dutule.com
(LNĐ): Những này qua, nhạc sĩ Nguyên Bích đã cho ra đời
album nhạc mới nhất của ông. Đó là CD nhan đề “Đam
Mê” - - Bìa: Nguyên Khai. Hòa âm: Hoàng Công Luận. Với
ba tiếng hát đang được yêu thích hiện nay: Vũ Khanh,
Trần Thu Hà và Quang Tuấn. Trong số 10 ca khúc chọn lọc
ở tác phẩm mới nhất vừa kể, người ta thấy có 3 ca
khúc phổ từ thơ Trường Đinh, 1 ca khúc phổ từ thơ
Phạm Ngọc và, số còn lại là nhạc và lời của chính
tác giả.
Nhân dịp này, chúng tôi hân hạnh đăng tải
một bài viết của nhà thơ Du Tử Lê về đời nhạc
Nguyên Bích, từng được phổ biến trên nhật báo Người
Việt, cách đây trên dưới một năm - - Thay cho lời chào
mừng người nhạc sĩ vốn được ghi nhận là cực kỳ
trân trọng với mọi lao tác âm nhạc của ông.
Cần
biết thêm về tác giả xin vào website nguyenbich.com. Hoặc
Email: bichbinh@gmail.com
Không biết có phải, do bản chất lặng lẽ, tính khiêm tốn, luôn giữ một khoảng cách đủ xa, với đám đông, cho nên, Nguyên Bích, bút hiệu của Bác sĩ y khoa Nguyễn Văn Bích, hiện cư ngụ tại thành phố Houston, Texas, đã phải tìm vào âm nhạc, như lối thoát hay, con đường duy nhất, để nối nhịp cầu giao cảm với người, với đời?
Tuy nhiên, chúng ta cũng có được một điều khá minh bạch nơi con người trầm mặc này. Đó là sự kiện một trong những ca khúc đầu tay, ca khúc "Tâm Sự Kẻ Xa Quê" (thơ Mùi Quý Bồng,) Nguyên Bích viết năm 1989, nếu không được nhạc sĩ Đan Thọ giới thiệu với trung tâm băng nhạc Mai Ngọc Khánh, để thâu băng, chắc chúng ta sẽ khó có được một dòng tình ca, mang tên Nguyên Bích, như hiện tại.
Họ Nguyễn cũng xác nhận, sau khi cảm thấy không hài lòng với những ca khúc đầu tay, được viết xuống, như "để diễn tả những xúc động riêng của mình," ông đã định ngưng việc sáng tác.
"Nhưng khi được biết một ca khúc viết về quê hương của tôi, được một trung tâm băng nhạc xử dụng, trong băng nhạc 'Một Chút Quà Cho Quê Hương', tôi thấy hứng khởi, và từ đó, tôi có những sáng tác kế tiếp," Nguyên Bích nói.
Tính đến hôm nay, với khoảng trên dưới 80 ca khúc mà, ba phần tư là thơ phổ nhạc, Nhạc sĩ Nguyên Bích cho biết:
"Âm nhạc cũng như những bộ môn văn nghệ khác, là một trang điểm cho cuộc đời. Cuộc đời có thể vẫn diễn tiến không son phấn, nhưng sẽ rất trần trụi và, nghèo nàn."
Phát biểu về quan niệm sáng tác ca khúc, tác giả "Hiến ChươngYêu" giãi bày ý nghĩ riêng của mình:
"Tôi không thích câu nệ quá nhiều vào quy luật. Tôi yêu sự phóng khoáng trong sáng tạo. Tôi mong muốn tìm được những nét mới lạ mỗi khi viết một ca khúc. Có lẽ vì thế, mà tôi từng cảm thấy thất vọng, chán nản mỗi khi nhận ra bản nhạc mới của mình, không có được cho nó điều khác hơn những ca khúc trước đó."
Về quan niệm phổ nhạc vào thơ, Nhạc sĩ Nguyên Bích nhấn mạnh, ông chỉ chọn để phổ nhạc những bài thơ có ý tưởng lạ. Đó là những bài thơ của một số bằng hữu của ông. Như Mùi Quý Bồng, Phạm Oanh, Nguyễn Minh Đức...
Nguyên Bích cũng không thích giữ nguyên bài thơ vì như vậy, sẽ giống như bài thơ được ngâm lên qua cung bậc của tân nhạc.
Vì vậy, ông thường đổi chữ, thêm chữ, thậm chí cắt bớt, thay thế bằng những chữ khác; miễn là sự thay thế không làm sai lệch ý nguyên thủy của bài thơ. Và:
"Một khi tác giả bài thơ, không hài lòng, tôi sẽ vui vẻ khai tử ngay bản nhạc đó," tác giả album "Sao Vội Nhạt Phai" tâm sự.
