Câu hỏi của Nguyệt Mai:
Kính thưa anh Đỗ Hồng Ngọc,
Em rất cám ơn anh đã kể cho nghe những giai thoại văn chương mà với ngòi bút duyên dáng của anh, những câu chuyện đó thật hay, sống động và thú vị. Em tin chắc rằng mọi người đều thấy thích, nên đề nghị anh tiếp tục kể thêm...
Thơ, nhạc và họa thường đi chung với nhau. Vậy lần này anh cho nghe chuyện của thi sĩ, nhạc sĩ và họa sĩ nhé. Cám ơn anh rất nhiều và hứa sẽ không làm "rộn" anh nữa đâu! (Nói giỡn với anh thôi, chứ có thắc mắc gì thì em sẽ hỏi tiếp).
Nguyệt Mai
Từ trái: Thân Trọng Minh, Hồ Hữu Thủ, Đinh Cường, Đỗ Nghê, Huy Tưởng
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) trả lời:
Quả tình tôi cũng có hơi ngại bạn đọc sẽ nhàm chán khi cứ nghe kể những chuyện… “bên lề” hoài thế này, nhưng Nguyệt Mai đã lại đặt câu hỏi và Du Tử Lê cũng nhắc… nên đành tiếp tục kể thêm một vài chuyện nữa cho vui!
* Về giới hội họa, tôi biết không nhiều. Chỉ thân quen với Cù Nguyễn, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Rừng, Lê Triều Điển…. Với họa sĩ Cù Nguyễn tuy quen biết anh đã lâu qua người bạn ấu thời của tôi là nhà văn Trần Yên Thảo (tác giả Mắc Cạn), nhưng phải nói “gần gũi” anh nhiều nhất là sau 75, lúc gia đình anh và Trần Yên Thảo bán sách cũ ở chợ trời sách đường Đặng Thị Nhu, nơi chiều chiều tôi vẫn lê la…
Nhưng hãy nói về Đinh Cường, một nhà thơ, à quên, một họa sĩ rất dễ thương mà chúng ta đều thân quen. Nhiều người biết Đinh Cường họa sĩ, mà quên Đinh Cường thi sĩ. Cho nên Tạp chí Quán Văn số 14 vừa rồi, số đặc biệt về Đinh Cường, có tiêu đề là “Đinh Cường, thi sĩ của hoài niệm” với nhiều bài viết của Huỳnh Hữu Ủy, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Doãn Quốc Sĩ, Đặng Tiến…
Với tôi, tranh Đinh Cường đúng là những bài thơ! Còn nhớ năm 1982, một thời kỳ quá đỗi khó khăn, Đinh Cường đã có một cuộc triển lãm “bỏ túi” – một cuộc triễn lãm “chui” thực sự - tại phòng mạch bác sĩ – họa sĩ Thân Trọng Minh, người bạn cùng khóa với tôi ở Quận 5. Thời đó làm gì có thể có một buổi triển lãm tranh “hoành tráng” ở Gallery Tự Do hay Hội mỹ thuật Thành phố như bây giờ! Triễn lãm tranh chui ở một phòng mạch bác sĩ dĩ nhiên ít người biết nhưng tranh Đinh Cường lại bán… đắt như tôm tươi! Vèo cái hết sạch! Không biết anh đã miệt mài vẽ từ bao giờ nhưng những bức tranh nho nhỏ đó đều rất thơ, vừa bay bỗng vừa ngậm ngùi! Giáo sư y khoa Nguyễn Đình Cát “ôm” về hai bức “lớn”, còn tôi cũng kịp “rinh” về được một bức nhỏ… , vẽ những gộp đá cheo leo ở Đèo Cả và những con chim tung tăng… Đinh Cường một hôm đến nhà tôi thăm lại… bức tranh, hình như anh hãy còn luyến tiếc! Năm 1993, khi tu nghiệp ở Boston, tôi phone Đinh Cường đang ở DC, anh gởi đến tôi mấy bức minh họa cho tập thơ và một bức tranh “Đỗ Nghê qua trí nhớ”, kèm mấy dòng chữ: “Đứng bên bờ vực Niagara, ngọn thác hùng vĩ nhất thế giới này, moa chỉ muốn tung mình xuống dòng thác… như con diều rơi cho vực thẳm buồn theo…, một câu hát của Trịnh Công Sơn:” Tôi hiểu cái “vực thẳm buồn theo” đó cũng là cái vòm cao “trắng một màu mây vạn vạn đời” (Vũ Hoàng Chương dịch Hoàng Hạc Lâu) mỗi khi người ta bỗng quay quắt tự hỏi: “tôi là ai mà còn trần gian thế?” (TCS).
Những lần anh về sau này chúng tôi vẫn thường có dịp gặp nhau, cùng Trương Thìn, Thân Trọng Minh, khi thì ở quán Faifo của nhà thơ Huy Tưởng, khi thì ở một quán café nào đó gần Gallery Tự Do của Sơn-Hà…
Có một chuyện vui nữa với Đinh Cường là hôm nọ, đến dự buổi ra mắt thơ ở nhà sách Phương Nam, tôi tình cờ ngồi gần một nhà thơ nữ rất xinh, tóc thề dáng cũ, suốt buổi cô chỉ toàn nói với tôi về Đinh Cường mới lạ! Cô gọi tôi bằng “chú” đầy… kính mến mà nhất định gọi Đinh Cường bằng anh thôi.
Thì ra Đinh Cường là một nhà thơ, mà nhà thơ thì không có tuổi!
Hôm qua, nhận được cái “meo” như thơ của Đinh Cường:
4.8.2013
thư gởi ĐHN,
bà
xã tôi vừa tìm quyển Như Thị đọc lại
tôi thì
nhớ 3 người bạn bác sĩ có đêm cùng ngồi ở quán
Faifo của Huy Tuởng
chắc ĐHN còn nhớ . mà nay đã mất
một người . Trương Thìn ơi ...
xem lại mái tóc
bồng như sông Lagi, nhớ mùa đông năm nào bạn qua
Harvard
bạn vẽ rất nhiều phác thảo đẹp
như văn
bạn
như câu trích lời một ca khúc nào của TCS...
như
minh họa của ĐTQuân.
Chúc an vui,
DC