Phở, quê người và, Xe Lửa.

06 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 6131)
Phở, quê người và, Xe Lửa.
Tôi không biết từ đâu và bao giờ, hai câu thơ sau đây, đã được truyền tụng tại miền Đông bắc Mỹ:

“Ngày xưa có phở Pasteur,
“Ngày nay có phở Mít-tơ Toàn Bò.”

Đó là hai câu thơ nói về tiệm phở Xe Lửa, trong khu Eden Center, đường Wilson, thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia mà, chủ nhân là cựu Luật sư Nguyễn Thế Toàn, thuộc Luật sư đoàn Saigon, trước tháng 4-1975.


toanbo-nguyenmanhhung-content

Từ trái qua: Nguyễn Mạnh Hùng, Toàn Bò



Tôi hiểu hai câu thơ kia, do một thực khách có máu văn nghệ, viết xuống để ngợi ca phẩm chất Phở Xe Lửa.Tuy nhiên, có thể vị thực khách nọ đã không chú ý lắm, tới những điểm đặc biệt khác mà, duy nhất Phở Xe Lửa có!

Phải chăng tác giả không muốn thơ của mình nhiều hơn hai câu? Sự nhiều hơn hai câu sẽ làm loãng đi yếu tố phẩm chất (quan trọng nhất) của một tiệm phở. Chưa kể vì thế, nó cũng sẽ khó ở lại được trong trí nhớ nhiều người?

Tôi thực sự không biết! Tôi chỉ biết, với những người từng đến và, trở lại Phở Xe Lửa nhiều lần, dường có cùng có một vài cảm nhận chung, như tôi. Thí dụ:

- Saigon trước biến cố 30 tháng 4-1975, chúng ta có rất nhiều tiệm phở nổi tiếng. Như phở Tầu Bay, ở Lý Thái Tổ. Phở Pasteur, ở đường Pasteur. Phở Trứng Cá (còn gọi là phở Công Lý hay phở Bà Dậu) ở đường Công Lý cũ. Tiệm phở nằm cuối một con hẻm, không tên. Trước tiệm có một cây trứng cá nhỏ thôi, nhưng thực khách chọn nó, làm tên gọi. Phở số 1 (viết số, không phải chữ), ở đường Hai Bà Trưng, gần ngã tư Trần Quang Khải. Phở Quyền ở Tân Định. Phở gà Trần Quang Diệu. Phở gà sống thiến Hiền Vương (có con gái là nữ ca sĩ nổi tiếng sau này) v.v…

Những người lui tới phở Tàu Bay - Lý Thái Tổ, hẳn chưa quên đó là “chiến khu” của Nhóm Trình Bày, tạp chí Đất Nước với: Nhà văn Thế Nguyên, GS Nguyễn Văn Trung, LM Nguyễn Ngọc Lan, nhà thơ Nguyên Sa, nhà văn Thảo Tường, GS Nguyễn Khắc Ngữ, nhà thơ, GS Diễm Châu / Phạm Văn Rao, GS Trần Tuấn Nhậm. Họ Trần nổi tiếng một dạo, với bích chương “chống mỹ cứu nước,” khi ông ra ứng cử dân biểu quốc hội, trước 1975. (1)

Những người thích phở Trứng Cá, hẳn không quên từng gặp nhiều lần cựu phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, từ khi ông còn là phi công lái máy bay vận tải, lâu lâu lại biến mất vài ngày vì những phi phụ thả biệt kích ra Bắc.

Ở thời cực thịnh của nền Đệ nhị Cộng hòa, thì Phở Trứng Cá cũng là nơi lui tới thường xuyên của cựu Bộ Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi, Hoàng Đức Nhã.


Vì “Xếp lớn” ưa phở này, nên nhiều ông (có thể chẳng thích gì hương, vị phở Trứng Cá) mỗi sáng cũng rán tới sớm, canh gặp “Xếp,” để từ bàn khác, oang oang báo cáo “thành tích” của mình, vọng qua bàn “Xếp”… Bất chấp sự khó chịu của nhiều thực khách hiện diện!

