Có chăng mùi hương trong tiếng đàn vĩ cầm Đan Thọ?

06 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 10674)
Có chăng mùi hương trong tiếng đàn vĩ cầm Đan Thọ?

Đan Thọ, Tiếng Vĩ Cầm, Mùi Hương và, Kỷ Niệm.


Nhìn lại sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam, một số nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc di cư khổng lồ của hơn một triệu người miền Bắc vào Nam, đã thổi ngọn lửa đổi mới, rực rỡ lớn cho sinh hoạt VHNT ở vùng đất trù phú, êm ả này.


Một số người khác, lại ví von rằng, sự thay da đổi thịt của sinh hoạt văn nghệ miền Nam, tựa như một cuộc cách mạng quyết liệt, lay động, đổi thay tận gốc rễ sinh hoạt văn nghệ của miền đất mới.

Ở lãnh vực tân nhạc, người ta ghi nhận sự xuất hiện của hàng hàng, lớp lớp những tác giả trẻ mà, Trịnh Công Sơn, được coi là một hiện tượng đặc biệt. Bên cạnh đó, những tên tuổi khác như Nguyễn Đức Quang, Anh Việt Thu, Vũ Thành An, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên… đã đóng góp phần của họ, để làm thành cái được gọi là “đợt sóng mới”. Đó là thế hệ nhạc sĩ khởi nghiệp ở điểm mốc giữa hoặc cuối thập niên 1960s.  

DanTho_600
Nhạc sĩ Đan Thọ (trái) và nhà thơ Du Tử Lê (Hình: HanhTuyen)



Tuy nhiên, thực tế, những “đợt sóng mới” này vẫn không thể làm lu mờ, hay đẩy lùi sự chói lòa những tên tuổi lớn thuộc thế hệ tiền chiến hoặc, khởi nghiệp từ những năm đầu thập niên (19)50 như Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Tuấn Khanh, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Nguyễn Văn Đông, Nhật Bằng v.v… tiếp tục hiện diện ở miền Nam. Phải chăng đó là một trong những điểm đặc thù của dòng tân nhạc miền Nam 20 năm?

Giống như lãnh vực thi ca, khi một nhạc sĩ thuộc thế hệ trước 1954 đã định hình thì, vị trí của họ là vị trí bất biến. Kể cả những nhạc sĩ có số lượng tác phẩm không nhiều lắm. Nhưng, nếu ca khúc của họ, đã được quần chúng đón nhận thì chúng là những viên ngọc bất hoại. Đó là những tác phẩm đã vượt qua được vạch phấn thời gian. Sống còn sau thử thách bởi những ngọn lửa vùi dập, lãng quên mau…

Nằm trong trường hợp vừa kể, ở lãnh vực thi ca, người ta thấy có nhiều thi sĩ chỉ cần để lại cho đời một bài thôi, cũng đã đủ thành bất tử. Tỷ như Vũ Đình Liên với bài thơ “Ông Đồ Già”; Hữu Loan với “Mầu Tím Hoa Sim”… Về phía tân nhạc, chúng ta có một Nguyễn Văn Tý với “Dư Âm”. Một Nguyễn Văn Khánh với “Nỗi Lòng”. Một Lê Hoàng Long với “Gợi Giấc Mơ Xưa”. Một Vũ Thành với “Giấc Mơ Hồi Hương” hoặc, một Hoàng Dương với “Hướng Về Hà Nội”…

Hiện tượng này, cũng ứng hợp với nhạc sĩ Đan Thọ - - Tác giả của hai ca khúc đã sớm trở thành những viên ngọc quý của kho tàng tân nhạc miền Nam. Đó là ca khúc “Tình Quê Hương” phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên và, “Chiều Tím” lời của Đinh Hùng.  

(Theo tư liệu của Hồ Đình Vũ, với 1 bản nhạc lẻ “Chiều Tím”, in tại Saigon tháng 6 năm 1968, có ghi rõ: “Chiều Tím, nhạc và lời Đan Thọ - Đinh Hùng”. Theo lời kể của nhạc sĩ Đan Thọ thì, ở phần ca từ lời hai, Thi sĩ Đinh Hùng đã viết ngay phần mở đầu:

“Từ đấy đàn nhớ thanh âm trùng dây vĩ cầm…” trước khi dòng nhạc đi tiếp với những lời thật đẹp, như thơ, nồng nàn hương tình yêu mà tiếng đàn vĩ cầm của Đan Thọ giữ được và, gửi vào tâm hồn người thưởng ngoạn:


“Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi...

Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn... mùi hương chưa phai
Ý giao hòa người nhớ chăng?

Mây gió... bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo... vấn vương

Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...” (2)


Căn cứ theo tiểu sử do website Đất Việt.com ghi lại thì, nhạc sĩ Đan Thọ sinh năm 1924 tại Nam Định. Ông sở trường Violon và Saxophone Tenor. Từ năm 1936 tới 1942, ông học chữ và nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas d’ Aquin (Nam Định). Thầy dạy violon là Frère Maurice. Sau đấy, từ năm 1942 tới 1945, ông học hòa âm, và sáng tác với giáo sư Tạ Phước cùng Vũ Đình Dự. Ngay trong năm 1945, ông đã được mời chơi đàn violin tại phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Nam Định). Từ năm 1948 tới năm 1954 ông gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hiền…

Hai nhạc phẩm đầu tay của ông (sáng tác chung với cố nhạc sĩ Nhật Bằng), nhan đề “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Đô” sáng tác năm 1952. Năm 1956, ở Saigon, ông trở lại học thêm về kèn Saxophone với Quân-Nhạc- trưởng Schmetzler và nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali. Năm 1954 tới 1956, khi ban quân nhạc di cư vào Nha Trang, ông sáng tác ca khúc bất tử “Tình Quê Hương…

Năm 1956 và 1961, với tư cách Trưởng Ban Nhạc Nhẹ của Đài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Đội ông được cử vào phái đoàn nghệ sĩ của miền Nam, đi trình diễn tại Bangkok và Manila.

Như một số nhạc sĩ cùng thời với mình, hằng đêm, nhạc sĩ Đan Thọ trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường… Ông cũng thu thanh tiếng đàn vĩ cầm của ông cho các đài phát thanh và, vô tuyến truyền hình quốc gia.

Được con bảo lãnh qua Hoa Kỳ, tháng 3 năm 1985, ông có nhiều năm định cư tại miền Nam California. Trước khi di chuyển về lại thành phố New Orleans và, hiện nay là Houston, Texas.

Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer. Bên cạnh đó, ông còn có thêm một thú vui êm đềm khác là nuôi chim hoàng anh.

Bản chất vốn chí tình, cởi mở với bằng hữu, tác giả “Chiều Tím” không ngần ngại truyền thụ nghệ thuật nuôi chim hoàng anh,  cho bất cứ ai có ý muốn bước vào thú nuôi chim tại nhà, nhẹ nhàng kia. Hơn thế nữa, để khuyến khích, ông cũng sẵn sàng tặng cho bằng hữu, những cặp chim hoàng anh tốt nhất, ra đời từ “trại hoàng anh tại gia” của ông. (3)

Tôi không biết tác giả “Tình Quê Hương” có tìm thấy mối tương quan nào chăng giữa tiếng hót của chim hoàng anh và, tiếng vĩ cầm sớm đi vào ca khúc của ông? Nhưng, tôi trộm nghĩ, cách gì thì nơi thẳm sâu tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa, nặng lòng với quê hương này, vẫn mãi là:

“… Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...”


Đan Thọ - Khi ‘chùm dây vĩ cầm’ nổi trôi theo vận nước lênh đênh

Bản chất tác giả “Tình Quê Hương,” là một người chọn cho mình một đời sống ngăn nắp, nghiêm chỉnh. Nhưng cũng như nhiều người khác, định mệnh cá nhân tức biệt nghiệp và, định mệnh chung của đất nước, tức cộng nghiệp, đã ném người nhạc sĩ tài hoa Đan Thọ vào những gập ghềnh thời sự gió bão!

dantho-doanquocsy-content
Đan Thọ và Doãn Quốc Sỹ ở Houston, 2006 (amnhac.fm)

Trong một bài phát thanh trên đài VOA vào trung tuần tháng 3 năm 2003, nhà báo Trường Kỳ đã ghi nhận khá đầy đủ về phần đời trôi nổi của nhạc sĩ Đan Thọ. Qua trích đoạn dưới đây, những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của Đan Thọ, mới được biết thêm rằng, tác giả “Chiều Tím” không chỉ nổi tiếng như một vĩ cầm thủ mà, ông còn nổi tiếng với tiếng kèn saxo và nhạc Jazz nữa:

“Trong lãnh vực vũ trường, Đan Thọ là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu nhất. Trước ngày đất nước chia đôi, ông đã từng với nhạc sĩ Nguyễn Túc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông đã được mời cộng tác ngay với vũ trường ‘Grand Monde’ tức ‘Đại Thế Giới’. Năm 57 ông qua vũ trường Đại Nam cộng tác với ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.

