Nhiều năm trước, nếu không nhớ lầm, tôi đã đề nghị Kiến Hoa / Võ Thành Đông, in thơ, sau khi được đọc một số thơ của ông.
Kiến Hoa-Võ Thành Đông
Tôi đề nghị, khuyến khích Kiến Hoa in thơ, không phải chỉ vì họ Võ nắm vững niêm, luật thi ca (yếu tố ắt phải có của một người làm thơ) (mà,) còn vì phong cách mới mẻ (yếu tố đủ), tôi thấy trong thơ của ông!
Hôm nay, sau hơn mười năm, đọc những bài thơ mới của Kiến Hoa trong tập “Ta có được kiếp này, thôi, quá đủ,” tôi hiểu ra sự chậm dãi của họ Võ. Tôi hiểu ra, ông kiên nhẫn đợi ngày chín tới của mùa gặt thi ca trong tâm thức. Đó là thời điểm những con chữ, những hình ảnh… tự thân, đủ sức làm thành một cõi-giới thi ca mang tên Kiến Hoa / Võ Thành Đông.
Tôi muốn nói tới những rung động và, ý tưởng mới mẻ của Kiến Hoa, đã đưa thơ ông tới nhiều chân trời khác.
Với tôi, nhịp chảy, liên tưởng và nhân cách hóa là vài chìa khóa căn bản của thi ca. Song song với khả năng nắm vững niêm, luật, họ Võ còn khai thác được những kỹ thuật vừa kể, một cách khá nhuần nhuyễn:
“Chúa gởi lời kinh hai “Ta vác hoài thập giá “Đội trên đầu vòng gai “A-men người khổ nạn “Chọn tình làm bổn mạng “Hồn vật vờ đâu đây “Núi ngồi đó chờ mây “Lòng ta dầy nỗi khó…”
Đó là những câu thơ năm chữ phối hợp được cả hai kỹ thuật liên tưởng và nhân cách hóa, vốn không có nhiều trên lộ trình chữ, nghĩa của một số không nhỏ, những người làm thơ sau tháng 4-1975, ở quê người.
Tôi cũng rất thích kỹ thuật ngắt lại nhịp đi trong một số lục bát Kiến Hoa. Tôi muốn nói, ông đã rất tự giác, để ra khỏi lối mòn, bóng tối thâm u của nhịp chảy, chuyện kể nỉ non, tâm sự dễ dãi, lê thê của thể thơ này!
Lục bát của họ Võ không chỉ giải phóng không gian hạn hẹp của lục bát cũ, hầu giúp cho hình ảnh, chữ, nghĩa có cơ hội cất cánh, bay lên theo đường bay riêng chúng (mà,) ông còn phá vỡ được những trói buộc, hạn hẹp của số lượng chữ, căn bản chỉ có 6 hay 8 từ - - Nên, tuy vẫn tuân thủ trói buộc bởi số chữ giới hạn, cố định kia, nhưng câu thơ của Kiến Hoa đã có được nhiều hơn một mệnh đề - - Dẫn tới những khua thức bao vấn nạn tử sinh đời thường:
“Mưa chiều bay ngang qua đây “Ngồi yên câm lặng chân mây, dấu người “Em đi rồi không môi cười “Đường phân ly rạch hai đời, tử sinh…”
Ở câu thơ: “Ngồi yên câm lặng chân mây, dấu người” của Kiến Hoa, nếu tôi dùng dấu chấm, sau những cụm từ “Ngồi yên.” “Câm lặng.” “Chân mây.” “Dấu người,” nhà thơ đã có không chỉ có một mà, tới 4 mệnh đề.(*)
Cũng vậy, ở câu 8 kế tiếp: “Đường phân ly rạch hai đời, tử sinh,” nếu tôi cũng dùng dấu chấm sau các cụm từ “Đường phân ly.” “Rạch hai đời.” “Tử sinh,” thì, vẫn chỉ với 8 chữ thôi, nhưng tác giả đã có tới 3 mệnh đề! Tưởng cũng nên nhấn mạnh, những mệnh đề trong hai câu 8 chữ vừa kể, tuy độc lập, đứng được một mình. Nhưng chúng vẫn tương tác chặt chẽ với nhau, như sự tương tác giữa các cơ quan (organ) trong cơ thể (body) một con người.
