ĐẶNG TIẾN - Suối Hoa, Thế Giới Ngoài Trọng Lực

01 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 9598)
ĐẶNG TIẾN - Suối Hoa, Thế Giới Ngoài Trọng Lực

Nghệ thuật hội họa Suối Hoa giàu âm sắc, nhưng đặc tính nổi bật, nét nhất quán, là tạo dựng nên một thế giới ngoài trọng lực : con người và vật thể thường bay bổng. Quá trình sáng tạo của chị vẽ lên một đường bay càng ngày càng rõ nét.

suoihoa_02-content
Tranh Suối Hoa

Trọng lực là định luật vật lý : vạn vật đều bị thu hút về trung tâm trái đất, lá rụng về cội, nước chảy về chỗ trũng ; nhưng người và cảnh trong tranh Suối Hoa lắm khi không vâng theo định luật tự nhiên ấy, mà muốn bứt phá, vượt thoát, vươn lên, ngửa nghiêng, bay bổng.

Ví dụ mảng tranh Chèo chiếm tỷ lệ cao trong toàn bộ họa phẩm. Chèo hiểu theo nghĩa rộng là làn điệu múa hát dân gian, không nhất thiết theo quy định chật chội trên chiếu sân đình. Chèo, ở đây là tâm thức dân gian, là toàn bộ âm thanh, màu sắc, chuyển động, tuồng tích, hẹn hò, gặp gỡ tạo nên giấc mơ dân dã. Chèo tự nó đã là một thế giới ngoài trọng lực, hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Người dân quê, nhất là người phụ nữ, trong khoảnh khắc xé tọac màn hiện thực, chằng chịt những tháng những ngày ảm đạm.

Trái với ý nghĩ thông thường, không mấy khi người họa sĩ tự chọn đề tài ; đề tài thường tự đến, tự áp đặt mình vào nhu cầu người vẽ, có khi cưỡng chiếm khung vải. Cảnh tượng Chèo chắc cũng đến với Suối Hoa như vậy qua nhiều động cơ : lý do kỹ thuật, vì màu sắc hóa trang, son phấn, xiêm y, động tác, không khí. Nhu cầu tinh thần : điển tích, ước mơ của con người và xã hội; và cuối cùng là hoài niệm riêng tư, bềnh bồng trên ký ức hay vùi sâu trong vô thức. Có thể nói: cô đào chèo giải phóng bút lực Suối Hoa, và nền vải làm chiếu sân đình cho cây cọ tung tăng múa hát. Đặc trưng tranh chèo của Suối Hoa là cô đào bay nghiêng bay ngửa, uốn lượn mềm mại, thân thể uyển chuyển trong xiêm y hóa trang phất phới, rỡ ràng. Bay theo cô còn có thêm cây đàn, cái quạt, mặt nạ, mảnh trăng, hay chiếc lá, nhất là chiếc lá. Nội dung tranh không duy lý, mà siêu nhiên. Từ đó, màu sắc ngân vang trống chiêng, sênh phách, linh lung ánh sáng và động tác hư huyền. Vẽ chèo, Suối Hoa tạo được một không gian, không khí, trong và ngoài sân khấu, trước mắt và trong giấc mơ của người xem.

Vai nữ trên sân khấu Chèo, ngoài đào chín, đào thương, đào lẳng…, còn có đào điên như Phương Cơ hay Súy Vân ; nhân vật của Suối Hoa gần với đào điên xỏa tóc, tay cầm chiếc lá. Có lần chị tự hỏi : lá gi? Lá bồ đề hay lá diêu bông? Thoạt nhìn, nó vừa là họa tiết thảo mộc thường có trong tranh, vừa là « yếu tố bay » trong cấu trúc sáng tạo của tác giả. Nhưng biết đâu nó chẳng bắt rễ từ một địa tầng sâu thẳm hơn, như chiếc lá đề trong nghệ thuật trang trí thời Lý, biểu tượng cho đức Phật, cho tuệ giác hay Thiền đạo mà Suối Hoa ao ước đạt tới, mà chị thể hiện phần nào khi sáng tác tranh trừu tượng.

