Hồi nào giờ, tôi vẫn nghĩ, dường như mỗi người Việt yêu dân tộc, yêu đất nước mình, tùy cơ duyên, thường chọn cho họ cách biểu tỏ xứng hợp nhất. Người này chọn một đời làm cách mạng. Người khác chọn một đời hiến thân cho khoa học, kinh tế, xã hội, văn hóa, hay tranh đấu cho nhân quyền, v.v…
Trường hợp nhà thơ Đỗ Quí Toàn, theo ghi nhận của cá nhân tôi, ông đã chọn một đời xiển dương tiếng Việt. Hay, một đời nỗ lực phát triển, sáng danh tiếng mẹ đẻ!
Nhà thơ Đỗ Quí Toàn (phải) và Du Tử Lê (2013)
Tôi không có tham vọng vào sâu những tiềm năng đặc biệt khác, như nhận định vừa nêu của một số người, về trường hợp Đỗ Quí Toàn, một người yêu dân tộc, yêu đất nước mình. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Từ tình yêu tiếng Việt bất biến nơi ông, nên, dù đã bước qua tuổi bảy mươi, với bút hiệu Ngô Nhân Dụng, ông vẫn không ngừng nỗ lực phát triển và, sáng danh tiếng Việt, qua tác phẩm mới nhất “Đứng Vững Ngàn Năm” (1)
Ngay khi mới phát hành, cuốn sách đã có được nhiều đón nhận nồng nhiệt từ độc giả. Một trong những nhận định sớm sủa, tạo được nhiều chú ý là bài điểm sách của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. (2) Mở đầu bài viết, họ Nguyễn nhấn mạnh:
“Là một dân-tộc bị đánh bật ra khỏi đất tổ của mình, không lạ là nhiều người Việt từ năm 1975 đã tìm cách ‘về nguồn’ để xem ta từ đâu đến và đang đi về đâu? Chỗ đứng của ta đối với quê hương, đồng-bào, tiền-đồ dân-tộc?
“Nhà văn-nhà thơ Đỗ Quý Toàn, người được biết dưới tên Ngô Nhân Dụng khi ông viết xã-luận cho báo Người Việt ở Cali, cũng vừa làm một nỗ lực như vậy khi ông cho in cuốn sách đồ sộ của ông, ‘Đứng vững ngàn năm’ (Nhà xb Người Việt), có tiểu-tựa là ‘Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc.’ Với gần 500 trang khổ lớn, chữ nhỏ, đây không phải là một cuốn sách ta có thể đọc lướt qua được. Nhưng tôi đã đọc với nhiều thích thú bởi gần như trang nào trong sách của ông cũng mang đến cho ta những thông tin mới hay những nhận-định sâu sắc, độc-đáo dựa vào những kết-quả rất đáng kể của ngành sử-học, xã-hội-học, khảo-cổ-học mà ta đã thụ đắc được trong gần 100 năm qua, kể từ quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. (3)
Nhận định của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích có nhiều điểm rất đáng lưu ý, như:
- Đó là một “cuốn sách đồ sộ” vì độ dày cũng như số chữ…
- “…Đây không phải là một cuốn sách ta có thể đọc lướt qua được.”
- (Vậy mà) ông “..đã đọc với nhiều thích thú…”
Ngoài những yếu tố tác giả bài điểm sách lý giải cho sự “thích thú” của ông, cá nhân tôi, sau khi đọc “Đứng Vững Ngàn Năm” (ĐVNN) chợt nghiệm thấy:
- Sự lối cuốn của tác phẩm biên khảo này, còn do nơi văn phong trong sáng, giản dị và, nhất là tính hài hước, dí dỏm của tác giả. Theo tôi, đây là hai yếu tố quan trọng, bên cạnh những giá trị tự thân của tác phẩm. Nếu thiếu vắng hai yếu tố đó, tôi nghĩ, nhiều phần, ĐVNN không phải là cuốn sách dễ đọc.(4)
Nhưng từ đâu mà Ngô Nhân Dụng có được văn phong trong sáng và giản dị kia? Nếu không phải từ tình yêu tiếng Việt nồng nàn - - Ngọn hải đăng dẫn đường, chói chan một đời tác giả?
