về kinh nghiệm sáng tác của mình, bạn bè,… Ơ hóa ra cái cảm thái giằng co mấy bữa này là chuyện viết lách chăng. Đó là việc chẳng bao giờ hoàn tất được. Hãy nhẩn nha, thở. Và bên đường đi, nghe xem, có tiếng nói của mình hay ai kia đồng hành. A, Gió ơi, đó là những con chữ, của bạn, của tôi. Những con chữ khó tính. Và cũng không có một thời khóa biểu nào cho nó cả. Nó chợt gọi, mở laptop ra và một trang trắng để sẵn sàng tí tách thì nó như con ma, biến mất. Có khi đêm, như mộng du với nó. Lắm lúc đang, như nấu nướng chẳng hạn, hay cắm cúi đánh máy layout bài vở sinh nhai, thì nó nhởn nhơ huơ huơ trước mắt mình một đóa bleuet xanh, nó mở một khung cửa sổ rực vàng daffodil, nó thả xuống một cánh thư mướt tuổi hai mươi, thế là, một là ngâm ngấm nó trong đầu, làm tiếp công chuyện, hai là bỏ hết, để chạy theo nó. Hụt hơi về tay không là thường. Hoa màu đầy tay, của hiếm. Mình sống với nó như thế nào nhỉ. Ông chồng bảo mình giống con cú, sống về đêm. Nhớ đến trái bóng đỏ bầu bạn của cậu bé trong phim của Albert Lamorisse, có khi tưởng nó bay đi, hóa ra nó vẫn đứng chờ bên cửa nhà, lắm lúc bao nhiêu trắc trở tưởng sẽ vuột mất, nhưng rồi nó trở về rủ rê cậu vút cao với trăm quả bóng. Bộ phim thiếu nhi hơn nửa tiếng ấy, hình ảnh bóng bay trong gió, với riêng tôi, tờ tợ như đôi cặp kè cảm xúc và chữ. Trái bóng thơ của tôi. Bay bay giỡn đùa ú tim làm cảm xúc nao nức đuổi tìm. Tôi sống,với Nó, bằng nỗi đường trường của nhịp đập con tim, thì cũng giống như cậu bé kia, sau những gian nan, sẽ huởng được quả vị của cảm xúc, một dâng hiến trọn toàn. Cảm xúc đủ đầy căng gió thì tứ chữ lồng lộng. Những ai đã chạm vào giây phút phập phồng cùng chữ, hẳn có riêng mình trái bóng ấy và cũng đã trải nghiệm được niềm phiêu hốt cùng những làn gió vô tận của cảm xúc. Gió thổi và bóng bay. Trái bóng của tôi lửng lơ. Để trí tưởng, để cảm xúc, động đậy… Thơ chưa ra khỏi bút Giọt mực đã rụng rời Hồn ta chưa kịp nói Giấy đã toát mồ hôi (Bút Thần Khai- Hàn Mặc Tử) Bạn có thể tưởng tượng ra những giây phút sáng tạo thần thánh như thế không. Nỗi ưng ức của cảm xúc trên Lời sẽ thành, sắp thành, sao làm ta sống đáng quá, sao như bùa như ngải làm phiêu diêu lòng ta đến vậy… Hồi nào đến giờ, tôi thích viết và đọc những gì được lay động, thôi thúc bởi cảm xúc thuần nhiên, không qua lý trí và học hỏi giáo trình. Lời của các thi sĩ, văn sĩ làm tôi bay lên, tan theo con gió cảm xúc của họ, hay có thể rơi lơ mơ không trọng lực, cũng cam lòng, vì được thấy muôn màu sắc của cõi tâm pha với cõi nhân gian, qua chiếc kính vạn hoa, còn hơn là đông cứng nhìn cuộc sống qua những khối hình hộp của triết thuyết. Bởi có những vô lý rất hợp lý của nhà thơ mà triết gia bó tay. Những vô lý mà chỉ có ngôn ngữ Thơ mới tung hê được. Và Nhà thơ dường như sống trọn mình với sinh mệnh của chữ. Thi sĩ quá cố Joseph Huỳnh Văn đã nói, tôi nhớ, ý như vầy, Viết tức là tin tưởng vào chữ, một niềm tin đầy thành thực và cảm động (tôi thêm, thơ mộng nữa) Tôi nghiêng về những cảm xúc nóng hổi tức thì. Một vạt nắng úa chiều còn bịn rịn trên thềm nhà, một lời nói thương nhớ của ai phơ phất buổi mai đầy sương mù, làm tim ta trật nhịp, và những điều như mới đây chiếu trên TV, cảnh một người cảnh sát ở một đường phố của New York cúi xuống, xỏ giầy, do ông vừa