Đề tài Chèo đã chiếm một tỷ lệ cao trong tranh Bùi Xuân Phái (1920-1988). So sánh Suối Hoa với bậc đàn anh tài danh, không phải là để đánh giá, mà để nói rõ ý « thế giới ngoài trọng lực » nơi tranh Suối Hoa. Rõ ràng là trong tranh Chèo Bùi Xuân Phái, con người ngồi hay đứng đều ở tư thế tự nhiên, đầu đội trời, chân đạp đất, tranh luôn luôn được cấu trúc chững chạc theo những trục thẳng đứng làm cơ bản, nghĩa là tuân theo chiều trọng lực. Tranh Suối Hoa không thế : nhân vật đảo điên nghiêng ngã, nhưng vận động vẫn theo hai trục chính, hai trục chéo tạo trung điểm đối xứng ngay chính giữa bức tranh.

Không ai chối cãi ý kiến này của Thái Bá Vân viết năm 1994 : « Bùi Xuân Phái đã nhìn thấy nó (thân phận người nông dân Bắc Bộ) không phải trên sân khấu, mà đằng sau sân khấu. Ở đây, nơi hậu trường, có những vùng tối và vùng sáng đối chọi nhau thật là cảm động”. Suối Hoa không thế, chị nhìn chèo từ tiền trường và nhìn bằng đôi mắt, tưởng tượng hay hoài niệm. Tranh Chèo Bùi xuân Phái tài hoa trong vẻ hóm, thực, sắc ; Suối Hoa phóng túng, lãng mạn, hoang tưởng, chị dễ bay bổng hơn là vì vậy. Chèo của Phái là thế giới khép, lắng đọng, như giọt nước đông thành muối, Chèo nơi Suối Hoa là thế giới mở, là trần thế phôi pha, như hạt muối tan trong nuớc. Dù rất tự do, nét bút Bùi xuân Phái vẫn hàn lâm, duy lý. Suối Hoa duy tâm hơn, lối tạo hình siêu nhiên có lúc nhắc tới tranh Chagall, với con người và sự vật bay bổng, hóa thân, đầu xuôi đuôi ngược.

Trong thể loại tranh hình dung, bên cạnh đề tài Chèo, Suối Hoa còn vẽ tĩnh vật và nhiều tranh phong cảnh : chợ búa, quán xá, cảnh bên đường, đồng ruộng, thuyền biển ; nhân vật thường là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc, cảnh mẹ địu con trong y phục cổ truyền miền núi. Khái niệm « ngoài trọng lực » áp dụng vào loạt tranh này vẫn đúng, dù không rõ nét. Ruộng lúa, tàng cây, sóng biển, đều muốn tự giải phóng ra khỏi trọng lực, bứt vượt lên cao.

Suối Hoa còn vẽ nhiều tranh trừu tượng, dĩ nhiên là khác với tranh hình dung, nhưng vẫn mang dấu ấn riêng, dễ nhận ra : những tảng màu lớn, nguyên chất, đỏ son hay vàng thắm tương phản với xanh non, nâu sẫm. Trừu tượng là lối vẽ phương Tây mới du nhập vào Việt Nam, nhưng tranh trừu tượng Suối Hoa kỳ lạ tạo được không khí Á Đông. Có lẽ do nhát cọ lớn , sắc, dũng mãnh như trong thư pháp, thậm chí trong kiếm pháp. Họa sĩ trừu tượng thường dụng công gò gẫm họa tiết, chấm phá hoa văn, giũa mài uyển sắc, trong khi Suối Hoa ào ạt tung hoành trên nền vải một bút lực tập trung, mà tâm thế vẫn hồn nhiên, thư thái. Dường như năng lượng tinh thần dồn dập chuyển nội lực vào cây cọ, mà vẫn gìn giữ được rung cảm tinh vi, đã tạo nên ấn tượng vừa mãnh liệt vừa thanh thoát của thần trí đông phương trong những họa phẩm trừu tượng của Suối Hoa, người vẽ có phong cách không giống ai.