Nếu bạn là người thích Phở Số 1 (viết số) ở đường Hai Bà Trưng, tôi tin nhiều lần bạn gặp (mà không biết?) nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký tòa soạn đầu tiên, lâu đời nhất của tạp chí Văn. Tờ báo từng giúp nhiều cây bút mới, thành danh, cho dòng văn học miền Nam, 20 năm. Ngôi nhà của họ Trần, dưới chân Cầu Kiệu, bên kia đường, chỉ dăm bước cách phở Số 1.

Cũng tại Phở Số 1, thản hoặc, bạn có thể gặp ca sĩ Duy Trác, tức cựu Luật sư Khuất Duy Trác. Đôi khi, bạn cũng thấy sự xuất hiện (khá muộn) của cố nhà văn Mai Thảo với một vài bằng hữu của ông. Như nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhà văn Vũ Khắc Khoan, họa sĩ Duy Thanh hay Ngọc Dũng…

Tác giả tiểu thuyết “Mười đêm ngà ngọc” vướng một thói quen có phần hơi… tốn kém: Hiếm khi ông đi ăn một mình. Trừ phi ông phải ngồi đợi bạn…gái. Thường là nhà hàng Givral ở đường Tự Do, cũ.

Dĩ nhiên Saigon còn nhiều tiệm phở thuộc loại “danh bất hư truyền” khác. Nhưng, như tôi biết thì, không một tiệm phở nào, dù nổi tiếng đến đâu, ngoài phẩm chất, thực khách trong lúc chờ đợi tô phở nóng hổi của mình, lại được ngắm nghía trên các vách tường, những bức tranh đủ loại, đủ cỡ của những họa sĩ tên tuổi cũ, mới. Càng tuyệt đối không thể có hơn nữa, khi nguyên một mảng tường của tiệm, được chọn làm nơi trưng bày những phác họa, ký họa, sơn dầu chân dung chủ tiệm: Ông Nguyễn Thế Toàn, “nickname” Toàn Bò - - Như Phở Xe Lửa, ở Falls Church, Virginia, quê người.

Dĩ nhiên Saigon còn nhiều tiệm phở thuộc loại “danh bất hư truyền” khác. Nhưng có dễ vì chúng ta có quá nhiều tiệm phở nổi tiếng, với nghệ thuật nêm nếm bí truyền từ đời cha tới đời con - - Nên, không một tiệm nào được coi là “tụ điểm,” tập trung hầu hết các văn nghệ sĩ và, những thực khách “lịch lãm”, kén ăn ở lãnh vực ẩm thực Việt Nam tiêu biểu này.


nguyenmanhhung-content
Từ trái qua: Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Đinh Cường


Vậy mà, quê người, điều đó đã xẩy ra! Chí ít cũng với phở Xe Lửa của cựu luật sư họ Nguyễn.

Tôi nhớ, tại phở Xe Lửa, tôi từng được gặp nhiều lần họa sĩ Đinh Cường. Giáo sư, dịch giả Như Hạnh / Nguyễn Tự Cường. Cố nhà văn Hà Bỉnh Trung. Nhà thơ Nguyễn Đức Liêm. Dịch giả, giáo sư Phạm Trọng Lệ. Nhà văn Nguyễn Tường Giang (thứ nam của cố nhà văn Thạch Lam, thời Tiền chiến). Trưởng Hướng đạo Võ Thành Nhân. Các nhà báo Ngô Vương Toại, Nguyễn Văn Khanh, Ngô Phi Đạm, Giang Hữu Tuyên, Trần Việt Tân, Đào Trường Phúc, Lê Thiệp

