Câu hỏi của Nguyệt Mai:
Kính thưa anh Đỗ Hồng Ngọc,
Em rất cám ơn anh đã kể cho
nghe những giai thoại văn chương mà với ngòi bút duyên
dáng của anh, những câu chuyện đó thật hay, sống động
và thú vị.
Em tin chắc rằng mọi người
đều thấy thích, nên đề nghị anh tiếp tục kể thêm...
Thơ, nhạc và họa thường đi
chung với nhau. Vậy lần này anh cho nghe chuyện của thi
sĩ, nhạc sĩ và họa sĩ nhé.
Cám ơn anh rất nhiều và hứa
sẽ không làm "rộn" anh nữa đâu! (Nói giỡn với
anh thôi, chứ có thắc mắc gì thì em sẽ hỏi tiếp).
Nguyệt Mai
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn
*Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Về các nhà thơ thì tôi quen biết cũng khá nhiều. Ngay ở Phan Thiết quê tôi thì cũng đã có Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Kim Tuấn, Trần Thiện Hiệp, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Vấn Lệ, Phan Bá Thụy Dương, Nguyễn Như Mây, Phan Chính, Trần Yên Thảo, Liên Tâm... Nhưng, hãy nói về Nguyễn Bắc Sơn trước nhé.
Nhắc Nguyễn Bắc Sơn người ta hay nhắc mấy câu thơ nổi tiếng của anh: Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Vung tiền mua vội một ngày vui… và cho rằng anh là một nhà thơ ngổ ngáo, ngang tàng… Tôi chỉ thấy thơ anh là nỗi chua xót đắng cay của một thời binh lửa. Nỗi chua xót như lịm hẳn vào trong: mai ta đụng trận…
Ngoài đời, Nguyễn Bắc Sơn hiền như… bụt, với nụ cười chân chất dễ thương. Trong sâu thẳm, anh là một đạo gia, một thiền sư:“Những ngày ăn gạo lứt muối mè/ Những ngày xem Zen là lẽ sống”... Trong bài “Ở đời như một nhà thơ phương Đông”, anh viết “Một ngày kia y chiêm bái đồng lúa chin vàng/ Và nhìn thấy lòng hảo tâm của trời đất”.
Anh có những câu thơ viết về bè bạn:
Có khi nghĩ
trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám
đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại
nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng
vai ấm áp cuộc rong chơi…
và viết cho tình yêu:
Vì người
đàn bà nào cũng như người nấy
Nên ta
bảo mình thôi hãy quên em
Nhưng đàn bà
đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên
ta suốt đời nhớ nhớ quên quên…
Mươi năm trước, một lần gặp anh dưới chân núi Tà Cú, anh gởi tôi tập bản thảo lạ: Thy Đạo. Thy viết hoa với chữ y dài và ghi chú: Essays on the Tao of Poetry. Anh nói: Đây là vài chương sơ thảo. Đã có Kinh Thi, lẽ nào không có Thy Đạo? Tôi lật thử vài trang:
“Sao gọi là Thy Đạo? Đạo là con đường đưa ta đến cõi miền Chân Thiện Mỹ, với miền thân tâm thường an lạc, cõi bờ chân hạnh phúc. Có nhiều con đừơng đi lên đỉnh núi, hãy chọn con đường phù hợp với riêng anh, nhưng cũng có một con đường chung nhất , là con đường tươi mát lá cây xanh: con đường thy ca, con đường của âm thanh du dương, dìu dặt, của thanh âm hài hòa hảo hợp. Con đường của diệu âm và ẩn ngữ, mật ngữ…
Rồi ở một trang khác:
Dường như có hai loại thơ: thơ thần và thơ thẩn, thơ dở và thơ hay, thơ phù du và thơ vĩnh cửu. Thy Đạo chỉ riêng dụng thơ thần và thơ thật, thơ tâm huyết, thơ tâm tủy. Còn thơ thẩn, thơ phù du, thơ phù phiếm, ấy là sản phẩm của các thi công, dùng để tranh danh đọat lợi. Xin miễn bàn.
Từ trái: Chị Hồng, Nguyễn Bắc Sơn, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương
Bẳng đi một thời gian, một hôm anh thều thào gọi tôi qua điện thoại: “Đại ca ơi, tiểu đệ mệt quá rồi… Thở không được, ho hơn 3 tuần rồi, khạc ra máu…”. ( Anh thường xưng hô đại ca - tiểu đệ với tôi vui vậy!). Tôi lo anh bị lao phổi nặng, định gởi anh vào nhà thương chuyên khoa, nhưng anh quyết không chịu đi... Thế rồi bệnh tự nhiên hết. Chắc là nhờ luyện công theo Thy Đạo!
Năm nọ về Phan Thiết, tôi hẹn anh và các bạn ở một quán café ven bãi biển Đồi Dương. Anh cầm theo cuốn Nghĩ Từ Trái Tim của tôi viết về Tâm kinh Bát nhã, nói để anh bói cho mỗi người một quẻ. Nhà thơ nữ Liên Tâm liền đặt quẻ, anh lâm râm khấn vái rồi lật trang sách ra, “xủ quẻ”. Đúng… y boong! Liên Tâm kêu lên!
Nguyễn Bắc Sơn có những bài thơ đọc vui chỗ bạn bè:
Sáng nay anh đã nhậu rồi
Chiều
nay nhất định anh ngồi anh tu
Con rùa thì có cái mu
Đời
anh thì có lu bù vỏ chai…
Tháng 5 rồi, tôi về
Phan Thiết, ghé thăm Nguyễn Bắc Sơn vì nghe anh kêu bị
đau tim nặng. Có cả vợ chồng họa sĩ Lê Ký Thương
cùng đi. Thấy anh phải nằm nghiêng một bên. Tai phải
sưng vù. Đi lại khó. Nói năng khó. Nhờ chị Hồng, bà
xã anh tận tình chăm sóc mới được thế này. Chị nói
anh hay làm nũng lắm. Tôi cười, nhà thơ nó vậy, “nhõng
nhẽo” đó mà! Rồi hành nghề một chút, thăm khám xong,
tôi nói chưa đến đỗi nào! Mắt anh sáng lên, chưa hả?
Rồi cười.