Bước vào cõi - giới văn xuôi rất sớm, tự quê nhà, trước tháng 4-1975, truyện ngắn Lê Lạc Giao hiện ra như một thứ nắng, gió khác.
Nhà văn Lê Lạc Giao
Nếu văn chương của những người trẻ cùng thời với Lê Lạc Giao, là thế giới còn thơm mùi mực tím, giữa một thổ ngơi chấp chới lá me, thơm thảo ô mai, rộn rã tiếng guốc học trò - - Thì, Lê Lạc Giao đã một mình, tách ra, để bước vào (đem đến cho người đọc) một thời tiết khác.
Tôi muốn nói, đó là một thứ thời tiết oi nồng băn khoăn. Nhức nhói tâm thức.
Tôi muốn nói, đó là thứ thời tiết dự báo những cơn dông, mang tên truy nã. Soi tìm bản ngã.
Tôi muốn nói, đó là thứ thời tiết ẩm ướt thất lạc. Lạnh buốt bơ vơ. Bập bềnh nỗi buồn mang tên thân phận. Ngổn ngang những chất vấn nhân sinh…
Dù tất cả, tự thân, chưa tỏ, rõ chân dung!
Nhưng, với tôi, nỗ lực tách, thoát của Lê Lạc Giao, cho thấy ngay khi còn rất trẻ, họ Lê đã sớm có cho mình, cái tâm - thái văn chương nghiêm chỉnh.
Nghiêm chỉnh ở đây, hiểu theo nghĩa cây bút trẻ này, bước vào văn xuôi hay thi ca, không như một đua đòi.
Ngay tự khởi đầu, Lê Lạc Giao đã nói không với a dua. Thời thượng.
Ngay tự khởi đầu, Lê Lạc Giao đã nói không với lá me. Mực tím…
Tôi hiểu, để giữ được phong cách đó, Lê Lạc Giao không chỉ lạc lõng giữa cuộc đời mà, còn lạc lõng giữa đám đông chung quanh, nữa.
Tuy nhiên, ở mặt khác, cô độc của Lê Lạc Giao lại biểu thị độ cao của lòng tự tin và, tính trân trọng với văn chương. Một biểu thị hiếm, quý nơi những cây bút trẻ, ở điểm xuất phát.
*
Tôi không biết những năm tháng tù tội, đọa đầy nơi đáy cùng địa ngục bất lương thời thế, lầm than lịch sử, khi miền nam thất thần bị nhận chìm trong cơn hồng thủy tháng 4 - 1975… để lại thân, tâm Lê Lạc Giao những hậu địa chấn nào? Nhưng, trong ghi nhận của riêng tôi thì, khi cầm bút trở lại - qua tuyển tập truyện ngắn “Một thời điêu linh”, tự thân chúng, đã hiển lộ chân dung! Chân dung văn xuôi. Chân-dung- truyện-ngắn-Lê-Lạc- Giao.
Tôi thấy, tôi cần phải nói ngay rằng, tôi thích lắm cái phong thái điềm tĩnh của họ Lê, trong truyện “Nụ cười buồn mùa hè” và, “Bên này ước vọng”.
Tôi hằng nghĩ, một trong những thước đo chuẩn xác về tài năng một nhà văn, ở lãnh vực truyện kể là, tính điềm tĩnh.
Vẫn theo tôi, nhà văn chỉ làm chủ được ngòi bút (những xung động) của mình, khi y có được cái phong thái điềm tĩnh. Để không bị lôi tuột, cuốn trôi theo cường lực thủy triều của những đột biến tình cảm lúc sáng tác.
Nếu cần phải cho điềm tĩnh một tên gọi thì, tôi muốn gọi đó là những khoảng lặng, cần thiết. (Như những dấu lặng trong âm nhạc).
Chúng cho nhà văn cơ hội nhìn ra, ghi xuống nhiều chi tiết. Những chi tiết giúp Truyện có được sự giầu có. Thậm chí, chiều sâu.