Những bằng hữu thân thiết khác của tôi, như giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Như Đỗ Hùng, bạn tôi thời tiểu học Hàng Vôi, Hà Nội, nguyên Bí thư Tòa đô chánh Saigon, thời BS Văn Văn Của. Như DS Nguyễn Văn Thịnh, người mà từ thời trung học, chúng tôi đã gọi ông là Thịnh… Mù. Mặc dù, sự thật, ông… “sáng” tới mức gây nhức nhối, khó chịu cho nhiều người. Như “tay chơi” Nguyễn Lê Hiển… Và, gần đây là Ngụy Vũ, Dương Hiệp (NVR) …

Nhắc tới văn nghệ sĩ và, các nhà báo từng chọn Xe Lửa, như một nơi chốn lui tới, hẹn hò… tôi cho là sẽ cực kỳ thiếu sót, nếu không kể tới những bậc thầy, những cây cổ thụ của làng báo Saigon cũ, như GS Nguyễn Ngọc Linh, ký giả Hồ Văn Đồng, Như Phong / Lê Văn Tiến, hoặc luật sư Trần Thanh Hiệp…

Nhưng thưa các bạn, nếu đã có những bậc thầy, những cây cổ thụ của làng báo Saigon xưa thì, chúng ta cũng có những những “ký giả” thuộc thế hệ “đợt sóng mới”… Thí dụ “ký giả” Lê Thiệp. Tôi không có ý muốn nói về cái nghề (hay nghiệp?) làm báo của ông họ Lê này (Chuyện đó, đã bị coi là “… Xưa rồi Diễm!”) Tuy nhiên, Lê-Ký-Giả sau này, lại rất thành công với hệ thống Phở 75, phục vụ khách hàng… Mỹ.

Ta biết rằng, khẩu vị người Mỹ không thể nào thích hợp trăm phần trăm với khẩu vị của người Việt. Nên họ Lê đã gia giảm tô phở của ông cách nào đó, tôi không biết…. mà, chỉ sau vài năm, bảng hiệu Phở 54 của ông đã “náo nhiệt” phát triển ở nhiều shopping center của người Mỹ! (Nhanh hơn cả sự nẩy nở của những cây hoa anh đào dọc theo bờ sông Potomac!)

Kể lại chuyện này, tôi muốn nói, nếu Nguyễn-Luật-Sư là “Thần-Phở-Nội” thì, Lê-Ký-Giả chính là “Thánh-Phở-Ngoại.” Tuy cùng ngành, nhưng họ đối xử với nhau, rất tương-quý. (Tôi biết, Lê-Ký-Giả lâu lâu vẫn đến Xe Lửa, dùng phở…nội. Tựa đấy là những giấy phút ông muốn tìm lại hương vị quê nhà?)


Mặt khác, điều tôi muốn nói thêm trước khi thành quá muộn: Đó là cách đây vài tháng, chính ông “Thánh Phở Ngoại” đã đích thân “bưng bê” về miền nam Cali, nguyên một thùng tranh màu của họa sĩ Duy Thanh, để các cô Y Sa (Vaala), và Lê Hòa Bình (Việt Báo) làm cuộc triển lãm vinh danh vị danh họa này. Nếu không có thùng tranh Duy Thanh (vốn là sưu tập riêng của Lê Thiệp) tôi e, nhiều phần cuộc triển lãm sẽ khó thành công, như đã!


lethiep_by_dinh_cuong-content

Lê Thiệp (Tranh Đinh Cường)


Lê-Ký-Giả nói, lý do ông phải “bưng bê” tranh Duy Thanh về cho thế hệ văn học, nghệ thuật thứ hai của chúng ta ở quê người, để cuộc triển lãm thêm ý nghĩa vì, ông muốn tránh tốn kém cho ban tổ chức trong việc di chuyển tranh… pháo.

Chỉ một chi tiết nhỏ này, khi nghe được, thâm tâm tôi thêm quý trọng ông biết bao! Nhưng phần ông, ông dứt khoát không cho ban tổ chức được nêu tên ông!

