Câu hỏi của Nguyệt Mai:
Kính thưa anh Đỗ Hồng Ngọc,
Hôm nay em lại có thêm những "thắc mắc" này. Mong anh, nếu được, chia sẻ với độc giả về một ngày của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Ở lứa tuổi "xưa nay hiếm" người ta thường hay nhắc đến "quỹ thời gian", ráng thu xếp và làm những việc gì mình thích hoặc muốn thực hiện cho xong. Anh có như vậy không?
Những công việc liên quan đến "nghề" và "nghiệp" mà anh đã làm / thực hiện khiến anh cảm thấy hài lòng, vinh dự.
Và những sáng tác văn chương, nghệ thuật ưng ý nhất của anh.
Cám ơn anh.
_____________________
Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Nguyệt Mai hỏi hơi nhiều đó nhé. Và càng lúc càng… khó! Tuy vậy, “dutule.com” bảo Đỗ Nghê cứ trả lời đi, ra ngoài lãnh vực “văn chương nghệ thuật” chút cũng hay!
Vậy, bắt đầu bằng “Một ngày của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc” nhé Nguyệt Mai.
Sáng thức dậy. Không cần biết mấy giờ. Trừ những ngày phải đi dạy học còn thì cứ ngủ… thẳng giấc. Ngủ cần thiết cho tuổi già lắm. À, mà già chưa nhỉ thì không biết. Vệ sinh cá nhân các thứ xong,… ngồi thiền chừng 30 phút, tựa lưng vào giường, lim dim nhìn vào vách (diện bích?) vì nhà chật quá. Chỉ theo phương pháp thiền “quán niệm hơi thở” (Anapanasati) vì đây là một phương pháp thiền có cơ sở khoa học, sinh học, đáng tin cậy nhất, dưới cái nhìn của một bác sĩ, không có chuyện thần bí, mê tín dị đoan ở đây. Mươi năm nay, ngày nào cũng vậy, đã thành một thói quen, thiếu thì thấy… thiếu! Tiếp đó là thể dục, cũng chừng 30 phút, với những động tác tự “sáng chế” riêng phù hợp với thể chất mình, sức khỏe, tuổi tác mình. Phật dạy “hãy quay về nương tựa chính mình” là vậy. Bởi nếu có thầy dạy cho thì thầy thường ép mình phải theo cách của thầy. Chỉ nên nắm lấy nguyên tắc thôi! Nhờ thiền và thể dục đều đều như vậy mà mươi năm nay không bị đau lưng, nhức mỏi như trước, làm việc dẻo dai hơn và không phải dùng nhiều thuốc. Chỉ dùng mỗi một thứ đề ổn định huyết áp sau cái vụ stroke phải mổ năm xưa.
Từ những trải nghiệm bản thân này, tôi cũng vừa cho in cuốn “Thiền và Sức khỏe” để chia sẻ kinh nghiệm cùng bè bạn gần xa, nhất là những người có tuổi hay ốm đau, phiền muộn.
Tắm rửa xong thì tự pha cho mình một ly café filtre, với yaourt thay vì sữa đặc có đường ( trừ những ngày đi dạy hoặc đi “nói chuyện sức khỏe” đâu đó thì tăng cường một gói mì gói cho đủ calo). Café-yaourt ư? Phải. Cũng tự chế ra vậy thôi, vì yaourt tốt hơn sữa đặc! Nhớ André Maurois kể, một hôm ngồi café vỉa hè Paris, đang dùng muỗng lách cách khuấy tách café sữa thì đột nhiên “ngộ” ra một điều thú vị: Thì ra cái giải Ngân hà (la Voie lactée) vĩ đại kia hình thành chỉ do ai đó tình cờ hí hoáy khuấy tách café-sữa khiến dòng sữa vỡ ra thành những dãi tinh vân xoay vần trong vũ trụ…
Lúc này tôi vẫn còn dạy chút ít ở Đại học y khoa PNT Saigon, ít thôi, lai rai thôi. Đi dạy thì có cái thú được gặp sinh viên và nhớ lại thuở đôi mươi của mình. Tôi dạy kiến thức chút chút, những điều cốt lõi thôi, còn thì dành thì giờ kể chuyện xưa nay, đông tây kim cổ cho các em nghe, để từ đó rút ra bài học về cách sống, cách học, cách hành nghề sau này… Mấy năm nay tôi cũng ít trực tiếp khám bệnh, vì đã có đứa con “nối nghiệp”. Chẳng bao lâu nữa, tôi nghĩ mình cũng sẽ như người bắn cung thiện xạ nọ không còn biết cây cung, mũi tên là cái chi chi! Trái lại, tôi thường được mời đi đây đó để “nói chuyện sức khỏe” (health talk), với các đề tài như Thở để chữa bệnh, Thiền và sức khỏe, Một nếp sống hạnh phúc, Một tuổi già hạnh phúc, Cân bằng cuộc sống, Stress trong đời sống hằng ngày v.v… Mỗi buổi đi nói chuyện như vậy, với tôi, là một cơ hội để giao lưu và học hỏi.