mua, vào chân kẻ không nhà trong ngày rét lạnh, cũng như cái khí vô cảm rùng rợn ở Trung Cộng cảnh cô bé bị xe cán qua bao nhiêu lần mà kẻ bên đường qua lại như không, …chẳng phải đã làm chấn động cảm xúc ta hay sao, nếu không bật lên lời, thì ta xoay sở thế nào với nhịp ứ đau của trái tim? Và, sức nóng của cảm xúc sẽ lan tỏa. Tôi không ưa triết gia, dẫn mình vào mê lộ giáo điều. Tôi mê nhà thơ, nhà văn nói chuyện lan man trên trời dưới đất giữa đời, nói tùm lum mà trúng tà la (nghe con trẻ trong nhà nói câu này thấy hay hay). Nói chơi ư? Thì cứ thử nói chơi sao cho ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời (Kiều) nhau đi... Tôi thích những người phó mặc hết mình vào chuyện viết, vào lúc viết, người theo đuổi Nó đến cạn kiệt mình, để cuối cùng, tôi tin Nó sẽ trả lại cho họ cộng thêm lãi, những gì Nó được trao.
Tôi thích tôi lúc tôi thố lộ được với các con mình: Những trang thơ chật dần trong hộc tủ/ Cuộc chơi duy nhất, mẹ đem cuộc sống mình tham dự/ Bản nháp đẹp đẽ trong đời cho tới nay mẹ chưa từng xóa/ Đó là một giấc mơ, mẹ đi đến bằng trái tim quyết liệt… Nó chẳng cho mình ăn no, không cho mình áo đẹp, Nó chỉ cho mình, duy nhất, hơi thở. Phải nhận Nó một cách chủ quan tuyệt đối như vậy, mới thật đã cảm xúc, mới đáng nhận món quà của cảm xúc, những lời…
Thế nên tôi thích đọc, thích viết cái gì toát ra khí trữ tình. Trữ tình, hiểu theo nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường, biểu hiện một quan niệm hoàn toàn cá nhân*. Những người viết ấy là trẻ thơ? Đồng ý. Là kẻ mộng mơ? Quá đúng. Là người tự do? Không vậy thì làm sao viết thoải mái ý riêng? Là người lãng mạn? Theo đuổi con chữ là lãng mạn được cho điểm A+. Tôi sẵn sàng đổi cái quạt mo vàng khôn ngoan thực tế để lấy một nắm xôi lãng mạn. Họ lạc quan? Chưa hết đâu, Họ thuộc dạng người biểu hiện những tình cảm tích cực. Họ đạp đất, và Họ biết cõi mông lung của hạt bụi bay, Họ trân trọng cuộc sống của cỏ cây, và như thế, quí sinh mạng của muôn loài. Họ hít thở bầu không khí này, và Họ biết lắng nghe, biết hân thưởng, biết lấy những tinh túy từ trời đất và cuộc sống, thành ra Họ biết đau, và đau tơi bời hơn, Họ biết vui, và vui thấm thía nhiều lần hơn. Tôi giả thử những nguyên thủ quốc gia là nhà thơ nhà văn với đặc tính như vậy thì có lẽ họ sẽ khó khăn hơn khi có quyết định khai hỏa chiến tranh, phải không, chỉ cần một chút lưỡng lự thôi có thể giảm biết bao nhiêu cái chết. Nhớ đến nụ cười của Tổng Thống Obama hôm thứ năm, ngày 6.12.2012 vừa rồi khi cùng gia đình thắp đèn cây Giáng Sinh ở Tòa Bạch Ốc, gương mặt giãn ra theo nụ cười của ông cùng nhịp nhún nhẩy của phu nhân Michelle thấy như trẻ thơ, có phải vì ánh sáng mầu nhiệm đèn giáng sinh mà tôi đã gọi là những ngọn đèn mơ ước? Cầu mong sao Tổng Thống cũng được cười thơ trẻ như thế - vì trẻ thơ rất gần với thi sĩ - khi cầm cân nẩy mực chuyện nước.