“Đến năm 62, vì lệnh cấm khiêu vũ nên ban nhạc này đổi qua trình diễn nhạc Jazz với một thành phần gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Đối với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là một điều mới mẻ. Do đó ban nhạc của vũ trường Đại Nam đã lôi cuốn được rất nhiều người đến thưởng thức.

“Một thời gian sau ông về vũ trường ‘Croix Du Sud’, sau đó đổi tên là ‘Tự Do’. Tại đây ông cộng tác với các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba, vv… Sau đó ông được giải ngũ vào năm 1969 để sang cộng tác với vũ trường Mỹ Phụng cho đến năm 72 và sau đó là phòng trà Bồng Lai.

“Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều năm, bóng dáng Đan Thọ với cây vĩ cầm hoặc với cây kèn saxo đã là một hình ảnh quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm (…)

“Sau năm 75, Đan Thọ cộng tác với ban nhạc của Đoàn Kịch Nói Kim Cương gồm trên 10 nhạc sĩ. Trong đó, ngoài ông, còn có những nhạc sĩ Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Phạm Văn Phúc, Đài Trang, Đặng Văn Hiền, vv… Ông từng cùng với Đoàn Kịch Nói Kim Cương ra Hà Nội trình diễn vào năm 1980 trong vòng một tháng với nhiều thành công tốt đẹp.

“Trong thời gian còn ở lại Việt Nam, ông đã cùng với ban nhạc này đi diễn ở nhiều nơi như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, vv… Cho đến năm 80 ông quyết định xin nghỉ. Có thể nói đúng hơn là nhạc sĩ Đan Thọ đã không còn tìm thấy được nguồn vui trong nghệ thuật sau khi ông ngưng cộng tác với đoàn Kim Cương vào năm 1980, để sau đó ông dành cả thì giờ của mình cho gia đình cùng với thú nuôi chim của ông và đã từng đoạt giải thưởng…” (dongnhacxua.com) (4)

Với những người bị kẹt lại Saigon, sau biến cố 30 tháng 4-1975, đều hiểu rằng, để có được một việc làm không thôi, khoan tới tới việc làm có dính dáng gần xa tới chuyên môn hay nghề cũ của mình, nó khó khăn không kém gì đường lên… trời…

Vậy mà tác giả “Tình Quê Hương” đã quyết định dứt bỏ công việc phù hợp hoàn toàn với nghề cũ của ông.

Cá nhân tôi cho rằng, đó là một quyết định liều lĩnh, can đảm. Phần nào, nói lên tư cách của người nhạc sĩ tài hoa này, trong thời điểm ngặt nghèo bi kịch của đất nước. Một chọn lựa không phải ai cũng có thể làm được, khi ở vị trí của ông.

“Tuy không còn đi lưu diễn nhưng Đan Thọ chưa có thể xa rời sân khấu. Mặc dù sống dưới những sự đổi thay của xã hội, nhưng thời gian này đối với ông có những kỷ niệm khó quên. Cùng với nhạc sĩ Cao Phi Long và một số nhạc sĩ khác như Trí, Hòa, vv…, ông được mời cộng tác với vũ trường Maxim’s ở trên lầu.

