(Tiếp theo kỳ trước)
Bản chất khiêm tốn, giáo sư Đỗ Quí Toàn bút hiệu Ngô Nhân Dụng từng nhấn mạnh, ông không phải là người được đào luyện ở ngành sử học, nhưng không vì thế mà tác phẩm Đứng Vững Ngàn Năm (ĐVNN) của ông có thể xếp vào thể loại nào khác hơn nghiên cứu lịch sử. Như chỉ danh, đó là bộ môn mang tính khoa học, dựa trên những sự kiện đã xẩy ra trong quá khứ, để phân tích…
Vì thế, đòi hỏi trước tiên của bất cứ tác giả nào khi dấn mình vào lãnh vực này, là tính khách quan. Thiếu vắng yếu tố căn bản này, tác phẩm sẽ không thể đứng vững bởi thiếu sức thuyết phục. Tuy nhiên, trước đòi hỏi vừa kể, không phải học giả hay sử gia nào cũng có thể đạt được! Tôi nghĩ khó khăn này, còn cam go hơn nữa, một khi tác giả đó, vốn là thi sĩ: Trường hợp của nhà biên khảo Ngô Nhân Dụng / Đỗ Quí Toàn.
Tôi không biết có phải vì họ Đỗ có quá nửa đời gắn bó với nghiệp nhà giáo(?) nên khi bước vào lãnh vực nghiên cứu, ông đã tách bạch được một cách dứt khoát, lạnh lùng giữa hai con người nhà thơ và nhà nghiên cứu. Tựa đó là hai con người hoàn toàn khác biệt nhau trong một con người (7)
Với một sở học sâu rộng, cộng thêm số vốn ngoại ngữ phong phú như tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Anh, khi biên soạn tác phẩm ĐVNN, Ngô Nhân Dụng đã trích dẫn, đối chiếu rất nhiều sử liệu khác nhau của các tác giả uy tín, xưa cũng như nay. Ông không phân biệt nguồn gốc của bất cứ tác giả nào, miễn tác phẩm có những phát kiến khả dụng hoặc, có thể dùng cho nhu cầu đối chiếu tư liệu…
Tính khách quan của Ngô Nhân Dụng đã thể hiện một cụ thể, công bình, trong sáng, khi ông nhắc tới nhân vật điển hình Lý Bôn, tức vua Lý Nam Đế, một người Việt gốc Trung Hoa, khai sinh ra triều đại Tiền Lý vào thế kỷ thứ 6, trước Tây Lịch.
Nhắc lại sự kiện Lý Bôn, tôi muốn minh xác tính khách quan mạnh mẽ, quyết liệt của họ Đỗ. Ông không để lòng yêu nước (đương nhiên) lẩn sâu trong tiềm thức lôi cuốn ngòi bút ông xóa bỏ những chứng tích quá khứ, chất liệu căn bản dựng nên ngôi đền lịch sử.
Trụ vững từ điểm đứng khách quan, Ngô Nhân Dụng cũng đã nêu lên một nhận xét mà chưa (hay ít) sử gia nào chú ý. Như khi ông đề cập tới “Những chuyển động lặng lẽ, âm thầm bên trong các lũy tre làng nhiều đời đã tích lũy trong ký ức tập thể dân Việt. Các cụ già nhớ chuyện cũ kể lại cho con cháu. Những thi sĩ nông dân cất lên giọng hát, sáng tác tại chỗ các câu vè, rồi trong đó nẩy ra những hạt ngọc chuyền nhau đi xa hơn…” (8) Và đáng kể hơn nữa, khi ông phân tích không phải vì Việt Nam bị đô hộ 1,000 nên VN đương nhiên chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa hoặc vì thế mà không độc lập!
Ở chương thứ 31, tựa đề “Những nước khác, quanh Trung Quốc,” tác giả dẫn chứng hai quốc gia “láng giềng” của Trung Quốc là Nhật Bản và Đại Hàn… Cả hai quốc gia này không hề bị người Hán đặt ách thống trị bao giờ. Nhưng họ vẫn tiếp thu tinh hoa Nho giáo. Và, không vì thế mà đất nước họ không độc lập. Nền văn hóa của họ không rực rỡ!