Có điều nhiều phần, thơ văn với trái tim mong manh của nó thì lại dị ứng với những khúc mắc của chính trị, kinh tế, hoặc đại khái những gì tương tự, trời sinh vậy, là để có chuyện mà khóc, mà đau. Ai khóc, ai đau, ai biết nói lên những nỗi niềm ấy? Tôi sẽ là người xác quyết câu trả lời, chỉ có các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, trữ tình, nhắc lại, trữ tình hiểu theo Lâm Ngữ Đường.
Xin nghe một độc giả Ấn Độ nói về Rabindranath Tagore: mọi khát vọng của nhân loại nằm ngay trong những bài đạo ca của Tagore, Tagore là người đầu tiên trong các vị Thánh của chúng tôi đã không phủ nhận cuộc sống, nhưng đã từ cuộc sống mà phát lên lời…**, trong tiểu sử kể rằng khi hãy còn ít tuổi Tagore thường ngồi cả ngày trong vườn viết rất nhiều về thiên nhiên, những con sóc thường đến trèo lên đầu gối, và chim chóc thì đậu trên bàn tay ông. Đến những năm ba mươi tuổi khi gặp chuyện rất buồn thì Tagore đã viết những bài thơ tình đẹp nhất. Nghe vậy thì nhiều phần thơ văn nhạc của Tagore khởi đi từ cảm xúc trước thiên nhiên, và tâm cảnh của mình, nhờ vậy mà nhân loại có được Gitanjali. Đỗ Khánh Hoan dịch là Lời Dâng, cuốn sách không bao giờ rời tôi, từ khi tôi còn là thiếu nữ mộng mơ đến phụ nữ tóc hoa sương, và cũng còn mơ mộng. Ngoài dân số đông đúc của Ấn Độ, ngoài tôi, ngoài…, còn có một nhà thơ Irish, William Butler Yeats, ngưỡng mộ Tagore, ông đã viết lời giới thiệu trong Gitanjali, Lời Dâng: “Tôi đã mang theo mình hàng ngày bản thảo những bài thơ dịch này để đọc trên xe lửa, xe buýt và trong hiệu ăn, thường thường tôi phải gấp tập thơ lại vì sợ có người lạ nào đó sẽ nhận thấy tập thơ đã làm tôi say sưa ngây ngất đến thế nào…Một tác phẩm bắt nguồn từ một nền văn hóa siêu việt, ấy vậy mà những bài thơ này cũng chẳng khác gì sự phát triển của đất lành của cỏ cây. Một truyền thống trong đó thi ca và tôn giáo hòa hợp với nhau thành một, trải qua nhiều thế kỷ đã thu gặt ngôn từ cùng rung động trí thức và bình dân rồi đem trả lại cho đa số quần chúng tư tưởng của người trí giả…”
Viết và được đọc như thế thì gọi Tagore là Thánh thật là sướng cái tâm. Cũng theo Yeats: “nếu nền văn minh Bengal vẫn tồn tại, không đứt đoạn, nếu cái đầu óc thường thường ấy-như người ta phỏng đoán- chẩy qua tất cả, như với chúng ta, không bị phân tán mà lại cấu thành hàng chục đầu óc khác chẳng hề quen biết nhau, thì một cái gì đó từ cái vô cùng tế nhị tàng ẩn trong những bài thơ này chỉ vài thế hệ nữa sẽ đi tới tận người hành khất bên vệ đường… Những vần thơ này không nằm trên bàn của các bà quí phái để các bà lấy tay uể oải đọc rồi thở than về một cuộc đời vô nghĩa…cũng sẽ không phải để sinh viên mang đến đại học đề rồi sau khi rời mái trường xưa bước vào đời làm ăn lại bỏ xó không thèm rờ mó đến nữa,…nhưng du khách sẽ ngâm nga nó trên đường đi và những