Lại nữa, khi “người nữ Sứ Giả Nghệ Thuật và Thiện Chí” (2) tài tử Kiều Chinh của chúng tôi, được mời phát biểu trong buổi triển lãm, đã vui miệng kể rằng: Sinh thời cố nhà văn Mai Thảo có một bức khỏa thân, của Duy Thanh, đã hứa tặng cho “Người đem vinh dự về cho tập thể Việt” này (3) - - Nhưng bạn-tôi chưa kịp lấy thì, sau khi ông từ trần, bức khỏa thân kia lại về tay H.T.!


dt_khoathan_content-content


Sự thực bức khỏa thân của Duy Thanh là sưu tập của Lê Thiệp tặng cho HT bạn-tôi, cách đây nhiều năm, khi ông còn ở căn nhà cũ, gần khu Eden Center.

Nó không phải bức khỏa thân, treo ở “thư thất” của tác giả “Ta thấy hình ta những miếu đền”

Tôi không rõ ông “Thánh-phở-ngoại” có biết “sự cố” ấy? Nhưng khi gặp tôi sau đó, đôi ba lần, ông không hề… mở miệng. Tôi nghĩ, nếu ông biết tôi kể lại chuyện này, nhiều phần ông cũng sẽ “rất-lê-thiệp”mà, ngôn rằng: “Có gì đâu! Quên đi ông ơi!”

Kể lại hai sự việc, một lớn, một nhỏ, tôi muốn nhấn mạnh nhân cách của ông “Thánh Phở Ngoại” như vậy, hèn chi rất hợp với ông “Thần Phở Nội” của chúng tôi ở quê người.

Về nhà báo, luật sư Trần Thanh Hiệp, bạn tôi nói, cùng với họa sĩ Duy Thanh, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ông là một trong ba thành viên còn sót lại của tạp chí Sáng Tạo, sau quá nhiều thăng trầm, bão tố, thời thế điên đảo!!!

Tôi cũng cho là tôi sẽ thật không phải với cố nhạc sĩ Nhật Bằng, nếu tôi không kể, tôi được gặp ông lần chót tại phở Xe Lửa (cùng với ca sĩ Anh Ngọc) cuối thập niên (19)90. Hai tên tuổi từng “làm mưa, làm gió” một thời trên các làn sóng điện Saigon trước 1975, đã giải tỏa cho tôi một câu hỏi, liên quan tới phần ca từ của ca khúc nổi tiếng “Đợi Chờ” mà, ông cùng cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đồng tác giả…

Tôi nhớ hơn một lần, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (đại học George Mason) kể, phở Xe Lửa không chỉ là nơi tập trung giới văn nghệ sĩ, báo chí. Nó còn là nơi tìm đến của du khách năm châu, bốn biển, mỗi khi họ viếng thăm Virginia.


toanhongthuydtl-content-content


Nghiệm lại, tôi thấy, quả đúng như nhận xét của giáo sư họ Nguyễn - - Một tên tuổi đã trở thành quốc tế trong lãnh vực chính trị, bang giao quốc tế.

Thầy Hùng cũng là người trước sau không thay đổi, không suy suyển tấm lòng “gắn bó” với Xe Lửa.

Cũng chính ông, mới đây thôi, trong một thư ngắn viết cho tôi, từ Hoa Thịnh Đốn cho biết, ông và nhà văn Nguyễn Tường Giang, cùng Trần Thụy Ly, đã có một bữa ăn tối, với Mít-tơ Toàn Bò, tại phở Xe Lửa. Ông bảo, ông đem một chai “Cointreau” riêng cho Nguyễn Thế Toàn. Ông nhớ, bạn ông không thích rượu chát! Trong khi người bạn đời của nhà văn Nguyễn Tường Giang, đích thân ra thực đơn và, đứng bếp, để các bạn của chồng bà, có một bữa cơm Tây thịnh soạn. Đúng điệu.

