Có những cái tên người làm tổ trong trí nhớ của tôi. Họ ở thật xa, tôi nhập tâm tên họ đã lâu, nhưng chưa một lần gặp mặt. Nhà văn Mai Thảo
Một hôm tôi đang tiếp các bạn rượu đến nhà, khoảng năm 1993 gì đó, thì có điện thoại từ Mỹ gọi về. Người nói chuyện với tôi là nhà văn Mai Thảo, một cây đa cây đề của văn nghệ miền Nam thời chế độ Sài Gòn cũ; người mà tôi đã từng đọc, và từng yêu thích văn chương cũng như quan điểm nghệ thuật của ông. Tôi cũng rất kính nể ông khi đọc Tạ Tỵ viết về ông trong cuốn “Mười khuôn mặt văn nghệ” mà tôi tình cờ có được năm 1975.
Hình như ông chỉ hơn tôi vài chục tuổi, nhưng với tôi, ông là bậc cao niên vì đã thành danh từ rất sớm, và là thủ lĩnh của nhóm Sáng Tạo chủ trương cách tân nghệ thuật. Tôi nghe tiếng nói của Mai Thảo lần đầu tiên, lại nói qua điện thoại viễn liên, nhưng thật lạ, tiếng ông vang và ấm như có eco tạo âm đồng vọng trong phòng thu âm. Tôi hỏi ông: “Anh đang ở đâu mà tiếng vang như trong phòng thu thanh thế?”. Mai Thảo nói: “Mình gọi điện ở nhà, một căn phòng lầu 1 tại California”. Tôi chú ý nghe và trả lời những câu thăm hỏi về văn nghệ của Mai Thảo, nhưng hiện tượng tiếng nói ông bị khuếch đại khiến tôi nghĩ có ai đó đang nghe trộm cuộc điện thoại giữa chúng tôi. Hồi đó, những cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi về cho tôi hoặc Hoàng Phủ Ngọc Tường thường có hiện tượng này. Và tôi phải nghĩ rằng, chắc bọn an ninh mới làm thế. Nhưng mặc kệ, tôi vẫn nói chuyện thoải mái mà không quan ngại gì cả.
Tôi nói với Mai Thảo rằng văn nghệ trong nước cũng đã khá cởi mở, nhưng vẫn chưa hết vòng kim cô. Còn ông thì nói với tôi là rất nhớ quê hương mà không biết có về thăm được nữa hay không… Và chúng tôi hẹn có dịp sẽ gặp nhau ở Mỹ hay ở Việt Nam. Hình như lúc đó ông 66 tuổi. Rồi ông bảo tôi cho ông nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hóa ra trước đó ông gọi tới nhà ông Tường và biết ông Tường đang uống rượu ở chỗ tôi nên ông đã xin được số điện thoại nhà tôi để gọi.
Trần Cao Lĩnh chụp hình Mai Thảo
Sau cú điện thoại đó, tôi cứ bị ám ảnh về cái căn phòng của ông. Tôi hình dung một căn phòng rộng với một ngọn nến u hoài đang hắt ánh sáng yếu ớt lên gương mặt trầm tư phúc hậu của ông. Ông ngồi trên chiếc sofa vừa viết vừa uống rượu một mình. Nhưng có lẽ tôi đã hình dung không đúng về căn phòng ông ở.
Năm 1997 sau khi Mai Thảo qua đời, tôi đọc được bài viết của Nguyễn Hưng Quốc có mấy câu nói về căn phòng của ông: “nhà riêng của ông – đúng hơn là phòng riêng trong một chung cư dành cho người già – ở California… Trong lúc ông nói chuyện, tôi đảo mắt nhìn quanh. Một kệ sách. Một cái bàn. Một cái giường chiếc phủ nệm trắng. Một cái Tivi nhỏ và năm bảy chai rượu nằm trong góc. Là hết. Lúc ấy, tôi nghĩ ngay đến một câu thơ của Nguyễn Bính: Quán trọ nhà thơ như chiêm bao”. Còn Tâm Hư lại nói về căn phòng khá kỹ: “dường như mình đã nhiều lần ngồi ở Cafe Song Long, thành phố Westminster, ngước mắt nhìn lên căn gác ngày nào Mai Thảo ở. Gần đây – nói vậy nhưng cũng đã cách hơn năm rồi – cùng ngồi với Khánh Trường và Ngô Thế Vinh cũng ở chỗ đó. Và rồi bỗng nhớ lại dăm điều ba chuyện: Hoàng Khởi Phong nói rằng lúc đầu Mai Thảo ở căn apartment tầng trên, về sau đau yếu phải dời xuống tầng dưới. Và HKP từ xa về dọn vào ở ngay căn Mai Thảo đã ở (tầng trên). Sau này, HKP đi rồi đến lượt Khánh Trường dọn vào. Cả hai bạn mỗi sáng đi làm đều hé cửa nhìn vào xem Mai Thảo còn sống không”. Nguyễn Xuân Hoàng cũng viết về căn gác của Mai Thảo: “Tôi nhớ căn phòng Mai Thảo ở trên lầu 1 trong một chung cư nằm sau nhà hàng Song Long trên đường Bolsa. Mỗi buổi sáng chỉ cần bước chân xuống cầu thang đi mấy bước là anh có thể vào quán này. Một đĩa bánh mì thịt nguội, một ly cà phê đen và một điếu thuốc buổi sáng đầu ngày.Thịt nguội để đó, không ăn, cà phê thì uống, thuốc lá không thể không cháy trên môi.” Thế nhưng, Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, có lúc Mai Thảo không bước xuống quán Song Long, vì anh đã có cái Trà Thất trước cửa, trên hàng lang. Đó là một cái sofa không biết của ai khiêng ra bỏ. Mai Thảo ngồi đó uống trà, hút thuốc, sưởi nắng, trầm tư. Ông thả tầm mắt qua suốt khu parking, sang phía bên kia chỗ khu nhà giàu có những vòi nước phun lên. Cạn tuần trà, lúc nắng đã lên cao, Mai Thảo rời căn nhà bước xuống đường phố”… Hình dung về căn phòng ấy, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ buồn buồn của ông:
Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trên giấc ngủ đen.
Nhưng tôi không được gặp Mai Thảo như đã hẹn qua điện thoại. Mãi mãi không được gặp ông. Và căn phòng ông ở chắc đã được thế vào một ai đó chứ không phải là bảo tàng cuối cùng của nhà văn. Và những chai rượu ông từng dùng chắc cũng phiêu bạt để rồi không còn dấu tích gì của ông. Chỉ còn lại những trang văn mà tôi đã từng đọc và đã từng yêu mến quý trọng người đã làm ra nó.
Nguồn: nguyentrongtao.org