người lái đò sẽ đọc khi chèo thuyền trên sông..” Những lời này Yeats viết vào năm 1912, tôi rất muốn đi Ấn Độ lúc này để ngồi với một người hành khất nào đó bên vệ đường xin họ ngâm cho nghe một câu thơ Tagore trong âm điệu du dương của tiếng Bengali. Tôi tin là có. Vì ở một góc trời xa xôi với Ấn Độ, lúc này, còn có tôi, rưng rưng tìm đến những trang giấy vàng cũ để thấy ẩn hiện lung linh trái tim mẫn cảm thuần khiết cao rộng ấy. Tagore hiện thực trong mỗi hình ảnh, vì …“trái tim ấy chứa đầy trong chính nó cảnh huống của đời sống… thi sĩ Tagore cũng giống như chính nền văn minh Ấn Độ đã dày công khám phá tâm hồn, rôi dâng trọn mình cho sự rung cảm nhậy bén của tâm hồn. Hình như thi sĩ thường tạo một nét tương phản giữa cuộc đời của ông với cuộc đời của những ai vẫn hằng sống theo lối sống của chúng ta, của những ai có sức nặng giả tạo ở trên cõi đời, và luôn luôn khiêm tốn như thể biết rằng đường đi của mình chỉ thích hợp nhất với mình mà thôi”… Thưa thi sĩ của tim tôi, tôi là kẻ hậu sinh muốn mòn gót trên những lối Người đã đi qua. Để biết bằng cách nào mà Người có thể có “một sự hồn nhiên, một vẻ giản dị, ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác trong văn chương, đã khiến chim chóc, lá cây hình như gần gụi với thi sĩ như với trẻ thơ vậy; …”***
Tôi có một kim chỉ nam như thế trên đường tôi đi, tôi để cảm xúc hồn nhiên giao tình với chữ, viết như nói chuyện với mình. Vậy thôi. Tôi có cái duyên gần gụi với việc viết, và lần hồi biết lấy từ mớ bòng bong cuộc sống những dây tơ thời gian để gói mở nỗi niềm. Và đó là những sợi tơ vàng chứ không phải là món đồ xa xỉ để tôi biết quí trọng, dùng, và hưởng, một cách nâng niu, như là ơn phước. Đó không phải là một ghé chân dự một cuộc vui, bữa tiệc, rồi về. Chí cốt với chữ, đối với một phụ nữ, bạn hỏi tôi có gặp khó khăn nào không. Không, tôi nghĩ những điều ảnh hưởng tương đối vào việc viết lách, không gọi là khó khăn, đó là công việc hằng ngày mình sống, có trách nhiệm và phải chu toàn bổn phận của mình. Tôi không nói đến những thứ mà người ta đặt để cho phụ nữ gọi là thiên chức. Tôi đảm nhận những việc tôi ý thức là của tôi, phải làm, bên cạnh đó tôi có thể viết bất cứ lúc nào trái bóng ấy đến rủ rê tôi bay. Cho nên, tôi rất ngưỡng mộ các nhà thơ như Lê Thị Huệ, như TrangĐài Glassey Trầnguyễn,… vừa viết, vừa chuyện nhà, lại gánh vác công việc một cách rất đáng nể ngoài xã hội nữa. Trở lại điều tôi đang miên man, hãy nghe nhà thơ Lê Thị Huệ, với con gió cảm xúc của mình:
Đấy là những lúc ngôn ngữ giao thoa với thân xác và tâm hồn, bỗng dưng thấy xác mình muốn nói thành lời. Bỗng nhiên hồn mình thấm đẫm những thanh rung của ngôn ngữ. Nhạc hay cung điệu chữ nghĩa bỗng bật ra trong hồn. Và một cảm giác rung động sâu sắc bật tuôn ra. Và ta bỗng muốn ghi chép lại
Thế là thơ.