suoihoa_01-content
Tranh Suối Hoa

Nhìn chung, Suối Hoa ưa dùng gam màu đơn giản, mà hội họa phương Tây gọi là màu cơ bản, và dân gian ta xếp thành ngũ sắc ; và chị đẩy chúng đến cực độ gay gắt : xanh thẫm, đỏ rực, vàng chói, những tảng màu trắng cuồn cuộn xô đẩy nhau, gối lên nhau, ào ào như sóng. Những đợt màu thơ ấu tuôn trào, chồm lên, chồng lên nhau, trực tiếp, không qua môi giới của đường nét viền vè vẽ vời. Màu sắc như những thôi thúc gấp gáp của nội tâm, tông cửa thiên nhiên để òa vỡ thành hình, hiện thể thành tranh. Suối Hoa chưa thỏa mãn với gam màu dù rực rỡ, với ánh sáng, dù chang chang trong tranh, dù sao chỉ mới là thị giác. Chị muốn tạo cả xúc giác, bằng chất liệu sơn dày, cộm lên trên khung vải, có thể sờ lên được. Đặc tính tranh Suối Hoa là nguồn sinh lực vỡ bờ, nội tâm mùa lũ vỡ đê vào một ngày nắng hạ. Hội họa Suối Hoa hiện đại, phá vỡ con đê dân tộc để đến với thế giới từ chỗ ấy ; xé toạc nữ tính để đến với nhân tính cũng từ một chỗ ấy. Nếu xếp riêng ra loạt tranh trừu tượng, thì họa phẩm Suối Hoa dù vẽ cảnh hay người cũng không hiện thực, có hình dung mà lại phá hình dung. Một loại nghệ thuật riêng, siêu nhiên và siêu hình dung.

Cảm hứng sung mãn ùa ào vào tranh, cuốn theo làn sóng nhục thể - dù không có gì là dục tính. Suối Hoa lao mình, trao mình vào tranh bằng những nhát cọ đắm say và phóng khoáng, chị thực thi tự do – và nữ quyền – trên nền vải, thể hiện hạnh phúc trên những khối màu lớn quyện vào nhau, trườn lên nhau, cùng reo vui cuộc sống làm bằng ánh sáng. Tranh Suối Hoa sống đời sống mãnh liệt, tự tin, tự quyết, thậm chí cực đoan. Ở Suối Hoa ít có nét đậm nhạt huyền ảo, mờ mờ tỏ tỏ như phong cách tranh lụa, mà thường nhắc đến màu sắc khỏe khoắn, tươi tắn nơi tranh dân gian Đông Hồ.

Vẽ gì đi nữa thì họa sĩ cũng chỉ tự vẽ mình : Văn Cao từng nói vậy. Năm 1946, Chagall vẽ một đầu ngựa màu đỏ cầm pa-lét, và đặt tên là Chân dung tự họa. Bùi Xuân Phái cũng có một chân dung như thế dưới dạng hề chèo. Tranh Suối Hoa cũng vậy, khai phóng nội tâm : những ước mơ không lưỡng lự đợi chờ, như bức Nấu Vàng (2004 ?) kỷ niệm không hắt hiu nuối tiếc, như bức Nhà Tôi (1991), trầm tư không khắc khoải lê thê như bức Mênh Mông giữa Trời và Đất ( năm?). Tâm giới trong sáng, nên Suối Hoa chuộng gam màu tươi, tươi vui và tươi sáng, ngời lên niềm tin và hoan ca sự sống. Chị có lần nói : đời tôi đã chứng kiến lắm buồn đau, nên vẽ tranh, tôi muốn tạo nên một nguồn hạnh phúc . « Chứng kiến » là một uyển ngữ, vì chị không muốn kể lể đời tư khi nói chuyện nghệ thuật ; kỳ thật đời chị đã trãi qua nhiều đau khổ sâu xa, mà chúng tôi không nhắc tới nơi đây..

Nghệ thuật là một nghịch lý : chuyển hóa đau thương thành hạnh phúc. Jacques Prévert có bài thơ tả người học trò dốt :

với những viên phấn đủ màu,
trên tấm bảng đen bất hạnh
nó vẽ lên chân dung hạnh phúc.



Tranh Suối Hoa cũng vậy: vẽ hạnh phúc bằng những bất hạnh.

Mà chẳng cứ gì một Suối Hoa . Van Gogh, vào những năm cuối , giữa hai cơn khủng hoảng tâm thần, từ đáy vực đau thương, đă vẽ lên cho đời, để lại cho đời những thanh sắc nồng nàn tráng lệ nhất trần gian.