Tôi trân trọng lắm, cái tình của Tam-Nguyễn, nơi quê người này!

Bữa ăn giữa những người có với nhau một tình bạn trân quý (trước mặt cũng như sau lưng), một buổi tối cuối Tháng Tư, ở quê người, lẽ ra còn có sự hiện diện của một tình thân khác: Đinh Cường.

Vì lý do sức khỏe, người họa sĩ tài hoa hàng đầu của nghệ thuật tạo hình ở hải ngoại hôm nay, lỗi hẹn. Nên đã có thơ tạ lỗi bạn:

“Chiều mưa nhẹ chập choạng tối
Nguyễn Thế Toàn phone nhắn ra Phở Xe Lửa
có Nguyễn Tường Giang đem thức ăn tới
có Nguyễn Mạnh Hùng…

không ra được thấy áy náy làm sao
không ra được vì ở xa
dạo này lại không lái xe
vì uống thuốc ngủ kinh niên
có lần thả tay lái trong tích tắc mà không biết
tai nạn trầm trọng may mà không chết
nên sợ chưa lái lại từ nửa năm nay


cám ơn Phạm Thành Châu mỗi sáng chủ nhật
ghé chở ra Phở Xe Lửa, có Nguyễn Hữu Bình

Chiều nay thứ hai Giang nói kỷ niệm 30 tháng tư
ngồi với nhau uống với nhau ly rượu
các bạn chờ, không ra được buồn làm sao
bạn biết tấm lòng tôi nên không nỡ trách
ngồi gõ mấy dòng xin lỗi khi các bạn đang nâng ly rượu
ngậm ngùi nhớ ngày này hay gọi tháng tư đen…”


Đinh Cường
Virginia, April 29, 2013

Những dòng thơ kia, một tình bạn nọ, dành cho Nguyễn Thế Toàn, theo tôi, mới đáng ghi nhớ làm sao!

Tôi không tin, có một chủ tiệm phở thứ hai, sau Toàn Bò, có được một tình bạn, những vần thơ như thế. Được viết bởi một tên tuổi như thế!

Với tôi, bài thơ “Đoạn ghi xin lỗi bạn” của Đinh Cường, là một bổ khuyết, thắp sáng mặt khác của câu thơ ngợi ca phẩm chất phở Xe Lửa, “Ngày xưa có phở Pasteur / Ngày nay có phở Mít-tơ Toàn Bò” - - Mặt bằng hữu. Thâm giao.

toanbo-dtl-tuyen-content-content


Nhắc “Đoạn ghi xin lỗi bạn” của họa sĩ Đinh Cường, tôi chợt liên tưởng tới những bài viết của nhiều tác giả khác.

Trong số những bài viết để lại trong tôi nhiều xoáy nước sâu, nặng ý nghĩa, có bài của Orchid Lâm Quỳnh - - Thế hệ thứ hai của người Việt ở quê người. (4)

Trong bài phóng bút của mình, Orchid Lâm Quỳnh viết ngắn thôi, về phở Xe Lửa. Đọc thoáng, độc giả sẽ chỉ thấy đó là một bày tỏ quý, mến đặc biệt dành cho “bác” Toàn Bò… Nhưng lặng, sâu dưới những dòng chữ, đoạn văn đó, còn cho thấy tấm lòng của một người trẻ (rất trẻ), trân trọng với những người cuối đời, sống lạc loài, xa khuất quê hương mà, vẫn muốn duy trì, xiển dương một món ăn đặc thù Việt! Như một tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực Việt Nam, nơi xứ người.

Cuối năm ngoái, trở lại Virginia, mỗi ngày đôi lần, tôi đến Xe Lửa.