Nhưng tôi phải thú nhận đã có rất nhiều lần tôi cảm ra được nhịp điệu và tẩy bật của ngôn ngữ trong tôi, nhưng tôi thích để chúng chạy lòng vòng trong người trong hồn. Hoặc làm biếng, đôi khi còn tiếc là nếu mình đi kiếm tờ giấy hay ngồi dậy quơ laptop thì cảm xúc lâng lâng ấy biến mất. Nên tôi ở yên hưởng thụ trước đã.(Cầm Chữ Đến Giữa Đời)
Lời bật ra từ những trạng thái như thế, hỏi sao lời không có hấp lực, một cảm xúc ăm ắp đến thế khi vỡ ra hỏi sao không làm người đọc bật lên mấy tầng cõi gió? Người Thơ ơi. Dường như cảm xúc tôi cũng đã
bao lần được trải nghiệm sâu thẳm ấy. Viết như thế thì chắc hẳn, và ước sao, chúng ta sẽ ràng thêm nhiều “hệ lụy”: nhân lên nhiều lần hơn người đọc thơ, đọc văn so với người đi xem thi hoa hậu, đấu võ, để nữ sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska khỏi phải thốt lên trong bài Đêm Tác Giả như vầy: Sẽ chẳng là gì nếu không là võ sĩ với đám công chúng đang la hét kia thơ ơi sao quá kiệm lời Trong phòng chỉ có mười hai người một nửa đến vì mưa rơi một nửa là thân quyến Đã tới lúc chúng ta phải bắt đầu câu chuyện thơ ơi. **** … Ở đâu, và thời nào, người làm thơ cũng như con kiến, con ong… nhưng tôi vẫn thiết tha tin rằng, và dường như niềm tin ấy đã được chứng thực, mật ngọt của lời từ những trái tim thơ đã và sẽ chan chứa khắp cõi người và trời đất này. Khi tôi đọc những bài thơ của TrangĐài Glassey Trầnguyễn nói về lòng yêu, niềm vui say mê của người mẹ trẻ với đứa con của mình, tôi thấy lòng vui sướng lạ kỳ, để tôi đọc cho bạn nghe. Xin cho tôi là người đọc hạnh phúc, Wislawa Szymborska đã nói rằng …Tôi quan tâm tới bạn đọc, người mà khi về tới nhà cố tìm cho mình được một chút thời gian và sự thích thú để cầm lên tay cuốn sách nhỏ và đọc thơ tôi... Tôi luôn nghĩ về người ngồi đọc thơ tôi cho chính bản thân mình hoặc cho một người nào bên cạnh…**** Bạn thân ơi, hãy là người bên cạnh tôi nhé, tôi đọc bằng âm thanh chia sẻ nhất mà tôi có được, hạnh phúc ấy sẽ là ánh lửa khơi ấm một ngày âm u như hôm nay. Jean Valjean, một trong “những người cùng khổ” của Victor Hugo tin rằng khi yêu một người là ta được chiêm ngắm dung nhan của Thượng Đế mẹ cũng vậy trong phút đầu gặp con con chào đời trời đất thở ra tơ
…
Con: hạnh phúc, tình yêu, hoan lạc Con: tinh khôi, trong sáng, Thiên đường Con:cuộc đời, lý tưởng, quê hương Con: tất cả, niềm tin, phó thác (Nhác Bóng Thiên Đường, thơ Trang Đài Glassey Trầnguyễn) Trời đã sập tối, mẹ tôi vừa gọi điện thoại cho tôi từ Việt Nam, tiếng khóc và tiếng nói làm tôi ngập sương, của khí trời, lẫn nước mắt, tôi đọc tiếp nhé, trong hạt lệ của tôi cảm ứng với những dòng thơ huyết lệ này: Con về bên Mẹ nghe huyết âm Nghe tuỷ xương réo rắt mưa dầm Có lịch kiếp chảy xiết huyễn ảo Cho tuyệt cùng âm âm điếc thâm (Huyết Âm, thơ Nguyễn Lương Vỵ)
Con nhìn mãi chiều thu xanh, xanh lắm
Tiếng khóc xanh, xanh đất ấm trời êm
Như lá nõn như cành non mướt đêm Mẹ ấp ngực ru con theo giòng sữa …
Vâng thưa Mẹ! Con lần theo nếp áo
Áo sờn vai, hai bóng, một vuông chiều
Chiều rất thẳm chiều rất trầm yêu dấu
Như chưa từng. Thưa Mẹ! Biết bao nhiêu… (Âm Bản Tháng Mười Hai, Nguyễn Lương Vỵ)
Ôi bạn ơi, có thấy cùng tôi, hạt lệ là những long lanh mong manh vĩnh cửu không? Tôi tin, tôi rất lạc quan về một niềm tin, Thơ để làm gì, Thơ viết cho ai.