“Tại địa điểm này Đan Thọ và các nhạc sĩ trong ban đã khiến khán giả thích thú với nghệ thuật trình bầy loại nhạc Zigane, trong số có rất nhiều khán giả người ngoại quốc thuộc các nước xã hội chủ nghĩa. Đêm cuối cùng trước khi ngưng cộng tác với Maxim’s để ngày hôm sau rời khỏi Việt Nam, phái đoàn Hungary thường đến nghe ban nhạc của ông biểu diễn đã mang hoa lên tặng ông và hôm sau còn đến tận nhà ông tặng thêm, vì ban nhạc thường đàn bài ‘Danse Hongroise No 5’ của Brahms rất được người Hungary ưa thích…” (5)

Tôi trộm nghĩ, có dễ trong số những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Đan Thọ, cũng ít ai biết ngoài vĩ cầm, đã trở thành một thứ ID, thẻ nhận dạng tài hoa Đan Thọ, ông còn là một hảo thủ nhạc Jazz, một lãnh vực âm nhạc, tương đối xa lạ với người Việt thời trước tháng 4-1975.

Cũng nhờ tiếng saxo (trái tim đằm thắm nhất của nhạc Jazz) mà, nhạc sĩ Đan Thọ cùng gia đình, trên nguyên tắc, từ trại tỵ nạn, sẽ đi định cư tại vùng Hoa Thịnh Đốn, do hồ sơ bảo lãnh bởi em người bạn đời của ông thì, cuối cùng, ông đã được phái đoàn Mỹ cho ông đổi từ Washington DC về New Orleans, chiếc nôi nhạc Jazz của thế giới.

Tuy được New Orleans, quê hương nhạc Jazz chào đón, như một đứa con thương yêu trôi dạt tới từ bên kia Thái Bình Dương; nhưng vì nhớ bạn, nhớ không khí vũ trường, hai nhu cầu sinh hoạt tinh thần quan trọng một đời mình, cuối cùng nhạc sĩ Đan Thọ lại di chuyển về miền nam California.

Tại miền đất ấm này, người nhạc sĩ gương mẫu của gia đình, đằm thắm với bằng hữu, dù đã bước qua tuổi 60, vẫn ban ngày, đi làm, cuối tuần, cùng một số bằng hữu thân thiết từ thời Việt Nam, ông trở lại sân khấu với cây violin và saxo cho vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.

Tiếng vĩ cầm cũng như saxo của ông, không chỉ làm thức dậy những kỷ niệm một thời Saigon của những khách chơi lịch lãm thuở xưa mà, còn trải những thảm hoa rung động, lắng xuống chiều sâu tâm hồn lớp khách trẻ nữa.

Năm 1995, nhạc sĩ Đan Thọ tuyên bố giải nghệ trong một buổi sinh hoạt văn nghệ đặc biệt tại Vũ trường Ritz. Ông cho biết, sự cống hiến một đời cho âm nhạc của ông, tới thời điểm đó là quá đủ. Tuổi tác, sức khỏe không cho phép ông “trụ” lâu hơn trên sân khấu, dưới ánh đèn màu.

Cuộc chia tay với sân khấu và ánh đèn của tác giả ca khúc “Tình Quê Hương” gây xúc động sâu xa cho hàng trăm tân khách. Khi màn nhung khép lại, bóng tối nhạt đi, chuyển dần sang ngày kế tiếp, một không khí bùi ngùi, bịn rịn đã diễn ra giữa người nhạc sĩ tài hoa và, các tân khách tưởng chừng không có phút chấm dứt!…!

Nhưng cùng lúc đó, ở một nơi khác, trong căn nhà ngăn nắp thuộc thành phố Garden Grove, có một người phụ nữ vẫn chong đèn đợi chồng về. Đó là người bạn đời của tác giả “Chiều Tím.”


Đan Thọ, “những hạt giống đất trời trong tâm hồn nhiều thế hệ.

Nhắc tới người phụ nữ mấy chục năm liên tiếp, chong đèn cuối khuya, đợi chồng - - Bà Đan Thọ, trong một bài viết về bà, cố nhà báo Trường Kỳ đã ghi nhận như sau:


“Nhớ lại khoảng thời gian dài hoạt động không ngưng nghỉ của người chồng nghệ sĩ, bà Đan Thọ cũng đã phải khâm phục sức làm việc của ông. Điều đó cũng đã chứng tỏ được sự thông cảm lớn lao của bà khi Đan Thọ dấn thân vào con đường phục vụ âm nhạc.