Lần này, những sáng, chiều với Xe Lửa, tôi không khỏi bâng khuâng, bùi ngùi khi thấy được rất rõ sự khó khăn của bạn tôi, của Xe Lửa, trước tình trạng kinh tế bết bát và, nhất là sự kiện tiền thuê phố bị của chủ Eden Center liên tục tăng, một cách thô bạo!

Trở lại Cali nhiều ngày sau, hình ảnh Nguyễn Thế Toàn “lội ngược dòng”, đứng sau quầy, ngó mông những khoảng trời u ám, xám ngoài khung kính, ám ảnh tôi, như những sợi gân đen, nổi cộm. Chua xót!

Bạn tôi, với chiếc mũ lưỡi trai cháo lòng, luôn xụp xuống, tựa muốn che bớt phần nào nỗi buồn thời thế, khiến tôi phải tự hỏi, liệu có nhiều không, khoảng cách giữa người đàn ông nặng lòng với nước non kia và, những bức chân dung (chính ông), trên vách tường thời gian vô cảm? Hay, chân dung người đàn ông lùi xa, với khuôn mặt chĩu nặng thất, lỡ, bị bóng tối và ánh sáng xẻ đôi sau quầy tính tiền, mới thực sự là chân dung của người đang sải tay, bậm môi, “lội ngược dòng”?

Tôi không nghĩ một ai (ngay bạn tôi), dễ dàng trả lời câu hỏi ấy!

Những ngày trở lại với công việc thường nhật ở Garden Grove, một buổi trưa, hình ảnh lội ngược dòng của họ Nguyễn, dắt tay tôi ngồi vào bàn viết. Tôi ghi: “Những ngày ở Virginia với bằng hữu.”

Đoạn chót, trước khi ra khỏi bài thơ, ở dạng câu hỏi, tôi viết:

“…trở lại Virginia lần sau, không biết có T.?
như tôi không biết bạn tôi còn Xe Lửa?
hay chiếc phi thuyền thời gian sẽ chở Xe Lửa của bạn tôi tới một chân trời mới?
như nó đã và, sẽ chở bằng hữu, tôi,
(những người hơn một lần in dấu chân trên mặt đất này)
tới chân trời tan tác khác?!?”
(5)
.
Tôi không biết Nguyễn Thế Toàn nghĩ gì khi đọc những câu thơ trên? Nhưng tôi vui vô cùng, khi Thầy Hùng và, nhiều người bạn của ông, nói với tôi, đại ý:

“… Dù muốn hay không, Phở Xe Lửa từ nhiều chục năm qua, cũng đã là một nơi chốn tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực của người Việt ở quê người… Cho nên bằng hữu, anh em, kể cả những người không thân, không hợp với cá tính Nguyễn Thế Toàn, cũng muốn duy trì phở Xe Lửa. Không chỉ vì ‘Ngày xưa có phở Pasteur / Ngày nay có phở Mít-tơ Toàn Bò’ - - Mà, còn vì… ‘Xe Lửa là… Xe Lửa’ của một Việt Nam, quê người, từng đi giáp vòng thế giới…”

Du Tử Lê,
(May 2013)

……………………………………………………………………………………………

Chú thích:

(1) Tôi không nghĩ tôi đã thậm xưng quá mức, khi dùng hai chữ “chiến khu” để chỉ nơi gặp gỡ thường xuyên của các thành viên, cộng tác viên, thân hữu nhóm Trình Bày. Quan điểm của nhóm Trình Bày thời đó là: Văn chương không thể thờ ơ trước những vấn đề lớn lao của đất nước. Như chiến tranh! Sự có mặt của quân đội Mỹ và đồng minh ở miền Nam… Trên diễn đàn Trình Bày, nhiều lần những cây bút chủ lực của nhóm, tấn công đích danh nhà văn Mai Thảo - - Người đứng đầu nhóm Sáng Tạo. Dù tạp chí Sáng Tạo đình bản đã lâu! Họ gọi khuynh hướng văn chương của nhóm Sáng Tạo là “khuynh hướng văn chương… viễn mơ!” Khuynh hướng văn chương chạy theo phong trào văn chương hiện sinh (!?) Quay lưng lại những khổ đau của đồng bào, đất nước (!?) Do đấy, những người bị xếp vào khuynh hướng này, hoặc tự thấy văn chương của mình nằm ngoài quỹ đạo phản chiến, quỹ đạo chính trị, thời thế… như nhóm Trình Bày cổ súy, thì không ai dại gì tìm đến Phở Tàu Bay, để trở thành “hoa lạc giữa rừng… gươm, dáo” nhiều nguy nàn ấy.