Trong một bài viết về Nhạc sĩ Nguyên Bích, đăng tải trong "Tuyển Tập Nghệ Sĩ," cuốn thứ 5, Nhạc sĩ Trường Kỳ viết:
"Với chủ trương viết nhạc như một thú tiêu khiển, nên Nguyên Bích sẵn sàng hiến bản quyền những sáng tác của anh mà không đòi hỏi một điều kiện nào, ngoài sự mong muốn những đứa con tinh thần của mình, được gửi tới người nghe. Nguyên Bích cho biết mặc dù vợ anh - Phượng Bình, tuy không có được tâm hồn văn nghệ như anh, nhưng lại có ‘tai nghe’ rất hay, nên đã cho anh nhiều ý kiến quý báu trong việc dùng chữ, điển hình như với nhạc phẩm ‘Ước Vọng.’
"Mặc dù là cháu của một nhạc sĩ tên tuổi là Hùng Lân, nhưng Nguyên Bích không hề chịu một ảnh hưởng gì nơi người cậu tài ba. Anh cho là hai người có hai lối suy nghĩ khác nhau về âm nhạc. Anh sáng tác theo ngẫu hứng mà không chịu gò bó trong khuôn khổ. Hơn nữa, nhạc của anh, đa số có tính cách ủy mị, khác với Hùng Lân, là nhạc sĩ được biết đến qua những nhạc phẩm hùng ca và tươi vui. Tính cách ủy mị trong nhạc của Nguyên Bích đến từ quan niệm của chính anh, là:
"'Cái gì buồn thì dễ khai thác và cũng dễ được chấp nhận' Anh nói thêm rằng: 'Có chuyện vui thì mọi người vỗ tay cười nói, chứ đâu có mấy ai viết, hay ghi lại. Nhưng nỗi buồn thì thường được ghi nhớ...Người nghe cũng dễ chấp nhận chuyện buồn hơn chuyện vui.' " (1)
Vẫn theo Trường Kỳ thì:
"Tuy vậy, Nguyên Bích lại nhìn cuộc đời với cái nhìn rất lạc quan, mặc dù anh vẫn cho anh còn kém cỏi và, chỉ làm được những gì người khác làm được; mà chưa đủ tài để làm tất cả mọi chuyện." (2)
Như đã nói, khiêm tốn là bản chất của Nguyên Bích, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều ca khúc của Nguyên Bích đã trở thành phổ thông, được nhiều người yêu thích. Như ca khúc "Hãy Bảo Tôi," "Xin Rửa Tội Tôi," do Tuấn Ngọc trình bày. "Hiến Chương Yêu" được trung tâm Diễm Xưa đưa vào video, với giọng ca Đinh Ngọc…
Chưa kể cuối năm 1999, Trung Tâm Diễm Xưa còn đứng ra thực hiện nguyên một Album, gồm 10 ca khúc của Nguyên Bích, do những giọng ca tên tuổi như Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Thanh Hà, La Sương Sương…trình bày.
Dù bản chất lặng lẽ, tính khiêm tốn, luôn giữ một khoảng cách đủ xa, với đám đông, trong đời thường, nhưng dòng nhạc của Nguyên Bích đã rất sớm “phản bội” của người tạo ra chúng, để tự thân đi tới những chân trời nắng, gió khác. Những chân trời nắng, gió vượt ngoài lằn biên thành phố Houston. Thậm chí, một số ca khúc của Nguyên Bích, còn “vượt biên” ngược về quê nhà. Điển hình, như ca khúc “Hiến chương yêu” ông viết đầu thập niên (19)90, ở xứ người.
Theo tôi, có thể trầm mặc của Nguyên Bích, là trầm mặc, tĩnh lặng của một dòng sông mà, những cuồng lưu tình cảm, tàng ẩn đáy sâu. Như ca từ của ca khúc “Tâm sự với dòng sông,” ông viết:
“Đời
hiu quạnh lặng trôi đi
“Ta đã xa nhau rất ngỡ
ngàng
“Tim xót xa ôi đã muộn màng
“Như dòng sông
nhỏ nước đã trôi xa…”
Hoặc nhức-nhối-khẩn-khoản, qua ca khúc “Hãy bảo tôi”:
“Nói
bằng mắt, bằng môi tình còn ngờ.
“Dẫu bằng xương,
bằng thịt vẫn chưa vừa
“Với
trăm kiếp, nghìn năm còn vẫn thiếu
“Nói bằng gì?
Em bảo hộ tôi đi!
“Ngực chôn cất nỗi niềm sâu
góc trái
“Ai không đau khi máu đã quên về?
“Em
hãy chỉ giùm tôi
“Em hãy chỉ giùm tôi dăm cửa
ngục
“Để tôi vào chuộc lại trái tim đau…”
(3)
Nhưng, trầm mặc của một Nguyên Bích, nhạc sĩ, có là bản chất và, tính khiêm tốn, luôn giữ một khoảng cách đủ xa chăng nữa, thì những giai điệu của ông, cách gì, cũng đã thay ông, sống phần đời khác. Phần đời vốn ẩn tàng, sôi sục đáy sâu nhậy cảm, nhiều bi lụy của tâm hồn ông vậy.
Chú thích:
(1)
“Tuyển
tập nghệ sĩ”
5 của Trường Kỳ XB năm 2001.
(2)
Bđd.
(3)
Thơ Du Tử Lê, Nguyên Bích soạn thành ca khúc.