“Đáng ghi nhận hơn cả là thời gian ông còn ở Sài Gòn: ‘Chưa bao giờ ông ấy có mặt ở nhà trước 2 giờ sáng… Từ sáng cho đến 2 giờ đêm, ông ấy ở đâu chứ không ở nhà’. Với một vẻ âu yếm, bà nói thêm ‘Ông ấy muốn làm gì ông ấy cứ việc làm, nhưng mà 2 giờ tôi cứ ngồi đợi cửa. Không bao giờ tôi đi ngủ trước, mấy chục năm như vậy. Thành ra ông ấy đâu có dám đi đâu vì biết tôi ngồi đợi cửa mà!’ Lời kể của bà Đan Thọ.

“Một điều không ai ngờ là trong suốt quá trình hoạt động của Đan Thọ, hầu như chưa hề ai thấy mặt vợ ông tại vũ trường cũng như tại các đài phát thanh ông cộng tác. Hai vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ hiện đang hưởng những chuỗi ngày nhàn hạ, nương tựa nhau trong lúc xế chiều tại Houston với sự thường xuyên liên lạc hay gặp gỡ con cháu từ Tampa đến Houston.

“Khá nhiều bạn bè nghệ sĩ cùng thời với ông đã nhắm mắt xuôi tay. Riêng Đan Thọ còn đây trong những buổi chiều tím của cuộc đời. Chắc hẳn người nhạc sĩ lão thành đang mỉm cười mãn nguyện với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác và nhất là một nhạc sĩ trình diễn bên cạnh cây vĩ cầm, giờ đây đã im tiếng. Còn chăng chỉ còn là vang vọng dư âm của những ngày xưa cũ…” (6)

Tôi vẫn nghĩ, nếu có những “im tiếng” hiểu theo nghĩa bặt tăm, như lẽ tự nhiên của một đời người thì, quanh đời sống ta, cũng có những “im tiếng” nghịch lý. Tôi muốn nói tới những trường hợp chính sự “im tiếng” về phương diện thực tế ấy, lại giúp cho những tiếng nói khác sáng lên. Đằm thắm hơn. Rực rỡ hơn. Ý nghĩa hơn. Và, vì thế, những tiếng nói khác đó, lại nhận được nhiều hơn, những biết ơn, từ phía đám đông: Những người đứng ở mặt bên kia của sự “im tiếng.”


Cụ thể, ta thấy sự “đi xa” của các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Trần Thiện Thanh, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Quang v.v… khiến khi nghe lại sáng tác của họ, dường như ta thấy chúng hay hơn, cảm động hơn… Tâm lý này cũng đến với những người hôm nay, đọc lại thơ của những tên tuổi như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Mai Thảo…

“Trùng dây vĩ cầm” của chúng ta, khác hơn. Ông hiện còn và, có thể sẽ còn ở với những người yêu ca khúc của ông, nhiều chục năm nữa. Nhưng “Chiều Tím”, “Tình Quê Hương” là hai ca của ông, sẽ lấp lánh, ngọt ngào hơn, khi tiếng vĩ cầm của ông đã không còn vang dội đêm thâu…

Tôi nghĩ, nói tới thơ phổ nhạc là nói tới tính gắn bó giữa thi ca và âm nhạc, như một cặp song sinh có chung một định mệnh. Hầu như, các nhạc sĩ của chúng ta, chí ít cũng đôi lần tìm đến thi ca, như tìm đến người tình lý tưởng, trong định mệnh âm nhạc của đời họ.

Lại nữa, nếu có những bài thơ đã được một nhạc sĩ nào đó, soạn thành ca khúc thì, điều đó, không có nghĩa là sẽ không có một hay nhiều nhạc sĩ khác tìm đến, để thi triển võ công mình. Nhưng, vẫn theo tôi, lịch sử thơ phổ nhạc của chúng ta cũng cho thấy, có những bài thơ một khi đã trở thành ca khúc thì không còn một nhạc sĩ nào muốn tìm tới nữa. Nếu đó là một phối ngẫu tuyệt hảo giữa thơ và nhạc. Điển hình như không một nhạc sĩ nào còn muốn thi thố võ công của họ với “Ngậm Ngùi”! Khi lục bát Huy Cận đã bị Phạm Duy “chặn cửa”. Hoặc một “Chiều”, thơ 5 chữ của Hồ Dzếnh, “đã bị Dương Thiệu Tước, “chặn cửa”. Mộng Dưới Hoa” thơ 7 chữ của Đinh Hùng, đã bị Phạm Đình Chương… “Khóa sổ.”