2), (3) Hai cụm từ đặt trong ngoặc kép là chữ của chúng tôi, người viết bài này, trong loạt bài chúng tôi viết về Tài tử Kiều Chinh, trên nhật báo NV, California, tháng 6 năm 2011).

(4) Bài viết của Orchid Lâm Quỳnh nhan đề “Em và, Mẹ và, Tôi là, Một nhé” có trên trang nhà dutule.com
http://www.dutule.com/D_1-2_2-104_4-5206_15-2/orchid-lam-quynh-bo-va-me-va-toi-la-mot-nhe.html

(5) Bài thơ đã được phổ biến ở trang nhà dutule.com. Cột mục “Sáng tác mới,” tháng 12 – 2012.
http://www.dutule.com/D_1-2_2-111_4-4894_5-10_6-1_17-146_14-2_15-2/nhung-ngay-o-virginia-voi-bang-huu.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 7202)
Hôm nay, cách nửa vòng trái đất, dù không hứa với ai, nhưng tôi biết, tôi sẽ nhớ (mãi nhớ) một phần đời chúng tôi, đã tháp nơi cây xà cừ “trấn môn” ngôi nhà 39 Lý Quốc Sư.
19 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 4428)
Cùng với những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010,
22 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 8268)
Vấn đề là khi sống, chúng ta có dám tách khỏi nguồn, thoát khỏi dòng, chọn lấy cho mình, đường bay độc lập?
18 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 16764)
Nhưng điều gì đã xẩy ra giữa Nguyên Sa và Sáng Tạo, khiến nhà văn Mai Thảo không che dấu bùi ngùi trước sự kiện tác giả “Thơ Nguyên Sa” chấm dứt cộng tác với Sáng Tạo.
07 Tháng Mười Hai 202212:00 SA(Xem: 5960)
Khi tôi tỉnh dậy, nắng đã òa, vỡ. Tôi không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực cảm, đã lâu, dường rất lâu, tôi mới lại có một buổi sáng dậy muộn
07 Tháng Chín 20229:13 SA(Xem: 2359)
Hôm mới về đây, tôi thù ghét Túy vô cùng. Tôi nhớ mãi ánh mắt ra điều kẻ cả, đàn anh của hắn, nhất là giọng nói kênh kiệu.
20 Tháng Bảy 202212:00 SA(Xem: 5752)
Thưa chị Kim Huệ, chị hãy hãnh diện, có một người chồng, như Nguyễn Hữu Khang.
22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 7673)
Bạn tôi nói, bạn tôi muốn thay hai chữ “đời sau” bằng “làm thơ”. Bạn tôi giải thích với hai chữ này, bạn tôi tự nhủ, bạn tôi cũng đã vừa…“làm thơ” trong hoàn cảnh đang mê mê với công việc của mình!!!
22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 8113)
Pleiku, với tôi, chính là thành phố tự thân, có được cho riêng nó, cái nhan sắc đằm thắm. Kín đáo ấy. Mặc dù dư luận hay thành kiến, từng ghi nhận đó là nơi lưu đầy của những người kém may mắn.
05 Tháng Chín 20211:09 CH(Xem: 2570)
Một lần nữa, Chí Phèo, cho tôi được chúc: “Em đi bình an. May mắn”!!!
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19186)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11070)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,