Với cá nhân tôi, dường như Lê Phương Châu không có một chọn lựa nào cho mình khác hơn, chọn lựa ăn ở với thi ca? Như chọn lựa ăn ở thủy chung một đời với tình yêu lớn.
Nhà thơ Lê Phương Châu
Khởi từ thuở còn cắp sách tới trường, bậc trung học, những năm, tháng ở thành phố biển xanh, cát trắng, sau bao nhiêu thác ghềnh thế sự, đời riêng, tôi thấy dường những con chữ, hình ảnh trong lộ trình sinh mệnh đời-thơ Lê Phương Châu càng lúc càng lấp lánh hơn. Phải chăng đó là những lấp lánh kết tinh tự những vực sâu bất hạnh? Hay những khổ đau như máu thấm sâu lòng đất, để từ đấy, thơ như tiếng kêu thương của con chim lẻ bạn, bơ vơ giữa đất trời lồng lộng bi ai, bật lên tiếng hót khác? Những tiếng hót trầm thống / bao dung bay dọc dặm trường lịch sử đất nước lênh đênh?
Tôi không biết! Tôi tin chính tác giả “Một Khắc Trăm Năm” cũng không có được câu trả lời minh bạch, chính xác. (1) Đó là phần bí ẩn, mặt khác của định mệnh. Cũng tựa những bí ẩn, mặt khác của những câu thơ mang tên Lê Phương Châu. Như:
“…người về thấy mặt nhau
“chuông treo khúc nhiệm mầu
“mưa lạc đường cơn dông
“nắng phơi bờ cỏ cháy
“thơ say mùa trúc đông
“hàng ghế đá giá băng
“tôi ngàn năm ở đậu…”
Hoặc thê thiết mà cũng cực kỳ chân thật (cái chân thật thường thấy nơi tâm thái một người nữ nhậy cảm, cô đơn):
“cánh bèo trôi phương nào
“phương tôi dòng sông cạn
“còn một nửa vầng trăng
“bên kia dòng sông cạn…”
Thảm kịch lớn nhất nơi cuộc đời của mỗi con người, mỗi chúng ta, theo tôi, là tính lá lay của định mệnh. Nhưng, phải chăng, với tác giả “Một Khắc Trăm Năm” thì, bản chất lá lay của định mệnh, vốn như chiếc bóng bất phân ly đời mình, nên Lê Phương Châu đã dành cho định mệnh lá lay kia, một tâm lượng lớn? Tôi muốn nói tâm lượng của một nhà thơ, hiểu tận cùng mỗi sinh phần, chỉ là một xuất hiện ngắn ngủi, phù du, vô nghĩa trước vô thỉ vô chung đất trời:
“…dấu xưa cuồng rối tóc
“phố khuya buồn thâu đêm
“gửi tình nhân sáng sớm
“gửi ta đường mây hoang
“trái tim hồng độ lượng
(…)
“sân ga đời mỏi trông
“đèn bão mờ sương giăng
“bài du ca vô tận
“trôi - trôi vào mênh mông.”
(Trích “Thắp Nến Đông Về”)
Tuy nhiên, không phải thi sĩ nào cũng có được cho mình cái tâm thái thi sĩ, như ta thấy trong thơ Lê Phương Châu. Tôi muốn nói, đằng sau những tiếng kêu bi thương lẻ bạn, là khoảng lặng tịch mịch của vô thường. Và, hạnh phúc thay cho tác giả “Một Khắc Trăm Năm” khi cô cảm nhận được tính vô thường vạn vật. Để từ đó, Lê Phương Châu tự mở lấy cho mình, cánh cửa an nhiên:
“…nhịp sống trầm luân - ta cứ bước
“quá khứ quên rồi - cánh nhạn bay
“tương lai đâu biết - vòm mây nhạt
“ung dung hít thở - ngắm chiều nay.”
(“Bình Thường”)
Và nghe được:
“…mưa ném đá cho dòng sông vỡ tiếng
“đêm thì thầm – núi tĩnh tịch kề vai
“màu thương cảm – hoa cúc vàng đơm đọt
“nghe đất mềm mở ngực đón sương mai!”
(Trích “Hoài Thu”).
Hơn thế, tác giả “Một Khắc Trăm Năm” còn gửi đời, gửi người “Lời Cảm Ơn Thật Thà” của cô:
“cám ơn đời cho tôi
“đôi mắt nhìn khép mở
“cám ơn lời dịu dàng
“vần thơ tôi hoa nở
“cám ơn người nhìn tôi
“trái vàng hong nhịp thở
“cám ơn em - vườn khuya
“tôi dìu tôi thong thả”.
.
Trên đây, không chỉ là những câu thơ đậm tính tự tại, nhuốm hương thiền mà, chúng còn là những câu thơ đẹp, trong đời-thơ Lê Phương Châu - - Một đời thơ… gập ghềnh nắng, gió. Trăm năm.”