Tại sao? Câu trả lời có dễ vì những kết hợp kia không chỉ đạt tới mức cao nhất của một hôn phối tuyệt hảo mà, mỗi nốt nhạc của những tài hoa vừa kể đã nhập được vào hồn riêng của từng con chữ thi ca.

Câu trả lời này, cũng giải mã phần nào sự ngừng chân, đứng lại của các nhạc sĩ khác trước “Tình Quê Hương” của Đan Thọ.

Đan Thọ phổ nhạc thơ, hoặc hợp tác với một thi sĩ để làm lời, vốn không nhiều. Nhưng nếu:

Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian
Mây bay quan san, có hay?

Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi

Lúc chia tay còn nhớ chăng?

Ai nhớ... mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu nhìn mây tím... nhớ nhau
...

Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao
...” (7)

Cho thấy giai điệu đã choàng thêm nhiều vòng hoa lãng mạn cho gốc cây lãng mạn của ca từ (như thơ); đưa niềm thương nhớ tới những chân trời bát ngát hoa bay, cùng vầng trăng xa xôi và, dòng sông trôi đi, mang theo mọi hy vọng của lời thề nguyền lúc chia tay của đôi tình nhân… Thì ở ca khúc “Tình Quê Hương”:

Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa.
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ.

Quê em nghèo, cát trắng,
Tóc em lúa vừa xanh.
Anh là người lính chiến,
Áo bạc màu đấu tranh .

Em mời anh dừng lại,
Đêm trăng ướt lá dừa,
Bên nồi khoai mới luộc,
ngát hương vườn ngâu thưa
Em hẹn em sẽ kể:
Tình quê hương đơn sơ

Mẹ già như chiều nắng,
Nhớ con trai chưa về,
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tằm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạn

Quê nghèo thêm xác xơ…” (8)

Lại hiến tặng cho người nghe một giai điệu thiết tha khác. Cái thiết tha thắm đậm tính chất đơn sơ của khung cảnh thôn dã. Cũng là “đêm trăng” cũng là “lời hẹn”, cũng là “hương thơm” một tình yêu… Nhưng đó là “Đêm trăng ướt lá dừa” và, “bên nồi khoai mới luộc”. Cũng là “Em hẹn em sẽ kể” - - Nhưng đó là lời hẹn kể về một tình yêu hay “Tình quê hương đơn sơ” (?) Và, cũng là “ngát hương”, nhưng đó là hương của “vườn ngâu thưa”- - Không phải là mùi hương trong hồi tưởng… “tìm trong tiếng đàn... mùi hương chưa phai” (ở Chiều tím).

Đó là hai khía cạnh đời sống tinh thần, vốn luôn hiện hữu trong tâm hồn dân tộc Việt. Nhưng sự khác biệt của hai ca khúc này, giống như trời và đất!.

Bằng vào tài hoa của mình, nhạc sĩ Đan Thọ đã thả những hạt giống “trời/ đất” kia sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ.


Du Tử Lê
(Garden Grove, July 18-2013)

________
Chú thích:
(1) Trích lại từ Wikipedia.
(2) Dactrung.com
(3) Một trong những người nhận được sự hướng dẫn và cung cấp chim hoàng anh là nguyên luật sư Đỗ Xuân Hòa, thời họ Đỗ còn mở văn phòng chuyên về pháp lý ở khu phở Nguyễn Huệ, đường Bolsa, thuộc thành phố Westminster, nam Cali.

(4), (5), (6), (7), (8) Nđd.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 21479)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
22 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 16145)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
29 Tháng Năm 202412:00 SA(Xem: 17808)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
24 Tháng Tư 202412:00 SA(Xem: 10504)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
29 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 19037)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
14 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 13909)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
12 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 20589)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
02 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 10151)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
21 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 35211)
Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.
27 Tháng Tư 20239:42 SA(Xem: 6810)
Nói cách khác, theo tôi, Vĩnh Quyền nhà văn đã vượt trên chính mình. Điều không dễ với khá nhiều người cầm bút, còn lại.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21479)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16145)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17808)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10504)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19037)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5313)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 2006)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2614)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2383)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23714)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20159)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8997)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10097)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9363)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12560)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 32005)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21642)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26815)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24209)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23019)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21155)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20296)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17803)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16859)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26130)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33409)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35683)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,