Về tính hài hước, dí dỏm hay châm biến, theo tôi, là một trong những đặc tính của dân tộc Việt. Nếu người Việt không có tinh thần trào phúng, châm biến, tôi e dân tộc Việt khó tồn tại đến ngày hôm nay. (5)
Lại nữa, một nhận định quan trọng, lý thú được Ngô Nhân Dụng nêu lên lần đầu tiên, trong cuốn ĐVNN của ông, đó là:
- Chẳng những người Việt không bị đồng hóa mà, không ít người Trung Hoa, đã bị đồng hóa bởi người Việt, khi họ bỏ nước Trung Hoa di tản qua Việt Nam, tránh loạn lạc, đói kém…
- Ở với người Việt lâu đời, sinh lòng cảm mến một dân tộc hiếu hòa, hiếu khách, lại thêm nhu cầu sinh tồn, lập gia đình với người Việt, nên những người Trung Hoa tỵ nạn đó, nghiễm nhiên trở thành người Việt lúc nào không hay. Rất nhiều người luôn cải chính, họ không phải là người Hoa. Họ là người Việt, sinh đẻ, trưởng thành trong xã hội, nề nếp phong hóa Việt… (6)
Du Tử Lê
(Kỳ sau tiếp)
----------
Chú thích:
(1) “Đứng Vững Ngàn Năm” Tiểu đề “Nhờ đâu nước Việt còn sau ngàn năm Bắc thuộc” do nhà xuất bản Người Việt, California, ấn hành tháng 7-2013. Tác phẩm sẽ được ra mắt lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 3 tháng 8-2013, tại phòng SH / NB Người Việt, đường Moran, thành phố Wesminster.
(2) Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích hiện cư ngụ tại vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
(3) Nguồn: Wikipedia –Bách khoa toàn thơ mở - Bản tiếng Việt.
(4) Điển hình, nhà báo và cũng là nhà thơ Ngọc Hoài Phương cho biết, mặc dù không có nhiều thì giờ đọc sách; chưa kể, giống như nhiều người khác, ông thường bị “dị ứng” với những cuốn sách biên khảo có độ dày nhiều trăm trang… Vậy mà ông đã say mê đọc ĐVNN từ chập tối, tới 3 giờ sáng… Khiến hôm sau, ông đã sai hẹn với ông…Ngô Nhân Dụng!
(5) Tôi vẫn nghĩ nếu đặc tính của dân tộc Anh là lạnh lùng thì, đặc tính của dân tộc Việt là trào phúng. Đó là một thứ vũ khí của kẻ yếu trước quân thù, kẻ mạnh. Thí dụ, khi dân tộc Việt bị quân Trung Hoa đô hộ thì, dân gian thời đó, đã có những danh từ đầy tính bỉ thử như “Tàu phù”, “Tàu ô” hoặc “Ba Tàu”… nhằm lố bịch hóa kẻ thù. Khi Pháp đặt ách thống trị lên dân tộc Việt thì, dân gian thời đó, cũng có những danh từ mang tính miệt thị như “Bạch quỷ”, “Tây Cà lồ”, “Tây Mũi Lõ”… Ngay khi quân Nhật tiến vào Việt Nam, giải giới quân Pháp, dù chỉ một thời ngắn, dân gian cũng có danh từ riêng, để chỉ họ: “Nhật Lùn.” (Dù cho thực tế, chưa hẳn người Việt Nam đều…cao hơn lính Nhật). Kịp khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam, lập tức, dân gian cũng có danh từ xách mé, gọi lính Mỹ là “Mẽo” v.v…
Chúng ta đừng quên, tác giả Ngô Nhân Dụng, thời trước 1975, với bút hiệu Đạo Cấy (do nhà văn Nguyễn Thụy Long đặt cho), đã từng phụ trách cột mục “chuyện phiếm” cho một số nhật báo Saigon. Tôi muốn nói, họ Đỗ được… cha ông di truyền máu… trào phúng một cách… khá “dư giật”!?!
(6) Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, khi được hỏi về nhận định này, tác giả ĐVNN đã nêu thí dụ cụ thể: Trước tháng 4-1975, ông có một người anh em thân là dịch giả Liêu Quốc Nhĩ. Mỗi khi có dịp đi chơi với nhau trong khu Chợ Lớn, dịch giả truyện Quỳnh Dao đều bẵng quên, ông vốn gốc người Trung Hoa. Khi được nhắc, ông trả lời, ông không phải là người Tàu. Ông là người Việt… (Xem thêm: “Du Tử Lê, ‘Một giờ với Liêu Quốc Nhĩ’, ” giai phẩm Văn, Saigon, chủ đề : “Hiện tượng sách dịch”. Số đề ngày 8 tháng 6 – 1973). Hoặc trang nhà www.dutule.com