Từ một góc độ khác, trong phần “Bạt” của thi phẩm “Một Khắc Trăm Năm,” nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ viết:
“…Thơ Lê Phương Châu không ồn ào dậy sóng mà hiền hòa như những ngọn gió điền dã, giọng thơ như lời độc thoại với chính mình, “mình tôi khêu bấc đèn dầu/phút giây ẩn hiện sắc màu cao nguyên...” Thơ, với Lê Phương Châu như một ân sủng của trời đất, “một câu thơ nghiền ngẫm mãi chưa rời/đêm sắp thẳng hàng – thuyền vọng viễn khơi/đất nứt nẻ chôn vùi chữ nghĩa/vẫn chút nắng vàng – vẫn có tôi!” Thơ, với Lê Phương Châu như một niềm tín mộ, “lắng nghe trong chữ nghĩa/vô vàn ý thơ rơi/nhặt ba hồn chín vía/kết sợi thơm dâng đời!” Sợi Thơm ấy, khởi đi từ cội nguồn tinh mật của kiếp người là tiếng nói? Tiếng nói trong trẻo, trong veo nhất của kiếp Người là Thơ? “đội mưa mùa thu tím tái/lung linh tiền kiếp trổ hoa/man mác suối mơ xanh lục/ ngập đôi bàn chân đi qua!”
“Thơ Lê Phương Châu hiền hòa nhưng chất ngất hoài niệm, chiêu niệm,“đã qua rồi bão lửa chiến chinh/mất còn ai như bóng tượng hình/mắt rủ vọng âm – hồn chiêu niệm/hồng chung thức tỉnh lưới vô minh...” Nỗi chung và niềm riêng khôn nguôi,“thẩn thờ đếm bóng thời gian/thương giòng nước bạc - nhớ tràn điêu linh/về đây - cát bụi thâm tình/long đong muôn hướng có mình có ta/trăm năm hội ngộ cũng là/chuyến đò dang dở - ánh tà dương soi/một dòng trôi – một giòng trôi/chiều nay gió cuốn trên đồi thinh không/rất xanh một bóng trăng lồng/rất nhiều chiêu niệm trong vòng tay ôm.” Thơ Lê Phương Châu hiền hòa nhưng không bi lụy. Phải chăng người-thơ đã “thức tỉnh lưới vô minh”? Có chút gì tưởng tiếc dẫu rằng trong tỉnh thức, “ánh sáng vô tâm đồi cỏ cháy/đầy vơi tay níu lại ân tình/biệt xứ - cũng đành thôi gió tạt/cũng đành tiếng khóc giữa vô minh”
“Thơ Lê Phương Châu hiền hòa nhưng vẫn ẩn dấu nét đẹp cổ điển, vững vàng, tài hoa về thi pháp:
ta biết tìm em ở hướng nào
tình say ý mộng ngỡ chiêm bao
mưa rơi gác vắng - trăng mờ khuất
nắng rụng thuyền khua - sóng gợn chao
thấp thoáng ai qua choàng lụa tím
mơ hồ kẻ ở ngóng trời cao
Đông Tây Nam Bắc - phương em đó
thế nhé mai sau một tiếng chào!
(Phương Nao)
“em”,“phương em,” theo người-thơ bộc bạch tâm sự, đây là cuộc truy tìm bản ngã của chính mình trong những đêm tĩnh tọa giữa tịch mịch hư không. Tiếng-chào-tri-ngộ ở cuối chặng đường sinh tử há chẳng phải là niềm hoan lạc đấy sao?! Tiểu ngã trùng phùng đại ngã! Cuộc-trở-về với bản lai diện mục chính là niềm khát khao vô hạn của người-thơ. Còn niềm hỉ lạc nào hơn! “cám ơn đời cho tôi/đôi mắt nhìn khép mở/cám ơn lời dịu dàng/vần thơ tôi hoa nở/ - cám ơn người nhìn tôi/trái vàng hong nhịp thở/cám ơn em – vườn khuya/tôi dìu tôi thong thả.” Đó là Lời Cám Ơn Thật Thà của người-thơ. Thơ đã vượt lên chữ-nghĩa-ý-tứ-thi-pháp, chỉ còn lại trái vàng hong nhịp thở, nhịp hôn phối kỳ diệu của hiện-tiền-không-thời-gian. Đó cũng chính là sự kỳ diệu của Thơ!
“Chân thành tri ân Thơ và người-thơ Lê Phương Châu.” (2)
Tôi xin mượn dòng chữ cuối cùng kể trên, của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ để khép lại bài Giới thiệu chân dung thơ Lê Phương Châu, một tiếng thơ vượt được chính mình.
Du Tử Lê
Calif., 13 tháng 8-2013
____________
Chú thích:
(1) Du Tử Lê, Tựa cho thi phẩm “Một khắc Trăm Năm” thơ Lê Phương Châu. Tr. 7, 8, 9 &10.
Tác giả xuất bản, California, tháng 8-2013.
(2) Ngđd. Tr. 114, 115 & 116.
Gửi ý kiến của bạn