Đọc truyện ngắn Lê Lạc Giao hôm nay, tôi lại trộm nghĩ, có dễ cũng từ phong thái điềm tĩnh kia mà, Lê Lạc Giao đã làm mới được những mô tả, trong cõi-giới truyện ngắn của mình. Thí dụ:
“An cười trong ánh nắng như chim oanh gặp bạn, tiếng cười trong treo và vang rất xa. Tiếng cười của nàng làm vỡ vụn vạt nắng trên tàng cây, biến thành hàng vạn mảnh thủy tinh li ti vàng óng lung linh trong tàng khuynh diệp rớt chầm chậm xuống bờ mi mắt đang ngủ của Thăng (…) Cái chấm trắng mỏng manh hiện dần trên đường như một nốt nhạc khuấy động mảng màu sắc nặng nề ủ rũ ấy…” (Trích “Nụ cười buồn mùa hè”.)
Hoặc:
“Khuôn mặt ông không hề diễn tả tình cảm. Nó chỉ là chiếc mặt nạ bằng sáp và ông Tiến chỉ mở miệng để ăn, để đưa bao nhiêu món ngon vật lạ từ những buổi tiệc, cúng giỗ trong làng vào túi cơm là cái bao tử để từ đó nó xay, nghiền qua bao nhiêu quy trình chế biến cuối cùng biến thành máu thịt nuôi sống ông, giúp ông tồn tại trên cõi đời ô trọc và khó hiểu này…” (Trích “Một kiếp người”.)
Hai trích đoạn kể trên, chỉ là vài thí dụ điển hình cho phong cách nhà văn của Lê Lạc Giao: Người làm chủ được ngòi bút (những xung động) của mình!
Tôi không nghĩ chúng ta còn thấy phải đòi hỏi gì thêm, nơi truyện ngắn Lê Lạc Giao, khi tác giả đã “…có được cái phong thái điềm tĩnh, để không bị lôi tuột, cuốn trôi theo cường lực thủy triều của những đột biến tình cảm lúc sáng tác…”
*
Từ góc độ thi sĩ, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, đã có những nhận định về cõi-giới tập truyện “Một thời điêu linh” như sau:
“…Với tư cách người dẫn chuyện, tác giả đã thể hiện một văn phong mềm mại, linh hoạt, có sức cuốn hút người đọc theo dõi từ đầu đến cuối truyện. Mỗi kết thúc của một truyện, đã cho tôi một cảm xúc, bồi hồi. Tôi nghĩ, đó là thành công của tác giả. Tập truyện của Lê Lạc Giao, như những vết khắc đậm nét trên bức tường không-thời-gian, trên đó, những biến cố, những nhân vật, những đột biến, những thân phận đã được hiển bày, và tôi, một người đọc, có cảm giác như đã được dự phần chia xẻ trong đó! Tôi nghĩ, đó là thành công của tác giả…” (1)
*
Qua tình bằng hữu thâm, sâu với họ Lê, nhà thơ, dịch giả Phan Tấn Hải kể:
“…Tài hoa của Lê Lạc Giao tôi đã biết từ gần nửa thế kỷ trước, khi chúng tôi cùng học ở Đại học Văn Khoa Saigon từ 1970, và rồi cuộc Tổng Động Viên đã lôi cả một thế hệ thanh niên vào cuộc chiến…
“Văn của Lê Lạc Giao bây giờ đã trầm tĩnh hơn trong khi vẫn giữ được nét sôi nổi, và đã chạm vào lòng người đọc sâu thẳm hơn trong khi vẫn hiển lộ những nét tài hoa trong bút pháp – vẫn nhận ra một Lê Lạc Giao của thời anh viết trong Tạp Chí Tự Thức và Tạp Chí Nghiên Cứu Triết Hack đầu thập niên 1970s, nhưng là một cánh chim bay cao hơn, với những tiếng kêu hướng về quê nhà vang vọng trầm thống hơn…” (3)
*
Để kết luận, tôi muốn nói, họ Lê đã mở được cửa khác, cho truyện ngắn của mình.
Du Tử Lê
(Calif. Aug. 2013)
_________
(1) Nguyễn Lương Vỵ, dutule.com. “Một thời điêu linh” do Triết Văn, California XB, tháng 7-2013. Địa chỉ liên lạc với tác giả: Email lelacgiao51@yahoo.com
(2) Nhật báo Việt Báo, California. Số ghi ngày Thứ Bảy, 24 tháng 8-2013.