Cuối tháng 7.2013, nhà văn Lê Lạc Giao (Lê Tấn Hà) đã ấn hành tập truyện “Một Thời Điêu Linh” (MTĐL) gồm 14 truyện. Sách dày 372 trang, bìa sách do tác giả tự trình bày, kèm theo chân dung tự họa rất trang nhã, đẹp.
Nhà văn Lê Lạc Giao (LLG) đam mê văn chương rất sớm, thuở còn là học sinh, sinh viên, từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Đam mê, nhưng không thích phô trương danh phận, rất ít xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật.“Viết văn, đối với tôi, như một cách giải trí tâm hồn.” Giòng đầu tiên trong Lời Mở Đầu của tập truyện, LLG đã bày tỏ một cách giản dị, khiêm hạ như vậy. Đam mê và sáng tạo một cách bền bĩ và lặng lẽ, không ngừng tự tra vấn về bản thân và thế sự, trầm tĩnh nhưng rất nhạy cảm, tinh tế trong cách quan sát, nhìn nhận bằng con mắt và trái tim nhân hậu. Đó là nhận định khái quát nhất của tôi khi đọc truyện của LLG.
Đặc điểm lớn nhất trong truyện của LLG là chất liệu sống động trong đời thực, của bản thân, bằng hữu, được anh thu thập, góp nhặt lại, và, bằng một bút pháp tài hoa đã được tôi luyện, anh nâng lên thành văn chương, thành “truyện” theo một ý nghĩa dung dị nhất. Đúng như anh đã tâm sự:“Mỗi truyện ngắn là một kỷ niệm.” (Lời Nói Đầu)
Tôi nghĩ, phần lớn những “kỷ niệm” trong tập truyện nầy là những hồi ức, suy niệm về “Một Thời Điêu Linh” mà bản thân, bằng hữu, thế hệ cùng thời của anh đã trải qua trong bi kịch của quê hương, dân tộc. Ngoài truyện chính “Một Thời Điêu Linh”, những mảng bi kịch được khắc họa một cách sinh động trong các truyện “Vòng Tròn Số Phận”, “Nụ Cười Buồn Mùa Hè”, “Một Kiếp Người”, “Phố Chiều Năm Cũ”, “Khoảng Trống Còn Lại”, “Bên Này Ước Vọng”. Đó là những hồi ức, suy niệm sâu lắng về một thời đã qua, là những vết thương, là những nỗi đau, là những nỗi buồn không dễ quên.
Đa số truyện của LLG không ngắn theo kiểu quan niệm thông thường “truyện ngắn là truyện…ngắn”. Truyện “ngắn” nhất trong tập truyện, “Marcela Của Tôi”, 10 trang; truyện “dài” nhất trong tập truyện, “Bên Này Ước Vọng”, 86 trang, có thể tạm xếp vào thể loại truyện vừa. “Ngắn” hay “vừa”, không quan trọng. Vấn đề đáng quan tâm là truyện của LLG có cấu trúc khá chặt chẽ. Với tư cách người dẫn chuyện, tác giả đã thể hiện một văn phong mềm mại, linh hoạt, có sức cuốn hút người đọc theo dõi từ đầu đến cuối truyện. Mỗi kết thúc của một truyện, đã cho tôi một cảm xúc, bồi hồi. Tôi nghĩ, đó là thành công của tác giả. Tập truyện của LLG, như những vết khắc đậm nét trên bức tường không-thời-gian, trên đó, những biến cố, những nhân vật, những đột biến, những thân phận đã được hiển bày, và tôi, một người đọc, có cảm giác như đã được dự phần chia xẻ trong đó! Tôi nghĩ, đó là thành công của tác giả.
Truyện của LLG có chất giọng trầm buồn, nhưng rất tỉnh táo. Tác giả đã gửi gắm tâm sự của mình qua nhân vật A Pó, trong truyện “Một Thời Điêu Linh”, khi ông ta “hát một bi khúc, kể lể bằng giọng miền Trung”:
“Có một thời ta lên rừng,
lang thang tìm tuổi thơ
Ngày xanh như lá cây, đời như
nắng sáng
Bỏ ta đi một thời thơ ấu,
mòn bước chân ta đi về nguồn
Ta tìm ta một thuở trưởng
thành
Mù sương nhòa trí nhớ, nắng
chiều phai tóc xanh
Nhớ tình yêu ta về tìm tuổi
trẻ
Bỏ ta đi một thân xác hao gầy
Người mang đời ta lên rừng
xuống biển
Gieo trong gió dữ những oan
khiên…”
(MTĐL, tr.222)
Đọc đoạn bi khúc trên đây, tôi hiểu vì sao LLG có được những trang văn trầm tĩnh, trí tuệ và tràn đầy lòng bi mẫn!“Gieo trong gió dữ những oan khiên…” Không phải là tiếng than, mà là tiếng chép miệng ngậm ngùi. Một-Thời-Điêu-Linh, không chỉ của riêng ai!!!
Xin chúc mừng nhà văn Lê Lạc Giao.
Calif., Aug.20.2013
(*) Một Thời Điêu Linh – Tập truyện của Lê Lạc Giao – Triết Văn ấn hành, cuối tháng 7.2013. Sách dày 372 trang. Ấn phí: Hai mươi lăm Mỹ kim. Liên lạc tác giả qua địa chỉ email: lelacgiao51@yahoo.com