Lại nữa, cũng trong bài thơ này, Kiến Hoa còn có 2 câu tám, tôi cho là hai câu thơ đẹp! Mới!:
“chân hoang mang sầu riêng mình “Lá ngang nhiên chọn theo tình gió bay” (Và): “Còn ai chăm giùm linh hồn “Trong thân quỷ sứ từng cơn dậy thì” . Tới đây, tôi nghĩ, nếu tôi tiếp tục ghi những cảm nhận của tôi, về lộ trình nắng / gió thi ca Kiến Hoa, có thể vô tình tôi đã xâm phạm quyền tự do khám phá, thâm nhập cõi-giới thơ họ Võ của quý bạn đọc.
Thẩm quyền đó, theo tôi, cũng là một tương tác trân, quý giữa người đọc và người viết vậy.
Du Tử Lê (Calif. Aug. 5-2013) _____________
(*) Trên nguyên tắc, mệnh đề độc lập là mệnh đề có đủ ba thành phần: Chủ từ, động từ và túc từ hay, bổ trợ từ. Nhưng, nếu hiểu được rằng, khác biệt giữa thi ca và văn xuôi, ở chỗ, thi ca vốn có quy luật về văn phạm riêng. Nó không hề bị chi phối bởi quy luật về văn phạm của văn xuôi. Nói cách khác, văn phạm thi ca cho phép nhà thơ chỉ dùng một từ trong ngữ cảnh 1 câu thơ thì, chỉ một từ đó thôi, cũng có thể là một mệnh đề rồi. Gần đây, chúng ta thấy, trong văn xuôi của một số tác giả, cũng đã dùng một, hay vài chữ giữa hai dấu chấm… Đó là sự ứng dụng văn phạm riêng của thi ca vào văn chương của họ vậy.
Thơ Kiến Hoa / Võ
Thành Đông
Chúa Gởi Lời Kinh Hai
Rồi em cũng ra đi Để nỗi buồn ở lại Thập giá vác trên vai Nụ non chờ xanh lá Vừa mới tàn mùa hạ Đã thay tình thu bay Chúa gởi lời kinh hai Ta vác hoài thập giá Đội trên đầu vòng gai A-men người khổ nạn Chọn tình làm bổn mạng Hồn vật vờ đâu đây Núi ngồi đó chờ mây Lòng ta dầy nỗi khó Cả hai đều chối bỏ Sợ đá mòn như em.
Lục Bát “dutule”
Mưa chiều bay ngang qua đây Ngồi yên câm lặng chân mây, dấu người Em đi rồi không môi cười Đường phân ly rạch hai đời, tử sinh Chân hoang mang sầu riêng mình Lá ngang nhiên chọn theo tình gió bay Em đâu còn làm sao say Chất men ân ái tàn phai mùi cồn Còn ai chăm giùm linh hồn Trong thân quỷ sứ từng cơn dậy thì Quay lui thôi, dừng chân đi Trả cho chăn gối cuồng si khát thèm Dù thay người không là em Cái hơi hướm lạ, nát thêm tình mình.
Có thể có người không đồng ý, nhưng theo tôi, Nguyễn Ngọc Tư là hiện tượng tiểu biểu, nổi bật nhất của sinh hoạt văn xuôi Việt, 40 năm qua, kể từ 1975 tới 2015 trong số những người viết trẻ.
Tuổi đời, chắc tôi chỉ tuổi em gái ảnh. Tuổi văn, tuổi viết này viết nọ, tôi chỉ cỡ môn đệ, hoặc có tự mình đánh giá cao hơn, thì cũng chỉ là lớp cầm viết hậu sinh, đúng nghĩa.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Nếu không kể những nhà xuất bản chuyên nghiệp như nhà Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai, Nguyễn Đình Vượng, hay Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Đăng…thì, những nhà xuất bản được điều hành bởi các nhà văn, nhà thơ cũng đã tạo được ít, nhiều tiếng.
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.