Sau đó rồi thì ngồi vào máy vi tính. Trả lời “meo”. Đọc chút báo mạng. Có hứng thì lọc cọc gõ chút gì đó, sai be bét cũng mặc, đợi ít lâu cho nó “hoai” đi rồi sửa dần. Có cái vi tính cũng hay. Không khổ sở như hồi máy đánh chữ! Lại tiện lợi gởi “meo”, gởi hình trong nháy mắt. Ở Việt Nam, người ta đùa: “Dân ta phải biết sử ta / Ai mà không biết thì tra Google! “…
Từ ngày về hưu rồi thì Thứ bảy và Chủ nhật mới là ngày … làm việc thưc sự! Lu bu nhất mấy ngày đó. Đi dự đám cưới đủ mệt. Thỉnh thoảng dạo cảnh chùa. Có dịp thì lang thang đây đó, lên rừng xuống biển, về quê. Tôi vẫn thường ngồi tán gẫu với bạn bè ở các quán café vắng vẻ, nơi bờ ao, bờ hồ, còn chút thiên nhiên... Nhớ lần ngồi café với Nguyễn Tường Bách ở Đức về, nói chuyện trên trời dưới đất, từ Big Bang đến Niết Bàn các thứ, lúc ra về Bách nói ai mà nghe mình nói chuyện sáng nay chắc nghĩ bọn mình điên!
Bây giờ đọc ít thôi. Mắt kém. Đọc trên mạng nhiều hơn sách báo vì có thể phóng to lên được. Lạ, từ ngày nghiền ngẫm kinh sách Phật, thấy cũng mê như đọc kiếm hiệp!
Xưa viết cho nhiều báo, nay gần như chỉ viết cho Văn hoá Phật giáo, Giác Ngộ, Từ Quang… Nhớ năm đó nhóm bạn Ý Thức ngồi café cùng Nguyễn Mộng Giác, Giác bảo viết như Đỗ Nghê mà hay đó, hỏi tại sao, đáp tại vì Đỗ Nghê viết về “sanh lão bệnh tử”... của kiếp người! Lúc đó Giác vừa mới mổ gan về thăm anh em. Nhớ Jean Paul Sartre bảo cuốn La Nausée của ông không có ý nghĩa gì trước một em bé sắp chết đói ở Châu Phi! Lúc đó ông chỉ mong có một ổ bánh mì! Cũng tại cái “nghiệp” thầy thuốc của tôi thôi! Nó thế. Tôi không có khả năng “hư cấu” nên không viết được truyện dài truyện ngắn tiểu thuyết như các bạn mình. Thơ tôi bây giờ cũng đặc quánh lại, có khi chỉ vài câu như khi viết mấy câu cho Mẹ trong ngày Vu Lan năm ngoái:
Con
cài bông hoa trắng
Dành
tặng mẹ đoá hồng
Mẹ
nhớ gài lên ngực
Ngoại
chờ bên kia sông…
Hoặc một bài cho tình xa:
Lá
chín vàng
Lá
rụng về cội
Em
chín vàng
Chắc
rụng
Về
anh…
Đại khái vậy. Không biết có phải là thơ không nữa!
Nhắc lại, giấc ngủ rất quan trọng. Phải ngủ đủ. Khoảng 7-8 tiếng một đêm ở tuổi này. Khi nào buồn ngủ thì đi ngủ, không thì thôi. Bài viết “Có một nghệ thuật ngủ” của tôi được nhiều bạn bè chia sẻ. Nhà văn Hồ Anh Thái ở Hà Nội bảo đã photocopy ra khá nhiều để gởi cho bạn bè vì lúc này nhiều người mất ngủ quá! Trên thế giới thì thuốc ngủ vẫn là thuốc bán nhiều nhất! Tuổi càng cao, càng cần ngủ, như pin điện thoại xài lâu, sạc phải càng lâu. Ăn thì rất đơn giản thôi. Có gì ăn nấy. Tôi thường tự chế biến thức ăn cho mình, theo ý mình. Càng ngày tôi càng học tốt hơn hạnh sống “độc cư”, “kham nhẫn/ tri túc”.