Trang Đài viết về tình yêu với con mình. Tôi, với con tôi, Nguyễn Lương Vỵ bước lần theo nếp áo của mẹ, và này, Nguyễn Xuân Thiệp, bởi mặt đất này có dấu chân em qua/nên tình yêu của anh là vô hạn. Trời ơi nếu không có nhà thơ, nhà văn để nói lên những dấu yêu ấy thì làm sao ta biết được con người còn thánh thiện đến thế…Bạn biết yêu giấc ngủ con mình, thì bạn sẽ biết quí tỷ tỷ giấc ngủ trẻ thơ. Bạn nghe được hơi ấm trong lòng mẹ, thì hẳn bạn sẽ không muốn ai làm thương tổn trái tim người mẹ. Bạn ca tụng để cõi trần gian này biết tình yêu là ngọc quý. Và như thế, nhân loại sẽ cùng trân trọng tình yêu và sinh mạng của nhau, thế có phải là trái tim nhân ái của thơ lây lan? Tôi làm thơ/ cho bạn bè, cho những người cùng khổ/cho sấm dội.cho đổ vỡ.cho mây xa/tôi làm thơ/và con chim màu đỏ/hót một mình.dưới trời mưa thưa.(Nguyễn Xuân Thiệp) Tiếng hót một mình ấy đang có tôi và bạn tôi, bên cạnh đây, lắng nghe, và bình minh tới sẽ có ngàn ngàn tiếng hót hòa thanh hàn gắn những đổ vỡ... Và tôi biết ơn tất cả những lời thơ trữ tình trên cõi trần gian này. Không ai gọi tôi nữa Khi buổi chiều đã đi rất xa. chỉ chút nắng sót góc vườn gọi tên chính nó những bông loa kèn trong hồ thổi một bài sonate … em hiện ra: -rạng ngời! cùng giọt lệ tinh khôi. Sớm mai. sớm mai ta không lời. sớm mai ta!sớm mai ta! nhắc nhở: hãy sống! hãy sống! vì những điều chúng ta tha thiết! (Khi Buổi Chiều Cũng Bỏ Tôi Đi- Du Tử Lê)
Bạn có một mình ngồi nghe chút nắng sót lại trong mắt thầm thĩ cùng tiếng ngân nga loa kèn giã biệt một ngày? Và bạn thấy không, tôi đã nói, Họ là người lạc quan. Họ thênh thang bay lên bằng đôi cánh của nỗi buồn. Họ ấp ủ một cách đơn sơ… ngôi nhà lợp bằng những chiếc lá thông khô/và giấc mơ thi sĩ (Nguyễn Xuân Thiệp), giấc mơ thi sĩ, lãng mạn quyến rũ người ta hết biết luôn. Nhờ vậy mà Họ lúc nào cũng ở một nhịp phút giây ngoài thời gian.
Bạn bảo tôi dông dài quá thể, đây tôi đang trở lại đầu bài đây, hãy ngồi lại với tôi chút nữa thôi, Lâm Ngữ Đường chả bảo, thích cái lối nói nhẩn nha, dài dòng lan man rồi quay về điểm cũ hay bất ngờ dừng lại, đổi hướng, “y như một người đi chơi về nhà, nhảy qua hàng rào mà vô, làm cho bạn đồng hành phải ngạc nhiên. Được dạo chơi trên những con đường vắng vẻ rồi nhảy qua rào mà vô nhà, ôi thú biết mấy!”* Được nói chuyện với bạn trong hơi nhựa thông thơm ngát núi rừng này là một ánh lửa sưởi ấm mùa đông. Thôi đã sắp tối hung rồi. Bạn về nhé. Tôi không tiễn đâu. Bạn có thể thấy tôi nhảy qua rào, nhưng không phải vào nhà. Quả bóng đang đợi tôi. Thơ ơi. Tôi đã đến ngồi dưới chân người. Chỉ xin để tôi biến đời mình thành bình dị, thẳng ngay, như chiếc sáo sậy để người phả đầy âm nhạc vào trong… (Tagore)***
Ăm ắp rồi, bóng đã bay lên…
Bạn của tôi ơi. … hãy sống, hãy sống vì những điều chúng ta tha thiết... Và cho cả giấc mơ. Ôi giấc mơ yêu dấu của tôi. Bạn có biết tại sao tôi hay kết thúc những bài viết của tôi bằng Giấc Mơ? Vì đó là nơi không có dấu chấm hết bao giờ.
Santa Ana, Mùa đông năm 2012
----------------------
*Tựa sách The Importance of Living, Lâm Ngữ Đường, Sống Đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch. **Trong bài tựa của W.B.Yeats ở Tác phẩm Lời Dâng (Gitanjali) Đỗ Khánh Hoan dịch, Nxb An Tiêm, 1972 ***Tất cả những câu trong dấu ngoặc ở đoạn này là của W.B.Yeats (Nobel văn chương 1924) trong Lời Giới Thiệu Gitanjali của R.Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch - *** thơ Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch
****Thơ Wislawa Szymborska, Nữ sĩ Ba Lan, Nobel văn chương năm 1996, Tạ Minh Châu dịch.