Tác giả ĐVNN cũng nêu trường hợp của Miến Điện mà “…xét về nguồn gốc thì đa số người ‘Miến’ ngày nay có thể coi là xuất phát từ một vùng phía Tây Nam Trung Quốc! Họ vẫn là một quốc gia độc lập…” (9)
Ngay nước Mông Cổ, vẫn theo tác giả ĐVNN, số phận của Mông Cổ có phần khác hơn 3 quốc gia vừa kể. Sau nhiều giai đoạn thăng trầm, từng bị người Hán rồi Nga đô hộ, nhưng “…Cuối cùng tôn giáo cũng là một yếu tố quan trọng giúp họ đoàn kết và và gây dựng một tinh thần dân tộc. Vì ở cách xa Trung Quốc một sa mạc Gobi, và biết dùng ngoại giao đi giữa Nga và Trung Quốc cho nên nước Mông Cổ vẫn giữ được độc lập trong suốt thế kỷ 20…” (10)
Theo tác giả Ngô Nhân Dụng, Việt Nam cũng vậy và, còn hơn thế, ở chỗ cha ông ta dư thừa khôn ngoan để tiếp nhận mọi nền văn hóa, học thuật giá trị của nhân loại. Kết quả là tự xa xưa Việt Nam đã là một thứ “melting pot” của ba tôn giáo lớn: Phật, Lão, Nho… đồng nguyên, với bản sắc Việt Nam. (11)
Những ghi nhận trên của Ngô Nhân Dụng nhằm đi đến kết luận:
“…Trong số những yếu tố chính làm cho người Việt giữ vững được dân tộc và đất nước gồm có: giữ gìn tiếng nói là bảo vệ văn hóa truyền thống hữu hiệu cho nòi giống, sức mạnh tôn giáo mà tiêu biểu là Phật Giáo góp phần đoàn kết toàn dân tập trung và xây dựng lực lượng tri thức để giúp việc trị quốc an dân, vị thế địa lý và thiên nhiên khắc nghiệt của nước Văn Lang làm tiêu hao sinh mạng của quân Hán phương Bắc, sự giàu có của vùng đất Giao Châu đã giúp cho việc xây dựng và nuôi giữ một lực lượng binh sĩ đủ để chiến đấu với quân Tàu, tình trạng nội loạn của nước Tàu nên không còn có thì giờ để tâm đến việc xâm lấn các lân bang, đặc biệt là nhờ ‘nghị lực và tính chất riêng,’ mà cụ Trần Trọng Kim đã đưa ra, đã là những nhân tố quyết định cho sự đứng vững của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm qua.
Đề cập đến quan điểm của cụ Trần Trọng Kim về ‘nghị lực và tính chất riêng,’ tác giả Ngô Nhân Dụng giải thích thêm rằng chính yếu tố này góp phần hình thành tính không thay đổi, tính cứng đầu của người Việt Nam cố chấp giữ phong tục, tập quán và nếp văn hóa truyền thống của mình…” (12)
Nơi chương cuối, tác giả Ngô Nhân Dụng nhấn mạnh và cảnh báo:
“Nước Việt sẽ không bao giờ mất. Điều đáng lo không phải là mình còn được độc lập hay không. Đáng lo là mình chậm tiến quá, trong khi những nước chung quanh, kể cả Trung Quốc, đang tiến rất nhanh. Đáng lo hơn hết, là dù nước mình vẫn còn nhưng dân mình không phát triển, đuổi kịp các nước chung quanh, kinh tế cũng như chính trị. Tổ tiên chúng ta giành lấy độc lập không phải để con cháu sau này chịu sống như một nước nghèo hèn thua kém mãi. Mà trong thế giới ngày nay, một quốc gia muốn ngẩng đầu lên phải phát triển. Làm sao để kinh tế nước ta có thể tiến lên ít nhất ngang hàng với các nước phát triển ở vùng Đông Nam Á; để dân mình được sống tự do như họ?” (13)
Những đoạn văn thống thiết như trên, người đọc sẽ gặp được rất nhiều trong tác phẩm ĐVNN của Ngô Nhân Dụng. Vẫn trụ vững từ điểm đứng khách quan, sau khi phân tích dữ kiện, ông đã gióng giả những hồi chuông huyết thống, hầu lai tỉnh số người có trách nhiệm trước mọi hưng, vong của đất nước.
Du Tử Lê
(Còn tiếp một kỳ)
_______________
Chú thích:
(7) Không phải đợi tới tác phẩm “Đứng Vững Ngàn Năm” họ Đỗ mới cho thấy khả năng phân thân của ông. Mà, ngay từ năm 1992, là năm nhà xuất bản Thanh Văn, Hoa Kỳ, ấn hành tác phẩm “Tìm Thơ Trong Tiếng Nói” (Một tác phẩm nghiên cứu về thi ca, đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc đến và tìm kiếm) - - Ông đã cho thấy: Dù là một nhà thơ thành danh rất sớm, từ trước thời diểm tháng 4-1975, ở quê nhà, nhưng không vì thế mà ông áp đặt quan điểm riêng của ông về thi ca. Trái lại, ông vẫn trích dẫn những quan điểm, nhận định về thi ca của nhiều tác giả khác, từ Đông sang Tây như “…Bùi Giáng, Beardsley, Cao Bá Quát, Chế Lan Viên, Coleridge, De Man, Elliot, R Frost, Hàn Mạc Tử, Huy Cận, Jarrell Jakobson, Kim Thánh Thán, Lê Quý Đôn, Lưu Trọng Lư, H. Miller, Nguyễn Tuân, Nguyễn Tử Tấn, Pasternak, E. Pound, IA Richards, G. Seferis Shklovsky, Tào Tuyết Cần, Tùng Tiện Vương, Thanh Thảo, P. Valery v.v.…”
(8), Sđd. Trang 430
(9) Sđd. Trang 421.
(10) Sđd. Trang 423.
(11) Thuật ngữ “Tam giáo đồng nguyên” cũng được biết với cụm từ “Tam giáo nhất nguyên” nữa.
(12) Huỳnh Kim Quang, tường thuật buổi ra mắt tác phẩm “Đứng Vững Ngàn Năm” - Việt Báo (Hoa Kỳ) - - Số đề ngày Thứ Ba 6 tháng 8-2013)
(13) Sđd. Trang 437.