1.
Khi Bùi Việt chở tôi tới Chả Cá Lã Vọng thì, Đỗ Sinh Huy và Nguyễn Xuân Thịnh đã chờ sẵn. Cơn mưa nhỏ khuất mặt, để nắng lụa rù rì trên những mái nhà bên kia đường Hồ Xuân Hương. Dù vậy, những cơn mưa bất thường của Saigon (chưa bước vào mùa hè), cũng đã cắt thành phố, buổi trưa, thành từng mảng hiềm khích. Phân ly. Như bóng tối bất trắc và, ánh sáng liu điu những trốt nắng, gió quay mòng, kín kẽ mỗi cuộc đời. Mỗi chúng ta.
Từ trái qua: Đỗ Sinh Huy, Du Tử Lê, Bùi Việt, Nguyễn Xuân Thịnh (04-2013).
Quán vắng. Bàn, ghế hiển lộ chân dung nỗi buồn rũ trên những đợi chờ hú họa. Huy chọn chiếc bàn kê sát khung kính phẳng. Chúng tôi biết, chúng tôi không chờ ai. Hai người bạn Hiến, Thanh của Huy, Thịnh, Việt…(cũng là bạn của tôi), đã đi xa! Tới độ dù muốn, họ cũng không thể cho chúng tôi một nhắn gửi nào, ngoài im lặng thản nhiên của lớp cỏ xanh, vàng theo mùa. Cùng tiếng eo óc của chim đêm hay, côn trùng mất bạn.
Chúng tôi cũng không có ý đợi Lê Đình Kim Ánh của những ngày Nguyễn Trãi, học trò, bên kia cầu Khánh Hội. Tất cả đã xa. Xa hơn khoảng cách một giấc mơ nào, xa nhất.
- Không chờ đợi?
- Đúng thế!
Nhưng chúng tôi nói về những vắng mặt. (Vắng mặt của những năm đầu 1970, trở lại, từ những có mặt hôm nay, xấp xỉ 60. Riêng tôi đã… “cổ lai hy!?.”
Đó là mùa hè của các bạn trẻ, thường theo tôi ra lề đường Nguyễn Du. Nơi lá me không chỉ đính trên những mái tóc mướt xanh của họ. Mà, đôi khi chúng còn tinh nghịch tự thả rơi vào những ly cà phê bình dân, hè phố. Tôi không biết có phải đó là thời kỳ của:
“ôi nhỏ có buồn như ta không (?)
nhớ nhung về với nắng sân trường
hàng cây đứng chịu cho đêm xuống
xa người như xa một con sông.
“ôi nhỏ cũng buồn như ta thôi!
đời đi từng bước bước chôn vùi
đời đi như nước không về nữa
xa người như xa miền yên vui…” (1)
Nhưng tôi biết chắc chắn, đó là thời kỳ của “Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau,”nhờ tiếng hát Thái Thanh, nhạc Phạm Duy, qua làn sóng điện:
“ơn em, thơ dại từ trời
theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi.
ơn em, dáng mỏng mưa vời
theo ta lên núi về đồi yêu thương…” (2)
Cũng như tôi biết, Ánh không chỉ mang đến cho tôi Việt, Huy, Thịnh mà, còn nhiều bạn khác. Như Phước “cò”, “Phước “cận”. Như Hiến, Thanh. Như Đức “cống”… Và, chúng tôi cũng không chỉ có những buổi sáng, buổi trưa ở “café lá me!” Chúng tôi còn có những buổi chiều, buổi tối ở Café Hân, Đinh Tiên Hoàng. Thời kỳ của T.N. Giai đoạn của những câu thơ:
“thân ngựa chạy một đêm sầu phố núi
mắt chim theo giọng suối đứng riêng trời
hơi thở ngọt em một đời phong kín
nhớ nhung gì em buộc tóc chia hai (?)...”
Hay:
“anh đã hứa em an lòng hỡi nhỏ
ta sẽ về tới chốn của thương yêu
nơi sương sa như sữa suốt buổi chiều
nơi mưa bụi xuống lòng nhau lấm tấm
nơi đêm bước những bàn chân rất chậm
và dãy đèn xấu hổ sẽ quay đi
riêng hàng cây vẫn đứng đó lầm lì
khi anh bỗng hôn em trời lu, (sao tỏ?)
anh đã hứa em an lòng hỡi nhỏ
ta sẽ về tới chốn của riêng nhau
nơi nhục nhằn bị bỏ lại phía sau
nơi đau khổ không cách gì lấn tới
nơi hạnh phúc ắp đầy trong mỗi túi
để lúc buồn em khẽ nhón, ăn chơi
để vô tình em có lỡ đánh rơi
thì cũng chẳng bao giờ vơi hết được…” (3)
Chỉ một điều tôi không kể với Thịnh, Việt, Huy rằng, hiểu theo một nghĩa nào, giống như Hiến, như Thanh…, T.N đã đi rất xa. Xa đến đỗi, quá lâu, tôi không còn nhận được điều gì từ T.N.!