Nghệ thuật là hạnh phúc của loài người sau khi khắc phục nghịch cảnh, số phận và định mệnh. Nghệ thuật là khúc khải hoàn trước định mệnh.

suoihoa-content

Tranh Suối Hoa

Hạnh phúc trong tranh Suối Hoa, tranh trừu tượng hay phong cảnh , là hoài niệm, là khát vọng hay là ảo tưởng, đều nằm trên cùng một đường bay của tranh Chèo ở chỗ bứt cảnh, vật và người ra khỏi trọng lực thiên nhiên hay xă hội, dù vận động này nhiều khi chưa rõ nét bằng nơi tranh Chèo.

Khái niệm ngoại trọng lực không phải là ý tưởng mới mẻ, hay khám phá của riêng tôi. Cách đây hàng thế kỷ đã có người nhận xét hiện tượng này qua tranh Kandinsky. Và nhà thơ Aragon nhiều lần mượn lại ý này để giới thiệu tranh Chagall. Aragon từng làm nhiều thơ tặng bạn. Năm 1964, Chagall trang trí bức trần nhà Kịch Hát Paris, và Aragon có vịnh đợt tranh này :

Đôi chim bay, đâu cần cánh mà bay
Gió xoáy ngược chiều, mưa ngược lên mây
(...)
Bạn vẽ trần gian ngoài trọng lực
Thời gian lạc đường thìa là thơm nức
Màu trong tôi linh hiển ngất tầng trời
Bạn trên sông hoài niệm ngược dòng bơi
.

(Ca khúc cho một bức trần - Madrigal pour un plafond)

Thơ Aragon tặng Chagall thì không can cớ gì đến Suối Hoa. Nhưng dường như ứng nghiệm vào nghệ thuật Suối Hoa, nhất là loạt tranh Chèo.

Âu là kỳ ngộ và là niềm vui chung, chứng tỏ nghệ thuật chân chính phát nguyên từ nhiều địa lý khác nhau, trường phái, thời đại hay tác giả khác nhau, vẫn có cơ đồng quy về một trọng điểm, là cái Đẹp.

Nhưng nói đến trọng điểm, là mặc nhiên thừa nhận trọng lực. Nghị luận về nghệ thuật phải biết trầm giọng, ở nơi lưng chừng tương đối.
 

Đặng Tiến

(Orléans, 10.6.2007)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Tư 20249:05 SA(Xem: 262)
Ngày nhỏ chúng tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế
27 Tháng Ba 20248:29 SA(Xem: 333)
Ai là một ví dụ có ích cho những cố gắng của các nhà văn đương đại viết tiếng Việt,
16 Tháng Hai 20244:27 CH(Xem: 865)
Cuối cùng thì, sau hơn bốn mươi năm vắng mặt, Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại được, giờ đây, rót đầy tràn ly, trên tay mỗi người dân nước Việt, cùng nâng lên, cùng hát vang, cùng chúc vang một mùa xuân:
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 1226)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
25 Tháng Giêng 20249:05 SA(Xem: 951)
Với tôi, Phạm Duy là Người gieo hương.
15 Tháng Mười Hai 20234:33 CH(Xem: 1020)
“Người đi qua đời tôi / Hồn lưng miền rét mướt / Đường bay đầy lá mùa / Vàng xưa đầy dấu chân / Lòng vắng như ngày tháng…”
08 Tháng Mười Hai 20239:13 SA(Xem: 1016)
Thơ bà, hòa trộn giữa nét âm trầm, sâu kín, dịu dàng của xứ Huế và nét xông xáo, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, hóa giải nhẹ nhàng mọi vấn đề của kiểu Sài Gòn,
21 Tháng Mười Một 20239:39 SA(Xem: 1138)
Năm 1997, bố tôi, nhà thơ Trần Dần mất tại Hà Nội.
11 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 8335)
Tôi gặp bà lúc nhà thơ Huy Cận còn tại thế. Hai lần gặp, bà như cái bóng bên cạnh chồng.
05 Tháng Mười Một 20233:49 CH(Xem: 1110)
Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8338)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24505)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,