2.
Khi Đỗ Sinh Huy chở tôi tới café Đá (?) ngó vào công viên dinh Độc Lập cũ, mưa lớn. Nắng lụa không còn rù rì quanh vườn cổ thụ và, khu building liền vách Nhà thờ Đức Bà, bên tay trái. Dù vậy, những cơn mưa bất thường của Saigon (chưa bước vào mùa hè), cũng đã cắt thành phố, xế trưa, thành từng mảng hiềm khích. Phân ly. Như bóng tối bất trắc và, ánh sáng liu điu những trốt nắng, gió quay mòng, kín kẽ mỗi cuộc đời. Mỗi chúng ta.
Thịnh kể tôi nghe hơn nửa đời dạy toán, lê lết, kèm thêm, kiếm sống. Việt, trước sau im lặng với nụ cười thấp thoáng trẻ thơ, đâu đó, nỗi buồn, kín. Huy nói, khu building mới, giáp đuôi Nhà thờ Đức Bà là nơi Huy có ít năm giữ vai trò phó giám đốc cho một công ty nước ngoài; trước khi trở về sở cũ với vai trò giám đốc, cho tới ngày Huy quyết định, hưu sớm.
Lê Đình Kim Ánh và chú Lê
Đó cũng là lúc Huy kể những lần Ánh bất mãn bố, bỏ nhà, đến ở với tôi… Ký ức của Huy về những ngày niên thiếu mạch lạc, tươm tất hơn tôi tưởng... Tuy nhiên, tôi nghĩ, có thể Huy không biết, đó cũng là thời gian tôi cho Ánh ra Huế - - Ngay sau khi Ánh đỗ tú tài phần nhất - - Như một phần thưởng xứng đáng, tôi có thể dành cho Ánh.
Chọn Huế, cho chuyến “viễn du” đầu đời Ánh, với tôi, mang ý nghĩa một công hai việc. Tôi muốn trở lại Chợ Mai. Tôi muốn gặp lại H.T. Tôi muốn có thêm những buổi tối mùa hè, ngồi thả chân, trên bậc thềm chao chát quá khứ sứt, mẻ của mạ J. Nơi duy nhất, sau nhiều năm, tôi biết tôi sẽ hưởng được… “hương đêm.”
Thật vậy. Nếu Huế là một nốt lặng lớn nhất trên khuôn nhạc quá khứ vàng son nghiêm cẩn, khiến bất cứ một ồn ã nào, cũng có thể bị coi như một phỉ báng thâm cung thì, Chợ Mai của H.T. (bên lề di tích), lại chính là cõi thời gian được thảnh thơi, an nghỉ.
Những đêm hè ở Chợ Mai, 1973, cùng H.T., J., Xưởng, Sáu và Ánh, chúng tôi ngồi thả chân, trên bậc thềm chao chát quá khứ sứt mẻ của mạ J., bao lần tôi muốn kể với họ, những đêm hè quê tôi, khi chiến tranh chưa hiện ra: Lạ lẫm. Thần chết… Tôi cũng từng ngồi như thế…
Trên bậc tam cấp của tòa nhà chính, trong ánh sáng ngọc của trăng thơm, các anh tôi dậy tôi và chị T. tôi, chơi trò chơi “Nu Na Nu Nống”… Chúng tôi di chuyển tay mình trên đùi những người ngồi cạnh. Hát hết bài, khi bàn tay ngừng trúng đùi ai, người đó bị phạt…
Tới giờ, tôi vẫn nhớ điều khiến tôi không kể chuyện mình vì, tuy không chú ý, tôi vẫn bị cuốn đi bởi hương cau, trên cao thả xuống!
Điều khiến tôi không kể chuyện mình vì, tuy không chú ý, tôi vẫn bị hương ngâu, hương mộc… đâu đó, quanh hồ nước nơi vườn trước, thả tôi vào giữa chiếc nôi yêu thương, thơm thảo nghìn năm, lui gót…
Đêm hè, với Ánh và HT, ở Chợ Mai, 1973, tôi lại nhớ những tối Saigon, trước giới nghiêm, một mình, trong quán, tôi từng phải ôm lấy ngực mình bởi “Dạ Lai Hương”:
“Đêm thơm như một dòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà
Hiu hiu hương tự ngàn xa, bỗng quay về
Dạt dào trên hè, ngoài trời khuya.
Đường đêm sao yên vui, người đi quen lối,
Tình trai nở bốn phương trời
Đàn em trong cơ ngơi,
Nhờ đêm đưa tới những ai làm ngát hoa đời.
Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!
Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!...” (4)
(Thêm một điều tôi cố gắng không nói ra, không phải với mọi người, chỉ riêng với H.T:
“Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!..”)
.
Đó là giai đoạn của những câu thơ:
“khi về hồn lụn bấc thêu
những chân cỏ sớm vàng rêu áo người
nhang tôi thắp nén đưa đời
phố rưng rưng cũ, thềm chưa nguôi, thềm
dấu chim trên phiến tượng buồn
thành sâu vết nứt, vệt sương lá ngoài
tưởng người sau mỗi cơn vui
khuya hiên áo cởi, vẫn đôi giày, còn…” (5)
Và:
“…về thôi, buồn đủ gối đầu
tay thơm ấp mặt tóc sầu vắt ngang
về thôi, biển đã an phần
nhân gian xa, sự chết gần gũi ta
về thôi, nỗi nhớ lập lòa
núi chia cô quạnh, dốc đà chia vui
về thôi, người đã cuối trời
đất thu da thịt, nước hồi máu, xương
về thôi, hồn đã lên đường
bóng hiu hắt bỏ một phương tù đầy
về thôi, mộng đã chín muồi
vết thương rách miệng, mặt đời lấm lem
về thôi, trăng ngủ dưới triền
sóng lao xao dội tự miền tịnh yên…”
(Khi ở cửa Thuận An) (6)
.
Trở lại Saigon, một buổi trưa, tôi tạt ngang tòa soạn Văn, lãnh nhuận bút, đúng lúc thầy cò Gia Tuấn vừa sửa xong “morasse” lần chót bài thơ. Trần Phong Giao thẩy tôi bản vỗ còn ướt:
“Mày có muốn coi lại?”
Tôi chưa kịp trả lời thì nhà văn Mai Thảo, ngồi bàn ngoài, ngưng viết, đón lấy. Đọc. Ông hỏi tôi, phải mới đi Huế? Tôi đáp:
“Vâng.”
Ông bảo:
“Sao buồn thế?”
Rồi ông kể (lần thứ nhất), nhiều năm trước, “đơn thương độc mã,” ông ra Huế, gặp cha mẹ nữ ca sĩ H.Th., để xin… cưới hỏi cô! Cha mẹ người ca sĩ tài, sắc một thời kia choáng váng. Bất ngờ! Ông bà không hề chờ đợi có ngày, một ông… “Bắc kỳ” lạ huơ, lạ hoắc, trên trời rớt xuống, gõ cửa nhà, hỏi cưới con gái mình!…
- Chuyện không thành?
- Hẳn nhiên.
Dù tác giả “Đêm giã từ Hà Nội” trước khi rút lui, để lại cam kết:
“Nếu được sự chấp thuận của hai cụ, chúng tôi sẽ xin đưa bố mẹ chúng tôi ở Saigon ra đây, để chính thức nói chuyện với hai cụ…!”
Nếu không có câu chuyện vừa kể, chắc chắn bài thơ trên, đã không có câu tôi ghi thêm phút chót: “Tặng M.T.” trước khi nó được in ra.
Không biết có phải vì lời đề tặng kia mà, lúc tôi ra về, Mai Thảo dặn vói theo:
“Lê đừng bắt chước tôi nhé!”
“Vâng. Tôi sẽ ghi nhớ!”
3.
Khi Nguyễn Xuân Thịnh chở tôi về khách sạn, cơn mưa dứt. Một đoạn đường Phạm Hồng Thái như tấm khăn trải giường màu đen, lùng nhùng. Nước. Nắng lụa thôi rù rì trên mặt sau vách tường New World. Dù vậy, bụi, xe, những cơn mưa bất thường của Saigon (chưa bước vào mùa hè), cũng đã cắt thành phố, buổi chiều, thành từng mảng hiềm khích. Phân ly. Như bóng tối bất trắc và, ánh sáng liu điu những trốt nắng, gió quay mòng, kín kẽ mỗi cuộc đời. Mỗi chúng ta.
Tôi đứng nhìn theo ba người bạn trẻ, một thời, của tôi, tan theo dòng xoáy. Tự hỏi, liệu chúng tôi còn có thể cho nhau, một ngày Saigon, khác? Một ngày Saigon, có Ánh? Có những vắng mặt? Dù cho những trốt nắng, gió quay mòng, vốn kín kẽ mỗi cuộc đời!
- Mỗi chúng ta!
Du Tử Lê,
Garden Grove, May 2013).
………………………………………………………………….
(1), Thơ Du Tử Lê, Phạm Duy soạn thành ca khúc
(2) Thơ Du Tử Lê, Phạm Duy rồi Từ Công Phụng soạn thành ca khúc.
(3), (5), (6) Trích "Đời mãi ở phương đông", thơ DTL, Saigon, 1974.
(4) Theo Trang mạng dactrung.com, nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc này tại Huế, năm 1953.
Gửi ý kiến của bạn